Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng
Số hiệu: | 10/2010/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 12/02/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 27/02/2010 | Số công báo: | Từ số 105 đến số 106 |
Lĩnh vực: | Ngân hàng, tiền tệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 10/2010/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2010 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17 tháng 6 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
NGHỊ ĐỊNH:
1. Nghị định này quy định về hoạt động thông tin tín dụng; quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan.
2. Hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
1. Công ty thông tin tín dụng.
2. Tổ chức cấp tín dụng.
3. Khách hàng vay.
4. Tổ chức và cá nhân liên quan.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Thông tin tín dụng là các dữ liệu, số liệu, dữ kiện và tin tức liên quan của khách hàng vay tại tổ chức cấp tín dụng.
2. Khách hàng vay là doanh nghiệp vừa và nhỏ theo quy định của pháp luật, cá nhân, hộ gia đình có quan hệ vay vốn hoặc có nhu cầu vay vốn, chiết khấu có kỳ hạn giấy tờ có giá, thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác tại tổ chức tín dụng hoặc có quan hệ với tổ chức khác trong giao dịch thuê tài sản, mua hàng trả góp, trả chậm và các giao dịch khác có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê và biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
3. Tổ chức cấp tín dụng là tổ chức tín dụng hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng; tổ chức khác có cung cấp dịch vụ cho thuê tài sản, mua hàng trả góp, trả chậm và các dịch vụ khác có điều kiện về lãi suất, thời hạn, tiền thuê và biện pháp bảo đảm nghĩa vụ trả nợ.
4. Hoạt động thông tin tín dụng là việc thu thập, xử lý, lưu giữ thông tin tín dụng và cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng của Công ty thông tin tín dụng.
5. Sản phẩm thông tin tín dụng là các báo cáo thông tin, ấn phẩm được Công ty thông tin tín dụng tạo ra trên cơ sở thông tin tín dụng thu thập được để cung cấp cho các tổ chức cấp tín dụng, các tổ chức khác và cá nhân.
6. Công ty thông tin tín dụng là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp và hoạt động tuân thủ các quy định tại Nghị định này; khi đặt tên doanh nghiệp, bắt buộc phải có cụm từ “thông tin tín dụng”.
Điều 4. Mục đích của hoạt động thông tin tín dụng
1. Chia sẻ thông tin giữa các tổ chức cấp tín dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
2. Hỗ trợ tổ chức cấp tín dụng mở rộng và phát triển hoạt động tín dụng.
3. Hỗ trợ khách hàng vay trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các tổ chức cấp tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 5. Nguyên tắc hoạt động thông tin tín dụng
1. Tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật.
2. Đảm bảo tính trung thực, khách quan trong hoạt động thông tin tín dụng.
3. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích của các tổ chức và cá nhân trong việc cung cấp thông tin tín dụng, khai thác sản phẩm thông tin tín dụng.
Điều 6. Các hành vi bị cấm trong hoạt động thông tin tín dụng
1. Thu thập, cung cấp, sử dụng trái phép các thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
2. Cố ý làm sai lệch nội dung thông tin tín dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Trao đổi thông tin tín dụng cho tổ chức, cá nhân khác không liên quan, sai đối tượng, bất hợp pháp.
4. Lợi dụng các hoạt động thông tin tín dụng để tư lợi cá nhân, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
5. Cản trở hoạt động thu thập và khai thác thông tin tín dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
6. Sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng cung cấp cho các đối tượng không được quy định tại Điều 14 Nghị định này.
Điều 7. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng
1. Có đủ cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin, đảm bảo yêu cầu hoạt động.
2. Có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng.
3. Có đội ngũ quản lý là những người có trình độ chuyên môn về tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.
4. Có phương án kinh doanh khả thi và không được kinh doanh ngành nghề nào khác ngoài nội dung hoạt động thông tin tín dụng quy định tại Nghị định này.
