Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân 1989
Số hiệu: 21-LCT/HĐNN8 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Võ Chí Công
Ngày ban hành: 30/06/1989 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/01/1992 Số công báo: Số 1
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 21-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1989

 

LUẬT

CỦA QUỐC HỘI SỐ 21-LCT/HĐNN8 NGÀY 30/06/1989 VỀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ NHÂN DÂN

Sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân;
Căn cứ vào Điều 47, Điều 61 và Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Luật này quy định việc bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ sức khoẻ.

1- Công dân có quyền được bảo vệ sức khoẻ, nghỉ ngơi, giải trí, rèn luyện thân thể; được bảo đảm vệ sinh trong lao động, vệ sinh dinh dưỡng, vệ sinh môi trường sống và được phục vụ về chuyên môn y tế.

2- Bảo vệ sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân. Tất cả công dân có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân để giữ gìn sức khoẻ cho mình và cho mọi người.

Điều 2. Nguyên tắc chỉ đạo công tác bảo vệ sức khoẻ.

1- Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục vệ sinh trong nhân dân; tiến hành các biện pháp dự phòng, cải tạo và làm sạch môi trường sống; bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh lao động, vệ sinh lương thực, thực phẩm và nước uống theo quy định của Hội đồng bộ trngưở.

2- Mở rộng mạng lưới nhà nghỉ, nhà điều dưỡng, cơ sở tập luyện thể dục thể thao; kết hợp lao động, học tập với nghỉ ngơi và giải trí; phát triển thể dục thể thao quần chúng để duy trì và phục hồi khả năng lao động.

3- Hoàn thiện, nâng cao chất lượng và phát triển mạng lưới phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp phát triển hệ thống y tế Nhà nước với y tế tập thể và y tế tư nhân.

4- Xây dựng nền y học Việt Nam kế thừa và phát triển nền y học, dược học cổ truyền dân tộc; kết hợp y học, dược học hiện đại với y học, dược học cổ truyền dân tộc, nghiên cứu và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật của y học thế giới vào thực tiễn Việt Nam, xây dựng các mũi nhọn khoa học y học, dược học Việt Nam.

Điều 3. Trách nhiệm của Nhà nước.

1- Nhà nước chăm lo bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân; đưa công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; quyết định những chế độ chính sách, biện pháp để bảo vệ và tăng cường sức khoẻ nhân dân.

2- Bộ y tế có trách nhiệm quản lý, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và phát triển hệ thống phòng bệnh, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, lưu thông thuốc và thiết bị y tế, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn nghiệp vụ y, dược.

3- Hội đồng nhân dân các cấp dành tỷ lệ ngân sách thích đáng cho công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân ở địa phương; thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân theo pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân của Uỷ ban nhân dân cùng cấp, của các cơ quan, các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân trong địa phương. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để bảo đảm vệ sinh ăn, ở, sinh hoạt, vệ sinh công cộng cho nhân dân trong địa phương; lãnh đạo các cơ quan y tế trực thuộc, chỉ đạo sự phối hợp giữa các ngành, các tổ chức xã hội trong địa phương để thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị vũ trang nhân dân.

Các cơ quan Nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Nhà nước, các đơn vị vũ trang nhân dân (gọi chung là các tổ chức Nhà nước), các cơ sở sản xuất, kinh doanh của tập thể và tư nhân có trách nhiệm trực tiếp chăm lo, bảo vệ, tăng cường sức khoẻ của những thành viên trong cơ quan, đơn vị mình và đóng góp tiền của, công sức theo khả năng cho công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Điều 5. Trách nhiệm của các tổ chức xã hội.

1- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Tổng hội y dược học Việt Nam, Hội y học cổ truyền dân tộc Việt Nam và các tổ chức xã hội khác động viên, giáo dục các thành viên trong tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân và tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân trong phạm vi điều lệ của tổ chức mình.

2- Hội chữ thập đỏ Việt Nam tuyên truyền, phổ biến những kiến thức y học thường thức cho hội viên và nhân dân, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp giữ gìn sức khoẻ cho bản thân và cho mọi người, hiến máu cứu người; tổ chức cứu trợ nhân dân khi có tai nạn, thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh xảy ra.

Chương 2:

VỆ SINH TRONG SINH HOẠT VÀ LAO ĐỘNG, VỆ SINH CÔNG CỘNG, PHÒNG VÀ CHỐNG DỊCH BỆNH

Điều 6. Giáo dục vệ sinh.

1- Các cơ quan y tế, văn hoá, giáo dục, thể dục thể thao, thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân kiến thức về y học và vệ sinh thường thức, vệ sinh môi trường, vệ sinh phụ nữ, vệ sinh thai nghén và nuôi dạy con.

2- Bộ giáo dục xây dựng chương trình giáo dục vệ sinh cho học sinh phổ thông, mẫu giáo, nhà trẻ, tạo thói quen giữ gìn vệ sinh chung, vệ sinh trong sinh hoạt và học tập.

Điều 7. Vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu.

1- Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân khi sản xuất, chế biến, bao bì đóng gói, bảo quản, vận chuyển lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Khi đưa các hoá chất mới, nguyên liệu mới hoặc các chất phụ gia mới vào chế biến, bảo quản lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và sản phẩm các loại bao bì đóng gói phải được phép của Sở y tế.

2- Nghiêm cấm sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu những mặt hàng lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

3- Người đang mắc bệnh truyền nhiễm không được làm những công việc có liên quan trực tiếp đến thực phẩm, các loại nước uống và rượu.

Điều 8. Vệ sinh nước và các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân.

1- Các cơ quan, xí nghiệp cấp nước phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân.

2- Nghiêm cấm các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân làm ô nhiễm các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân.

Điều 9. Vệ sinh trong sản xuất, bảo quản, vận chuyển và sử dụng hoá chất.

1- Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân khi sản xuất, bảo quản, vận chuyển, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, hoá chất kích thích sinh trưởng vật nuôi, cây trồng và các loại hoá chất khác phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, không gây nguy hại đến sức khoẻ con người.

