Nghị định 30/2002/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh người cao tuổi
Số hiệu: 30/2002/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 26/03/2002 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 14/05/2002 Số công báo: Số 21
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2002/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2002

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 30/2002/NĐ-CP NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 2002 QUY ĐỊNH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH NGƯỜI CAO TUỔI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh người cao tuổi ngày 28 tháng 4 năm 2000;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Người cao tuổi Việt Nam là công dân nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên.

2. Người cao tuổi Việt Nam định cư ở nước ngoài và người cao tuổi là người nước ngoài trong thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam cũng được áp dụng theo quy định tại Điều 13, khoản 1 Điều 14, Điều 21 và Điều 24 của Pháp lệnh người cao tuổi.

Điều 2.

1. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi là vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể, cháu ruột của người cao tuổi (cháu ruột của ông, bà nội, ngoại).

2. Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập và người cao tuổi tàn tật nặng mà gia đình thuộc diện nghèo, được Nhà nước và xã hội trợ giúp.

Điều 3. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tổ chức vận động gia đình và xã hội đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

Điều 4. Người cao tuổi có trách nhiệm nêu gương tốt trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức và chấp hành pháp luật; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phấn đấu trở thành người cao tuổi mẫu mực.

Chương 2:

PHỤNG DƯỠNG, CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

Điều 5.

1. Người có nghĩa vụ phụng dưỡng người cao tuổi có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định tại các Điều 9, Điều 10 của Pháp lệnh người cao tuổi.

2. Trường hợp người phụng dưỡng người cao tuổi ủy nhiệm cho cá nhân hoặc tổ chức dịch vụ chăm sóc người cao tuổi theo quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh người cao tuổi thì phải thoả thuận rõ nội dung, thời gian chăm sóc; chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc sức khoẻ và tiền công.

Điều 6.

1. Người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, không có nguồn thu nhập được Nhà nước trợ cấp xã hội hoặc được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội và khi chết được trợ cấp mai táng phí theo quy định tại Điều 7, Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 07/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 3 năm 2000 về chính sách cứu trợ xã hội; được khám, chữa bệnh theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 95/CP của Chính phủ ngày 28 tháng 8 năm 1994 về việc thu một phần viện phí.

2. Người cao tuổi là người tàn tật, thuộc diện hộ nghèo được xem xét hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng.

3. Người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu ruột, người thân thích để nương tựa, không có nguồn thu nhập được xem xét hưởng các chế độ trợ giúp theo quy định tại khoản 1 của Điều này.

4. Người cao tuổi từ 90 tuổi trở lên, nếu không có lương hưu và các khoản trợ cấp xã hội khác được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng từ ngân sách địa phương.

Điều 7. Người cao tuổi được miễn đóng góp cho các hoạt động xã hội, cộng đồng, trừ trường hợp người cao tuổi tự nguyện tham gia.

Điều 8. Người quản lý phương tiện giao thông và công trình văn hóa, thể dục, thể thao phải ưu tiên sắp xếp chỗ ngồi phù hợp cho người cao tuổi khi tham gia giao thông công cộng và hoạt động văn hóa, thể thao.

Điều 9. Người cao tuổi được chăm sóc sức khoẻ theo quy định của Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11 tháng 7 năm 1989.

Người cao tuổi được hưởng dịch vụ ưu tiên khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế theo Nghị định số 23/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ngày 24 tháng 01 năm 1991 về Điều lệ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng.

Người cao tuổi từ 100 tuổi trở lên được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế.

Điều 10. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi về sân bãi, dụng cụ, phương tiện theo khả năng thực tế của địa phương để người cao tuổi tham gia luyện tập thể dục, thể thao, tập thể dục dưỡng sinh, hoạt động văn hóa, phù hợp với thể lực và tâm lý của người cao tuổi.

Tuỳ theo khả năng của mình, hàng năm Uỷ ban nhân dân cấp xã có hình thức mừng thọ thiết thực cho người cao tuổi.

Chương 3:

PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA NGƯỜI CAO TUỔI TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Điều 11.

1. Nhà nước khuyến khích người cao tuổi đóng góp những kinh nghiệm, hiểu biết của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; người cao tuổi trực tiếp tổ chức các hoạt động tạo thu nhập và việc làm được Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Tuỳ theo khả năng của mình, người cao tuổi lựa chọn và tham gia các hoạt động được quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh người cao tuổi thông qua Hội người cao tuổi cơ sở và các Hội xã hội nghề nghiệp.

Điều 12. Người cao tuổi trực tiếp thành lập các cơ sở hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao, học tập nâng cao trình độ, các cơ sở dịch vụ phục vụ người cao tuổi không vì mục tiêu lợi nhuận thì được Nhà nước khuyến khích, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 13. Hội người cao tuổi ở Trung ương và ở cấp xã được lập Qũy chăm sóc người cao tuổi theo Nghị định số 177/1999/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22 tháng 12 năm 1999 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Qũy xã hội, Qũy từ thiện.

Chương 4:

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Điều 14.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác người cao tuổi; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các chế độ, chính sách đối với người cao tuổi; tổ chức và quản lý các trung tâm bảo trợ xã hội.

2. Bộ Y tế có trách nhiệm quản lý nhà nước về chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Pháp lệnh người cao tuổi và Điều 9 của Nghị định này.

3. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành các văn bản quy phạm về thiết kế, xây dựng hoặc cải tiến các công trình công cộng đáp ứng nhu cầu hoạt động của người cao tuổi và công tác chăm sóc người cao tuổi.

4. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Thể dục Thể thao hướng dẫn việc tuyên truyền, động viên và tạo điều kiện cho người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hoá, thể dục - thể thao.

5. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc thành lập, phát triển và điều hành Quỹ chăm sóc người cao tuổi; bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động của Hội người cao tuổi.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức, hướng dẫn việc giáo dục thường xuyên đối với người cao tuổi.

7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước theo quy định tại Điều 25 và Điều 29 của Pháp lệnh người cao tuổi.

Điều 15.

1. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ đối với người cao tuổi, nắm vững số lượng, chất lượng người cao tuổi và vận động nhân dân chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi.

2. Căn cứ các quy định của Pháp lệnh người cao tuổi, hàng năm Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách hỗ trợ các hoạt động thiết thực của người cao tuổi thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 17. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hoá - Thông tin, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban Thể dục Thể thao, các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 18. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)