6. Có văn bản thỏa thuận về quy trình thu thập, xử lý, lưu giữ và cung cấp thông tin tín dụng giữa Công ty thông tin tín dụng với các tổ chức cấp tín dụng đã cam kết.
Điều 8. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng
a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
c) Tài liệu chứng minh các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này.
2. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng.
Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng cho Công ty thông tin tín dụng. Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải trả lời bằng văn bản cho Công ty thông tin tín dụng và nêu rõ lý do.
Điều 9. Thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng
1. Công ty thông tin tín dụng bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng trong các trường hợp sau:
a) Không đảm bảo duy trì các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này;
b) Vi phạm một trong những hành vi bị cấm quy định tại Điều 6 Nghị định này;
c) Quá 24 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng nhưng không thực hiện hoạt động thông tin tín dụng.
2. Công ty thông tin tín dụng bị thu hồi tạm thời 06 tháng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng nếu vi phạm lần đầu khoản 1 Điều này. Khi bị thu hồi tạm thời Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng, Công ty thông tin tín dụng phải ngừng ngay hoạt động thông tin tín dụng và khắc phục những vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không được phép gia hạn thời hạn thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng. Trong thời hạn thu hồi tạm thời, nếu Công ty thông tin tín dụng khắc phục được các vi phạm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét và cấp lại Giấy chứng nhận cho Công ty thông tin tín dụng.
3. Nếu hết thời hạn bị thu hồi tạm thời, Công ty thông tin tín dụng chưa khắc phục xong vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 của Nghị định này thì bị thu hồi vĩnh viễn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng.
Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thu hồi vĩnh viễn Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng, Công ty thông tin tín dụng phải chấm dứt ngay hoạt động thông tin tín dụng và làm thủ tục giải thể trong vòng 06 tháng, kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra quyết định.
4. Trường hợp Công ty thông tin tín dụng bị giải thể, thông tin tín dụng đang lưu giữ tại Công ty thông tin tín dụng cũng được coi là tài sản và xử lý như sau:
a) Chuyển nhượng cho Công ty thông tin tín dụng khác, nhưng phải được sự đồng ý của các tổ chức cấp tín dụng đã cung cấp thông tin tín dụng;
b) Nếu không chuyển nhượng, Công ty thông tin tín dụng có thể chuyển giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc tự tổ chức tiêu hủy dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 10. Quyền và nghĩa vụ của Công ty thông tin tín dụng
1. Quyền của Công ty thông tin tín dụng
a) Ký kết hợp đồng với các tổ chức và cá nhân về thu thập và cung cấp thông tin tín dụng theo quy định của pháp luật;
b) Trao đổi thông tin tín dụng với các Công ty thông tin tín dụng khác;
c) Được thu tiền dịch vụ cung cấp các sản phẩm thông tin tín dụng;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nghĩa vụ của Công ty thông tin tín dụng
a) Đảm bảo các mục đích, nguyên tắc, nội dung của hoạt động thông tin tín dụng;
b) Đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 7 Nghị định này trong suốt quá trình hoạt động;
c) Báo cáo hoạt động thông tin tín dụng theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
d) Thực hiện đúng và đầy đủ hợp đồng dịch vụ thông tin tín dụng đã ký kết;
đ) Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong tiếp cận thông tin tín dụng;
e) Không vi phạm những hành vi bị cấm quy định tại Điều 6 Nghị định này;
g) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Thu thập thông tin tín dụng
1. Thông tin tín dụng được thu thập bao gồm:
a) Thông tin định danh của khách hàng vay và những người có quan hệ với khách hàng vay (nếu có), gồm: bố đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con;
b) Thông tin về lịch sử cấp tín dụng, thuê tài sản, mua hàng trả góp, trả chậm và các giao dịch khác có điều kiện về lãi suất, thời hạn phải trả, tiền thuê;
c) Thông tin về lịch sử trả nợ, số tiền đã đến hạn hoặc chưa đến hạn, thời hạn phải trả, hạn mức tín dụng của khách hàng vay;
d) Thông tin về bảo đảm nghĩa vụ trả nợ của khách hàng vay;
đ) Các thông tin khác liên quan nhưng phải bảo đảm không vi phạm quyền của khách hàng vay, không bao gồm những thông tin về tài khoản tiền gửi và thông tin thuộc phạm vi, danh mục bí mật của Nhà nước.
2. Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tổ chức cấp tín dụng chỉ được phép cung cấp cho Công ty thông tin tín dụng những thông tin tại khoản 1 Điều này khi đã có sự thỏa thuận với khách hàng vay. Những thông tin tín dụng chưa có sự thỏa thuận với khách hàng vay phát sinh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành không bị ràng buộc bởi quy định này.
Điều 12. Xử lý thông tin tín dụng
1. Quá trình kiểm tra, phân loại, cập nhật thông tin tín dụng phải đảm bảo không làm sai lệch tính chất, nội dung thông tin tín dụng thu thập.
2. Trên cơ sở nguồn thông tin tín dụng thu thập và lưu giữ, Công ty thông tin tín dụng tiến hành phân tích, đánh giá, tổng hợp thông tin để tạo lập các sản phẩm thông tin tín dụng.
3. Công ty thông tin tín dụng chỉ được phép sử dụng thông tin tín dụng của khách hàng vay tối đa 05 năm gần nhất để tạo lập sản phẩm thông tin tín dụng.
Điều 13. Lưu giữ thông tin tín dụng
1. Thông tin tín dụng phải được lưu giữ an toàn, bảo mật, phòng tránh được những sự cố, thảm họa có thể xảy ra và ngăn chặn sự xâm nhập, truy cập bất hợp pháp từ bên ngoài.
2. Thông tin tín dụng về khách hàng vay được lưu giữ tối thiểu trong 05 năm kể từ ngày Công ty thông tin tín dụng tiếp nhận được.
Điều 14. Cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng
Công ty thông tin tín dụng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng cho các đối tượng sau:
1. Tổ chức cấp tín dụng có cung cấp thông tin cho Công ty thông tin tín dụng để xem xét cấp tín dụng cho khách hàng vay, kiểm soát các khoản tín dụng, thu hồi nợ và mục đích khác được pháp luật cho phép.
2. Khách hàng vay để kiểm tra thông tin về bản thân tại kho dữ liệu của Công ty thông tin tín dụng hoặc làm tài liệu bổ sung cho việc xin cấp tín dụng.
3. Công ty thông tin tín dụng khác để phục vụ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
4. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG TY THÔNG TIN TÍN DỤNG
1. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin tín dụng cho Công ty thông tin tín dụng theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.
2. Thông báo cho khách hàng vay biết về việc ký kết hợp đồng với Công ty thông tin tín dụng những nội dung thông tin cung cấp.
3. Khai thác sản phẩm thông tin tín dụng từ Công ty thông tin tín dụng theo đúng quy định tại Điều 14 Nghị định này.
4. Phối hợp với Công ty thông tin tín dụng phát hiện, xử lý sai sót thông tin tín dụng đã thu thập, lưu giữ và cung cấp; giải quyết khiếu nại về thông tin tín dụng của khách hàng vay.
5. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của khách hàng vay
1. Khách hàng vay được Công ty thông tin tín dụng cung cấp miễn phí tối thiểu 01 lần trong một năm về thông tin tín dụng của bản thân nếu có yêu cầu.
2. Khách hàng vay có quyền yêu cầu Công ty thông tin tín dụng xem xét, điều chỉnh nội dung thông tin tín dụng của bản thân nếu phát hiện sai sót.
3. Khách hàng vay có quyền khiếu nại khi phát hiện thông tin tín dụng của mình có sai sót theo quy định tại Điều 19 Nghị định này nhưng không được lợi dụng để khiếu nại sai sự thật gây tổn hại cho tổ chức cấp tín dụng và Công ty thông tin tín dụng.