2- Các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, đồ dùng vệ sinh cá nhân bằng hoá chất phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh.

Điều 10. Vệ sinh các chất thải trong công nghiệp và trong sinh hoạt.

1- Các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất của Nhà nước, tập thể, tư nhân phải thực hiện những biện pháp xử lý chất thải trong công nghiệp để phòng, chống ô nhiễm không khí, đất và nước theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

2- Các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân và mọi công dân không được để các chất phế thải trong sinh hoạt làm ô nhiễm môi trường sống ở các khu dân cư.

Điều 11. Vệ sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

1- Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải bảo đảm vệ sinh chung. Không được giết mổ, mua, bán, ăn thịt gia súc, gia cầm bị bệnh truyền nhiễm gây nguy hại cho sức khoẻ con người.

2- Nghiêm cấm việc thả rông chó ở thành phố, thị xã và thị trấn; chó nuôi phải được tiêm phòng theo quy định của cơ quan thú y.

Điều 12. Vệ sinh trong xây dựng.

Việc quy hoạch xây dựng và cải tạo các khu dân cư, các công trình công nghiệp và các công trình dân dụng đều phải tuân theo tiêu chuẩn vệ sinh.

Điều 13. Vệ sinh trong trường học và nhà trẻ.

1- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, ngành giáo dục và các ngành có liên quan phải từng bước bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, ánh sáng, đồ dùng giảng dạy, học tập ở trường học và nhà trẻ, không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của học sinh và giáo viên.

2- Hiệu trưởng các trường học và Chủ nhiệm các nhà trẻ phải bảo đảm thực hiện chương trình học tập rèn luyện đã được quy định; bảo đảm vệ sinh trường, lớp và nhà trẻ.

Điều 14. Vệ sinh trong lao động.

1- Các tổ chức Nhà nước, tập thể và tư nhân phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh về độ nóng, ẩm, khói, bụi, tiếng ồn, rung chuyển và về các yếu tố độc hại khác trong lao động sản xuất để bảo vệ sức khoẻ, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh.

2- Đơn vị và cá nhân sử dụng lao động phải tổ chức việc khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động và phải phải bảo đảm trang bị bảo hộ lao động cần thiết cho người lao động.

Điều 15. Vệ sinh nơi công cộng.

1- Mọi người phải có trách nhiệm thực hiện những quy định về vệ sinh nơi công cộng.

2- Cấm phóng uế, vứt rác và các chất phế thải khác trên đường phố, vườn hoa, công viên và những nơi công cộng khác.

3- Cấm hút thuốc trong phòng họp, ở rạp chiếu bóng, rạp hát và những nơi quy định khác.

Điều 16. Vệ sinh trong việc quàn, ướp, chôn, hoả táng, di chuyển thi hài, hài cốt.

1- Việc quàn, ướp, chôn, hoả táng, di chuyển thi hài, hài cốt, phải tuân theo các quy định về vệ sinh phòng dịch. Nhà nước khuyến khích việc hoả táng thi hài và hài cốt.

2- Khi di chuyển thi hài, hài cốt qua biên giới Việt Nam, phải có giấy phép theo quy định của Hội đồng bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 17. Phòng và chống các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dịch.

1- Y tế cơ sở phải tổ chức tiêm chủng các loại vắc xin phòng bệnh cho nhân dân.

2- Các tổ chức Nhà nước, tập thể, tư nhân và mọi công dân phải thực hiện các biện pháp phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn, bệnh dịch. Khi phát hiện có bệnh dịch hoặc nghi có bệnh dịch trong đơn vị, địa phương, cơ quan y tế phải báo cáo kịp thời với Uỷ ban nhân dân cùng cấp và cơ quan y tế cấp trên.

3- Uỷ ban nhân dân các cấp phải bảo đảm công tác phòng dịch, chống dịch tại địa phương.

4- Căn cứ vào tính chất nguy hiểm, mức độ lây lan của từng vụ dịch, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ y tế, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có quyền áp dụng những biện pháp đặc biệt để nhanh chóng dập tắt dịch.

Điều 18. Kiểm dịch.

1- Động vật, thực vật, phương tiện vận chuyển hàng hoá ra vào biên giới và quá cảnh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều phải được kiểm dịch.

2- Động vật, thực vật, phương tiện vận chuyển, hàng hoá và bưu phẩm từ vùng có dịch chuyển ra vùng không có dịch đều phải được kiểm dịch tại các đầu mối giao thông và bưu điện.

Chương 3:

THỂ DỤC THỂ THAO, ĐIỀU DƯỠNG VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG

Điều 19. Tổ chức hoạt động thể dục thể thao.

1- Các ngành, các cấp, các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân có trách nhiệm tạo điều kiện cần thiết và tổ chức, động viên mọi người tham gia hoạt động thể dục thể thao.

2- Tổng cục thể dục thể thao phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu, phố biến các phương pháp tập luyện, các môn tập, bài tập thể dục thể thao phù hợp với thể lực, lứa tuổi, ngành nghề, hướng dẫn chữa bệnh bằng thể dục; xây dựng và phát triển y học thể dục thể thao; đào tạo cán bộ, hướng dẫn viên, huấn luyện viên và giáo viên thể dục thể thao.

3- Nghiêm cấm các hành vi thô bạo trong tập luyện và thi đấu thể dục thể thao.

Điều 20. Tổ chức nghỉ ngơi và điều dưỡng.

1- Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các ngành, các cấp, các tổ chức Nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức tập thể có trách nhiệm mở rộng các cơ sở điều dưỡng, nhà nghỉ và câu lạc bộ sức khoẻ.

2- Các tổ chức và tư nhân sử dụng lao động phải tạo điều kiện cho người lao động được điều dưỡng và nghỉ ngơi.

Điều 21. Phục hồi chức năng.

1- Bộ y tế, Bộ lao động - thương binh và xã hội phải xây dựng và bảo đảm điều kiện cần thiết cho các cơ sở phục hồi chức năng hoạt động.

2- Ngành y tế, ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các ngành liên quan, các tổ chức xã hội mở rộng hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để phòng ngừa và hạn chế hậu quả tàn tật; áp dụng kỹ thuật thích hợp để đưa người tàn tật có khả năng trở lại cuộc sống bình thường.

Điều 22. Điều dưỡng, phục hồi sức khoẻ bằng yếu tố thiên nhiên.

Nguồn nước khoáng, mỏ bùn thuốc, khu vực bãi biển, vùng khí hậu và các yếu tố thiên nhiên khác có tác dụng dược lý đặc biệt phải được sử dụng vào việc điều dưỡng và phục hồi sức khoẻ.

Hội đồng bộ trưởng quy định việc xác định, xếp hạng, quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ các yếu tố thiên nhiên quy định tại Điều này.

Chương 4:

KHÁM BỆNH VÀ CHỮA BỆNH

Điều 23. Quyền được khám bệnh và chữa bệnh.

1- Mọi người khi ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở nơi công dân cư trú, lao động, học tập.

Người bệnh còn được chọn thầy thuốc hoặc lương y, chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Hội đồng bộ trưởng.

2- Trong trường hợp cấp cứu, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tiếp nhận và xử trí mọi trường hợp cấp cứu.

Điều 24. Điều kiện hành nghề của thầy thuốc.

Người có bằng tốt nghiệp y khoa ở các trường đại học hoặc trung học và có giấy phép hành nghề do Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước, tập thể, tư nhân.

Điều 25. Trách nhiệm của thầy thuốc.

1- Thầy thuốc có nghĩa vụ khám bệnh chữa bệnh, kê đơn và hướng dẫn cách phòng bệnh, tự chữa bệnh cho người bệnh; phải giữ bí mật về những điều có liên quan đến bệnh tật hoặc đời tư mà mình được biết về người bệnh.

2- Thầy thuốc phải có y đức, có tinh thần trách nhiệm, tận tình cứu chữa người bệnh; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật y tế; chỉ sử dụng những phương pháp, phương tiện, dược phẩm được Bộ y tế cho phép.

3- Nghiêm cấm hành vi vô trách nhiệm trong cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người bệnh.

Điều 26. Giúp đỡ bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế.

1- Mọi tổ chức và công dân có trách nhiệm giúp đỡ, bảo vệ thầy thuốc và nhân viên y tế khi họ làm nhiệm vụ.

2- Trong trường hợp khẩn cấp để đưa người bệnh hay người bị tai nạn đến cơ sở cấp cứu, thầy thuốc, nhân viên y tế được quyền sử dụng các phương tiện vận chuyển có mặt tại chỗ. Người điều khiển phương tiện phải thực hiện yêu cầu của người thầy thuốc và nhân viên y tế.

3- Nghiêm cấm hành vi làm tổn hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của thầy thuốc và nhân viên y tế trong khi đang làm nhiệm vụ.

Điều 27. Trách nhiệm của người bệnh.

1- Người bệnh có trách nhiệm tôn trọng thầy thuốc và nhân viên y tế; chấp hành những quy định trong khám bệnh, chữa bệnh.

2- Người bệnh phải trả một phần chi phí y tế. Hội đồng bộ trưởng quy định chế độ thu chi phí y tế.

Điều 28. Chữa bệnh bằng phẵu thuật.

Thầy thuốc chỉ tiến hành phẵu thuật sau khi được sự đồng ý của người bệnh. Đối với người bệnh chưa thành niên, người bệnh đang bị hôn mê hay mắc bệnh tâm thần thì phải được sự đồng ý của thân nhân hoặc người giám hộ của người bệnh. Trong trường hợp mà thân nhân hay người giám hộ của người bệnh không đồng ý hoặc thân nhân hay người giám hộ vắng mặt, nếu không kịp thời phẵu thuật có thể nguy hại đến tính mạng người bệnh, thì thầy thuốc được quyền quyết định, nhưng phải có sự phê chuẩn của người phụ trách hay người được uỷ quyền của cơ sở y tế đó.

Điều 29. Bắt buộc chữa bệnh.

1- Các cơ sở y tế phải tiến hành các biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh tâm thần thể nặng, bệnh lao, phong đang thời kỳ lây truyền, bệnh lây truyền qua đường sinh dục, bệnh nghiện ma tuý, bệnh SIDA và một số bệnh truyền nhiễm khác có thể gây nguy hại cho xã hội.

2- Việc bắt buộc chữa bệnh tại các cơ sở y tế phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Lấy và ghép mô hoặc một bộ phận của cơ thể con người.

1- Thầy thuốc chỉ tiến hành lấy mô hoặc bộ phận của cơ thể người sống hay người chết dùng vào mục đích y tế sau khi đã được sự đồng ý của người cho, của thân nhân người chết hoặc người chết có di chúc để lại.

2- Việc ghép mô hoặc một bộ phận cho cơ thể người bệnh phải được sự đồng ý của người bệnh hoặc thân nhân hay người giám hộ của người bệnh chưa thành niên.

3- Bộ y tế quy định chế độ chăm sóc sức khoẻ người cho mô hoặc một bộ phận của cơ thể.

Điều 31. Giải phẵu tử thi.

Bệnh viện được quyền giải phẵu thi thể người chết tại bệnh viện trong trường hợp cần thiết để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Các trường đại học y khoa được dùng tử thi vô thừa nhận và tử thi của người có di chúc cho phép sử dụng vào mục đích học tập và nghiên cứu khoa học.

Điều 32

Khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam.

1- Người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và phải chấp hành những quy định pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Người nước ngoài có thể vào Việt Nam để khám bệnh, chữa bệnh.

2- Hội đồng bộ trưởng quy định chế độ khám bệnh, chữa bệnh cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 33. Giám định y khoa.

1- Hội đồng giám định y khoa xác định tình trạng sức khoẻ và khả năng lao động của người lao động theo yêu cầu của các tổ chức sử dụng lao động và người lao động.

2- Các tổ chức sử dụng lao động và các cơ quan bảo hiểm xã hội phải căn cứ vào kết luận của Hội đồng giám định y khoa để thực hiện chính sách đối với người lao động.

Chương 5:

Y HỌC, DƯỢC HỌC CỔ TRUYỀN DÂN TỘC

Điều 34. Kế thừa và phát triển nền y học, dược học cổ truyền dân tộc.

1- Bộ y tế, Hội y học cổ truyền dân tộc Việt Nam và Tổng hội y dược học Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kế thừa, phát triển nền y học, dược học cổ truyền dân tộc, kết hợp y học, dược học hiện đại với y học, dược học cổ truyền dân tộc trong mọi lĩnh vực hoạt động y tế và bảo đảm điều kiện hoạt động cho các bệnh viện, viện đầu ngành y học dân tộc.

2- Ngành y tế, Uỷ ban nhân dân các cấp phải củng cố và mở rộng mạng lưới phục vụ y tế bằng y học, dược học cổ truyền dân tộc và phát triển nuôi trồng dược liệu trong địa phương mình.

Điều 35. Điều kiện hành nghề của lương y.

Người đã tốt nghiệp ở các trường, lớp hoặc được gia truyền về y học, dược học cổ truyền dân tộc, chữa bệnh bằng các phương pháp y học cổ truyền dân tộc hoặc bằng các bài thuốc gia truyền và có giấy phép hành nghề do Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế Nhà nước, tập thể và tư nhân.

Điều 36. Trách nhiệm của lương y.

1- Lương y có nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh và hướng dẫn cách phòng bệnh, tự chữa bệnh cho người bệnh; phải có y đức, có tinh thần trách nhiệm tận tình cứu chữa người bệnh.

2- Những bài thuốc mới, phương pháp chữa bệnh mới phải được Bộ y tế hoặc Sở y tế cùng với Hội y học cổ truyền dân tộc cùng cấp kiểm tra xác nhận mới được áp dụng vào khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

3- Nghiêm cấm việc sử dụng các hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.

Điều 37. Giúp đỡ và bảo vệ lương y.

1- Nhà nước bảo đảm quyền tác giả cho lương y về việc phổ biến những bài thuốc, vị thuốc và dược liệu quý, phương pháp chữa bệnh gia truyền có hiệu quả của mình.

2- Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ lương y cũng như đối với thầy thuốc theo quy định tại Điều 26 của Luật này.

Chương 6:

THUỐC PHÒNG BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 38. Quản lý sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc.

1- Bộ y tế thống nhất quản lý sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc, tổ chức bán và cung cấp thuốc thiết yếu trong phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.

2- Các cơ sở của Nhà nước, tập thể, tư nhân được cơ quan y tế có thẩm quyền cho phép mới được sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc và chỉ được phép sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu các loại thuốc và nguyên liệu làm thuốc đã được Bộ y tế quy định.

3- Người có bằng cấp chuyên môn về dược và được Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp giấy phép mới được hành nghề dược.

4- Các loại thuốc mới phải được Bộ y tế hoặc Sở y tế kiểm tra, xác định hiệu lực phòng bệnh, chữa bệnh, bảo đảm an toàn đối với người bệnh mới được đưa vào sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 39. Quản lý thuốc độc, thuốc và chất dễ gây nghiện, gây hưng phấn, ức chế tâm thần.

1- Các loại thuốc có độc tính cao, các thuốc và chất dễ gây nghiện, gây hưng phấn, ức chế tâm thần chỉ được dùng để chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

2- Bộ y tế quy định chế độ sản xuất, lưu thông, bảo quản, sử dụng, tồn trữ cá loại thuốc và các chất quy định tại khoản 1 của Điều này.

Điều 40. Chất lượng thuốc.

1- Thuốc đưa vào lưu thông và sử dụng phải bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng Nhà nước và an toàn cho người dùng.

2- Nghiêm cấm việc sản xuất, lưu thông thuốc giả, thuốc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng Nhà nước.

Chương 7:

BẢO VỆ SỨC KHOẺ NGƯỜI CAO TUỔI, THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, NGƯỜI TÀN TẬT VÀ ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

Điều 41. Bảo vệ sức khoẻ người cao tuổi, thương binh, bệnh binh và người tàn tật.

1- Người cao tuổi, thương binh, bệnh binh và người tàn tật được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khoẻ của mình.

2- Bộ y tế, Tổng cục thể dục thể thao hướng dẫn phương pháp rèn luyện thân thể, nghỉ ngơi và giải trí để phòng, chống các bệnh người già.

Điều 42. Bảo vệ sức khoẻ đồng bào các dân tộc thiểu số.

1- Nhà nước dành ngân sách thích đáng để củng cố mở rộng mạng lưới y tế khám bệnh, chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là y tế cơ sở ở vùng cao, vùng xã xôi hẻo lánh.

2- Nhà nước có chế độ đãi ngộ thích đáng đối với cán bộ y tế công tác tại các vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh.

3- Hội đồng bộ trưởng có trách nhiệm bảo đảm đủ thuốc phòng và chữa bệnh sốt rét, bướu cổ cho các vùng quy định tại khoản 1 của Điều này.

4- Uỷ ban nhân dân các cấp, các ngành có liên quan và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền giáo dục vệ sinh, xây dựng nếp sống văn minh, văn hoá mới cho đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chương 8:

THỰC HIỆN KẾ HOẠCH HOÁ GIA ĐÌNH VÀ BẢO VỆ SỨC KHOẺ PHỤ NỮ, TRẺ EM

Điều 43. Thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

1- Mọi người có trách nhiệm thực hiện kế hoạch hoá gia đình, có quyền lựa chọn biện pháp sinh đẻ có kế hoạch theo nguyện vọng. Mỗi cặp vợ chống chỉ nên có từ một đến hai con.

2- Nhà nước có chính sách, biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cần thiết cho mọi người thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Các cơ sở chuyên khoa phụ sản của Nhà nước, tập thể và tư nhân phải thực hiện yêu cầu của mọi người về việc lựa chọn biện pháp sinh đẻ có kế hoạch theo nguyện vọng.

3- Các cơ quan y tế, văn hoá, giáo dục, thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục kiến thức về dân số và kế hoạch hoá gia đình cho nhân dân.

4- Nghiêm cấm hành vi gây trở ngại hoặc cưỡng bức trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình.

Điều 44. Quyền của phụ nữ được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa và nạo thai, phá thai.

1- Phụ nữ được quyền nạo thai, phá thai theo nguyện vọng, được khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, được theo dõi sức khoẻ trong thời kỳ thai nghén, được phục vụ y tế khi sinh con tại các cơ sở y tế.

2- Bộ y tế có trách nhiệm củng cố, phát triển mạng lưới chuyên khoa phụ sản và sơ sinh đến tận cơ sở để bảo đảm phục vụ y tế cho phụ nữ.

3- Nghiêm cấm các cơ sở y tế và cá nhân làm các thủ thuật nạo thai, phá thai, tháo vòng tránh thai nếu không có giấy phép do Bộ y tế hoặc Sở y tế cấp.

Điều 45. Sử dụng lao động nữ.

1- Các tổ chức và cá nhân sử dụng lao động nữ phải thực hiện các quy định về bảo vệ sức khoẻ cho phụ nữ, bảo đảm chế độ đối với phụ nữ có thai, sinh con, nuôi con và áp dụng các biện pháp sinh đẻ có kế hoạch.

2- Không được sử dụng lao động nữ vào những công việc nặng nhọc, độc hại. Bộ y tế, Bộ lao động - thương binh và xã hội quy định danh mục các công việc nặng nhọc, độc hại.

Điều 46. Bảo vệ sức khoẻ trẻ em.

1- Trẻ em được y tế cơ sở quản lý sức khoẻ, được tiêm chủng phòng bệnh, phòng dịch, được khám bệnh, chữa bệnh.

2- Ngành y tế có trách nhiệm phát triển, củng cố mạng lưới chăm sóc bảo vệ sức khoẻ trẻ em.

3- Cha mẹ, người nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm thực hiện những quy định về kiểm tra sức khoẻ và tiêm chủng theo kế hoạch của y tế cơ sở, chăm lo trẻ em khi đau ốm và thực hiện các quyết định của người thầy thuốc trong khám bệnh, chữa bệnh đối với trẻ em.

Điều 47. Chăm sóc trẻ em có khuyết tật.

Bộ y tế, Bộ lao động - thương binh và xã hội, Bộ giáo dục có trách nhiệm tổ chức chăm sóc và áp dụng các biện pháp phục hồi chức năng cho trẻ em có khuyết tật.

Chương 9:

THANH TRA NHÀ NƯỚC VỀ Y TẾ

Điều 48. Tổ chức và quyền hạn của thanh tra Nhà nước về y tế.

1- Thanh tra Nhà nước về y tế thuộc ngành y tế bao gồm: Thanh tra vệ sinh, thanh tra khám bệnh, chữa bệnh và thanh tra dược.

Hội đồng bộ trưởng quy định tổ chức thanh tra Nhà nước về y tế.

2- Thanh tra Nhà nước về y tế có quyền thanh tra, kiểm tra việc thực hiện những quy định của pháp luật về bảo vệ sức khoẻ nhân dân, về vệ sinh, phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh và dược; quyết định các hình thức xử phạt hành chính; ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động của những đơn vị, cá nhân vi phạm và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3- Các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân và mọi công dân nơi đang tiến hành thanh tra phải báo cáo tình hình, cung cấp tài liệu bằng văn bản những sự việc có liên quan đến nội dung thanh tra theo đúng thời hạn quy định và cử cán bộ tham gia đoàn thanh tra khi cần thiết.

Điều 49. Thanh tra vệ sinh.

Thanh tra vệ sinh thanh tra việc chấp hành pháp luật về vệ sinh của các tổ chức Nhà nước, tổ chức xã hội, tập thể, tư nhân và mọi công dân.

Điều 50. Thanh tra khám bệnh, chữa bệnh.

Thanh tra khám bệnh và chữa bệnh thanh tra việc chấp hành những quy định chuyên môn, nghiệp vụ và điều lệ kỹ thuật y tế của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Nhà nước, tập thể và tư nhân.

Điều 51. Thanh tra dược.

Thanh tra dược thanh tra việc chấp hành những quy định chuyên môn, nghiệp vụ dược trong sản xuất, lưu thông, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc của các cơ sở Nhà nước, tập thể, tư nhân.

Chương 10:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM

Điều 52. Khen thưởng.

Địa phương, đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác bảo vệ sức khoẻ nhân dân được Nhà nước khen thưởng vật chất và tinh thần.

Thầy thuốc, lương y, dược sĩ và nhân viên y tế khác có nhiều cống hiến trong sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân, có trình độ nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật giỏi, có đạo đức, được nhân dân và đồng nghiệp tín nhiệm thì được xét tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước.

Điều 53. Xử lý các vi phạm

Người nào có những hành vi sau đây thì tuỳ theo mức độ nhẹ hoặc nặng sẽ bị xứ lý kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

1- Vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, phòng và chống dịch, bệnh.

2- Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất thuốc và bán thuốc.

3- Vi phạm các quy định về vệ sinh lương thực, thực phẩm, vệ sinh lao động và các quy định khác của Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Ngoài những hình thức xử lý nói trên, người nào có hành vi vi phạm quy định tại các điểm 1, 2, 3 của Điều này nếu gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Chương 11:

ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 54. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.

Điều 55. Hội đồng bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VIII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 30 tháng 6 năm 1989.

 

 

Võ Chí Công

(Đã ký)

 

- Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm được ban hành tại Quyết định 867/1998/QĐ-BYT (VB hết hiệu lực: 18/09/2008)

Căn cứ Điều 7 Chương II Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân và Điều lệ vệ sinh ban hành kèm theo Nghị định số 23/HĐBT ngày 24/01/1997 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
...
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này " Danh mục tiêu chuẩn vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, thay thế Quyết định số 1057 BYT/QĐ của Bộ Trưởng Bộ Y tế ngày 21 tháng 11 năm 1994 về việc ban hành 7 tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và thay thế các mục 1, 2, 3, 6 và 7 trong phần thứ nhất " Những quy định vệ sinh đối với lương thực, thực phẩm " ban hành kèm theo Quyết định số 505 BYT/QĐ của Bộ trưởng Bộ Y tế ngày 13 tháng 4 năm 1992 về việc ban hành 26 tiêu chuẩn vệ sinh tạm thời.

Điều 3: Ông Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo việc triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 4: Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Y tế dự phòng, Chánh Thanh tra Bộ Y tế, Giám đốc sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế ngành chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
...
Nhóm 1: Các Chất Bảo Quản (Preservatives)
...
Nhóm 2: Các Chất Chóng Đóng Vón (Anticaking agents)
...
Nhóm 3: Các Chất Chống Oxy Hóa (Antioxydants)
...
Nhóm 4: Các Chất Chống Tạo Bọt (Antifoaming agents)
...
Nhóm 4: Các Chất Chống Tạo Bọt (Antifoaming agents)
...
Nhóm 6: Các Chất Điều Vị (Flavous enhancers)
...
Nhóm 6: Các Chất Điều Vị (Flavous enhancers)
...
Nhóm 7: Các Hương Liệu (Flavours)
...
Nhóm 8: Các Chất Làm Động Đặc Và Làm Dày (Thickeners, Gelling Agents)
...
Nhóm 9: Các Chất làm Chắc (Firming agent)
...
Nhóm 10: Các Men (Enzymes)
...
Nhóm 11: Các Chất Nhũ Hoá (Emulsifiers)
...
Nhóm 12: Các Chất ổn Định (Stabilisers)
...
Nhóm 13: Các Phẩm Màu (Colours)
...
Nhóm 14: Các Chất Tạo Phức Kim Loại Hoà Tan (Sequestrant)
...
Nhóm 15: Các Chất Tạo Ngọt (Artificical Sweeteners)
...
Nhóm 16: Các Chế Phẩm Tinh Bột (Modified starches)

Xem nội dung VB
- Hồ sơ và quy trình giám định y khoa được hướng dẫn bởi Thông tư 18/2000/TT-BYT (VB hết hiệu lực: 19/05/2010)

Căn cứ Điều 33 Chương 4 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân về giám định y khoa ngày 30/6/1989
...
Bộ Y tế hướng dẫn việc lập hồ sơ và quy trình giám định y khoa để thực hiện chế độ BHXH đối với người lao động như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Các đối tượng theo quy định tại Điều 3 Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26/1/1995; Điều 3 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với quân nhân và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ

2. Người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 152/1999/NĐ-CP ngày 20/9/1999, sau khi đã hết thời hạn làm việc ở nước ngoài trở về nước.

3. Người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội theo Quyết định số 49/1998/QĐ-TTg, ngày 28/2/1998 của Thủ tướng Chính phủ đối với vận động viên, huấn luyện viên.

4. Người bị tai nạn lao động, bị mắc bệnh nghề nghiệp chưa được giám định hoặc đã hưởng trợ cấp 1 lần, hay trợ cấp hàng tháng khi tái phát.

5. Người nghỉ việc, chờ đủ tuổi đời để hưởng lương hưu hàng tháng, khi bị suy giảm khả năng lao động.

6. Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng có nhu cầu đi giám định lại khả năng lao động.

II. HỒ SƠ VÀ QUY TRÌNH GIÁM ĐỊNH Y KHOA

1. Hồ sơ và quy trình giám định thương tật do tai nạn lao động
...
2. Hồ sơ và quy trình giám định khả năng lao động để thực hiện chế độ hưu trí:
...
3. Hồ sơ và quy trình giám định khả năng lao động do bệnh nghề nghiệp:
...
4. Hồ sơ giám định lại khả năng lao động Đối với người đang hưởng chế độ mất sức lao động.
...
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm yêu cầu người lao động nộp các giấy tờ có liên quan, lập, hoàn chỉnh và chuyển hồ sơ của người lao động đến Hội đồng giám định y khoa hoặc Bảo hiểm xã hội tỉnh theo quy định nói trên.

2. Hội đồng Giám định y khoa bao gồm:
...
3. Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, lập, kiểm tra hoàn chỉnh, chuyển hồ sơ của người lao động đến Hội đồng Giám định y khoa theo quy định và căn cứ vào kết luận của Hội đồng Giám định y khoa để thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
...
MẪU SỐ 01 ĐƠN XIN GIÁM ĐỊNH KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG
...
MẪU SỐ 02 GIẤY GIỚI THIỆU
...
MẪU SỐ 03 TÓM TẮT HỒ SƠ CỦA NGƯỜI THAM GIA BHXH GỬI RA HỘI ĐỒNG GĐYK XIN GIÁM ĐỊNH KHẢ NĂNG LAO ĐỘNG
...
MẪU SỐ 04 BỆNH ÁN CHI TIẾT
...
MẪU SỐ: 05 GIẤY CHỨNG NHẬN BỊ TỔN THƯƠNG DO TAI NẠN LAO ĐỘNG

Xem nội dung VB
- Việc đăng ký của Công ty nước ngoài xuất nhập khẩu thuốc và nguyên liệu làm thuốc được hướng dẫn bởi Thông tư 04-BYT/TT năm 1991

- Thi hành Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân (Chương VI Điều 3) đã được Quốc hội Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam thông qua ngày 30/6/1989.
...
- Theo thông lệ quốc tế về vấn đề này, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể việc đăng ký hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc nguyên liệu với Việt nam của các Công ty nước ngoài (kể cả Công ty việt kiều) như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN XÉT CẤP ĐĂNG KÝ

Bộ Y tế sẽ cấp đăng ký kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc - nguyên liệu cho tất cả các tổ chức kinh tế và cá nhân nước ngoài (dưới đây gọi tắt là bên nước ngoài) đáp ứng những điều kiện sau đây:

1. Đã hoặc muốn có quan hệ với các tổ chức, đơn vị ở Việt Nam (dưới đây gọi tắt là bên Việt Nam) đang được phép kinh doanh sản xuất thuốc nguyên liệu (dưới dạng các hợp đồng kinh tế, dự án...)

2. Có xác nhận về pháp lý của nước sở tại về quyền được kinh doanh, sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc - nguyên liệu.

3. Có cam kết tôn trọng các quy chế hiện hành của Việt nam về quản lý thuốc - nguyên liệu.

Sau khi đã đăng ký, mọi hoạt động của bên nước ngoài, trong lĩnh vực thuốc - nguyên liệu ở Việt Nam được coi là hợp pháp.

Bên nước ngoài có thể có hay không có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Trường hợp muốn đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam, bên nước ngoài phải thi hành các quy định tại Nghị định số 382/HĐBT ngày 5/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng và các văn bản hướng dẫn của Bộ Thương nghiệp về vấn đề này.

II. QUYỀN HẠN CỦA BÊN NƯỚC NGOÀI SAU KHI ĐĂNG KÝ

1. Được triển khai các hợp đồng, dự án đã ký kết với bên Việt Nam về kinh doanh, sản xuất, phối hợp nghiên cứu thuốc, nguyên liệu ở Việt Nam.

2. Được phép đăng ký nhập khẩu các mặt hàng thuốc - nguyên liệu do bên nước ngoài sản xuất, kinh doanh (theo Quy chế đăng ký thuốc nước ngoài nhập vào Việt Nam do Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 249/BYT-QĐ ngày 15/5/1989 và các văn bản có liên quan).

3. Được Bộ Y tế bảo trợ và cho phép bên nước ngoài triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại về thuốc - nguyên liệu với Việt Nam (triển lãm, Hội thảo, đánh giá thuốc cũng như trong các hình thức đầu tư, liên doanh, đại lý). Trong các trường hợp này, bên nước ngoài cần có đơn đề nghị và bản giải trình về hoạt động của mình và các tài liệu có liên quan để trình Bộ Y tế cho phép.

4. Được Bộ Y tế bảo trợ và cho phép tiến hành những hoạt động nghiên cứu phối hợp về thuốc, nguyên liệu tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ ... Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện để xúc tiến các dự án đầu tư sau khi đã làm các thủ tục cần thiết theo quy định của Nhà nước.

5. Được Bộ Y tế mời tham dự hội thảo, những hoạt động có liên quan do ngành Y tế tổ chức về kinh doanh, sản xuất, nghiên cứu, sử dụng thuốc; Được mời dự thầu về đấu thầu thuốc nguyên liệu do Bộ Y tế và các đơn vị tổ chức.

6. Được Bộ Y tế ủng hộ trong đề nghị của bên nước ngoài về việc đặt cơ quan đại diện khi Bộ thương nghiệp tham khảo ý kiến.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA BÊN NƯỚC NGOÀI SAU KHI ĐÃ ĐĂNG KÝ

1. Ngoài việc chấp hành quy định chung có liên quan của Nhà nước, bên nước ngoài thực hiện các hợp đồng, dự án đã ký kết với bên Việt Nam theo đúng các quy chế hiện hành về quản lý thuốc, đảm bảo lợi ích bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam và thực thi đường lối quốc gia về thuốc.

2. Đảm bảo tài chính cho các hoạt động của bên nước ngoài quy định tại điểm 2, 3, 5 (mục II).

3. Bên nước ngoài có trách nhiệm thông báo cho Bộ Y tế (Vụ Dược-TTB) trong những trường hợp sau:

- Thay đổi tên, địa chỉ của bên nước ngoài

- Thay đổi Giám đốc và người chịu trách nhiệm sản xuất kinh doanh về thuốc của bên nước ngoài.

- Chấm dứt hoạt động kinh doanh, sản xuất về thuốc - nguyên liệu của bên nước ngoài.

Trong những trường hợp trên, bên nước ngoài cần thông báo trước 30 ngày về thông tin đó.

4. Hàng năm từ ngày 25/12 đến 31/12, bên nước ngoài gửi báo cáo tình hình hoạt động trong lĩnh vực thuốc - nguyên liệu với Việt Nam về Bộ Y tế (Vụ Dược - TTB).

IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ CÔNG TY NƯỚC NGOÀI

1. Bên nước ngoài muốn đăng ký cần gửi tới Bộ Y tế (Vụ Dược - TTB) hồ sơ đăng ký sau bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp:

- Đơn xin đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực thuốc - nguyên liệu với Việt Nam (mẫu I).

- Hồ sơ tóm tắt hoạt động của Công ty (mẫu 2)

- Giấy xác nhận của cơ quan quản lý Nhà nước về thuốc của nước sở tại (Bộ Y tế ...) về quyền hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu trong lĩnh vực thuốc - nguyên liệu.

- Những văn bản pháp lý khác có liên quan

Hồ sơ trên được gửi tới Bộ Y tế (Vụ Dược - TTB)

2. Trong thời gian không quá 60 ngày kể từ khi Bộ Y tế nhận được đơn, bên nước ngoài sẽ được Bộ Y tế thông báo về kết quả đăng ký công ty. Nếu được đăng ký, bên nước ngoài sẽ được cấp số đăng ký công ty.

3. Thời hạn giá trị đăng ký Công ty trong 12 tháng (kể tháng 3 năm trước tới tháng 3 năm sau). Trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, các Công ty đã được đăng ký cần có thư chính chức gửi Bộ Y tế (Vụ Dược - TTB) để xin tiếp tục đăng ký trong năm tới.

4. Bên nước ngoài khi nhận được giấy đăng ký phải nộp1 khoản lệ phí cho Bộ Y tế (Bộ Y tế có thông báo sau).

5. Sau khi cấp giấy đăng ký, Bộ Y tế sẽ thông báo cho Thương nghiệp và Tổng cục Hải quan để phối hợp quản lý xuất nhập khẩu theo chức năng của mình.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Xem nội dung VB
- Điều này được hướng dẫn bởi Thông tư liên bộ 03/TT-LB năm 1994 (VB hết hiệu lực: 20/02/2012)

Căn cứ Điều 45 Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân
...
Nhằm bảo vệ sức khoẻ, đảm bảo chức năng sinh đẻ và nuôi con của lao động nữ; Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc không sử dụng lao động nữ.

A - PHẠM VI ÁP DỤNG
...
B - CÁC ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG CÓ HẠI KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NỮ
...
C - CÁC ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG CÓ HẠI KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NỮ CÓ THAI, ĐANG CHO CON BÚ
...
D - DANH MỤC CÔNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NỮ
...
E - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
...
DANH MỤC CÔNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NỮ

Xem nội dung VB
- Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Y tế được hướng dẫn bởi Nghị định 77/2006/NĐ-CP (VB hết hiệu lực: 27/02/2015)

Căn cứ Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11 tháng 07 năm 1989;
...
Chương I QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng của Thanh tra Y tế
...
Điều 2. Đối tượng của Thanh tra Y tế
...
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động của Thanh tra Y tế
...
Chương II TỔ CHỨC, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA THANH TRA Y TẾ

Điều 4. Tổ chức Thanh tra Y tế
...
Điều 5. Tổ chức bộ máy của Thanh tra Bộ
...
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ
...
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Bộ
...
Điều 8. Tổ chức của Thanh tra Sở
...
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Sở
...
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra Sở
...
Điều 11. Thanh tra viên Y tế
...
Điều 12. Cộng tác viên thanh tra
...
Điều 13. Trang phục, phù hiệu, biển hiệu, cấp hiệu Thanh tra Y tế
...
Chương III HOẠT ĐỘNG THANH TRA Y TẾ

Điều 14. Nội dung thanh tra hành chính
...
Điều 15. Nội dung thanh tra chuyên ngành
...
Điều 16. Hình thức thanh tra
...
Điều 17. Phương thức hoạt động thanh tra
...
Chương IV TRÁCH NHIỆM VÀ MỐI QUAN HỆ CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA Y TẾ

Điều 18. Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra y tế
...
Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan
...
Điều 20. Mối quan hệ phối hợp trong hoạt động của Thanh tra Y tế
...
Chương V KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 21. Khen thưởng
...
Điều 22. Xử lý vi phạm
...
Chương VI ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành
...
Điều 24. Trách nhiệm thi hành

Xem nội dung VB
- Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế được hướng dẫn bởi Nghị định 341-HĐBT (VB hết hiệu lực: 06/08/1996)

Căn cứ Luật bảo vệ sức khoẻ nhân dân ngày 11 tháng 7 năm 1989
...
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định trong nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.
...
QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT PHẠM VI HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ
Chương 1: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC Y TẾ, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

MỤC A: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ VỆ SINH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 1. Vi phạm các quy định về vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc hút.
...
Điều 2. Vi phạm các quy định vệ sinh về nước:
...
Điều 3. Vi phạm các quy định về vệ sinh trong lao động:
...
Điều 4. Vi phạm các quy định về vệ sinh trong xây dựng:
...
Điều 5. Vi phạm các quy định khác về vệ sinh:
...
MỤC B: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VỀ KHÁM BỆNH, CHƯÃ BỆNH, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 6. Vi phạm quy định về sử dụng giấy phép hành nghề:
...
Điều 7. Vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế:
...
Điều 8. Vi phạm các quy định khác về khám bệnh, chữa bệnh:
...
MỤC C: HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ DƯỢC, HÌNH THỨC VÀ MỨC PHẠT

Điều 9. Vi phạm các quy định về điều kiện hành nghề dược:
...
Điều 10. Vi phạm quy định về đăng ký và sản xuất thuốc:
...
Điều 11. Vi phạm các quy định về bảo quản thuốc và nguyên liệu làm thuốc:
...
Điều 12. Vi phạm các quy định về lưu thông, xuất nhập khẩu thuốc hoặc nguyên liệu làm thuốc:
...
Điều 13. Vi phạm các quy định về thuốc độc, thuốc gây nghiện, thuốc gây ức chế hoặc hưng phấn tinh thần, thuốc phóng xạ:
...
Điều 14. Vi phạm các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc và nhãn thuốc:
...
Điều 15. Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả:
...
Chương 2: THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, NGUYÊN TẮC VÀ BIỆN PHÁP XỬ PHẠT

Điều 16. Thẩm quyền quyết định xử phạt:
...
Điều 17. Cảnh cáo:
...
Điều 18. Thủ tục, biện pháp phạt tiền:
...
Điều 19. Tước quyền sử dụng giấy phép và thu hồi giấy phép.
...
Điều 20. Thủ tục áp dụng những biện pháp hành chính khác:
...
Điều 21. Nguyên tắc áp dụng các hình thức xử phạt:
...
Điều 22. Việc khen thưởng đối với người có thành tích trong việc phát hiện các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và người thi hành công vụ có thành tích phải theo đúng quy định tại Điều 39 của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính.

Chương 3: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Nghị định này áp dụng cho cả các đối tượng là tổ chức người nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 24. Chỉ những tổ chức và người có thẩm quyền quy định trong Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính và Nghị định này mới được xử phạt các vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
...
Điều 25. Tổ chức và công dân có quyền khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Mọi công dân tố cáo các hành vi lạm quyền hoặc trái luật khác của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đến cơ quan cấp trên trực tiếp của tổ chức và người quyết định xử phạt hoặc Viện Kiểm sát nhân dân. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm xem xét giải quyết và trả lời trong thời hạn 15 ngày; nếu là trường hợp phức tạp thì việc giải quyết và trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, tố cáo.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.