Nghị định 09/2011/NĐ-CP sửa đổi chế độ ăn và khám, chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam quy định tại điều 26 và điều 28 của Quy chế về tạm giữ, tạm giam kèm theo Nghị định 89/1998/NĐ-CP
Số hiệu: | 09/2011/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 25/01/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 07/02/2011 | Số công báo: | Từ số 87 đến số 88 |
Lĩnh vực: | Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 09/2011/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2011 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung chế độ ăn và khám, chữa bệnh đối với người bị tạm giữ, tạm giam quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Quy chế về tạm giữ, tạm giam ban hành kèm theo Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ngày 07 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ như sau:
1. Khoản 1 Điều 26 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 26.
1. Tiêu chuẩn ăn trong một tháng của một người bị tạm giữ, tạm giam được tính theo định lượng 17 kg gạo thường, 0,7 kg thịt và 0,8 kg cá, 01 kg muối, 0,5 kg đường loại trung bình, 0,75 lít nước mắm, 0,1 kg bột ngọt, 15 kg rau xanh và 15 kg củi hoặc 17 kg than. Định lượng này do Nhà nước cấp và quy ra tiền theo thời giá thị trường ở địa phương nơi trại tạm giam, nhà tạm giữ đóng.
Ngày lễ, ngày Tết (theo quy định của Nhà nước), người bị tạm giữ, tạm giam được ăn thêm nhưng tiêu chuẩn ăn (bao gồm tiêu chuẩn ăn ngày thường và mức ăn thêm) không quá 5 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường mà Nhà nước quy định cho mỗi người bị tạm giữ, tạm giam. Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để bảo đảm người bị tạm giữ, tạm giam ăn hết tiêu chuẩn.
Một tháng không quá 3 lần người bị tạm giữ, tạm giam được nhận quà và đồ dùng sinh hoạt của gia đình, thân nhân gửi đến theo quy định; lượng quà không được vượt quá 3 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường mà Nhà nước quy định cho mỗi người bị tạm giữ, tạm giam.
Người bị tạm giữ, tạm giam được ăn theo tiêu chuẩn, uống nước bảo đảm vệ sinh, được sử dụng quà của gia đình, thân nhân để ăn thêm nhưng không được quá 3 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường mà Nhà nước quy định cho mỗi người bị tạm giữ, tạm giam. Nghiêm cấm người bị tạm giữ, tạm giam dùng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích độc hại khác. Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam tổ chức tiếp nhận; kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, loại bỏ các đồ vật bị cấm và giao lại đầy đủ cho người bị tạm giữ, tạm giam; kiểm tra, phòng ngừa các hành vi chiếm đoạt đồ tiếp tế đó. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể những thứ mà gia đình thân nhân người bị tạm giữ, tạm giam được phép tiếp tế và quy định việc tổ chức bán các thứ cần thiết trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Việc sử dụng đồ tiếp tế được quy định cụ thể trong nội quy nhà tạm giữ, trại tạm giam”.
2. Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 28.
1. Người bị tạm giữ, tạm giam ốm đau được khám và điều trị tại bệnh xá của trại tạm giam hoặc cán bộ y tế của nhà tạm giữ. Chế độ ăn, cấp phát thuốc, bồi dưỡng do cán bộ y tế chỉ định theo bệnh lý. Tiền thuốc chữa bệnh tương đương 2 kg gạo/1 người/1 tháng.
Trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị bệnh nặng vượt quá khả năng điều trị của bệnh xá của trại tạm giam hoặc cán bộ y tế của nhà tạm giữ thì Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ làm các thủ tục chuyển họ đến bệnh viện của Nhà nước để điều trị. Kinh phí khám, chữa bệnh trong trường hợp này do ngân sách nhà nước cấp theo bệnh lý và theo mức độ nặng nhẹ của bệnh tật; trại tạm giam, nhà tạm giữ có trách nhiệm thanh toán với bệnh viện.
Giám thị trại tạm giam phối hợp với trung tâm y tế hoặc bệnh viện của Nhà nước gần trại tạm giam đóng xây dựng một số phòng chữa bệnh trong khu vực của trung tâm y tế hoặc bệnh viện để điều trị cho bệnh nhân là người bị tạm giữ, tạm giam. Việc xây dựng các phòng chữa bệnh nêu trên và quản lý người bị tạm giữ, tạm giam đến chữa bệnh do trại tạm giam chịu trách nhiệm. Kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo các phòng chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp.
2. Đối với người bị tạm giữ, tạm giam nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi của mình, Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ yêu cầu cơ quan đang thụ lý vụ án trưng cầu giám định pháp y. Sau khi Hội đồng giám định pháp y kết luận người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi của mình và có quyết định đưa người đó vào cơ sở chuyên khoa y tế để bắt buộc chữa bệnh của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với trại tạm giam, nhà tạm giữ đưa người bị tạm giữ, tạm giam đến cơ sở chữa bệnh được chỉ định trong Quyết định.
3. Đối với người bị tạm giữ, tạm giam nhiễm HIV/AIDS, việc chăm sóc và điều trị thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Giám thị trại tạm giam, Trưởng nhà tạm giữ phải thông báo những trường hợp bị bệnh nặng cho cơ quan thụ lý vụ án, gia đình, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị người bị tạm giữ, tạm giam.
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính quy định chế độ, kinh phí và tổ chức việc phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam”.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 03 năm 2011.
1. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn và kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Nghị định 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam Ban hành: 07/11/1998 | Cập nhật: 07/12/2012