4. Trong quá trình xử lý khiếu nại, khách hàng vay có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, trung thực thông tin tín dụng cho tổ chức cấp tín dụng hoặc Công ty thông tin tín dụng.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TÍN DỤNG
Điều 17. Thẩm quyền quản lý nhà nước về hoạt động thông tin tín dụng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thông tin tín dụng trong phạm vi cả nước.
Điều 18. Nội dung quản lý nhà nước về hoạt động thông tin tín dụng
1. Soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động thông tin tín dụng.
2. Cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng của Công ty thông tin tín dụng.
3. Thanh tra hoạt động của Công ty thông tin tín dụng.
4. Định hướng cho các Công ty thông tin tín dụng trong việc xây dựng chiến lược phát triển hệ thống thông tin tín dụng đồng bộ và hiện đại.
GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, XỬ LÝ VI PHẠM
1. Khi phát hiện thông tin tín dụng có sai sót, khách hàng vay gửi khiếu nại bằng văn bản kèm các tài liệu liên quan đến Công ty thông tin tín dụng đề nghị chỉnh sửa sai sót. Nếu tổ chức cấp tín dụng đã có quyết định cấp hay không cấp tín dụng trên cơ sở thông tin tín dụng có sai sót bất lợi cho khách hàng vay, khách hàng vay có thể yêu cầu Công ty thông tin tín dụng thông báo sai sót đó với bên nhận thông tin tín dụng. Tổ chức cấp tín dụng khi nhận được thông báo đính chính sai sót của Công ty thông tin tín dụng phải xem xét lại quyết định ban đầu và thông báo lại quyết định mới cho khách hàng vay biết.
2. Khi nhận được khiếu nại của khách hàng vay theo khoản 1 Điều này, Công ty thông tin tín dụng phải kiểm tra trên hệ thống của mình và trả lời khiếu nại trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu sai sót phát sinh do quá trình xử lý thông tin của Công ty thông tin tín dụng thì Công ty thông tin tín dụng phải thực hiện ngay yêu cầu đính chính của khách hàng vay. Trả lời khiếu nại của Công ty thông tin tín dụng có thể được gửi qua đường bưu điện hoặc thông qua các phương tiện điện tử.
3. Nếu Công ty thông tin tín dụng xác định sai sót trong thông tin tín dụng phát sinh từ thông tin thu thập tại tổ chức cấp tín dụng, Công ty thông tin tín dụng phải trả lời khiếu nại bằng cách nêu rõ nguồn phát sinh sai sót trong thời hạn nêu tại khoản 2 Điều này và chủ động phối hợp với tổ chức cấp tín dụng điều chỉnh sai sót trong vòng 10 ngày làm việc.
4. Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trả lời của Công ty thông tin tín dụng, nếu không thỏa mãn với nội dung trả lời khiếu nại, khách hàng vay có quyền đề nghị Công ty thông tin tín dụng tổ chức hòa giải.
Trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải của khách hàng vay, Công ty thông tin tín dụng phải tổ chức hòa giải về những nội dung khiếu nại của khách hàng vay, thành phần tham dự gồm: Công ty thông tin tín dụng, khách hàng vay và tổ chức cấp tín dụng liên quan.
5. Nếu không thỏa mãn với kết quả hòa giải giữa các bên hoặc sau 20 ngày kể từ ngày hết thời hạn trả lời quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này mà không nhận được trả lời, khách hàng vay có thể tiến hành các thủ tục khởi kiện ra trọng tài hoặc tòa án theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Xử lý vi phạm về hoạt động thông tin tín dụng
1. Người có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin tín dụng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin tín dụng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật và Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2010.
1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
3. Trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh dịch vụ thông tin tín dụng đang hoạt động phải tiến hành hoàn thiện các điều kiện hoạt động theo quy định tại Điều 7 Nghị định này. Quá thời hạn trên, nếu doanh nghiệp không bảo đảm các điều kiện hoạt động và chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng thì doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động thông tin tín dụng và chuyển đổi ngành nghề kinh doanh phù hợp./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |