Nghị định 112/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại
Số hiệu: 112/2010/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 01/12/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 11/12/2010 Số công báo: Từ số 717 đến số 718
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 112/2010/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2010

 

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 06/2008/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi tắt là Pháp lệnh);
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công thương,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, như sau:

1. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 4. Nguyên tắc xử phạt

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 3 Pháp lệnh và Điều 3 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh (sau đây gọi tắt là Nghị định số 128)."

2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 5. Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng

Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tình tiết tăng nặng áp dụng xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại quy định tại Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh và Điều 6 Nghị định số 128."

3. Khoản 5 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"5. Cách tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 128."

4. Khoản 6 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"6. Trường hợp quá thời hiệu quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này thì cá nhân, tổ chức vi phạm không bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 12 Pháp lệnh nếu Nghị định này có quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính đó."

5. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 7. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh và Điều 7 Nghị định số 128.

2. Cách tính thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 128."

6. Điểm b khoản 3 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính được áp dụng khi Nghị định này có quy định áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi vi phạm hành chính đó. Tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm vật, tiền, hàng hóa, công cụ, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính. Không tịch thu tang vật, phương tiện bị cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128."

7. Khoản 6 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"6. Trường hợp quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Pháp lệnh và Điều 23 Nghị định số 128 thì người có thẩm quyền xử phạt không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc diện cấm lưu hành, lưu thông và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nếu Nghị định này có quy định hình thức xử phạt bổ sung tịch thu và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính đó".

8. Khoản 2 Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại phải xử phạt đúng thẩm quyền. Việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 41 Pháp lệnh và Điều 16 Nghị định số 128."

9. Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 10. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép.

5. Các quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với hành vi vi phạm về Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động Chi nhánh, Văn phòng đại diện của doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố."

10. Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 11. Vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

3. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện hoặc hàng hóa đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc phải thu hồi, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép."

11. Điều 12 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 12. Xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kinh doanh

Đối với các vi phạm hành chính về thủ tục đăng ký kinh doanh, về trụ sở, địa điểm kinh doanh, biển hiệu của thương nhân và các vi phạm khác về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được áp dụng theo các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan".

12. Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 18. Vi phạm quy định về hàng hóa cấm kinh doanh

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh có giá trị đến 5.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

9. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này đối với một trong những trường hợp sau đây:

a) Hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng hóa cấm kinh doanh;

b) Hàng hóa cấm kinh doanh là hóa chất độc hại, các loại thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chiếu xạ, thực phẩm biến đổi gen và các loại trang thiết bị y tế chưa được phép sử dụng tại Việt Nam.

10. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 9 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với:

a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải có hành vi vận chuyển hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh;

b) Chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi chứa chấp, cất giấu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh;

c) Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa có hành vi giao nhận hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.

11. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em và văn hóa phẩm độc hại đối với vi phạm quy định tại Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định;

b) Tịch thu hàng hóa cấm kinh doanh đối với vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp đã áp dụng quy định tại điểm a khoản 11 Điều này.

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để sản xuất, gia công, chế biến, chế tác, tái chế, phân loại, lắp ráp, sang chiết, nạp, đóng gói hàng hóa cấm kinh doanh đối với trường hợp vi phạm quy định tại điểm a khoản 9 Điều này;

d) Tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa cấm kinh doanh đối với vi phạm quy định tại điểm a và điểm c khoản 10 Điều này nếu hành vi vi phạm là cố ý thuộc một trong các trường hợp: hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng cấm; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128."

13. Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 22. Xử phạt hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị đến 5.000.000 đồng.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

8. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 100.000.000 đồng trở lên.

9. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này đối với một trong những trường hợp sau đây:

a) Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu;

b) Cá nhân, tổ chức vi phạm là người trực tiếp nhập lậu hàng hóa đó.

10. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm là người trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử phạt hành chính theo mức tiền phạt quy định tại khoản 8 và khoản 9 Điều này.

11. Các mức phạt tiền quy định từ khoản 1 đến khoản 10 Điều này cũng được áp dụng xử phạt đối với:

a) Chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tả có hành vi cố ý vận chuyển hàng hóa nhập lậu;

b) Chủ kho tàng, bến, bãi, nhà ở có hành vi cố ý chứa chấp, cất giấu hàng hóa nhập lậu;

c) Cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ giao nhận hàng hóa có hành vi cố ý giao nhận hàng hóa nhập lậu.

12. Trường hợp hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh thì xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định này; hàng hóa nhập lậu là rượu và thuốc lá thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với rượu và thuốc lá nhập lậu.

13. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng, môi trường, đồ chơi có hại cho giáo dục nhân cách và sức khỏe trẻ em, văn hóa phẩm độc hại đối với vi phạm quy định tại Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định;

b) Tịch thu hàng hóa nhập lậu đối với vi phạm quy định tại Điều này, trừ trường hợp đã áp dụng biện pháp quy định tại điểm a khoản 13 Điều này;

c) Tịch thu phương tiện vận chuyển hàng hóa nhập lậu đối với vi phạm tại quy định điểm a và điểm c khoản 11 Điều này nếu thuộc một trong các trường hợp: hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên; vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; sử dụng biển kiểm soát không phải của phương tiện vận chuyển đó hoặc biển kiểm soát phương tiện không phải do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; phương tiện bị hoán cải để vận chuyển hàng lậu; có hành vi trốn tránh hoặc cản trở người thi hành công vụ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh và khoản 2 Điều 12 Nghị định số 128."

14. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 23. Vi phạm quy định về nhãn hàng hóa

1. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được hoặc không đọc được hết các nội dung trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ngôn ngữ sử dụng và đơn vị đo lường thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng.

2. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng;

3. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa trên nhãn có hình ảnh, hình vẽ, chữ viết, dấu hiệu, biểu tượng, huy chương, giải thưởng và các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; kinh doanh hàng hóa có nhãn (kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ của hàng hóa nhập khẩu) bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng;

4. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa nhập khẩu không có nhãn gốc hoặc có nhãn gốc nhưng bị đánh tráo thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị đến 5.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng;

h) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100.000.000 đồng;

5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 4 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm về nhãn hàng hóa là của hàng lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi, xi măng, thép xây dựng, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô;

b) Vi phạm về nhãn hàng hóa là của cá nhân, tổ chức sản xuất, gia công, chế biến, pha trộn, chế tác, tái chế, sang chiết, nạp, đóng gói, lắp ráp, nhập khẩu hàng hóa.

6. Đối với các hành vi gian lận về thời hạn sử dụng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa thì xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 26 Nghị định này.

7. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định này thì xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường đối với vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thương nhân có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa thực hiện biện pháp khắc phục vi phạm về nhãn hàng hóa đối với vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc tiêu hủy hàng hóa không đảm bảo an toàn sử dụng cho người, vật nuôi, cây trồng, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định."

15. Điều 24 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 24. Xử phạt hành vi kinh doanh hàng giả

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng giả có giá trị đến 1.000.000 đồng;

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

6. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ trên 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

8. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức sản xuất, chế biến, pha trộn, gia công, lắp ráp, tái chế, chế tác, phân loại, sang chiết, nạp, đóng gói, nhập khẩu hàng giả;

b) Hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi nếu không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

9. Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo quy định tại điểm c khoản 8 Điều 3 Nghị định này thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

10. Hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng, không đảm bảo an toàn sử dụng, gây hại tới sản xuất, sức khỏe người, vật nuôi, cây trồng, môi sinh, môi trường đối với vi phạm quy định tại Điều này. Trường hợp không thể áp dụng được biện pháp buộc tiêu hủy hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc tiêu hủy thì tịch thu để tiêu hủy theo quy định;

b) Buộc loại bỏ yếu tố giả mạo trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa đối với vi phạm quy định tại Điều này nếu không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp quy định tại điểm a khoản 10 Điều này. Trường hợp không thể loại bỏ được yếu tố giả mạo trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa hoặc cá nhân, tổ chức vi phạm không thực hiện việc loại bỏ thì tịch thu để xử lý theo quy định;

c) Tịch thu tang vật và phương tiện được sử dụng để làm hàng giả đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều này."

16. Điểm d khoản 1 Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"d) Không tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại đã đăng ký hoặc thay đổi, bổ sung nội dung đã đăng ký khi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn quy định hoặc chưa được sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thay đổi, bổ sung nội dung đã đăng ký."

17. Điểm g khoản 2 Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"g) Trưng bày tại hội chợ, triển lãm hàng hóa không có nhãn hàng hóa hoặc có nhãn hàng hóa không đúng quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất;"

18. Điều 61 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 61. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 42 Pháp lệnh và Điều 15 Nghị định số 128.

2. Việc ủy quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Điều 41 Pháp lệnh và Điều 16 Nghị định số 128."

19. Khoản 1 Điều 62 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"1. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của Pháp lệnh và Nghị định số 128."

20. Điều 63 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 63. Xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt

Việc xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 128."

21. Điều 64 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 64. Áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính

1. Để ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, những người có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 43 Pháp lệnh.

2. Thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thực hiện theo quy định tại Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49 Pháp lệnh và Điều 17 Nghị định số 128".

22. Điều 65 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 65. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo

Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo."

23. Điều 68 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Điều 68. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công thương có trách nhiệm quy định chi tiết và tổ chức thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Công thương quy định cụ thể các mẫu biên bản, quyết định sử dụng thống nhất trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Quản lý thị trường các cấp trong các lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này."

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

2. Bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; bãi bỏ các Điều 23, Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 54/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Hành vi vi phạm hành chính được thực hiện và lập biên bản vi phạm hành chính trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì việc xử phạt được áp dụng theo các quy định có liên quan tại các Nghị định của Chính phủ số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại và số 54/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2009 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

2. Hành vi vi phạm hành chính đã lập biên bản vi phạm hành chính trong thời gian Nghị định này chưa có hiệu lực, nhưng tại thời điểm xử phạt Nghị định này đã có hiệu lực thì việc xử phạt áp dụng theo quy định của Nghị định này nếu Nghị định này không quy định bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc quy định hình thức xử phạt và mức phạt nhẹ hơn.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTTH (5b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng