Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT 1994
Số hiệu: | Khongso | Loại văn bản: | Điều ước quốc tế |
Nơi ban hành: | *** | Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | 30/10/1947 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, điều ước quốc tế, Thuế, phí, lệ phí, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ QUAN VÀ THƯƠNG MẠI [1]
Chính phủ Khối thịnh vượng chung Úc, Vương quốc Bỉ, Hợp chủng Quốc Brasil, Miến điện, Canada, Ceylon, Cộng hoà Chi lê, Cộng hoà Trung Hoa, Cộng hoà Cu ba, Cộng hoà Tiệp khắc, Cộng hoà Pháp, ấn độ, Li băng, Đại công quốc Lục Xâm bảo, Vương quốc Hà lan, Tân Tây Lan, Vương quốc Na uy, Pa-kix-tan, Nam-Rhodessia, Syri, Liên hiệp Nam phi, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len, và Hợp chủng quốc Hoa kỳ:
Thừa nhận rằng mối quan hệ của họ với nỗ lực trên trường kinh tế thương mại cần được tiến hành nhằm nâng cao mức sống, đảm bảo đầy đủ việc làm và thu nhập thực tế và thu nhập thực cao và tăng trưởng vững chắc, sử dụng đầy đủ và tốt hơn nguồn lực của thế giới và mở mang sản xuất và trao đổi hàng hoá,
Mong muốn đóng góp vào các mục tiêu nêu trên thông qua các thoả thuận tương hỗ và cùng có lợi theo hướng tới giảm mạnh thuế quan và các trở ngại thương mại khác và hướng tới triệt tiêu sự phân biệt đối xử trong thương mại quốc tế,
Thông qua các Đại diện của mình đã thoả thuận như sau:
Quy định chung về Đối xử tối huệ quốc
1. Với mọi khoản thuế quan và khoản thu thuộc bất cứ loại nào nhằm vào hay có liên hệ tới nhập khẩu và xuất khẩu hoặc đánh vào các khoản chuyển khoản để thanh toán hàng xuất nhập khẩu, hay phương thức đánh thuế hoặc áp dụng phụ thu nêu trên, hay với mọi luật lệ hay thủ tục trong xuất nhập khẩu và liên quan tới mọi nội dung đã được nêu tại khoản 2 và khoản 4 của Điều III,* mọi lợi thế, biệt đãi, đặc quyền hay quyền miễn trừ được bất kỳ bên ký kết nào dành cho bất cứ một sản phẩm có xuất xứ từ hay được giao tới bất kỳ một nước nào khác sẽ được áp dụng cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên ký kết khác ngay lập tức và một cách không điều kiện.
2. Các quy định của của Khoản 1 thuộc Điều này không đòi hỏi phải loại bỏ bất cứ một ưu đãi nào liên quan tới thuế nhập khẩu hay các khoản thu không vượt quá mức đã được quy định tại Khoản 4 của Điều này và nằm trong diện được quy định dưới đây:
(a) Ưu đãi có hiệu lực giữa hai hay nhiều lãnh thổ nêu trong danh mục tại phụ lục A, theo các điều kiện nêu trong phụ lục đó;
(b) Ưu đãi có hiệu lực riêng giữa hai hay nhiều lãnh thổ có mối liên hệ về chủ quyền chung hay có quan hệ bảo hộ chủ quyền được nêu tại danh mục B, C, D, theo điều kiện đã nêu ra trong các phụ lục đó;
(c) Ưu đãi chỉ có hiệu lực riêng giữa các nước có chung biên giới nêu trong phụ lục E, F.
3. Các điều khoản của khoản I sẽ không áp dụng với các ưu đãi giữa các nước trước đây là bộ phận của Lãnh thổ Ottoman và được tách từ lãnh thổ Ottoman ra từ ngày 24 tháng 7 năm 1923, miễn là các ưu đãi đó được phép áp dụng theo khoản 5 của điều XXV và do vậy sẽ đươc áp dụng phù hợp với khoản 1 của Điều XXIX.
4. Biên độ ưu đãi* áp dụng với bất cứ sản phẩm nào được khoản 2 của Điều này cho phép dành ưu đãi nhưng các Biểu cam kết đính kèm theo Hiệp định này lại không có quy định rõ cụ thể mức biên độ tối đa, sẽ không vượt quá:
(a) Khoản chênh lệch giữa mức đối xử tối huệ quốc và thuế suất ưu đãi nêu trong Biểu, với thuế quan hay khoản thu áp dụng với bất cứ sản phẩm nào đã được ghi trong Biểu tương ứng; nếu trong Biểu không ghi rõ thuế suất ưu đãi, việc vận dụng thuế suất ưu đãi theo tinh thần của điều khoản này sẽ căn cứ vào mức thuế ưu đãi có hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 và nếu trong Biểu cũng không có mức thuế đối xử tối huệ quốc thì áp dụng mức chênh lệch giữa thuế suất ưu đãi và thuế theo đối xử tối huệ quốc đã có vào ngày 10 tháng 4 năm 1947;
(b) Với mọi khoản thuế quan và khoản thu không ghi cụ thể trong Biểu tương ứng, mức chênh lệch có được vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 sẽ được áp dụng.
Trong trường hợp một bên ký kết có tên trong phụ lục G, ngày 10 tháng 4 năm 1947 tham chiếu đến tại tiểu khoản (a) và (b) trên nêu trên sẽ được thay thế bằng ngày cụ thể ghi trong phụ lục đó.
1. (a) Mỗi bên ký kết sẽ dành cho thương mại của các bên ký kết khác sự đối xử không kém phần thuận lợi hơn những đối xử đã nêu trong phần tương ứng thuộc Biểu nhân nhượng tương ứng là phụ lục của Hiệp định này.
(b) Các sản phẩm như mô tả tại Phần I của Biểu liên quan tới bất kỳ bên ký kết nào, là sản phẩm xuất xứ từ lãnh thổ một bên ký kết khác khi nhập khẩu vào lãnh thổ của bên ký kết mà Biểu được áp dụng và tuỳ vào các điều khoản và điều kiện hay yêu cầu đã nêu tại Biểu này, sẽ được miễn mọi khoản thuế quan thông thường vượt quá mức đã nêu trong Biểu đó. Các sản phẩm đó sẽ được miễn mọi khoản thuế hay khoản thu dưới bất cứ dạng nào áp dụng vào thời điểm nhập khẩu hay liên quan tới nhập khẩu vượt quá mức đã áp dụng vào ngày ký Hiệp định này cũng như vượt quá mức các loại thuế hay các khoản thu luật định trực tiếp hay áp đặt theo thẩm quyền luật định trên lãnh thổ nhập khẩu vào ngày đó hay sau đó.
(c) Các sản phẩm của các lãnh thổ quan thuế mô tả ở phần II của Biểu liên quan tới bất cứ bên ký kết nào có đủ điều kiện theo Điều I để được hưởng đối xử ưu đãi khi nhập khẩu vào lãnh thổ mà Biểu đó có hiệu lực, nếu đáp ứng các điều kiện điều khoản hay yêu cầu nêu trong Biểu đó sẽ được miễn phần thuế quan thông thường vượt trên thuế xuất đã quy định tại phần II của Biểu. Các sản phẩm đó cũng sẽ được miễn mọi khoản thuế hay khoản thu thuộc bất kỳ loại nào vượt quá mức thuế hay mức thu quy định áp dụng với quan hệ thuộc dạng nhập khẩu vào ngày ký Hiệp định này hay sẽ áp dụng theo quy định trực tiếp của pháp luật hay được luật pháp của lãnh thổ nhập khẩu có hiệu lực vào ngày đó hay quy định sẽ thu sau ngày nêu trên. Không một nội dung nào thuộc điều khoản này ngăn cản một bên ký kết duy trì các quy định về điều kiện được hưởng đãi ngộ thuế quan ưu đãi đã có vào ngày ký kết Hiệp định này.
2. Không có nội dung nào thuộc điều khoản này ngăn cản một bên ký kết áp dụng vào bất kỳ thời kỳ nào với nhập khẩu bất cứ sản phẩm nào:
(a) một khoản thu tương đương với một khoản thuế nội địa áp dụng phù hợp với các quy định của khoản 2 của Điều III* với sản phẩm nội địa tương tự hoặc với một mặt hàng được sử dụng toàn bộ hay một phần để chế tạo ra sản phẩm nhập khẩu.
(b) bất cứ một khoản thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng nào áp dụng phù hợp với các quy định của Điều VI.*
(c) các khoản lệ phí hay khoản thu khác phù hợp với giá thành của dịch vụ đã cung cấp.
3. Không một bên ký kết nào sẽ điều chỉnh phương pháp xác định trị giá tính thuế hay chuyển đổi đồng tiền dẫn tới kết quả là làm suy giảm các nhân nhượng đã đạt được tại Biểu tương ứng là phụ lục của Hiệp định này.
4. Nếu một bên ký kết nào định ra hay duy trì hay cho phép, chính thức hay áp dụng trong thực tế một sự độc quyền trong nhập khẩu bất cứ một sản phẩm nào đã ghi trong Biểu nhân nhượng là phụ lục của Hiệp định này hay đã được các bên tham gia đàm phán ban đầu thỏa thuận ở văn bản khác sự độc quyền đó sẽ không được vận dụng tạo thành sự bảo hộ có mức trung bình cao hơn mức đã quy định tại Biểu nhân nhượng đó. Quy định của khoản này không hạn chế một bên ký kết áp dụng bất cứ hinh thức trợ giúp nào với các nhà sản xuất trong nước được các quy định của Hiệp định này cho phép.*
5. Nếu bất kỳ bên ký kết nào thấy rằng một sản phẩm không nhận được ở một bên ký kết khác sự đãi ngộ mà mình cho rằng đấng lẽ phải được hưởng theo nhân nhượng tại Biểu tương ứng, bên ký kết đó sẽ nêu vấn đề lên với các bên ký kết khác. Nếu bên ký kết đang áp dụng mức đãi ngộ nêu trên thấy rằng yêu cầu của bên ký kết đó là đúng nhưng không thể cho hưởng sự đãi ngộ đó vì không thể làm trái ý chí của một toà án hay một cơ quan quyền lực thích ứng nào đó vì có phán quyết rằng hàng hoá đó không được phân loại theo luật thuế của bên ký kết để có thể áp dụng sự đãi ngộ nêu trong Hiệp định này, hai bên ký kết cùng với bất kỳ bên ký kết nào khác có quyền lợi đáng kể sẽ khẩn trương tiến hành đàm phán nhằm điều chỉnh bù đắp cho quyền lợi đó.
6. (a) Các thuế và khoản thu cụ thể thuộc Biểu của các bên ký kết là Thành viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và biên độ ưu đãi trong mức thuế và khoản thu cụ thể được các bên ký kết đó áp dụng được thể hiện bằng đồng tiền tương ứng tính theo trị giá quy đổi được Quỹ chấp nhận và tạm thời thừa nhận vào thời điểm ký kết Hiệp định này. Theo đó, nếu trị giá quy đổi bị giảm đến hai chục phần trăm đáp ứng các quy định của Điều lệ IMF, các thuế và khoản thu và biên độ ưu đãi cụ thể đó có thể được điều chỉnh có tính đến mức giảm nói trên; miễn rằng các bên ký kết đó (ví dụ Các Bên Ký kết cùng hành động theo quy định của Điều XXV) cùng cho rằng sự điều chỉnh như vậy sẽ không làm mất đi gía trị của các nhân nhượng đã xác định tại Biểu tương ứng hay xác định ở nơi nào khác trong Hiệp định này, đồng thời cũng ghi nhận đầy đủ đến mọi nhân tố có thể ảnh hưởng đến nhu cầu và tính khẩn thiết của sự điều chỉnh đó.
(b) Các quy định tương tự cũng áp dụng với các bên ký kết hiện không phải là thành viên của Quỹ tiền tệ Quốc tế-IMF, kể từ ngày bên ký kết đó gia nhâp Quỹ và tham gia thoả thuận đặc biệt về ngoại hối theo Điều XV.
7. Các Biểu nhân nhượng kèm theo Hiệp định này là một bộ phận không thể tách rời của Phần I Hiệp định này.
Đối xử quốc gia về thuế và quy tắc trong nước
1 Các bên ký kết thừa nhận rằng các khoản thuế và khoản thu nội địa, cũng như luật, hay quy tắc hay yêu cầu tác động tới việc bán hàng, chào bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nội địa cùng các quy tắc định lượng trong nước yêu cầu có pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm với một khối lượng tỷ trọng xác định, không được áp dụng với các sản phẩm nội địa hoặc nhập khẩu với kết cục là bảo hộ hàng nội địa.*
2. Hàng nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào sẽ không phải chịu, dù trực tiếp hay gián tiếp, các khoản thuế hay các khoản thu nội địa thuộc bất cứ loại nào vượt quá mức chúng được áp dụng, dù trực tiếp hay gián tiếp, với sản phẩm nội tương tự. Hơn nữa, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng các loại thuế hay khoản thu khác trong nội địa trái với các nguyên tắc đã nêu tại khoản 1.*
3. Với mọi khoản thuế nội địa hiện đã tồn tại trái với các quy định tại khoản 2, nhưng có thoả thuận cụ thể cho phép duy trì căn cứ vào một hiệp định thương mại có giá trị hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1947, theo đó thuế nhập khẩu đánh vào sản phẩm chịu thuế nội địa đã được cam kết trần, không tăng lên, bên ký kết đang áp dụng thuế đó được hoãn thời hạn thực hiện các quy định tại khoản 2 áp dụng với các loại thuế nội đó cho tới khi nghĩa vụ thuộc hiệp định đó được giải phóng và cho phép bên ký kết đó điều chỉnh thuế quan trong chừng mực cần thiết để bù đắp cho nhân tố bảo hộ trong khoản thuế nội địa.
4. Sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào vào lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết khác sẽ được hưởng đãi ngộ không kém phần thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội về mặt luật pháp, quy tắc và các quy định tác động đến bán hàng, chào bán, mua, chuyên chở, phân phối hoặc sử dụng hàng trên thị trường nội địa. Các quy định của khoản này sẽ không ngăn cản việc áp dụng các khoản thu phí vận tải khác biệt chỉ hoàn toàn dựa vào yếu tố kinh tế trong khai thác kinh doanh các phương tiện vận tải và không dưạ vào quốc tịch của hàng hoá.
5. Không một bên ký kết nào sẽ áp dụng hay duy trì một quy tắc định lượng nội địa nào với pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm tính theo khối lượng cụ thể hay theo tỷ lệ, trực tiếp hay gián tiếp đòi hỏi một khối lượng hay tỷ lệ nhất định của bất cứ một sản phẩm nào chịu sự điều chỉnh của quy tắc đó phải được cung cấp từ nguồn nội địa. Thêm vào đó, không một bên ký kết nào sẽ áp dụng các quy tắc định lượng trong nước theo cách nào khác trái với các nguyên tắc đã quy định tại khoản 1.*
6. Các quy định của khoản 5 sẽ không áp dụng với những quy tắc có hiệu lực trên lãnh thổ của bất cứ bên ký kết nào vào ngày 1 tháng 7 năm 1939, ngày 10 tháng 4 năm 1947 hay ngày 24 tháng 3 năm 1948 tuỳ bên ký kết liên quan chọn; miễn là các quy tắc trái với quy định của khoản 5 đó sẽ không bị điều chỉnh bất lợi hơn cho hàng nhập khẩu và chúng sẽ được xem như là một khoản thuế quan để tiếp tục đàm phán.
7. Không một quy tắc định lượng nội địa nào điều chỉnh việc pha trộn, chế biến hay sử dụng tính theo khối lượng hay tỷ lệ sẽ được áp dụng để phân bổ các khối lượng hay tỷ lệ nêu trên theo xuất xứ của nguồn cung cấp.
8. (a) Các quy định của Điều khoản này sẽ không áp dụng với việc các cơ quan chính phủ mua sắm nhằm mục đích cho tiêu dùng của chính phủ chứ không phải để bán lại nhằm mục đích thương mại hay đưa vào sản xuất nhằm mục đích thương mại.
(b) Các quy định của điều khoản này sẽ không ngăn cản việc chi trả các khoản trợ cấp chỉ dành cho các nhà sản xuất nội địa, kể cả các khoản khoản trợ cấp dành cho các nhà sản xuất nội địa có xuất xứ từ các khoản thu thuế nội địa áp dụng phù hợp với các quy định của điều khoản này và các khoản trợ cấp thực hiện thông qua việc chính phủ mua các sản phẩm nội địa.
9. Các bên ký kết thừa nhận rằng các biện pháp kiểm soát giá tối đa, dù rằng tuân theo đúng các quy định khác của điều khoản này, có thể có làm tổn hại tới quyền lợi của bên ký kết cung cấp hàng nhập. Do vậy, các bên ký kết áp dụng các biện pháp kiểm soát giá tối đa sẽ cân nhắc đến quyền lợi của bên ký kết là bên xuất khẩu nhằm hạn chế tối đa trong khuôn khổ các biện pháp có thể tực hiện được các tác động bất lợi đó.
10. Các quy định của Điều này không ngăn cản các bên ký kết định ra hay duy trì các quy tắc hạn chế số lượng nội địa liên quan tới số lượng phim trình chiếu áp dụng theo đúng các quy định của Điều IV.
Các quy định đặc biệt về phim - điện ảnh
Nếu một bên ký kết đưa ra hay duy trì các quy định về số lượng phim ảnh trình chiếu, các quy tắc này sẽ có hình thức hạn ngạch về thời gian trình chiếu và đáp ứng các quy định dưới đây:
(a) Hạn ngạch về thời gian trình chiếu sẽ quy định thời gian chiếu phim có xuất xứ nội địa quy định tỷ trọng tối thiểu trong tổng số thời gian thực trình chiếu phim với mục đích thương mại từ mọi xuất xứ trong một thời kỳ không dưới một năm, và sẽ tính trên cơ sở thời gian thực chiếu mỗi năm hoặc tương ứng tính theo từng rạp;
(b) Ngoại trừ thời gian được hạn ngạch quy định dành cho phim có xuất xứ quốc gia, thờì gian trình chiếu kể cả thời gian chính quyền không sử dụng trong số hạn ngạch dành cho phim trong nước sẽ không bị phân bổ một cách chính thức hay thực tế theo nguồn cung cấp phim;
(c) Không ảnh hưởng tới các quy định nêu trong tiểu khoản (b) của Điều này, bất cứ bên ký kết nào cũng có thể duy trì hạn ngạch trình chiếu phù hợp với các yêu cầu nêu tại tiểu khoản (a) của Điều khoản này, dành một phần tối thiểu trong thời gian trình chiếu để chiếu phim từ một xuất xứ nhất định không phải là xuất xứ của bên ký kết áp dụng hạn ngạch; miễn là phần thời gian đó không vượt quá phần thực chiếu phim đó vào ngày 10 tháng 4 năm 1947;
(d) Hạn ngạch trình chiếu sẽ là đối tượng đàm phán nhằm hạn chế phạm vi áp dụng, mở rộng hạn ngạch hay triệt tiêu hoàn toàn.
1. Hàng hoá (kể cả hành lý), cũng như tàu biển và các phương tiện vận tải khác sẽ được coi là quá cảnh qua lãnh thổ một bên ký kết khi việc chuyển qua lãnh thổ, dù có chuyển tải, lưu kho, tách lô hàng rời hay thay đổi phương thức vận tải hay không nhưng vẫn chỉ là một phần của toàn chặng vận tải được bắt đầu và kết thúc bên ngoài biên giới của bên ký kết có hàng đi qua lãnh thổ. Chuyên chở thuộc loại này gọi là vận tải quá cảnh.
2. Các bên tự do chuyên chở hàng quá cảnh qua lãnh thổ của mỗi bên ký kết, qua tuyến đường tiện lợi nhất cho quá cảnh quốc tế, cho vận tải quá cảnh đi, đến hay xuất phát từ lãnh thổ của một bên ký kết khác. Không có sự phân biệt nào được thực thi căn cứ vào phương tiện treo cờ nào hay xuất xứ từ đâu, nơi đi, nơi đến hay ra vào cảng nào hay trong bất kỳ trường hợp nào liên quan tới quyền sở hữu với hàng hoá, với tàu hay phương tiện vận chuyển.
3. Bất cứ một bên ký kết nào có thể yêu cầu hàng vận chuyển quá cảnh qua lãnh thổ của mình vào một trạm hải quan thích hợp. Tuy nhiên, trừ trường hợp không tuân thủ các luật hay quy tắc hải quan thông thường, vận chuyển quá cảnh đi đến hay xuất phát từ lãnh thổ của các bên ký kết khác sẽ không bị làm chậm chễ hay bị hạn chế không cần thiết và sẽ được miễn mọi khoản thuế quan áp đặt với quá cảnh, trừ các chi phí vận tải hay các chi phí phát sinh tương ứng về hành chính, về chuyển tải hay chi phí dịch vụ đã được cung cấp.
4. Mọi chi phí và quy tắc được các bên ký kết áp dụng với vận tải quá cảnh đi từ hay đi đến lãnh thổ của các bên ký kết khác sẽ ở mức hợp lý, có xem xét đến điều kiện vận chuyển.
5. Với mọi chi phí, quy tắc hay các thủ tục liên quan tới quá cảnh, mỗi bên ký kết sẽ dành cho vận tải quá cảnh đi từ hay có xuất xứ từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào khác sự đối xử không kém phần thuận lợi hơn sự đối xử dành cho vận tải quá cảnh đi tới hay xuất phát từ lãnh thổ của bất cứ bên thứ ba nào khác.
6. Mỗi bên ký kết sẽ dành cho hàng hoá đã qua vận tải quá cảnh trên lãnh thổ của một bên ký kết nào khác sự đối xử không kém phần thuận lợi hơn sự đối xử lẽ ra sẽ dành cho hàng hoá đó như hàng được vận tải từ nơi xuất phát tới nơi đến cuối cùng không quá cảnh lãnh thổ một bên ký kết nói trên. Tuy nhiên bất cứ một bên ký kết nào cũng có thể duy trì các yêu cầu về việc gửi hàng trực tiếp đã tồn tại vào ngày ký Hiệp định này, áp dụng với bất cứ hàng hoá nào được quy định phải là gửi hàng trực tiếp mới đủ điều kiện nhập hàng qua cửa khẩu được hưởng thuế quan ưu đãi hay liên quan tới phương pháp định giá được một bên ký kết quy định nhằm mục đích áp dụng thuế quan.
7. Các quy định của điều khoản này sẽ không áp dụng với máy bay quá cảnh nhưng lại áp dụng với hàng hoá quá cảnh kể cả với hành lý.
Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng
1. Các bên ký kết nhận thấy rằng bán phá giá, tức là việc sản phẩm của một nước được đưa vào kinh doanh thương mại trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của sản phẩm, phải bị xử phạt nếu việc đó gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trên lãnh thổ của một bên ký kết hay thực sự làm chậm chễ sự thành lập một ngành sản xuất trong nước. Nhằm vận dụng điều khoản này, một sản phẩm được đưa vào kinh doanh thương mại trên thị trường của một nước khác với giá thấp hơn giá trị thông thường của hàng hoá đó nếu giá xuất khẩu của sản phẩm từ một nước này sang nước khác
(a) thấp hơn giá có thể so sánh trong điều kiện thương mại thông thường với một sản phẩm tương tự nhằm mục đích tiêu dùng tại nước xuất khẩu, hoặc
(b) trường hợp không có một giá nội địa như vậy, thấp hơn một trong hai mức
(i) giá so sánh cao nhất của sản phẩm tương tự dành cho xuất khẩu đến bất cứ một nước thứ ba nào trong điều kiện thương mại thông thường, hoặc
(ii) giá thành sản xuất ra sản phẩm tại nước xuất xứ có cộng thêm một mức hợp lý chi phí bán hàng và lợi nhuận.
Trong mỗi trường hợp trên, sẽ có xem xét điều chỉnh một cách thoả đáng đối với các khác biệt về điều kiện và điều khoản bán hàng, khác biệt về chế độ thuế hay những sự chênh lệch khác có tác động tới việc so sánh giá.*
2. Nhằm mục đích triệt tiêu tác dụng hay ngăn ngừa việc bán phá giá, một bên ký kết có thể đánh vào bất cứ một sản phẩm được bán phá giá nào một khoản thuế chống bán phá giá nhưng không lớn hơn biên độ bán phá giá của sản phẩm đó. Trong khuôn khổ Điều này, biên độ bán phá giá được coi là sự chênh lệch về giá được xác định phù hợp với các quy định tại khoản 1.*
3. Thuế đối kháng không được phép đánh vào một sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ của một bên ký kết được nhập khẩu vào lãnh thổ của một bên ký kết khác ở mức vượt quá mức tương ứng với khoản hỗ trợ hay trợ cấp đã xác định là đã được cấp trực tiếp hay gián tiếp cho chế biến, sản xuất hay xuất khẩu của sản phẩm đó tại nước xuất xứ hay nước xuất khẩu, trong đó bao gồm cả các khoản trợ cấp đặc biệt cho việc chuyên chở sản phẩm đó. Thuật ngữ thuế đối kháng được hiểu là một khoản thuế đặc biệt áp dụng nhằm mục đích triệt tiêu mọi khoản ưu đãi hay trợ cấp dành trực tiếp hay gián tiếp cho công đoạn chế biến, sản xuất hay xuất khẩu bất cứ hàng hoá nào.
4 Không một sản phẩm nào xuất xứ lãnh thổ của một bên ký kết nhập khẩu vào lãnh thổ của một bên ký kết khác sẽ bị đánh thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng với lý do đã được miễn thuế mà một sản phẩm tương tự phải trả khi tiêu thụ tại nước xuất xứ hoặc xuất khẩu, hay vì lí do đã được hoàn lại các thuế đó.
5. Không một sản phẩm nào xuất xứ lãnh thổ của một bên ký kết nhập khẩu vào lãnh thổ của một bên ký kết khác sẽ cùng lúc phải chịu cả thuế bán phá giá và thuế đối kháng cho cùng một hoàn cảnh bán phá giá hay trợ cấp xuất khẩu.
6. (a) Không một bên ký kết nào sẽ đánh thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng với hàng nhập khẩu xuất xứ lãnh thổ của một bên ký kết khác trừ khi đã xác định, tuỳ theo trường hợp cụ thể, thực sự đã gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trong nước đã được thiết lập hay làm chậm đáng kể việc lập nên một ngành sản xuất trong nước.
(b) Các Bên Ký Kết có thể cho phép miễn thực hiện các yêu cầu của điểm (a) đoạn này, cho phép một bên ký kết áp dụng thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng với việc nhập khẩu bất cứ sản phẩm nào nhằm mục đích triệt tiêu việc bán phá giá hay trợ cấp đã gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể với một ngành sản xuất trên lãnh thổ của một bên ký kết khác là bên xuất khẩu sản phẩm tương ứng vào lãnh thổ của bên ký kết nhập khẩu sản phẩm đã nói trên. Các Bên Ký Kết sẽ miễn thực hiện các yêu cầu của điểm (a) thuộc khoản này, cho phép một bên ký kết áp dụng thuế đối kháng trong trường hợp nhận thấy rằng việc trợ cấp đang gây ra hay đe doạ gây ra thiệt hại đáng kể cho một ngành sản xuất trên lãnh thổ của một bên ký kết khác cũng xuất khẩu sản phẩm tương ứng vào lãnh thổ của bên ký kết nhập khẩu sản phẩm.
(c) Tuy nhiên trong các tình huống đặc biệt, nếu việc trì hoãn có thể gây ra tổn hại khó có thể khắc phục được, một bên ký kết có thể đánh thuế đối kháng với mục đích như đã nêu tại điểm (b) của khoản này mà không cần được Các Bên Ký Kết thông qua trước; miễn rằng phải thông báo lại ngay cho Các Bên Ký Kết biết và khi Các Bên Ký Kết không tán thành thì sẽ rút bỏ ngay việc áp dụng thuế này.
7. Một hệ thống ổn định giá trong nước hay ổn định sự hoàn vốn cho các nhà sản xuất sản phẩm sơ cấp trong nước, không phụ thuộc vào biến động giá cả trong xuất khẩu có khi dẫn tới bán hàng cho xuất khẩu với giá thấp hơn giá so sánh dành cho người mua trên thị trường trong nước, sẽ không được suy diễn là dẫn tới tổn hại đáng kể hiểu theo ý của khoản 6 nếu giữa các bên ký kết có quyền lợi đáng kể với sản phẩm này sau khi tham vấn thấy rằng:
(a) hệ thống đó cũng dẫn đến kết quả là sản phẩm được bán cho xuất khẩu với giá cao hơn giá so sánh bán sản phẩm tương tự cho người mua trong nước, và
(b) hệ thống cũng vận hành như vậy, hoặc trong điều chỉnh thực tế sản xuất, hoặc một lý do nào khác, không dẫn tới hệ quả là thúc đẩy không chính đáng xuất khẩu hay làm tổn hại nghiêm trọng quyền lợi của các bên ký kết khác.
Xác định trị giá tính thuế quan
1. Các bên ký kết thừa nhận hiệu lực của các nguyên tắc chung về xác định trị giá tính thuế quan nêu tại các khoản tiếp theo của Điều này và cam kết thực thi các nguyên tắc đó với mọi sản phẩm phải chịu thuế quan và phụ thu* hoặc chịu các hạn chế về nhập khẩu và xuất khẩu căn cứ vào hoặc điều chỉnh theo trị giá bằng bất cứ cách nào. Ngoài ra, ngay khi một bên ký kết khác có yêu cầu, các bên sẽ xem xét lại việc vận dụng bất cứ luật hay quy chế nào liên quan tới trị giá tính thuế quan căn cứ vào các nguyên tắc nêu ở đây. Các Bên Ký Kết có thể yêu cầu (những) bên ký kết có báo cáo về các bước đi đã được áp dụng theo quy định của điều khoản này.
2. (a) Trị giá tính thuế quan với hàng nhập phải dựa vào giá trị thực của hàng nhập khẩu làm cơ sở tính thuế quan, hoặc trị giá thực của hàng tương tự, không được phép căn cứ vào trị giá của hàng có xuất xứ nội hay trị giá mang tính áp đặt hoặc được đưa ra một cách vô căn cứ.
(b) "Giá trị thực" sẽ là giá cả hàng hoá đó hay hàng hoá tương tự được bán hay chào bán vào một thời điểm và tại một địa điểm được xác định theo luật pháp nước nhập khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường trong điều kiện cạnh tranh đầy đủ. Trong chừng mực hàng hoá đó hay hàng tương tự bị chi phối bởi số lượng gắn liền với một dịch vụ nhất định, giá cả đưa ra xem xét sẽ được căn cứ vào những điều kiện như vậy với (i) số lượng so sánh được hoặc các số lượng xác định không kém phần thuận lợi cho nhà nhập khẩu tính theo giá lô hàng nhập khẩu lớn nhất trong quan hệ thương mại giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.
(c) Khi trị giá thực không xác định được theo quy định tại điểm (b) của khoản này, trị giá dùng để tính thuế quan sẽ là trị giá gần nhất tương đương với trị giá nói trên.*
3. Trị giá để tính thuế quan của bất cứ sản phẩm nhập khẩu nào sẽ không bao gồm bất cứ khoản thuế nội địa nào, đã được nước xuất xứ hoặc xuất khẩu đã cho hoặc sẽ cho hàng đó được miễn thuế hay hoàn thuế.
4. (a) Trừ khi có quy định khác trong khoản này, để một bên ký kết vận dụng các quy định của khoản 2 của Điều này vào việc quy đổi giá hàng tính bằng đồng tiền của một nước khác sang nội tệ, tỷ giá quy đổi sẽ dựa trên trị giá tương ứng tuân thủ quy định tại Các Điều khoản Thoả thuận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hoặc theo tỷ giá quy đổi được Quỹ công nhận, hoặc theo trị giá tương ứng xác định phù hợp với một thoả thuận ngoại hối đặc biệt tuân thủ theo Điều XV của Hiệp định này.
(b) Khi không có chuẩn mực về trị giá tương ứng, hay tỷ giá được thừa nhận đó, tỷ giá quy đổi sẽ phản ảnh đúng giá trị giao dịch thương mại của đồng tiền hiện thời.
(c) Các Bên Ký Kết, cùng thoả thuận với Quỹ tiền tệ Quốc tế, sẽ xây dựng quy tắc điều chỉnh việc các bên ký kết áp dụng cơ chế nhiều tỷ giá quy đổi tiền tệ cho phù hợp với nội dung Điều khoản Thoả thuận của Quỹ tiền tệ Quốc tế. Bất cứ bên ký kết nào cũng có quyền áp dụng các quy tắc này trong quy đổi ngoại tệ nhằm các mục đích đã nêu tại khoản 2 của điều khoản này thay cho trị giá tương ứng. Trong khi chờ đợi Các Bên Ký Kết thông qua các quy tắc đó, bất cứ một bên ký kết nào cũng có thể sử dụng các quy tắc chuyển đổi nhằm mục đích như nêu tại Điều 2 của điều khoản này đã được xây dựng để phản ảnh đúng giá trị thương mại của các ngoại tệ đó.
(d) Không một quy định nào trong điều khoản này được lập ra để đòi hỏi bất kỳ một bên ký kết nào thay đổi các nguyên tắc có hiệu lực trên lãnh thổ của mình vào ngày ký Hiệp định này, nếu sự thay đổi đó có tác dụng nâng mức thuế trung bình đánh vào hàng nhập khẩu.
5. Cơ sở và phương pháp xác định trị giá sản phẩm chịu thuế quan hay các khoản thu khác hoặc chịu các hạn chế dựa vào hay chịu sự điều chỉnh về trị giá theo bất cứ cách nào sẽ phải ổn định, công bố rộng rãi đủ để thương nhân có thể ước tính được trị giá để tính thuế với mức độ hợp lý về tính chắc chắn.
Phí và các thủ tục liên quan đến Xuất Nhập Khẩu*
1. (a) Mọi khoản phí và khoản thu khác với bất cứ tính chất nào (không phải là thuế xuất khẩu và nhập khẩu cũng như các khoản thuế quy định tại điều III) được các bên ký kết áp dụng nhằm vào hay liên quan tới hàng nhập khẩu hay hàng xuất khẩu sẽ chỉ giới hạn trong chừng mực đủ bù các chi phí cung cấp dịch vụ và không mang tính chất bảo hộ gián tiếp cho sản phẩm nội địa hay là thuế đánh vào xuất nhập khẩu với mục đích thu ngân sách.
(b) Các bên ký kết thừa nhận nhu cầu giảm số lượng và chủng loại các khoản phí và khoản thu nêu tại tiểu mục (a).
(c) Các bên ký kết cũng thừa nhận nhu cầu hạn chế xuống tối thiểu các tác động cũng như tính phức tạp của các thủ tục về xuất nhập khẩu và nhu cầu giảm bớt và đơn giản hoá yêu cầu về chứng từ làm thủ tục xuất nhập khẩu.*
2. Khi có yêu cầu của một bên ký kết khác hay của Các Bên Ký Kết, một bên ký kết sẽ xem xét lại thực tế áp dụng luật pháp và quy tắc của mình theo tinh thần của điều khoản này.
3. Không một bên ký kết nào sẽ áp dụng những khoản phạt đáng kể với những vi phạm nhỏ về quy tắc hải quan hay các yêu cầu về thủ tục. Đặc biệt, với các lỗi sơ suất hay lỗi về chứng từ hải quan có thể đính chính dễ dàng và vi phạm không cố ý gian trá hay không do các sơ suất lớn sẽ không bị phạt quá mức cần thiết để cảnh cáo.
4. Các quy định của điều khoản này sẽ được áp dụng cả với các khoản phí, thủ tục và các yêu cầu của cơ quan chính phủ về xuất nhập khẩu, kể cả các yêu cầu liên quan tới:
(a) dịch vụ của cơ quan lãnh sự như là cấp hoá đơn hay giấy chứng nhận lãnh sự;
(b) hạn chế định lượng;
(c) cấp phép;
(d) kiểm soát ngoại hối;
(e) dịch vụ thống kê;
(f) lập chứng từ, cung cấp chứng từ và chứng nhận / công chứng;
(g) phân tích và giám định; và
(h) vệ sinh dịch tễ và hun trùng.
1. Mỗi bên ký kết sẽ dành cho hàng hoá xuất xứ từ lãnh thổ của một bên ký kết khác sự đãi ngộ về quy định đối với nhãn hàng hoá không kém phần thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho sản phẩm tương tự của một nước thứ 3 khác.
2. Các bên ký kết thừa nhận rằng, khi vận dụng và thực thi luật và các quy tắc về nhãn xuất xứ, các biện pháp áp dụng có thể gây khó khăn và bất tiện cho thương mại và công nghiệp của nước xuất khẩu cần được giảm thiểu hết mức, đồng thời quan tâm đúng mức tới quyền lợi của người tiêu dùng chống lại các ký hiệu man trá và gây hiểu lầm.
3. Khi có điều kiện hành chính để thực hiện, các bên ký kết cần cho phép các nhãn xuất xứ dán sẵn tại thời điểm nhập khẩu.
4. Luật lệ và quy tắc của các bên ký kết về nhãn hàng hoá nhập khẩu cần cho phép tuân thủ mà không gây tổn hại lớn tới sản phẩm, hoặc thực sự làm giảm giá trị hay làm tăng chi phí không cần thiết.
5. Như một quy tắc chung, các bên ký kết sẽ không áp đặt thuế riêng hay phạt với việc không đáp ứng các yêu cầu về nhãn hàng trước khi nhập khẩu trừ khi không có những biện pháp sửa chữa kịp thời hợp lý, hay đã cố ý không dán nhãn hàng.
6. Các bên ký kết sẽ cùng nhau hợp tác nhằm ngăn ngừa việc sử dụng thương danh theo cách làm hiểu lầm xuất xứ của sản phẩm, làm tổn hại đến các tên sản phẩm theo địa danh hay theo khu vực của một bên ký kết đã được luật pháp bảo hộ. Mỗi bên ký kết sẽ nhìn nhận đầy đủ, thuận lợi, khi xem xét các yêu cầu của một bên ký kết về việc thực thi các cam kết nêu tại câu ngay trước đây thuộc khoản này áp dụng với tên sản phẩm đã được các bên ký kết khác thông báo.
Công bố và quản lý các quy tắc thương mại
1. Các luật, quy tắc, quyết định pháp luật và quy tắc hành chính có hiệu lực chung, được bất cứ bên ký kết nào áp dụng liên quan tới việc phân loại hay định trị giá sản phẩm nhằm mục đích thuế quan, hay liên quan tới suất thuế quan, thuế hay phí, hay tới các yêu cầu, các hạn chế hay cấm nhập khẩu hay xuất khẩu hay thanh toán tiền hàng xuất nhập khẩu, hay có tác động tới việc bán, phân phối, vận tải, bảo hiểm, lưu kho, giám định, trưng bày, chế biến, pha trộn hay sử dụng hàng hoá theo cách nào khác sẽ được công bố khẩn trương bằng cách nào đó để các chính phủ hay các doanh nhân biết. Các hiệp định có tác động tới thương mại quốc tế đang có hiệu lực giữa chính phủ hay cơ quan chính phủ với chính phủ hay cơ quan chính phủ của bất cứ bên ký kết nào cũng sẽ được công bố. Các quy định của Điều này sẽ không yêu cầu bất cứ một bên ký kết nào phải điểm lộ thông tin mật có thể gây trở ngại cho việc thực thi pháp luật, hoặc trái với quyền lợi chung hoặc gây tổn hại quyền lợi thương mại chính đáng của một doanh nghiệp nào đó dù là quốc doanh hay tư nhân.
2. Các Bên ký kết sẽ không thực thi trước khi công bố chính thức bất cứ biện pháp nào có phạm vi áp dụng chung mang tính chất nâng suất thuế quan hay nâng các khoản thu khác đánh vào hàng nhập thuộc diện đang thực hiện thống nhất và đã mặc định, hoặc áp đặt ở mức cao hơn một yêu cầu, một hạn chế nhập khẩu hay hạn chế về chuyển tiền thanh toán hàng nhập khẩu.
3. (a) Mỗi bên ký kết sẽ quản lý luật pháp, quy tắc, các quyết định hay quy chế đã nêu tại khoản 1 của điều khoản này một cách thống nhất, vô tư và hợp lý.
(b) Mỗi bên ký kết sẽ duy trì hay thiết lập, sớm nhất có thể, các toà án và thủ tục về chấp pháp, trọng tài hay hành chính cũng như các nội dung khác, có mục đích xem xét và điều chỉnh khẩn trương các hành vi hành chính trong lĩnh vực hải quan. Các cơ quan xét xử và các thủ tục đó sẽ độc lập với các cơ quan hành chính được giao nhiệm vụ thực thi và các quyết định xét xử sẽ được các cơ quan hành chính đó thi hành và có hiệu lực điều chỉnh hành vi chính quyền, trừ khi có kháng án trong cùng thời hạn kháng án áp dụng với các nhà nhập khẩu; miễn là cấp thẩm quyền trung ương của cơ quan đó có thể có phương thức để xem xét lại vấn đề theo một quy trình khác nếu có lý do chính đáng để tin rằng quyết định đó không đáp ứng các nguyên tắc pháp luật đã hình thành và thực tế vụ việc.
(c) Các quy định của điểm (b) thuộc khoản này sẽ không yêu cầu phải triệt tiêu hay thay thế các thủ tục có hiệu lực trên lãnh thổ của một bên ký kết vào ngày Hiệp định này được ký kết mà trong thực tế đã xem xét khách quan và vô tư các hành vi của chính quyền dẫu rằng các thủ tục đó không hoàn toàn hoặc về hình thức không độc lập với các cơ quan được giao nhiệm vụ thực thi hành chính. Khi được yêu cầu bất kỳ bên ký kết nào áp dụng chính sách biện pháp nêu trên sẽ cung cấp cho Các Bên Ký Kết thông tin đầy đủ về các biện pháp đó, để Các Bên Ký Kết có thể định đoạt rằng các thủ tục đó có đáp ứng các yêu cầu của tiểu doạn này hay không.
Triệt tiêu chung các hạn chế định lượng
1. Không một sự cấm hay hạn chế nào khác ngoại trừ thuế quan và các khoản thu khác, dù mang hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất khẩu hoặc các biện pháp khác sẽ được bất cứ một bên ký kết nào định ra hay duy trì nhằm vào việc nhập khẩu từ lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào hay nhằm vào việc xuất khẩu hay bán hàng để xuất khẩu đến lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào.
2. Các quy định của khoản 1 trong điều khoản này sẽ không được áp dụng với các trường hợp dưới đây:
(a) Cấm hay hạn chế xuất khẩu tạm thời áp dụng nhằm ngăn ngừa hay khắc phục sự khan hiếm trầm trọng về lương thực hay các sản phẩm khác mang tính trọng yếu đối với với Bên ký kết đang xuất khẩu;
(b) Cấm hay hạn chế xuất khẩu cần thiết để áp dụng các tiêu chuẩn hay quy chế về phân loại, xếp hạng hay tiếp thị các sản phẩm trên thị trường quốc tế;
(c) Hạn chế nhập khẩu nông sản hay thuỷ sản dù nhập khẩu dưới bất cứ hình thức nào nhằm triển khai các biện pháp của chính phủ được áp dụng:
(i) để hạn chế số lượng các sản phẩm nội địa tương tự được phép tiêu thụ trên thị trường hay sản xuất, hoặc là nếu không có một nền sản xuất trong nước đáng kể, thì để hạn chế số lượng một sản phẩm nội địa có thể bị sản phẩm nhập khẩu trực tiếp thay thế; hoặc
(ii) để loại trừ tình trạng dư thừa một sản phẩm nội địa tương tự, hoặc nếu không có nền sản xuất một sản phẩm nội địa tương tự, để loại trừ tình trạng dư thừa một sản phẩm nhập khẩu trực tiếp thay thế, bằng cách đem số lượng dư thừa để phục vụ một nhóm người tiêu dùng miễn phí hay giảm giá dưới giá thị trường; hoặc
(iii) để hạn chế số lượng cho phép sản xuất với một súc sản mà việc sản xuất lại phụ thuộc trực tiếp một phần hay toàn bộ vào một mặt hàng nhập khẩu, nếu sản xuất mặt hàng đó trong nước tương đối nhỏ.
Bất cứ một bên ký kết nào khi áp dụng hạn chế nhập khẩu bất cứ một sản phẩm nào theo nội dung điểm (c) của khoản này sẽ công bố tổng khối lượng hay tổng trị giá của sản phẩm được phép nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định trong tương lai và mọi thay đổi về số lượng hay trị giá nói trên. Hơn thế nữa, bất cứ sự hạn chế nào được áp dụng theo nội dung mục (i) nói trên cũng không nhằm hạn chế tổng khối lượng nhập khẩu trong tương quan với tổng khối lượng được sản xuất trong nước, so với tỷ trọng hợp lý có thể có trong điều kiện không có hạn chế. Khi xác định tỷ trọng này bên ký kết đó cần quan tâm đúng mức tới tỷ trọng đã có trong một thời gian đại diện trước đó hay quan tâm tới một nhân tố riêng biệt nào đó có thể đã hay đang ảnh hưởng tới sản phẩm liên quan.
Hạn chế để bảo vệ cán cân thanh toán
1. Không trái với quy định tại khoản 1 của Điều XI, bất cứ bên ký kết nào, để bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán, có thể hạn chế số lượng hay trị giá hàng hoá cho phép nhập khẩu, theo quy định tại các khoản dưới đây của điều khoản này.
2. (a) Các hạn chế nhập khẩu được định ra, duy trì hay mở rộng theo quy định của điều khoản này sẽ không vượt quá mức cần thiết:
(i) để ngăn ngừa mối đe doạ hay để ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng dự trữ ngoại hối.
(ii) trong trường hợp một bên ký kết có dự trữ ngoại hối rất thấp, để nâng dự trữ ngoại hối lên một mức hợp lý.
Trong cả hai trường hợp cần có sự quan tâm đúng mức đến bất cứ nhân tố đặc biệt nào có thể tác động đến dự trữ hay nhu cầu về dự trữ của một bên ký kết, trong đó có tín dụng đặc biệt vay nước ngoài hay những nguồn khác có thể tiếp cận, nhu cầu sử dụng thích hợp tín dụng hay các nguồn đó.
(b) Các bên ký kết khi áp dụng các hạn chế nêu tại đoạn (a) của khoản này sẽ nới lỏng các hạn chế đó khi các điều kiện dẫn tới hạn chế được cải thiện, chỉ duy trì các hạn chế đó ở mức độ các điều kiện đã nêu tại đoạn đó còn chứng minh được sự cần thiết phải áp dụng. Họ sẽ loại bỏ các hạn chế khi các điều kiện không còn chứng minh được việc định ra hay duy trì các biện pháp đó theo như quy định tại điểm (a) đó.
3. (a) Các bên ký kết chấp nhận, trong khi thực hành chính sách trong nước, sẽ quan tâm đúng mức đến nhu cầu duy trì hoặc lập lại sự thăng bằng cán cân thanh toán trên một cơ sở lành mạnh và lâu dài và tới mong muốn tránh việc sử dụng phi kinh tế các nguồn lực sản xuất. Các bên thừa nhận rằng nhằm đạt tới các mục đích này, trong chừng mực cao nhất có thể cần vận dụng các biện pháp có tính chất mở rộng thương mại hơn là các biện pháp ngăn cản thương mại.
(b) Các bên ký kết áp dụng các hạn chế theo điều khoản này có thể xác định tác động của các hạn chế lên việc nhập khẩu các sản phẩm hay nhóm sản phẩm khác nhau để ưu tiên cho việc nhập khẩu các sản phẩm trọng yếu hơn.
(c) Các bên ký kết áp dụng các hạn chế theo điều khoản này cam kết:
(i) tránh gây tổn hại không cần thiết cho quyền lợi thương mại và kinh tế của bất kỳ bên ký kết nào.
(ii) không áp dụng các hạn chế nhằm ngăn ngừa bất hợp lý việc nhập khẩu bất kỳ sản phẩm nào có số lượng thương mại tối thiểu, nếu loại trừ số lượng đó có thể làm đảo lộn các kênh thương mại bình thường.
(d) Các bên ký kết thừa nhận rằng việc một bên ký kết áp dụng chính sách nội địa hướng tới đạt được và tạo đủ công ăn việc làm và phát triển nguồn lực kinh tế có thể dẫn tới việc bên ký kết đó có nhu cầu cao về nhập khẩu bao gồm cả mối đe doạ với dự trữ ngoại hối như đã nêu tại khoản 2 (a) của điều khoản này. Do vậy, một bên ký kết khi đã tuân thủ đầy đủ các quy định khác của điều khoản này sẽ không phải huỷ bỏ hay điều chỉnh các hạn chế, bởi vì nếu có sự điều chỉnh chính sách thì các các hạn chế áp dụng theo điều khoản này sẽ trở thành không cần thiết.
4. (a) Bất kỳ bên ký kết nào khi áp dụng các hạn chế mới hay nâng mức hạn chế của các biện pháp đang áp dụng sẽ tham vấn ngay (hoặc nếu có thể thì tham vấn trước) Các Bên Ký Kết về tính chất của các khó khăn về cán cân thanh toán, các biện pháp có thể được vận dụng thay thế và các tác động có thể của các hạn chế với nền kinh tế của các bên ký kết khác.
(b) Các Bên Ký Kết sẽ xem xét lại, vào một ngày sẽ được các bên ký kết xác định sau này, mọi hạn chế cho tới khi đó vẫn còn được áp dụng theo quy định của điều khoản này. Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày nêu trên, các bên ký kết còn áp dụng các hạn chế với hàng nhập khẩu theo tinh thần của điều khoản này, theo sẽ tiến hành tham vấn hàng năm với Các Bên Ký Kết vơi hình thức đã nêu tại điểm (a) của khoản này.
(c) (i) Nếu khi tham vấn căn cứ theo quy định tại điểm (a) hoặc điểm (b) nêu trên, Các Bên Ký Kết thấy rằng các hạn chế không tương thích với các quy định tại điều khoản này hay các quy định của Điều VIII (với bảo lưu phù hợp các quy định của điều XIV), họ sẽ chỉ ra tính chất bất cập và có thể kiến nghị việc điều chỉnh các hạn chế cho phù hợp.
(ii) Nếu mặc dù đã tham vấn, Các Bên Ký Kết xác định rằng các hạn chế đã được áp dụng dẫn tới trái nghiêm trọng với các quy định của Điều này hoậc các quy định của Điều XIII (với các bảo lưu tại Điều XIV) và các biện pháp đó dẫn tới làm thiệt hại hay đe doạ làm thiệt hại cho thương mại của một bên ký kết, Các Bên Ký Kết sẽ thông báo ý kiến cho bên ký kết đang áp dụng hạn chế biết đồng thời có khuyến nghị thích hợp để trong một thời gian nhất định bên ký kết đó tuân thủ các quy định liên quan đã nêu. Nếu bên ký kết đó vẫn không tuân thủ các khuyến nghị đó, Các Bên Ký Kết có thể cho phép bất kỳ một bên ký kết nào bị ảnh hưởng của các hạn chế đó được miễn bất kỳ nghĩa vụ nào đối với bên ký kết áp dụng hạn chế đó, thuộc phạm vi của Hiệp định này được Các Bên Ký Kết coi là thích hợp, tuỳ theo tình huống cụ thể.
(d) Các bên ký kết sẽ mời bất kỳ bên ký kết nào hiện đang áp dụng các hạn chế theo tinh thần của điều khoản này, tham vấn khi một bên ký kết có yêu cầu và thấy có biểu hiện áp dụng các hạn chế không phù hợp với các quy định của điều khoản này hay của Điều XIII (với bảo lưu phù hợp các quy định của điều XIV) và làm thiệt hại cho thương mại của một bên ký kết. Tuy nhiên, Các Bên Ký Kết chỉ đưa ra đề nghị tham vấn chung khi thấy rằng tham vấn trực tiếp giữa các bên ký kết có liên quan đã không thành. Nếu không đạt được một thoả thuận tại các cuộc tham vấn với Các Bên Ký Kết và Các Bên Ký Kết xác định rằng các hạn chế đã được áp dụng một cách không phù hợp với các quy định nêu trên và dẫn tới thiệt hại hay đe doạ gây thiệt hại cho thương mại của bên ký kết nào đặt vấn đề tham vấn, Các Bên Ký Kết sẽ khuyến nghị rút bỏ hay điều chỉnh các hạn chế đó. Nếu các hạn chế không được rút bỏ hay điều chỉnh trong thời hạn đã được Các Bên Ký Kết quy định đó, Các Bên Ký Kết có thể miễn cho bên ký kết đã khởi đầu các thủ tục tham vấn các nghĩa vụ thuộc phạm vi Hiệp định này được coi là thích đáng, tuỳ vào hoàn cảnh cụ thể được Các Bên Ký Kết xác định, đối với bên ký kết đang áp dụng các hạn chế.
(e) Khi tiến hành các thủ tục theo quy định của khoản này, Các Bên Ký Kết sẽ tính đến mọi nhân tố bên ngoài có tính chất đặc biệt làm thiệt hại cho xuất khẩu của bên ký kết đang áp dụng các hạn chế.*
(f) Những đánh giá nêu trên cần được tiến hành nhanh chóng và nếu có thể được cần tiến hành trong vòng 60 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn.
5. Trong trường hợp các hạn chế số lượng được áp dụng với hàng nhập khẩu theo tinh thần của điều khoản này có tính chất kéo dài và có thể dẫn tới sự mất thăng bằng chung làm giảm khối lượng thương mại quốc tế, Các Bên Ký Kết sẽ tiến hành thảo luận để xem xét việc các biện pháp khác có thể được các bên ký kết đang có cán cân thanh toán chịu tác động bất lợi hay các bên ký kết đang có cán cân thanh toán đặc biệt thuận lợi hoặc mọi tổ chức liên chính phủ có khả năng thi hành nhằm xoá bỏ nguyên nhân căn bản của sự mất thăng bằng cán cân đó. Khi được Các Bên Ký Kết mời, mỗi bên ký kết sẽ tham dự đàm phán như đã nêu trên.
áp dụng các hạn chế số lượng một cách không phân biệt đối xử
1. Không một sự cấm hay hạn chế nào sẽ được bất kỳ một bên ký kết nào áp dụng với việc nhập khẩu bất kỳ một sản phẩm nào có xuất xứ từ lãnh thổ của một bên ký kết khác hay với một sản phẩm xuất khẩu đến lãnh thổ của bất kỳ một bên ký kết khác, trừ khi những sự cấm đoán hạn chế tương tự cũng được áp dụng với sản phẩm tương tự có xuất xứ từ một nước thứ ba hay với một sản phẩm tương tự xuất khẩu đi một nước thứ ba.
2. Khi áp dụng các hạn chế với nhập khẩu một sản phẩm nào đó, các bên ký kết sẽ cố gắng đạt đến sự phân bổ về thương mại sản phẩm đó gần nhất với thực trạng thương mại của sản phẩm đó mà các bên ký kết khác nhau có thể có được trong hoàn cảnh không có các hạn chế đó, và các bên ký kết sẽ tuân thủ các quy định sau:
(a) Khi có thể tiến hành được, tổng hạn ngạch cho phép nhập khẩu (dù có phân bổ giữa cho các nhà cung cấp hay không) sẽ được xác định và công bố theo quy định của điểm b) khoản 3 của Điều này.
(b) Khi không thể xác định được tổng hạn ngạch, các hạn chế có thể được áp dụng bằng cách cấp giấy phép nhập khẩu không có tổng khối lượng.
(c) Trừ khi vận dụng hạn ngạch phân bổ phù hợp với điểm d) thuộc khoản này, các bên ký kết sẽ không đưa ra quy định rằng giấy phép nhập khẩu được sử dụng để nhập khẩu một sản phẩm xác định có xuất xứ từ một nước hay một nguồn cụ thể nào.
(d) Trong trường hợp hạn ngạch được phân bổ giữa các nước cung cấp, bên ký kết đang áp dụng hạn ngạch có thể thoả thuận với các bên ký kết có quyền lợi đáng kể trong việc cung cấp sản phẩm đó về mức được phân bổ. Trong những trường hợp phương thức nêu trên không hợp lý, bên ký kết nói trên sẽ phân chia hạn ngạch thành các phần tương ứng cho các bên ký kết có quyền lợi đáng kể trong việc cung cấp sản phẩm đó theo tỷ lệ tham gia của mỗi bên ký kết trong nhập khẩu một hàng đó trong một thời kỳ trước đó có tính đại diện, có tính đến mọi nhân tố đặc biệt có thể tác động đến thương mại của sản phẩm đó. Không một điều kiện hay thủ tục riêng nào mang tính chất ngăn cản một bên ký kết sử dụng hết phần hạn ngạch đã được phân bổ, được đặt ra với điều kiện hàng được nhập khẩu trong thời hạn đã quy định trong giấy phép sử dụng hạn ngạch.
3. (a) Trong trường hợp áp dụng việc cấp phép nhập khẩu khi hạn chế nhập khẩu, khi các bên ký kết quan tâm tới việc nhập khẩu sản phẩm nói trên có yêu cầu, bên ký kết đang áp dụng hạn chế sẽ cung cấp các thông tin hữu ích liên quan tới việc áp dụng các hạn chế, các giấy phép đã cấp trong thời gian gần đó và việc phân bổ giấy phép giữa các nước cung cấp, tuy nhiên không phải cung cấp tên các nhà nhập khẩu hay nhà cung cấp.
(b) Trong trường hợp hạn chế nhập khẩu thông qua hạn ngạch, bên ký kết đang áp dụng hạn chế sẽ công bố tổng khối lượng và tổng trị giá của sản phẩm được phép nhập khẩu trong thời kỳ sắp tới cũng như công bố mọi thay đổi liên quan. Nếu một sản phẩm nào đó đang trên đường vận chuyển khi việc hạn chế được công bố, hàng hoá sẽ không bị từ chối nhập khẩu khi tới cảng. Tuy nhiên được phép khấu trừ, trong chừng mực có thể, trong số lượng cho phép nhập khẩu trong thời kỳ có hạn chế số lượng nêu trên và nếu cần, khấu trừ trong số lượng cho phép nhập khẩu vào thời kỳ tiếp theo. Ngoài ra nếu một bên ký kết, theo thông lệ, miễn áp dụng hạn chế sản phẩm với các sản phẩm được hoàn thành thủ tục hải quan trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố Danh mục hạn chế được coi là thoả mãn hoàn toàn các quy định của điểm này.
(c) Trong trường hợp hạn ngạch được phân bổ giữa các nước cung cấp, bên ký kết áp dụng hạn chế sẽ thông báo trong thời hạn ngắn nhất tất cả các bên ký kết quan tâm đến việc cung cấp sản phẩm liên quan về phần hạn ngạch được phân bổ cho các nước cung cấp khác nhau, tính theo khối lượng và trọng lượng, thời hạn có hiệu lực và công bố mọi thông tin hữu ích liên quan.
4. Với các hạn chế áp dụng phù hợp với khoản 2 d) của Điều này hay khoản 2 c) của Điều XI, trước tiên Bên ký kết áp dụng các hạn chế tự mình chọn thời kỳ đại diện cho mỗi sản phẩm cũng như bất kỳ nhân tố đặc biệt nào tác động đến thương mại của sản phẩm đó. Tuy nhiên, khi một Bên ký kết có quyền lợi đáng kể trong việc cung cấp sản phẩm đó yêu cầu hay Các Bên Ký Kết có yêu cầu, bên ký kết nói trên sẽ tham vấn không chậm trễ với bên ký kết kia hoặc Các Bên Ký Kết về việc cần xem xét lại tỷ lệ phần trăm đã phân bổ hay thời kỳ đại diện đã được chọn hay đánh giá về các nhân tố đặc biệt mới đã được đưa vào tính toán, hay loại bỏ các điều kiện, thủ tục, hay các quy định khác được đưa ra một cách đơn phương và có liên quan tới việc phân bổ hạn ngạch cho thích hợp hay việc sử dụng hạn ngạch không bị hạn chế.
5. Các quy định của Điều này cũng được áp dụng với hạn ngạch thuế quan được một bên ký kết đặt ra hay duy trì; hơn nữa, trong chừng mực có thể, các nguyên tắc này cũng được áp dụng với các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Ngoại lệ của quy tắc không phân biệt đối xử
1. Một bên ký kết đang áp dụng các hạn chế theo điều XII hoặc theo điểm B của điều XVIII, khi vận dụng các hạn chế này có thể làm trái các quy định tại điều XIII trong chừng mực làm trái có tác động tương ứng với các hạn chế về thanh toán và chuyển tiền liên quan tới các giao dịch quốc tế vãng lai mà bên ký kết đó được phép vận dụng cùng với hay theo quy định của điều XIV Điều lệ Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), hoặc theo các quy định tương ứng của một Hiệp định đặc biệt được ký kết chiểu theo khoản 6 của điều XV*.
2. Một bên ký kết đang áp dụng các hạn chế nhập khẩu theo điều XII hoặc theo điểm B của điều XVIII khi được sự thoả thuận của Các Bên Ký Kết có thể tạm thời làm trái với các quy định của điều XIII với một phần nhỏ trong tổng lượng ngoại thương của mình nếu mặt lợi đem lại cho bên ký kết đó hay các bên ký kết liên quan vượt một cách đáng kể trên mức độ thiệt hại do việc làm trái có thể gây ra cho các bên ký kết khác*.
3. Các quy định của điều XIII không ngăn cản một nhóm lãnh thổ trong khuôn khổ của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF), sử dụng chung một hạn ngạch tại IMF, áp dụng các hạn chế nhập khẩu với các nước ngoài nhóm mà không hạn chế các trao đổi giữa họ với nhau, phù hợp với các quy định của điều XII hoặc của điểm B) điều XII, với điều kiện và xét về các mặt khác phải phù hợp với các quy đinh của điều XIII.
4. Các quy định của điều XI và XV hoặc của điểm B) điều XIII của Hiệp định này không ngăn cản một một bên ký kết đang áp dụng các hạn chế nhập khẩu phù hợp với các quy định của điều XII hoặc của mục B điều XIII, áp dụng các biện pháp nhằm định hướng xuất khẩu nhằm tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cần có mà không trái với quy định của điều XIII.
5. Các quy định của điều XI và XV hoặc của điểm B điều XIII của Hiệp định này không ngăn cản một một bên ký kết áp dụng:
a) các hạn chế số lượng có tác dụng tương ứng với các hạn chế ngoại hối đươc phép áp dụng theo tinh thần của điểm 3b) điều VII của Điều lệ Quỹ Tiền Tệ Quốc tế ( (IMF);
b) hoặc các hạn chế số lượng phù hợp với các thoả thuận ưu đãi đã dự kiến tại Phụ lục A của Hiệp định này, trong khi chờ đợi kết quả của chính sách cuộc thương lượng nêu tại phụ lục đó.
Các thoả thuận về ngoại hối
1. Các Bên Ký Kết sẽ cố gắng phối hợp với Quỹ Tiền Tệ Quốc tế nhằm duy trì chính sách có sự điều phối chung về những vấn đề ngoại hối thuộc thẩm quyền của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) và các hạn chế số lượng hay các biện pháp thương mại khác thuộc thẩm quyền của Các Bên Ký Kết.
2. Trong mọi trường hợp khi Các Bên Ký Kết cần xem xét hay giải quyết những vấn đề có liên quan tới dự trữ tiền tệ, tới cán cân thanh toán hay các quy định có liên quan tới ngoại hối, Các Bên sẽ tham vấn chặt chẽ với Quỹ. Trong quá trình tham vấn, Các Bên Ký Kết sẽ chấp nhận kết luận của Quỹ về thực tế hay số liệu về dự trữ ngoại hối hay cán cân thanh toán; Các Bên cũng sẽ chấp nhận kết luận của quỹ về tính phù hợp của các biện pháp về ngoại hối đã được một bên ký kết vận dụng, so với Điều lệ của Quỹ hay các quy định của hiệp định đặc biệt được ký kết giữa bên ký kết đó và Các Bên Ký Kết. Khi phải có quyết định cuối cùng trong trường hợp cần xem xét đến các tiêu thức nêu tại điểm a) khoản 2 điều XII hoặc khoản 9 điều XVIII, Các Bên Ký Kết sẽ chấp nhận các kết luận của Quỹ riêng về các yếu tố để xác định liệu dự trữ ngoại hối của một bên ký kết đã có sự suy giảm nghiêm trọng hay không, liệu hiện dự trữ đó có đang ở mức rất thấp hay không hay dự trữ đang tăng dần với mức hợp lý, cũng như những mặt tài chính của các vấn đề mà Các Bên sẽ xem xét trong các trường hợp tương tự.
3. Các Bên Ký Kết sẽ cùng Quỹ thoả thuận về thủ tục tham vấn như đã nêu tại khoản 2 điều khoản này.
4. Các bên ký kết sẽ không áp dụng các biện pháp ngoại hối trái với mục tiêu được quy định tại Hiệp định này và mọi biện pháp thương mại trái với mục tiêu được quy định tại Điều lệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế).
5. Nếu vào một thời điểm nào đó Các Bên Ký Kết cho rằng một bên ký kết đang áp dụng các hạn chế về thanh toán và về chuyển tiền liên quan tới nhập khẩu, không phù hợp với những ngoại lệ về hạn chế số lượng đã dự kiến tại Hiệp định này, Các Bên sẽ gửi báo cáo tới Quỹ.
6. Mọi bên ký kết không phải thành viên của Quỹ sẽ phải tham vấn và trở thành thành viên của Quỹ trong thời hạn do Các Bên Ký Kết xác định hoặc nếu không sẽ phải thoả thuận với Các Bên Ký Kết một hiệp định đặc biệt về ngoại hối. Một bên ký kết khi không còn là thành viên của Quỹ sẽ phải ký ngay với chính Các Bên Ký Kết một hiệp định đặc biệt về ngoại hối. Mọi hiệp định đặc biệt về ngoại hối được một bên ký kết ký theo nội dung của khoản này sẽ có hiệu lực là một bộ phận của các cam kết ràng buộc bên ký kết đó theo các điều khoản của Hiệp định này.
7. a) Mọi Hiệp dịnh đặc biệt về ngoại hối ký kết giữa một bên ký kết và Các Bên Ký Kết theo tinh thần khoản 6 của điều khoản này sẽ có các điều khoản mà Các Bên Ký Kết thấy cần thiết để các biện pháp về ngoại hối được bên ký kết đó áp dụng sẽ không trái với nội dung Hiệp định này.
b) Các điều khoản của một hiệp định như vậy nhìn chung sẽ không áp đặt với một bên ký kết những nghĩa vụ hạn chế hơn các nghĩa vụ của các thành viên Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) theo điều lệ của Quỹ.
8. Mỗi bên ký kết không phải là thành viên của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) sẽ cung cấp cho Các Bên Ký Kết mọi thông tin mà Các Bên có thể yêu cầu trong khuôn khổ chung của mục 5 điều VIII điều lệ Quỹ, nhằm thực hiện các chức năng của mình nêu tại Hiệp định này.
9. Không một quy định nào của Hiệp định này nhằm ngăn cấm:
a) một bên ký kết áp dụng các biện pháp kiểm soát hay hạn chế về ngoại hối phù hợp với Điều lệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) hoặc hiệp định đặc biệt ký kết giữa bên ký kết đó với Các Bên Ký Kết;
b) cũng như việc một bên ký kết áp dụng các hạn chế hay kiểm soát với xuất khẩu hay nhập khẩu, ngoài các tác động được phép nêu tại điều XI, XII, XIII và XV, chỉ có tác dụng đảm bảo thực thi việc kiểm soát hay hạn chế có tính chất như vậy.
Điểm A - Trợ cấp nói chung
1. Nếu bất kỳ bên ký kết nào hiện dành hay duy trì trợ cấp, bao gồm mọi hình thức hỗ trợ thu nhập hay trợ giá, trực tiếp hoặc gián tiếp có tác động làm tăng xuất khẩu một sản phẩm từ lãnh thổ của bên ký kết đó hay làm giảm nhập khẩu vào lãnh thổ của mình, bên ký kết đó sẽ thông báo bằng văn bản cho Các Bên Ký Kết về mức độ, tính chất của việc trợ cấp đó, các tác động để có cơ sở đánh giá số lượng của sản phẩm hay các sản phẩm xuất khẩu hay nhập khẩu chịu tác động của trợ cấp đó và đánh giá hoàn cảnh dẫn đến nhu cầu cần phải trợ cấp. Trong mọi trường hợp, khi xác định được việc trợ cấp đó gây ra hay đe doạ gây ra tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của một bên ký kết khác, khi được yêu cầu, bên ký kết đang áp dụng trợ cấp sẽ cùng bên ký kết kia hoặc các bên ký kết có liên quan hoặc Các Bên Ký Kết thảo luận khả năng hạn chế trợ cấp.
Mục B - Các quy định bổ sung về trợ cấp xuất khẩu.
2. Các Bên Ký Kết thừa nhận rằng việc một bên ký kết có trợ cấp cho xuất khẩu một sản phẩm có thể dẫn tới hậu quả gây thiệt hại cho các bên ký kết khác, dù là với nước nhập khẩu hay xuất khẩu; và rằng việc đó có thể gây rối loạn không thuận tới quyền lợi thương mại thông thường và gây trở ngại cho việc thực hiện các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định này.
3. Do vậy, các bên ký kết phải cố gắng tránh sử dụng trợ cấp xuất khẩu đối với các sản phẩm sơ cấp. Tuy nhiên, nếu một bên ký kết cho hưởng trợ cấp trực tiếp hay gián tiếp dưới một hình thức nào đó, có tác dụng tăng xuất khẩu một sản phẩm sơ cấp từ lãnh thổ của mình, trợ cấp đó cũng không được áp dụng để dẫn tới việc tăng thị phần của bên áp dụng trợ cấp lên trên mức hợp lý của tổng xuất khẩu sản phẩm đó trong thương mại quốc tế, có tính đến thị phần đã có của bên ký kết đó trong một thời kỳ có tính đại diện trước đó cũng như mọi nhân tố đặc biệt có thể tác động đến thương mại sản phẩm đó.*
4. Ngoài ra, kể từ năm ngày 1 tháng 1 năm 1958 hay vào thời hạn sớm nhất sau ngày đó, các bên ký kết sẽ ngừng việc trợ cấp trực tiếp hay gián tiếp cho xuất khẩu dưới bất kỳ hình thức nào cho bất kỳmột sản phẩm nào có tác dụng giảm giá bán xuất khẩu sản phẩm này xuống dưới mức giá bán sản phẩm tương tự cho người mua trên thị trường trong nước. Từ nay tới ngày 31 tháng 12 năm 1957, không một bên ký kết nào mở rộng diện thực thi trợ cấp như trên quá mức đã áp dụng vào ngày 1 tháng 1 năm 1955, bằng cách áp dụng trợ cấp mới hay mở rộng diện trợ cấp hiện hành.
5. Các Bên Ký Kết sẽ định kỳ tiến hành xem xét tổng thể việc thực thi các quy định của điều khoản này nhằm xác định, rút kinh nghiệm, xem các quy định đó có thực sự đóng góp hữu hiệu cho việc thực hiện mục tiêu của Hiệp định này và có cho phép thực sự tránh được việc trợ cấp gây tổn hại nghiêm trọng tới thương mại hay tới quyền lợi của các bên ký kết.
Doanh nghiệp thương mại nhà nước
1.* a) Mỗi bên ký kết cam kết rằng khi lập ra một doanh nghiệp thương mại nhà nước, khi phân bổ hoặc dành cho một doanh nghiệp độc quyền hay đặc quyền thương mại* theo luật pháp hay trong thực tế, doanh nghiệp đó khi tiến hành mua bán thông qua xuất khẩu hay nhập khẩu sẽ tuân thủ các nguyên tắc chung về không phân biệt đối xử đã nêu trong Hiệp định này đối với các biện pháp của chính phủ tác động tới hoạt động nhập khẩu hay xuất khẩu của các doanh nghiệp tư nhân.
b) Các quy định của điểm a) thuộc khoản này phải được hiểu là đòi hỏi các doanh nghiệp nói trên nhìn nhận đúng mức các quy định khác của Hiệp định này và khi tiến hành mua bán như vậy chỉ xem xét quyết định chỉ căn cứ vào các tiêu chí thương mại* như giá cả, chất lượng, khả năng sẵn có, khả năng cung cấp, vận tải và các điều kiện mua bán khác, cũng như được hiểu là phải dành cho các doanh nghiệp của các bên ký kết khác khả năng thích hợp tham gia vào hoạt động mua bán này trong các điều kiện tự do cạnh tranh và phù hợp với tập quán thương mại thông thường.
c) Không một bên ký kết nào ngăn cản các doanh nghiệp (dù là doanh nghiệp được đề cập ở điểm a) khoản này hay không chịu sự điều chỉnh của luật pháp nước mình) hành động phù hợp với các nguyên tắc đã nêu tại điểm a) và điểm b) của khoản này.
2. Các quy định của khoản 1 điều khoản này không áp dụng với việc nhập khẩu sản phẩm dành cho tiêu dùng ngay hay cuối cùng được tiêu dùng bởi các cơ quan chính quyền hay do chính quyền thanh toán mà không được bán lại hoặc được dùng để sản xuất hàng hoá* nhằm mục đích bán lại. Với các hoạt động thương mại này mỗi bên ký kết sẽ dành sự đãi ngộ công bằng với các bên ký kết khác.
3. Các bên ký kết thừa nhận rằng các doanh nghiệp thuộc loại được định nghĩa tại điểm a) của khoản 1 điều khoản này có thể được sử dụng theo cách có thể dẫn tới gây trở ngại nghiêm trọng cho thương mại, do vậy để đảm bảo cho sự phát triển của thương mại quốc tế, vấn đề quan trọng là tiến hành đàm phán trên cơ sở có đi có lại và các bên cùng có lợi, nhằm giới hạn hay giảm bớt các trở ngại đó.*
4. a) Các bên ký kết sẽ thông báo cho Các Bên Ký Kết các sản phẩm được nhập khẩu hoặc xuất khẩu từ lãnh thổ của mình do các doanh nghiệp thuộc loại đã định nghĩa tại tiểu mục 1 của điều khoản này tiến hành.
b) Bên ký kết đặt ra hay cho phép một sự độc quyền nhập khẩu một sản phẩm không thuộc diện nhân nhượng (thuế quan) theo nội dung điều khoản II, khi có yêu cẩu của một bên ký kết đang mua/bán ở mức đáng kể sản phẩm này, sẽ thông báo cho Các Bên Ký Kết biết chênh lệch giá nhập khẩu của sản phẩm đó trong một thời kỳ đại diện gần nhất và hoặc, khi có thể, cho biết giá bán ra của sản phẩm đó.
c) Khi một bên ký kết có yêu cầu và có lý do để tin rằng quyền lợi của mình trong khuôn khổ Hiệp định này đang bị tổn hại do hoạt động của các doanh nghiệp thuộc loại đã định nghĩa tại điểm a) của khoản 1, Các Bên Ký Kết có thể yêu cầu bên ký kết đang lập ra, duy trì hay cho phép một doanh nghiệp như vậy cung cấp các thông tin về hoạt động của doanh nghiệp đó liên quan tới việc tuân thủ các nguyên tắc của Hiệp định này.
d) Các quy định của khoản này không buộc các bên ký kết phải điểm lộ các thông tin không phổ biến mà nếu được điểm lộ sẽ gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật hay làm tổn hại đến quyền lợi thương mại chính đáng của những doanh nghiệp nhất định.
Trợ giúp của Nhà nước cho phát triển kinh tế
1. Các bên ký kết thừa nhận rằng các mục tiêu của Hiệp định này sẽ được thực hiện thuận lợi hơn nhờ vào sự phát triển dần nền kinh tế của mỗi nước, nhất là trong trường hợp các bên ký kết đang có một nền kinh tế chỉ đủ khả năng đảm bảo một mức sống thấp và đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển.*
2. Ngoài ra, các bên ký kết cũng thừa nhận rằng với các bên ký kết đã đề cập đến ở khoản 1 có thể cần thực hiện các chương trình và chính sách phát triển kinh tế hướng tới việc nâng cao mức sống chung của nhân dân, cần có các biện pháp bảo hộ hay các biện pháp tác động đến nhập khẩu và chừng nào việc thực hiện các mục tiêu được nêu trong Hiệp định này nhờ đó có thêm thuận lợi thì việc áp dụng các biện pháp như vậy còn là đúng đắn. Các Bên cho rằng cần dự kiến trước những điều kiện thuận lợi cho các bên ký kết nói trên để họ (1) có thể duy trì cơ cấu thuế quan có sự mềm dẻo đủ để có một sự bảo hộ thông qua thuế quan cần thiết cho việc tạo dựng một ngành sản xuất nhất định* và kiến lập các hạn chế số lượng nhằm bảo hộ cho cán cân thanh toán theo cách để có tính toán đầy đủ đến mức nhu cầu nhập khẩu cao và ngày càng tăng có thể phát sinh do việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế.
3. Các bên ký kết thừa nhận sau cùng rằng, với các thuận lợi bổ sung có được như nêu taị mục A và B của điều khoản này, thông thường các quy định của Hiệp định này sẽ đủ điều kiện để các bên ký kết đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế của mình. Tuy nhiên Các Bên cũng thừa nhận rằng trong thực tế cũng có những trường hợp không thể đặt ra các biện pháp tương thích với các quy định này, là biện pháp cho một bên ký kết đang phát triển kinh tế dành sự giúp đỡ của Nhà nước cần có để tạo thuận lợi để tạo lập những ngành sản xuất xác định có tác dụng nâng cao mức sống chung của nhân dân. Tại điểm C và D có quy định thủ tục dành cho các trường hợp như vậy.
4. a) Do vậy tất cả các bên ký kết có nền kinh tế chỉ đảm bảo được một mức sống thấp cho nhân dân* và đang ở chặng đầu của sự phát triển * có thể tạm thời làm trái với các quy định của các điêù khoản khác thuộc Hiệp định này, nội dung đã dự kiến tại các mục A, B, C của điều khoản này nhằm mục đích đó.
b) Mỗi bên ký kết có nền kinh tế đang phát triển nhưng không thuộc tiểu khoản a) nêu trên có thể đề nghị Các Bên Ký Kết cho phép áp dụng theo quy định của điểm D tại điều khoản này.
5. Các bên ký kết thừa nhận rằng thu nhập từ xuất khẩu của các bên ký kết có nền kinh tế thuộc diện đã được mô tả ở điểm a) và b) của khoản 4 và thu nhập đó phụ thuộc vào một số ít các sản phẩm sơ cấp có thể bị giảm nguồn thu nghiêm trọng do suy giảm xuất khẩu các sản phẩm đó. Do vậy, khi xuất khẩu các sản phẩm sơ cấp của bên ký kết đó bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp được một bên ký kết khác áp dụng, bên ký kết đó có thể vận dụng các quy định của điều XXII thuộc Hiệp định này để tham vấn.
6. Các Bên Ký Kết hàng năm sẽ xem xét lại tất cả các biện pháp được áp dụng theo tinh thần các quy định của mục C và D của điều khoản này.
Mục A
7 a) Nếu một bên ký kết thuộc diện nêu tại điểm a của khoản 4 điều khoản này thấy cần điều chỉnh hay rút bỏ các nhân nhượng thuế quan trong Biểu các nhân nhượng thuế quan thuộc phụ lục của Hiệp định này để tạo thuận lợi cho việc tạo dựng một ngành sản xuất xác định và nâng cao mức sống chung của nhân dân, bên ký kết đó sẽ thông báo cho Các Bên Ký Kết biết và tiến hành đàm phán với bất kỳ bên ký kết nào ban đầu đã đàm phán với mình về nhân nhượng thuế quan đó và với tất cả các bên ký kết được Các Bên Ký Kết thừa nhận là có quyền lợi đáng kể liên quan. Nếu đạt được một thoả thuận giữa các bên ký kết liên quan, việc điều chỉnh và rút bỏ nhân nhượng thuế quan trong Biểu các nhân nhượng thuế quan (tương ứng trong phụ lục của Hiệp định này) không có trở ngại gì, nhằm thực hiện thoả thuận nói trên, kể cả những điều chỉnh để bù đắp có phát sinh.
b) Nếu các bên không đạt được thoả thuận trong vòng sáu mươi ngày tính từ ngày gửi thông báo như nêu tại điểm a) trên đây, bên ký kết đưa ra đề nghị có thể đưa vấn đề ra trước Các Bên Ký Kết và Các Bên sẽ xem xét nhanh chóng. Nếu Các Bên Ký Kết thấy rằng bên ký kết có đề nghị điều chỉnh hay rút bỏ nhân nhượng đã làm hết khả năng để đạt tới một thoả thuận và sự đền bù đã đưa ra là thoả đáng, bên ký kết đó được quyền điều chỉnh hay rút bỏ nhân nhượng, với điều kiện phải đồng thời thực thi sự đền bù. Nếu Các Bên Ký Kết thấy rằng sự đền bù được bên ký kết có đề nghị điều chỉnh hay rút bỏ nhân nhượng đưa là không thoả đáng, nhưng bên ký kết đó đã làm hết những gì hợp lý thuộc khả năng của mình để có được một sự đền bù thoả đáng, bên ký kết đó có thể thực thi sự điều chỉnh hay rút bỏ đó. Khi một biện pháp như vậy đã được áp dụng, mọi bên ký kết khác nói ở điểm a) trên đây có thể điều chỉnh hay rút bỏ những nhân nhượng đáng kể tương ứng đã đàm phán ban đầu với bên ký kết đã áp dụng các biện pháp nói trên*.
Mục B
8. Các bên ký kết thừa nhận rằng những bên ký kết thuộc diện nêu tại tiểu khoản a) khoản 4 điều khoản này khi đang trong giai khoản phát triển nhanh để thăng bằng cán cân thanh toán có thể gặp khó khăn chủ yếu bắt nguồn từ các cố gắng mở rộng thị trường trong nước cũng như có sự không ổn định về ngoại hối.
9. Đề bảo vệ vị thế tài chính đối ngoại và bảo đảm đủ mức dự trữ ngoại hối nhằm thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, một bên ký kết thuộc diện nêu tại điểm a) của khoản 4. điều khoản này có thể, với điều kiện đáp ứng các quy định của khoản 10 và 12, điều chỉnh tổng mức nhập khẩu bằng cách giới hạn khối lượng và trị giá của hàng hoá được phép nhập khẩu, với điều kiện là các hạn chế nhập khẩu đặt ra hay duy trì không quá mức cần thiết.
a) để đối phó với sự suy giảm đáng kể dự trữ tiền tệ hay chấm dứt tình trạng này; hoặc
b) để nâng mức dự trữ tiền tệ với tốc độ hợp lý, trong trường hợp dự trữ đó đang ở mức thiếu hụt.
Trong cả hai trường hợp, cần phải tính đến mọi nhân tố đặc biệt có thể tác động đến dự trữ tiền tệ của bên ký kết đó hay nhu câù của bên ký kết đó về dự trữ tiền tệ và nhất là khi đang được sử dụng các khoản tín dụng đặc biệt hay nguồn khác, cần tính đến khả năng sử dụng thích hợp các khoản tín dụng và các nguồn như vậy.
10. Khi áp dụng các hạn chế đó, bên ký kết nói trên có thể xác định tác động của các biện pháp đó lên các sản phẩm khác nhau hay các chủng loại sản phẩm khác nhau sao cho có sự ưu tiên với nhập khẩu các sản phẩm cần thiết để thực thi chính sách phát triển kinh tế của mình; tuy nhiên các hạn chế phải được áp dụng sao cho tránh không làm tổn hại quyền lợi kinh tế thương mại của bất kỳ bên ký kết nào khác một cách không cần thiết và không gây trở ngại cho việc nhập khẩu những khối lượng hàng hoá có tính chất thương mại tối thiểu thuộc bất cứ loại nào mà nếu ngừng nhập khẩu hoàn toàn sẽ dẫn đến trở ngại cho tiến trình thương mại thông thường; ngoài ra, các hạn chế nói trên sẽ không được áp dụng dẫn đến gây trở ngại cho việc nhập khẩu mẫu hàng trong thương mại hay hay với việc tuân thủ các thủ tục liên quan tới bản quyền sáng chế, nhãn hàng, quyền tác giả hay các thủ tục tương tự.
11. Khi thực hiện chính sách trong nước của mình, bên ký kết liên quan cũng phải tính toán đúng mức đến sự cần thiết phải lập lại thăng bằng cán cân thanh toán dựa trên một cơ sở lành mạnh bền vững và chú trọng sử dụng một cách kinh tế các nguồn lực sản xuất. Khi tình trạng trên dần dần được cải thiện, bên ký kết đó sẽ giảm nhẹ dần các hạn chế được áp dụng theo tinh thần của mục này và chỉ duy trì chúng ở mức cần thiết, có tính toán đến các quy định của khoản 9 điều khoản này; bên ký kết đó sẽ loại bỏ các hạn chế khi tình huống đó không chứng tỏ sự cần thiết phải duy trì các biện pháp đó nữa; Tuy nhiên không một bên ký kết nào phải huỷ bỏ hay điều chỉnh các hạn chế với lý do là sự thay đổi trong chính sách phát triển của mình đã làm mất tính cần thiết của các hạn chế đang áp dụng theo tinh thần của điểm này*.
12. a) Bất kỳ bên ký kết nào đang áp dụng các hạn chế mới hay nâng mức chung hạn chế so với trươc đó thông qua tăng cường đáng kể các biện pháp đã áp dụng theo tinh thần của điểm này, ngay sau khi đã đưa ra các hạn chế mới hay tăng cường biện pháp hạn chế, hoặc trong trường hợp có thể tham vấn trước khi tiến hành sẽ phải bắt đầu tham vấn với Các Bên Ký Kết về tính chất các khó khăn đang tác động lên cán cân thanh toán và các biện pháp điều chỉnh khác nhau dẫn đến lựa chọn các biện pháp đang áp dụng cũng như các tác động có thể của các biện pháp đó với nền kinh tế của các bên ký kết khác.
b) Vào một ngày do Các Bên xác định sau, Các Bên Ký Kết sẽ xem xét lại mọi hạn chế còn đang được áp dụng vào ngày đó. Khi hết thời hạn hai năm kể từ ngày nói trên, các bên ký kết vẫn đang áp dụng các hạn chế theo tinh thần của điểm này sẽ tiến hành tham vấn với Các Bên Ký Kết định kỳ khoảng nhưng không ngắn hơn hai năm theo phương thức đã nêu tại điểm c) trên đây, theo chương trình sẽ do Các Bên Ký Kết xác định hàng năm; Tuy nhiên trong thời hạn hai năm kể từ khi kết thúc tham vấn mang tính tổng thể theo bất kỳ một quy định nào khác thuộc khoản này, không tiến hành một cuộc tham vấn nào sớm hơn.
c) (i) Nếu trong khi tiến hành tham vấn với một bên ký kết đúng theo quy định của điểm a) và điểm b) thuộc khoản này, Các Bên Ký Kết thấy rằng các hạn chế không tương thích với các quy định tại điểm này hay không phù hợp với các quy định của điều XIII (với các điều kiện quy định tại điều XIV), Các Bên sẽ chỉ ra những điểm còn khác biệt và có thể đề xuất những điều chỉnh thích hợp với những hạn chế đang được áp dụng.
(ii) Tuy nhiên, nếu sau khi đã tham vấn, Các Bên Ký Kết xác định rằng các hạn chế đang được áp dụng theo cách không phù hợp với các quy định của điểm này và các quy định tại Điều khoản XIII (với các điều kiện quy định tại điều XIV) ở mức nghiêm trọng và do vậy dẫn tới tổn hại hay đe doạ tổn hại tới thương mại của một bên ký kết, Các Bên sẽ thông báo cho bên ký kết đang áp dụng hạn chế và có khuyến nghị thích hợp nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định liên quan trong một thời hạn hợp lý. Nếu bên ký kết đó không tuân thủ các khuyến nghị nói trên trong thời hạn đã định, Các Bên Ký Kết có thể cho phép bên ký kết có nền thương mại bị tác động bởi các hạn chế đó khỏi bị ràng buộc với mọi nghĩa vụ được tự xác định là thích hợp, đối với bên ký kết đang áp dụng hạn chế có tính đến tình huống cụ thể.
d) Các Bên Ký Kết sẽ mời mọi bên ký kết hiện đang áp dụng hạn chế theo tinh thần của mục này tiến hành tham vấn với Các Bên khi bất kỳ một bên ký kết nào đã xác định rằng các hạn chế không tương thích với các quy định của mục này và các quy định tại Điều XIII (với các điều kiện quy định tại Điều XIV) và nền thương mại của mình có bị tổn hại. Tuy nhiên việc mời tham vấn chỉ tiến hành sau khi Các Bên Ký Kết nhận thấy rằng các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên ký kết liên quan đã không đạt kết quả. Nếu sau khi đã tham vấn với Các Bên Ký Kết nhưng vẫn không đạt được thoả thuận, và một khi Các Bên Ký Kết xác định được rằng việc áp dụng hạn chế không phù hợp các quy định nêu trên và dẫn đến tổn hại hay đe doạ tổn hại cho thương mại của bên ký kết đã tiến hành thủ tục tham vấn, Các Bên sẽ khuyến nghị huỷ bỏ hay điều chỉnh các hạn chế. Nếu các hạn chế không được huỷ bỏ hay điều chỉnh trong thời hạn được Các Bên Ký Kết có thể xác định xác định, Các Bên có thể cho phép bên ký kết đã tiền hành thủ tục tham vấn khỏi bị ràng buộc với mọi nghĩa vụ được tự xác định là thích hợp, đối với bên ký kết đang áp dụng các hạn chế có tính đến tình huống cụ thể.
e) Nếu một bên ký kết thấy một biện pháp đã được áp dụng với mình phù hợp với câu cuối cùng của điểm c) ii và điểm d) của khoản này, thắy rằng việc Các Bên Ký Kết miễn trách nghĩa vụ cho một bên ký kết như vậy làm hại đến việc thực hiện chương trình và chính sách phát triển kinh tế của mình, trong vong 60 ngày từ ngày biện pháp nói trên được áp dụng, bên ký kết đó có quyền thông báo bằng văn bản cho Thư ký điều hành* của Các Bên Ký Kết biết ý định từ bỏ tham gia Hiệp định này. Sự từ bỏ đó có hiệu lực trong vòng 60 ngày kể từ ngày Thư ký điều hành nhận được thông báo nói trên.
f) Trong mọi tiến trình thực hiện đúng theo điều khoản này, Các Bên Ký Kết sẽ tính một cách hợp thức đến các nhân tố đã nêu tại khoản 2 của điều khoản này. Những xác định đã đề cập tại khoản này cần được tiến hành nhanh chóng và nếu có thể, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn.
Mục C
13. Nếu một bên ký kết thuộc diện nêu tại điểm 4 a) của điều khoản này thấy rằng Nhà nước cần có sự giúp đỡ tạo thuận lợi cho việc tạo dựng một ngành sản xuất nhất định* có tác dụng nâng cao mức sống chung của nhân dân, nhưng lại không thể vận dụng được các biện pháp thich hợp với các quy định của Hiệp định này, bên ký kết đó có quyền vận dụng các quy định và thủ tục của điểm này*.
14. Bên ký kết đó thông báo cho Các Bên Ký Kết biết những khó khăn đặc biệt gặp phải khi thực hiện mục tiêu nêu tại khoản 13 của điều khoản này và nêu rõ biện pháp tác động tới nhập khẩu mà mình định áp dụng để khắc phục được các khó khăn nêu trên. Bên ký kết đó sẽ không đưa vào áp dụng biện pháp đó trước khi hết thời hạn như nêu tại khoản 15 hoặc khoản 17, tuỳ theo từng trường hợp, hoặc nếu biện pháp đó ánh hưởng đến nhập khẩu một sản phẩm đã đưa vào Biểu nhân nhượng thuế quan tương ứng thuộc phụ lục của Hiệp định này, trừ khi được Các Bên Ký Kết chấp thuận phù hợp với các quy định của khoản 18; tuy nhiên, nếu ngành sản xuất nhận sự giúp dỡ của Nhà nước đã đi vào hoạt động, sau khi đã thông báo cho Các Bên Ký Kết biết, bên ký kết đó có thể có các biện pháp cần thiết để tránh nhập khẩu (các) sản phẩm liên quan không vượt quá mức bình thường*, trong thời gian đó.
15. Nếu trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo về biện pháp nói trên, Các Bên Ký Kết không mời bên ký kết đó tham vấn với Các Bên*, bên ký kết đó có thể làm trái với các quy định của Hiệp định này, áp dụng với vấn đề cụ thể này, và áp dụng biện pháp đã dự kiến trong chừng mực cần thiết.
16. Nếu Các Bên Ký Kết*có yêu cầu tham vấn, bên ký kết đó sẽ tham vấn với Các Bên về đối tượng của biện pháp đã dự kiến, về các biện pháp khác nhau có thể lựa chọn trong khuôn khổ của Hiệp định này, cũng như các tác động có thể có của biện pháp đã dự kiến với quyền lợi thương mại hay quyền lợi kinh tế của các bên ký kết khác. Nếu sau khi đã tham vấn, Các Bên Ký Kết nhận thấy rằng trong thực tế không thể đưa ra biện pháp tương thich với các quy định khác của Hiệp định này để thực hiện mục tiêu đã xác định tại khoản 13 điều khoản này và nếu được Các Bên chấp nhận* biện pháp đã dự kiến, bên ký kết đó được miễn các nghĩa vụ thuộc các Điều khoản khác của Hiệp định này áp dụng với vấn đề cụ thể này trong chừng mực cần thiết để thực thi biện pháp đó.
17. Nếu trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày gửi thông báo về biện pháp đã đự kiến, phù hợp với các quy định của khoản 14 điều khoản này, Các Bên Ký Kết không bày tỏ ý kiến với biện pháp đã dự kiến, bên ký kết liên quan có thể áp dụng biện pháp đó sau khi đã thông báo cho Các Bên Ký Kết biết.
18. Nếu biện pháp dự kiến đó ảnh hưởng đến một sản phẩm thuộc Biểu cam kết tương ứng trong phụ lục của Hiệp định này, bên ký kết liên quan sẽ tiến hành tham vấn với bất kỳ bên ký kết nào khác đã tham gia đàm phán về nhân nhượng đó và bất kỳ bên ký kết nào khác có quyền lợi đáng kể liên quan tới nhân nhượng thuế quan đó được Các Bên Ký Kết thừa nhận. Các Bên sẽ thể hiện sự đồng ý* với biện pháp dự kiến nếu họ thừa nhận rằng trong thực tế không thể áp dụng những biện pháp tương thích với các quy định của Hiệp định này để thực hiện các mục tiêu đã xác định tại khoản 13 của điều khoản này và nếu Các Bên có sự đảm bảo rằng:
(a) đã đạt được một thoả thuận với các bên ký kết liên quan sau khi tham vấn như đã nêu trên,
(b) hoặc nếu không đạt được thoả thuận nào trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Các Bên Ký Kết nhận được thông báo như quy định tại khoản 14, bên ký kết vận dụng các quy định của điều khoản này đã làm tất cả những gì hợp lý, có thể làm được để đạt tới một thoả thuận như vậy và quyền lợi của các bên ký kết khác đã được bảo vệ đúng mức*.
Bên ký kết vận dụng các quy định của mục này đến lúc đó được miễn các nghĩa vụ theo các quy định của các điều khoản khác của Hiệp định này áp dụng với nội dung của vấn đề cụ thể nói đến ở đây, trong chừng mực cần thiết để tiến hành biện pháp đã nêu.
19 Nếu một biện pháp đã dự kiến thuộc loại đã định nghĩa ở khoản 13 của điều khoản này liên quan tới một ngành sản xuất trong thời kỳ đầu đã được tạo điều kiện thuận lợi nhờ vào sự bảo hộ phụ trợ có được do các hạn chế được bên ký kết đó áp dụng nhằm bảo hộ sự thăng bằng cán cân thanh toán theo quy định của Hiệp định này áp dụng vào vấn đề cụ thể liên quan, bên ký kết đó có thể vận dụng các quy định và thủ tục của mục này, với điều kiện bên đó không áp dụng các biện pháp dự kiến khi chưa được các bên ký kết* tán thành*.
20. Không một quy định nào của các khoản trước thuộc mục này cho phép làm trái các quy định của các Điều thứ nhất, II, XIII của Hiệp định này. Các bảo lưu của khoản 10 của điều khoản này có hiệu lực với mọi hạn chế là đối tượng điều chỉnh của điểm này.
21. Trong thời kỳ một biện pháp được áp dụng theo quy định của khoản 17 điều khoản này, vào bất kỳ lúc nào, bất kỳ bên ký kết nào chịu tác động đáng kể của biện pháp đó cũng có thể tạm ngừng việc cho bên ký kết đã vận dụng các quy định của mục này hưởng những nhân nhượng hay được miễn những nghĩa vụ đáng kể tương đương trong phạm vi Hiệp định này và không bị Các Bên Ký Kết có ý kiến ngược lại, với điều kiện có sự báo trước dành cho Các Bên Ký Kết một thời hạn 60 ngày, không chậm hơn sáu tháng kể từ ngày biện pháp được áp dụng hay điều chỉnh nhằm vào bên ký kết chịu tổn hại đó. Bên ký kết này sẽ tạo điều kiện để tham vấn phù hợp với các quy định của điều XXII của Hiệp định này.
Mục D
22. Bất kỳ bên ký kết nào thuộc diện nêu tại điểm 4 b) điều khản này và để tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của mình mong muốn kiến lập một biện pháp thuộc loại nêu tại khoản 13 điều khoản này về việc tạo lập một ngành sản xuất nhất định, có quyền đề nghị Các Bên Ký Kết thông qua một biện pháp như vậy. Các Bên Ký Kết sẽ nhanh chóng tham vấn với bên ký kết đó và trong quá trình ra quyết định họ sẽ căn cứ vào nội dung đã quy định tại khoản 16. Nếu được Các Bên Ký Kết* đồng tình với biện pháp nêu trên, bên ký kết đó sẽ được miễn các nghĩa vụ nêu tại các Điều khoản khác của Hiệp định này, trong chừng mực cần thiết để tiến hành biện pháp đã nêu. Nếu biện pháp dự kiến tác động đến một sản phẩm là đói tượng của nhân nhượng thuế quan trong Biểu tương ứng kèm theo phụ lục của Hiệp định này, các quy định của khoản 18 sẽ có hiệu lực.*
23. Mọi biện pháp áp dụng theo tinh thần của mục này phải phù hợp với các quy định của khoản 20 điều khoản này.
Biện pháp khẩn cấp đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nhất định
1. a) Nếu do hậu quả của những diễn tiến không lường trước được và do kết quả của những nghĩa vụ, trong đó có những nhân nhượng thuế quan của một bên ký kết theo Hiệp định này, một sản phẩm được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên ký kết đó với số lượng gia tăng và với các điều kiện đến mức gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất những sản phẩm tương tự hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp trong nước, bên ký kết đó có quyền ngừng hoàn toàn hay một phần các cam kết của mình, rút bỏ hay điều chỉnh nhân nhượng thuế quan, đối với sản phẩm đó và trong thời gian cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục tổn hại đó.
b) Nếu một bên ký kết đã chấp nhận một sự nhân nhượng liên quan tới một sự ưu đãi và sản phẩm là đối tượng ưu đãi được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên ký kết có tình huống như nêu tại điểm a) của khoản này tới mức mà nhập khẩu đó đã gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất những sản phẩm tương tự hay trực tiếp cạnh tranh là các nhà sản xuất trên lãnh thổ của bên ký kết đang được hưởng hay đã được hưởng sự ưu dãi đó, bên ký kết này có thể đề nghị bên ký kết đang nhập khẩu và bên ký kết đang nhập khẩu có quyền tạm ngừng hoàn toàn hay một phần các cam kết của mình, rút bỏ hay điều chỉnh nhân nhượng thuế quan đối với sản phẩm đó và trong thời gian cần thiết để ngăn ngừa và khắc phục tổn hại đó.
2. Trước khi một bên ký kết áp dụng những biện pháp phù hợp với các quy định của khoản đầu điều khoản này, bên đó sẽ thông báo trước bằng văn bản sớm nhất có thể cho Các Bên Ký Kết biết. Bên ký kết đó sẽ dành cho Các Bên Ký Kết cũng như các bên ký kết khác với tư cách là nước xuất khẩu các sản phẩm nói trên cơ hội cùng xem xét các biện pháp được dự kiến áp dụng. Nếu thông báo về một nhân nhượng liên quan tới một ưu đãi, trong thông báo sẽ nêu rõ tên bên ký kết đã đề nghị áp dụng biện pháp đó. Trong các hoàn cảnh khó khăn mà mọi sự chậm trễ sẽ dẫn đến những hậu quả khó có thể khắc phục được, các biện pháp đã dự kiến tại khoản đầu tiên của điều khoản này có thể được tạm thời áp dụng mà không cần tham vấn trước, với điều kiện là tham vấn được tiến hành ngay sau khi các biện pháp được áp dụng.
3. a) Nếu các bên ký kết liên quan không đi đến nhất trí, bên ký kết đề nghị áp dụng và duy trì biện pháp đó có quyền tiếp tục hành động. Nếu hành động đó được áp dụng hay tiếp tục được áp dụng, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày các biện pháp được áp dụng và sau 30 ngày kể từ khi Các Bên Ký Kết nhận được thông báo trước bằng văn bản, các bên ký kết chịu tác động của các biện pháp đó có quyền ngừng không cho thương mại của bên ký kết đang áp dụng các biện pháp đó hoặc trong trường hợp đã dự liệu tại điểm b) của khoản đầu tiên điều khoản này không cho thương mại của bên ký kết đã yêu cầu áp dụng các biện pháp đó hưởng các nhân nhượng hay ngừng các nghĩa vụ tương ứng đáng kể khác thuộc Hiệp định này và việc ngừng đó sẽ không bị Các Bên Ký Kết phản đối.
b) Không làm tổn hại đến các quy định của điểm a) thuộc khoản này, nếu các biện pháp đã áp dụng theo tinh thần khoản 2 điều khoản này, không có tham vấn trước, gây thiệt hại hay đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất trong nước, trên lãnh thổ của một bên ký kết khác chịu tác động của các biện pháp đó, khi mỗi sự chậm trễ có thể gây ra những thiệt hại khó có thể khắc phục được, bên ký kết này có quyền ngừng cho hưởng các nhân nhượng hay ngừng các nghĩa vụ khác trong thời hạn cần thiết để ngăn ngừa hay khắc phục thiệt hại đó, có hiệu lực ngay từ khi các biện pháp nói trên được áp dụng hay trong suốt thời kỳ tham vấn.
Với bảo lưu rằng các biện pháp đề cập ở đây không được theo cách tạo ra công cụ phân biệt đối xử độc đoán hay phi lý giữa các nước có cùng điều kiện như nhau, hay tạo ra một sự hạn chế trá hình với thương mại quốc tế, không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là ngăn cản bất kỳ bên ký kết nào thi hành hay áp dụng các biện pháp:
a) cần thiết để bảo vệ đạo đức công cộng;
b) cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật hay thực vật;
c) liên quan đến xuất hoặc nhập khẩu vàng và bạc;
d) cần thiết để bảo đảm sự tôn trọng pháp luật và các quy tắc không trái với các quy định của Hiệp định này, ví dụ như các quy định liên quan tới việc áp dụng các biện pháp hải quan, duy trì hiệu lực của chính sách độc quyền tuân thủ đúng theo khoản 4 Điều II và Điều XVII, liên quan tới bảo hộ bản quyền, nhãn hiệu thương mại và quyền tác giả và các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các hành vi thương mại gian lận;
e) liên quan tới các sản phẩm sử dụng lao động của tù nhân;
f) áp đặt để bảo vệ di sản quốc gia có giá trị nghệ thuật, lịch sử hay khảo cổ;
g) liên quan tới việc gìn giữ nguồn tài nguyên có thể bị cạn kiệt, nếu các biện pháp đó cũng được áp dụng hạn chế cả với sản xuất và tiêu dùng trong nước;
h) được thi hành theo nghĩa vụ của một hiệp định liên chính phủ về một hàng hoá cơ sở ký kết phù hợp với các tiêu thức đã trình ra Các Bên Ký Kết và không bị Các Bên phản đối hay chính hiệp định đó đã trình ra Các Bên Ký Kết và không bị các bên bác bỏ.*
i) bao hàm các hạn chế với xuất khẩu nguyên liệu do trong nước sản xuất và cần thiết có đủ số lượng thiết yếu nguyên liệu đó để đảm bảo hoạt động chế tác trong thời kỳ giá nội được duy trì dưới giá ngoại nhằm thực hiện một kế hoạch ổn định kinh tế của chính phủ, với bảo lưu rằng các hạn chế đó không dẫn tới tăng xuất khẩu hay tăng cường mức bảo hộ với ngành công nghiệp trong nước và không vi phạm các quy định của Hiệp định này về không phân biệt đối xử;
j) thiết yếu để có được hay phân phối một sản phẩm thuộc diện khan hiếm trong cả nước hay tại một địa phương; tuy nhiên các biện pháp đó phải tương thích với các nguyên tắc theo đó mỗi bên ký kết phải có một phần công bằng trong việc quốc tế cung cấp các sản phẩm đó và các biện pháp không tương thích với các quy định khác của Hiệp định này sẽ được xoá bỏ ngay khi hoàn cảnh dẫn tới lý do áp dụng đã không còn tồn tại nữa. Ngày 30 tháng 6 năm 1960 là muộn nhất Các Bên Ký Kết sẽ xem xét lại tính cần thiết của quy định thuộc tiểu khoản này.
Không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là
a) áp đặt với một bên ký kết nghĩa vụ phải cung cấp những thông tin mà bên đó cho rằng nếu bị điểm lộ sẽ đi ngược lại quyền lợi thiết yếu của về an ninh của mình; hoặc
b) để ngăn cản một bên ký kết có các biện pháp được cho là cần thiết để bảo vệ các quyền lợi thiết yếu tơí an ninh của mình:
(i) liên quan tới chất phóng xạ hay các chất dùng vào việc chế tạo chúng;
(ii) liên quan tới mua bán vũ khí, đạn dược và vật dụng chiến tranh và mọi hoạt động thương mại các hàng hoá khác và vật dụng trực tiếp hay gián tiếp được dùng để cung ứng cho quân đội;
(iii) được áp dụng trong thời kỳ chiến tranh hoặc các tình huống khẩn cấp trong quan hệ quốc tế khác; hoặc
c) để ngăn cản một bên ký kết có những biện pháp thực thi các cam kết nhân danh Hiến Chương Liên hợp Quốc, nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
1. Mỗi bên ký kết sẽ quan tâm xem xét những vấn đề có thể được một bên ký kết khác đề cập về tác động đến sự thực thi Hiệp định này và sẽ dành các khả năng thích ứng để tham vấn giải quyết các vấn đề đó.
2. Theo yêu cầu của một bên ký kết, Các Bên Ký Kết sẽ có thể tiến hành tham vấn với một hay nhiều bên ký kết về một vấn đề, tham vấn sẽ được tiến hành theo phương thức đã nêu tại khoản 1.
Sự vô hiệu hoá hay vi phạm cam kết
1. Trong trường hợp một bên ký kết nhận thấy một lợi ích thu được một cách trực tiếp hay gián tiếp từ Hiệp định này bị vô hiệu hay vi phạm và việc thực hiện một trong các mục tiêu của Hiệp định vì thế bị trở ngại là kết quả của:
a) một bên ký kết không hoàn thành các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Hiệp định này; hoặc
b) một bên ký kết khác áp dụng một biện pháp nào đó, dù biện pháp này có trái với quy định của Hiệp định này hay không;
c) sự tồn tại một tình huống bất kỳ nào khác.
để có thể giải quyết thoả đáng vấn đề, Bên ký kết đó có thể nêu vấn đề hay đề nghị bằng văn bản với bên kia hay với (các) bên ký kết khác, được coi là liên quan. Khi được yêu cầu như vậy mọi bên ký kết sẽ quan tâm xem xét những vấn đề đã được nêu lên.
2. Nếu trong thời hạn hợp lý các bên liên quan vẫn không giải quyết được thoả đáng hoặc trong trường hợp khó khăn thuộc diện đã nêu tại điểm c) khoản đầu của điều khoản này, có thể nêu vấn đề ra trước Các Bên Ký Kết. Các Bên sẽ tiến hành ngay việc điều tra về mọi vấn đề đặt ra cho Các Bên và tuỳ trường hợp sẽ đề xuất quy tắc giải quyết với các bên ký kết được Các Bên coi là bên gây ra hay sẽ nghị sự về vấn đề đó. Khi thấy cần thiết, Các Bên Ký Kết có thể tham vấn một số bên ký kết, Uỷ ban Kinh tế và xã hội của Liên hợp Quốc và bất kỳ tổ chức liên chính phủ thích hợp nào khác. Nếu Các Bên thấy rằng tình huống đã đủ nghiêm trọng để có biện pháp cần thiết, Các Bên có thể cho phép một hay nhiều bên ký kết ngừng việc cho bất kỳ một bên ký kết nào được hưởng các nhân nhượng hay việc ngừng việc thực hiện nghĩa vụ thuộc Hiệp định Chung với các bên đó mà Các Bên coi là có lý, phù hợp với hoàn cảnh. Khi thực sự có sự ngừng áp dụng nhân nhượng hay thực hiện nghĩa vụ với một bên ký kết, trong thời hạn 60 ngày kể từ khi việc ngừng có hiệu lực, bên ký kết có quyền thông báo bằng văn bản cho Thư ký điều hành* của Các Bên Ký Kết ý định từ bỏ Hiệp định chung; Sự từ bỏ đó có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày Thư ký điều hành của Các Bên Ký Kết nhận được thông báo nói trên.
Áp dụng theo lãnh thổ - Hàng hoá biên mậu
Liên Minh quan thuế và Khu vực mậu dịch tự do
1. Các quy định của Hiệp định này áp dụng với lãnh thổ quan thuế chính quốc của các bên ký kết cũng như với mọi lãnh thổ quan thuế mà theo điều khoản XXVI của Hiệp định này và theo tinh thần của điều XXXIII hoặc chiểu theo Nghị định thư về việc Tạm thời thi hành (Hiệp định GATT). Mỗi lãnh thổ quan thuế sẽ được coi là một bên ký kết, chỉ thuần tuý nhằm mục đích thực thi Hiệp định này theo lãnh thổ, với bảo lưu rằng các quy định của Hiệp định này không được hiểu là tạo ra với một bên ký kết đơn lẻ nào quyền hay nghĩa vụ như giữa hai hay nhiều lãnh thổ quan thuế đã chấp nhận hiệu lực của Hiệp định này theo tinh thần của điều khoản XXVI hoặc áp dụng theo tinh thần điều khoản XXXIII hay phù hợp với Nghị định thư về việc Tạm thời áp dụng.
2. Nhằm mục đích áp dụng Hiệp định này, thuật ngữ lãnh thổ quan thuế được hiểu là bất cứ lãnh thổ nào có áp dụng một biểu thuế quan riêng biệt, hoặc có những quy chế thương mại riêng biệt được áp dụng với một phần đáng kể trong thương mại với các lãnh thổ khác.
3. Các quy định của Hiệp định này không thể được hiểu là ngăn cản
(a) một bên ký kết dành lợi thế cho các nước có chung đường biên giới nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi vùng biên giới;
(b) các nước lân cận với Lãnh thổ Tự do vùng Triesta dành cho vùng này những lợi thế thương mại, với điều kiện là không trái với các quy định tại các hiệp ước hoà bình được ký sau Thế Chiến II.
4. Các bên ký kết thừa nhận lòng mong muốn thương mại được tự do hơn, thông qua các hiệp định được ký kết tự nguyện, nhờ đó phát triển sự hội nhập hơn nữa kinh tế các nước tham gia các hiệp định đó. Các Bên cũng thừa nhận rằng việc lập ra một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do phải nhằm mục tiêu là tạo thuận lợi cho thương mại giữa các lãnh thổ thành viên và không tạo thêm trở ngại cho thương mại của các thành viên khác với các lãnh thổ này.
5. Do vậy, các quy định của Hiệp định này không gây trở ngại cho việc thành lập một liên minh quan thuế hay khu vực mậu dịch tự do hay chấp nhận một hiệp định tạm thời cần thiết để lập ra một liên minh quan thuế hay khu vực mậu dịch tự do giữa các lãnh thổ thành viên, với bảo lưu rằng
(a) trong trường hợp một liên minh quan thuế hay một hiệp định tạm thời nhằm lập ra một liên minh quan thuế, thuế quan áp dụng khi lập ra liên minh quan thuế hay khi ký kết hiệp định tạm thời xét về tổng thể không dẫn tới mức thuế cao hơn cũng không tạo ra những quy tắc chặt chẽ hơn so với mức thuế hay quy tắc có hiệu lực vào thời điểm trước khi lập ra liên minh hay hiệp định được ký kết, tại các lãnh thổ tạo thành liên minh dành cho thương mại với các bên ký kết không phải là thành viên của liên minh hay không tham gia hiệp định.
(b) trong trường hợp lập ra một khu vực mậu dịch tự do hay một hiệp định tạm thời nhằm lập ra một khu vực mậu dịch tự do, thuế quan duy trì tại mỗi lãnh thổ thành viên và được áp dụng với thương mại của các bên ký kết không tham gia khu vực mậu dịch hay hiệp định đó, vào thời điểm khu vực mậu dịch hay ký kết hiệp định sẽ không cao hơn, cũng như các quy tắc điều chỉnh thương mại cũng không chặt chẽ hơn mức thuế quan hay quy tắc tương ứng hiện hành tại mỗi lãnh thổ thành viên trước khi lập ra khu vực mậu dịch hay ký hiệp định tạm thời, tuỳ theo từng trường hợp; và
(c) mọi hiệp định tạm thời nói đến tại các điểm a) và b) phải bao gồm một kế hoạch và một chương trình thành lập liên minh quan thuế hay khu vực mậu dịch tự do trong một thời hạn hợp lý.
6. Nếu khi đáp ứng các điều kiện nêu tại điểm 5a), một bên ký kết đề nghị nâng mức thuế một cách không phù hợp với các quy định của điều II, thủ tục đã được dự kiến tại điều XVIII sẽ được áp dụng. Việc điều chỉnh cân đối tính đúng mức đến sự bù đắp có được do mức giảm thuế tương ứng với thuế quan của các lãnh thổ khác tham gia liên minh.
7. a) Khi quyết định tham gia một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do hay một hiệp định tạm thời được ký nhằm lập ra một liên minh hay một khu vực mậu dịch như vậy, bất kỳ bên ký kết nào cũng sẽ thông báo không chậm trễ cho Các Bên Ký Kết biết và cung cấp mọi thông tin cần thiết về liên minh hoặc khu vực mậu dịch để Các Bên có thể có báo cáo hay khuyến nghị cần thiết tới các bên ký kết nêú Các Bên thấy cần thiết.
b) Nếu sau khi nghiên cứu kế hoạch và chương trình thuộc hiệp định tạm thời đã nêu tại khoản 5, có tham vấn với các bên tham gia hiệp định này và sau khi cân nhắc đúng mức đến các thông tin đã được cung cấp theo quy định tại điểm a), Các Bên Ký Kết đi đến kết luận là hiệp định không thuộc loại dẫn đến thành lập một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do trong thời hạn đã được các bên dự liệu hay thời hạn được các bên ký kết hiệp định dự tính là không hợp lý, Các Bên sẽ có khuyến nghị với các bên tham gia hiệp định. Nếu không sắn sàng điều chỉnh cho phù hợp với các khuyến nghị đó, các bên tham gia hiệp định sẽ không duy trì hiệp định hoặc không triển khai hiệp định nữa.
c) Bất kỳ sự điều chỉnh đáng kể nào trong kế hoạch hay chương trình đã nêu tại điểm c) của khoản 5 phải được thông báo cho Các Bên Ký Kết, Các Bên có thể yêu cầu các bên ký kết liên quan tham vấn, khi sự điều chỉnh thể hiện khả năng thoả hiệp hay làm chậm trễ không chính đáng sự hình thành liên minh quan thuế hay khu vực mậu dịch tự do.
8. Trong Hiệp định này, các thuật ngữ được hiểu:
a) liên minh quan thuế là sự thay thế hai hay nhiêu lãnh thổ quan thuế bằng một lãnh thổ quan thuế khi sự thay thế đó có hệ quả là
(i) thuế quan và các quy tắc điều chỉnh thương mại có tính chất hạn chế (ngoại trừ, trong chừng mực cần thiết, các hạn chế được phép theo quy định của các điều XI, XII, XIII, XIV, XV và XX) được triệt tiêu về cơ bản trong trao đổi thương mại giữa các lãnh thổ hợp thành liên minh, hoặc ít nhất cũng được loại trừ về cơ bản với trao đổi hàng hoá có xuất xứ từ các lãnh thổ này;
(ii) với bảo lưu như các quy định tại khoản 9, thuế quan và các quy tắc được từng thành viên của liên minh áp dụng trong thương mại với các lãnh thổ bên ngoài là thống nhất về nội dung;
b) khu vực mậu dịch tự do được hiểu là một nhóm gồm hai hay nhiều lãnh thổ quan thuế mà thuế quan và các quy tắc hạn chế thương mại (ngoại trừ, trong chừng mực cần thiết, các hạn chế được phép theo quy định của các Điều XI, XII, XIII, XIV, XV và XX) được triệt tiêu về cơ bản trong trao đổi thương mại các sản phẩm có xuất xứ từ các lãnh thổ lập thành khu vực mậu dịch tự do.
9. Các ưu đãi đã nêu tại khoản 2 của điều khoản đầu tiên sẽ không chịu tác động của việc thành lập liên minh quan thuế hay khu vực mậu dịch tự do; các ưu đãi đó có thể bị triệt tiêu hay điều chỉnh bằng cách thoả thuận với các bên ký kết liên quan.* Thủ tục đàm phán với các bên ký kết liên quan đó sẽ áp dụng trước hết với việc triệt tiêu các ưu đãi cần thiết để cho các quy định của các khoản (a)(i) và 8 (b) được tuân thủ.
10. Bằng một quyết định trên cơ sở đa số hai phần ba, Các Bên Ký Kết có thể chấp nhận những đề nghị có thể không hoàn toàn phù hợp với các quy định tại các khoản 5 đến 9 với điều kiện quyết định như vậy đi đến việc thành lập một liên minh quan thuế hay một khu vực mậu dịch tự do đúng ý nghĩa của điều khoản này.
11. Căn cứ vào những hoàn cảnh ngoại lệ dẫn tới kết quả là sự thành lập hai nhà nước độc lập và thừa nhận rằng hai Nhà nước này từ lâu đã tạo thành một thể thống nhất về kinh tế, các bên ký kết đồng ý rằng các quy định của Hiệp định này không ngăn cản hai nước ký những hiệp định đặc biệt về thương mại song biên, trong khi chờ đợi quan hệ thương mại của hai nước được thiết lập chính thức.*
12. Mỗi bên ký kết sẽ có những biện pháp hợp lý và trong phạm vi quyền hạn của mình để các chính phủ hay chính quyền địa phương trên lãnh thổ của mình tuân thủ các quy định của Hiệp định này.
Hành động tập thể của các bên ký kết
1. Các đại diện của các bên ký kết sẽ họp định kỳ nhằm đảm bảo thực hiện các quy định của Hiệp định này bao gồm sự hành động tập thể và nói chung đề tạo thuận lợi cho Hiệp định này được thực thi cũng như cho phép đạt được các mục tiêu của Hiệp định. Khi tất cả các bên ký kết của Hiệp định này hành động tập thể được ghi nhận với danh nghĩa Các Bên Ký Kết.
2. Tổng Thư ký của Liên hợp Quốc được mời triệu tập phiên hop đầu tiên của Các Bên Ký Kết, được tiến hành chậm chất vào ngày 1 tháng3 năm 1948.
3. Mỗi bên ký kết chỉ có quyền có một phiếu trong mọi phiên họp của Các Bên Ký Kết.
4. Trừ khi có quy định khác của Hiệp định này, các quyết định của Các Bên Ký Kết có hiệu lực với đa số phiếu bầu.
5. Trong các trường hợp ngoại lệ ngoài những trường hợp quy định trong Hiệp định này, Các Bên Ký Kết có thể giải phóng một bên ký kết khỏi một nghĩa vụ theo quy định của Hiệp định này với điều kiện quyết định đó được đa số hai phần ba phiếu bầu tán thành và đa số đó chiếm quá bán tổng số bên ký kết. Với quy định về phiếu bầu như trên, Các Bên Ký Kết cũng có thể
(i) xác định loại tình huống ngoại lệ theo đó các điều kiện bỏ phiếu khác có thể vận dụng để miễn cho một bên ký kết một hoặc nhiều nghiã vụ,
(ii) xác định các tiêu thức cần thiết để áp dụng khoản này.
Chấp nhận, hiệu lực và đăng ký
1. Hiệp định này ký ngày 30 tháng 10 năm 1947.
2. Hiệp định này này được để ngỏ để mọi bên ký kết chấp nhận cho tới ngày 1 tháng 5 năm 1955, là một bên ký kết hay đàm phán gia nhập Hiệp định.
3. Hiệp định này được lập thành một một bản tiếng Pháp, một bản tiếng Anh, cả hai văn bản đều có hiệu lực và sẽ được đăng ký với Tổng Thư ký Liên hợp Quốc, Tổng Thư ký sẽ luân chuyển tới các chính phủ liên quan một bản sao có xác nhận.
4. Mỗi chính phủ chấp nhận Hiệp định này phải trình văn bản chấp nhận tới Thư ký điều hành của Các Bên Ký Kết, Thư ký điều hành sẽ thông tin tới các chính phủ liên quan ngày nhận được văn bản chấp nhận và ngày Hiệp định này có hiệu lực đúng theo quy định của khoản 6 điều khoản này.
5 a) Mỗi chính phủ khi chấp nhận Hiệp định này, là chấp nhận cho cả lãnh thổ chính quốc và các lãnh thổ mà chính phủ đó đại diện trên trường quốc tế, ngoại trừ các lãnh thổ quan thuế được chính phủ đó có văn bản thông báo rõ cho Thư ký điều hành của Các Bên Ký Kết vào thời điểm nộp văn bản chấp nhận.
b) Mọi chính phủ sau khi đã chuyển tới Thư ký điều hành một thông báo, phù hợp với các ngoại lệ nêu tại điểm a) khoản này, có thể thông báo bất kỳ lúc nào rằng kể từ khi đó sự chấp nhận bao hàm cả một lãnh thổ quan thuế riêng biệt đã được chấp nhận trước đây; thông báo đó sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba mươi tiếp theo ngày Thư ký điều hành nhận được. (5)
c) Nếu một lãnh thổ quan thuế trước đó đã được một bên ký kết chấp nhận hiệu lực áp dụng Hiệp định này được quyền tự chủ đầy đủ để tự duy trì các quan hệ thương mại đối ngoại cũng như giải quyết các vấn đề khác thuộc nội dung của Hiệp định này, hoặc lãnh thổ đó dành được quyền tự chủ, lãnh thổ đó sẽ được coi như một bên ký kết nếu bên ký kết chịu trách nhiệm ban đầu tuyên bố quyền tự chủ đó kèm theo các bằng chứng nêu trên.
6. Hiệp định này có hiệu lực giữa các chính phủ nào đã tuyên bố chấp nhận kể từ ngày rhức 30 tiếp theo ngày Thư ký điều hành của Các Bên Ký Kết nhạn được công cụ chấp nhận của các chính phủ nêu tại phụ lục H có tổng khối lượng thương mại chiếm 85% tổng thương mại của các chính phủ ghi trong danh mục nói trên. Công cụ chấp nhận của các chính phủ sẽ có hiệu lực kể từ ngày thứ 30 tiếp theo ngày nộp.
7. Liên hợp Quốc được phép đăng ký Hiệp định này kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.
Ngừng áp dụng hay rút bỏ các nhân nhượng
Mọi bên ký kết có quyền ngừng áp dụng hay rút bỏ toàn bộ hay một phần một nhân nhượng thuộc Biểu tương ứng ở phần phụ lục vào bất cứ khi nào với lý do nhân nhượng đó ban đầu đã được đàm phán với một chính phủ đã không trở thành hoặc không còn là bên ký kết. Bên ký kết áp dụng một biện pháp như vậy sẽ thông báo ngay cho các bên ký kết và khi được yêu cầu sẽ tham vấn cùng các bên ký kết có quyền lợi đáng kể với sản phẩm đó.
1. Ngày đầu tiên của mỗi thời kỳ 3 năm, thời kỳ đầu tiên bắt đầu ngày 1 tháng 1 năm 1958 (hoặc ngày đầu tiên của bất kỳ thời kỳ nào có thể được Các Bên Ký Kết xác định thông qua bỏ phiếu với hai phân ba số phiếu có chính kiến) bất kỳ bên ký kết nào (dưới đây gọi là 'bên yêu cầu') có thể điều chỉnh hay rút bỏ một nhân nhượng thuộc Biểu tương ứng ở phần phụ lục của Hiệp định này, sau khi đã đàm phán và đạt được thoả thuận với mỗi bên ký kết đã tham gia đàm phán ban đầu cũng như với bất kỳ bên ký kết nào khác có quyền lợi như là đối tác cung cấp chủ yếu* được Các Bên Ký Kết công nhận (cả hai loại bên ký kết cũng như bên yêu cầu trong điều khoản này sẽ được gọi là 'bên ký kết có quan tâm trước hết') và với bảo lưu là bên ký kết đó đã tham vấn bất kỳ bên ký kết nào khác có quyền lợi đáng kể* với nhân nhượng đó* được điều chỉnh hay rút bỏ một nhân nhượng thuộc Biểu là phụ lục của Hiệp định này.
2. Tiến trình đàm phán và thoả thuận có thể bao gồm những nhân nhượng nhằm điều chỉnh bù đắp bằng nhân nhượng về những sản phẩm khác, các bên ký kết liên quan sẽ cố gắng duy trì một mức nhân nhượng chung đối đẳng và cùng có lợi không kém phần thuận lợi hơn cho thương mại so với mức đã có được theo Hiệp định này trước các cuộc đàm phán đó.
3. (a) Nếu các bên ký kết có quyền lợi chủ yếu không đạt được một thoả thuận trước ngày 1 tháng 5 năm 1958 hoặc trước khi kết thúc một thời kỳ nêu trong khoản đầu của điều khoản này, bên ký kết có đề nghị điều chỉnh hoặc rút bỏ các nhân nhượng có thể thực hiện như đã đề nghị và nếu bên ký kết đó thực thi một biện pháp như vậy, bất kỳ bên ký kết nào đã tham gia đàm phán ban đầu về nhân nhượng cụ thể đó, bất kỳ bên ký kết nào có quyền lợi là nước cung cấp chủ yếu được thừa nhận theo quy định tại khoản đầu tiên cũng như bất kỳ bên ký kết nào có quyền lợi đáng kể được thừa nhận theo quy định tại khoản nói trên trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày biện pháp đó được áp dụng và sau 30 ngày kể từ ngày Các Bên Ký Kết nhận được thông báo trước bằng văn bản có thể rút bỏ những nhân nhượng đáng kể tương đương đã được đàm phán ban đầu với bên yêu cầu.
(b) Nếu các bên ký kết có quyền lợi chủ yếu đạt được một thoả thuận nhưng không thoả đáng với một bên ký kết khác có quyền lợi đáng kể đã được thừa nhận như đã quy định tại khoản đầu tiên, bên ký kết này, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày biện pháp đạt được trong thoả thuận đó được áp dụng và sau 30 ngày kể từ ngày Các Bên Ký Kết nhận được thông báo trước bằng văn bản có thể rút bỏ những nhân nhượng đáng kể tương đương đã được đàm phán ban đầu với bên yêu cầu.
4. Bất kỳ lúc nào và trong những hoàn cảnh đặc biệt, Các Bên Ký Kết có thể cho phép* một bên ký kết tiên hành đàm phán nhằm điều chỉnh hay rút bỏ một nhân nhượng trong Biểu tương ứng thuộc phụ lục của Hiệp định này, theo những thủ tục và điều kiện dưới đây:
(a) Các cuộc đàm phán đó* cũng như mọi tham vấn liên quan sẽ được tiến hành phù hợp với các quy định tại khoản 1 và 2 của điều khoản này.
(b) Nếu đàm phán đạt đến được một thoả thuận giữa các bên ký kết có quyền lợi đáng kể chủ yếu, sẽ áp dụng các quy định của khoản 3b) của điều khoản này.
(c) Nếu không đạt được một thoả thuận giữa các bên ký kết có quyền lợi chủ yếu trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày được phép tiến hành đàm phán hoặc trong thời hạn nào đó dài hơn thế đã được Các Bên Ký Kết xác định, bên yêu cầu có thể đưa vấn đề ra Các Bên Ký Kết giải quyết.
(d) Nếu được yêu cầu như vậy, Các Bên Ký Kết sẽ phải nhanh chóng xem xét và thông báo ý kiến của mình cho các bên ký kết có quyền lợi chủ yếu biết để giải quyết vấn đề. Nếu không giải quyết được, các quy định của khoản 3b) sẽ được áp dụng như là trường hợp các bên ký kết có quyền lợi chủ yếu đã đạt được thoả thuận. Nếu giữa các bên ký kết có quyền lợi chủ yếu không đạt được thoả thuận, bên yêu cầu có thể điều chỉnh hay rút bỏ các nhân nhượng, trừ khi Các Bên Ký Kết xác định rằng bên ký yêu cầu chưa làm hết những gì hợp lý và có thể để đưa ra một sự bù đắp đúng mức*, Nếu một biện pháp như vậy được áp dụng, mọi bên ký kết đã tham gia đàm phán ban đầu, mọi bên ký kết có quyền lợi như là nước cung cấp chủ yếu được thừa nhận như quy định tại khoản 4a) và tất cả các bên ký kết có quyền lợi đáng kể được thừa nhận như quy định tại khoản 4a) trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày biện pháp đó được áp dụng và sau 30 ngày kể từ ngày Các Bên Ký Kết nhận được thông báo trước bằng văn bản có thể rút bỏ những nhân nhượng đáng kể tương đương đã được đàm phán ban đầu với bên yêu cầu.
5. Trước ngày 1 tháng 1 năm 1958 và trước mỗi thời kỳ đã đề cập tại khoản đầu tiên, mọi bên ký kết đều có thể, bằng cách gửi thông báo trước bằng văn bản, dành quyền điều chỉnh Biểu tương ứng trong thời kỳ sắp đến, với điều kiện đáp ứng các thủ tục đã nêu tại khoản từ 1 đến 3. Nếu một bên ký kết sử dụng đến quyền này, bất cứ bên ký kết nào khác cũng có quyền điều chỉnh hay rút bỏ bất kỳ nhân nhượng nào đã đàm phán ban đầu với bên ký kết đó, với điều kiện đáp ứng cùng các thủ tục nêu trên.
Điều XXVIII (B)
1. Các bên ký kết thừa nhận rằng thuế quan thường vẫn là trở ngại lớn với thương mại; do vậy các cuộc đàm phán nhằm giảm đáng kể mức chung của thuế quan và thuế hay khoản thu khác đánh vào hàng nhập khẩu hay xuất khẩu, đặc biệt nhằm giảm các khoản thuế quan có suất thuế cao đến triệt tiêu nhập khẩu dù số lượng nhỏ, và tiến hành có tính toán đúng mức đến mục tiêu của Hiệp định này cũng như các nhu cầu khác nhau của mỗi bên ký kết, chúng sẽ có tầm quan trọng lớn với việc mở rộng thương mại quốc tế. Do vậy, Các Bên Ký Kết có thể tổ chức những đợt đàm phán như vậy theo từng thời kỳ.
2. a) Các cuộc đàm phán thực hiện phù hợp với các quy định của Điều khoản này có thể tiến hành theo từng sản phẩm hay dựa trên những thủ tục được chấp nhận bởi nhiều bên liên quan. Các cuộc đàm phán đó có thể nhằm vào giảm thuế quan hay đạt được cam kết thuế trần ở mức hiện có khi đàm phán hay cam kết không nâng những loại thuế quan cụ thể nào đó sẽ không vượt quá một mức nhất định, hay mức thuế quan trung bình đánh vào một chủng loại sản phẩm nhất định sẽ không vượt quá một mức nhất định. Các cam kết thuế quan trần ở mức thấp hoặc bằng 0% được thừa nhận về nguyên tắc là các nhân nhượng ngang bằng như giảm thuế áp dụng với những mặt hàng có thuế suất cao.
b) Các bên ký kết thừa nhận rằng nhìn chung thành công của các cuộc đàm phán đa biên tuỳ thuộc vào sự tham gia của tất cả các bên ký kết có khối lượng trao đổi thương mại lớn với các bên ký kết khác trong nền ngoại thương của mình.
3. Các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành trên một cơ sở cho phép tạo cơ hội thích hợp để tính đến
a) các nhu cầu của mỗi bên ký kết và của mỗi ngành sản xuất;
b) nhu cầu của các nước chậm phát triển cần vận dụng thuế quan linh hoạt để bảo hộ nhằm tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế và các nhu cầu đặc biệt của các nước này duy trì thuế quan nhằm đảm bảo nguồn thu.
c) mọi tình huống khác có thể cần được xem xét, kể cả nhu cầu của các bên ký kết về nguồn thu* và các nhu cầu phát triển, chiến lược và các nhu cầu khác.
Mối quan hệ của Hiệp định này với Hiến chương Havana
1 Các bên ký kết cam kết, đến hết mức quyền hành pháp của mình cho phép, tuân thủ các nguyên tắc chung nêu tại các chương từ I đến VI và chương IX của Hiến Chương Havana, cho tới khi họ chấp nhận Hiến Chương theo những thủ tục hợp hiến.*
2. Phần hai của Hiệp định này tạm thời chưa áp dụng cho tới khi Hiến CHương Havana có hiệu lực.
3. Nếu đến ngày 30 tháng 9 năm 1949 Hiến Chương Havana chưa có hiệu lực, các bên ký kết sẽ họp vào ngày 31 tháng 12 năm 1949 để thoả thuận xem Hiệp định này có được điều chỉnh, cần thay thế hay vẫn tiếp tục duy trì.
4. Nếu vào một thời điểm nào đấy, Hiệp định Havana không còn hiệu lực, Các Bên Ký Kết sẽ họp sớm nhất có thể sau khi thoả thuận xem Hiệp định này có cần được điều chỉnh hay tiếp tục duy trì. Cho tới ngày một hiệp định về chủ đề này được ký kết, Phần II chủa Hiệp định này này lại sẽ có hiệu lực, mặc nhiên hiểu là các quy định của Phần II, ngoại trừ điều XIII, sẽ được thay thế nguyên văn, bằng nội dung có trong Hiến Chương Havana; và mặc nhiên hiểu rằng không một bên ký kết nào sẽ bị ràng buộc bởi các quy định không có tính ràng buộc bên ký kết đó vào thời điểm Hiến Chương hết hiệu lực.
5. Nếu một bên ký kết đã không chấp nhận Hiến Chương Havana khi Hiến Chương có hiệu lực, Các Bên Ký Kết sẽ trao đổi để thống nhất xem Hiệp định này sẽ được hoàn chỉnh hay điều chỉnh theo cách nào trong chừng mực việc đó tác động đến quan hệ giữa bên ký kết không chấp nhận Hiến Chương và các bên ký kết khác. Cho tới ngày có một thoả thuận khác về vấn đề này, các quy định của Phần II Hiệp định này vẫn được áp dụng giữa bên ký kết đó và các bên ký kết khác, không phụ thuộc vào các quy định của khoản 2 Hiệp định này.
6. Các bên ký kết, thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế sẽ không viện các quy định của Hiệp định này để ngăn cản thi hành một quy định nào đó của Hiến Chương Havana. Việc áp dụng nguyên tắc nêu tại khoản này với một bên ký kết không phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Quốc tế sẽ được thoả thuận đúng theo các quy định của khoản 5 điều khoản này.
1. Trừ những trương hợp có những quy định cụ thể khác về sửa đổi Hiệp định này, những điều chỉnh với phần I của Hiệp định này cũng như với những quy định của điều khoản XXIX hoặc điều khoản này sẽ có hiệu lực kể từ khi được sư đồng ý của tất cả các bên ký kết và những điều chỉnh với các quy định khác của Hiệp định này sẽ có hiệu lực với những bên ký kết đã chấp nhận chúng, sau khi được hai phần ba các bên ký kết chấp nhận và tiếp sau đó là sau khi được sự chấp nhận của mỗi bên ký kết còn lại kể từ khi họ chấp nhận.
2. Mỗi bên ký kết khi chấp nhận một sự sửa đổi Hiệp định này sẽ nộp công cụ chấp nhận cho Tổng Thư ký Liên hợp Quốc trong thời hạn do Các Bên Ký Kết quy định. Các Bên có thể quyết định việc một sự điều chỉnh có hiệu lực theo điều kiện của điều khoản này mang nội dung sao cho bất kỳ bên ký kết nào có thể rút lui thôi không tham gia Hiệp định khi không chấp nhận sự điều chỉnh đó trong thời hạn quy định hay được tiếp tục tham gia khi được Các Bên Ký Kết ưng thuận.
Không làm tổn hại đến các quy định của khoản 12 điều XVIII, của điều XXIII, hoặc của khoản 2 điều XXX, bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể rút bỏ việc tham gia Hiệp định này hay rút bỏ nhân danh một hay nhiều lãnh thổ quan thuế được bên ký kết đó đại diện trên trường quốc tế và vào thời điểm rút bỏ đang có quyền tự chủ hoàn toàn trong quan hệ ngoại thương và trong các vấn đề khác được Hiệp định này điều chỉnh. việc rút bỏ sẽ có hiệu lực khi kết thúc thời hạn 6 tháng kể từ ngày Tổng Thư ký Liên hợp Quốc nhận được thông báo rút bỏ bằng văn bản.
1. Những chính phủ thi hành đúng các quy định nêu tại điều XXVI, tại điều XXXIII hoặc theo tinh thần Nghị định Thư về việc tạm thời áp dụng sẽ được coi là bên ký kết của Hiệp định này.
2. Vào bất kỳ thời điểm nào sau khi Hiệp định này có hiệu lực căn cứ vào khoản 6, điều XXVI, các bên ký kết đã chấp nhận Hiệp định này phù hợp với khoản 4 điều XXVI, bất kỳ lúc nào kể từ sau khi Hiệp định này đã có hiệu lực, có thể quyết định việc một bên ký kết đã không chấp nhận Hiệp định này theo đúng tiến trình đó không còn là bên ký kết Hiệp định.
Bất cứ chính phủ nào không phải là một bên của Hiệp định này hay bất cứ chính phủ nào hành động nhân danh một lãnh thổ quan thuế riêng biệt có quyền tiến hành quan hệ ngoại thương và các vấn đề khác được Hiệp định này điều chỉnh, có thể tự mình hay nhân danh lãnh thổ đó tham gia Hiệp định này, theo những điều kiện được chính phủ đó và Các Bên Ký Kết xác định. Các Bên Ký Kết sẽ có Quyết định kết nạp theo khoản này được tiến hành trên cơ sở đồng thuận đa số hai phần ba.
Các phụ lục của Hiệp định này này làm thành bộ phận gắn liền của Hiệp định này.
Không áp dụng Hiệp định giữa các bên ký kết nhất định
1. Hiệp định này hay điều II của Hiệp định này sẽ không áp dụng giữa một bên ký kết và một bên ký kết khác
a) nếu cả hai bên ký kết không tiến hành đàm phán thuế quan với nhau,
b) nếu một trong hai bên không tán thành việc áp dụng nêu trên khi một trong hai bên gia nhập
1*. Các bên ký kết,
a) ý thức rằng các mục tiêu cơ bản của Hiệp định này bao gồm việc nâng cao mức sống và dần dần phát triển nền kinh tế của tất cả các bên ký kết, và xét thấy rằng việc thực hiện mục tiêu này đặc biệt khẩn thiết với các bên ký kết kém phát triển hơn;
b) Xét thấy rằng thu nhập qua xuất khẩu của các bên ký kết có nền kinh tế kém phát triển hơn có thể đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế của mình, và rằng sự đóng góp đó có tầm quan trọng thế nào còn tuỳ thuộc vào giá cả mà các bên ký kết đã phải trả cho việc nhập khẩu các sản phẩm thiết yểu, vào khối lượng xuất khẩu và giá cả có được nhờ xuất khẩu;
c) ghi nhận có sự chênh lệch lớn giữa mức sống của các nước chậm phát triển và mức sống ở các nước khác;
d) thừa nhận rằng hành động riêng và tập thể là không thể thiếu để tạo thuận lợi cho sự phát triển nền kinh tế của các bên ký kết kém phát triển hơn và bảo đảm nâng cao nhanh chóng mức sống của các nước này.
e) thừa nhận tăng thương mại quốc tế được coi là công cụ phục vụ tiến bộ xã hội phải được điều chỉnh theo quy tắc và thủ tục và các biện pháp phù hợp với các quy tăc và thủ tục như vậy thích ứng với các mục tiêu đã nêu trên;
f) ghi nhận rằng Các Bên Ký Kết có thể cho phép các bên ký kết chậm phát triển được sử dụng những biện pháp đặc biệt để tạo thuận lợi cho thương mại và phát triển của mình;
thoả thuận như dưới đây.
2. Cần thiết đảm bảo sự tăng trưởng nhanh và liên tục thu nhập từ xuất khẩu của các bên ký kết chậm phát triển hơn.
3. Cần thiết phải có những cố gắng tích cực được đảm bảo cho các bên ký kết chậm phát triển hơn có được một phần trong sự tăng trưởng của thương mại quốc tế tương xứng với sự cần thiết phát triển kinh tế của họ.
4. Do vì nhiều bên ký kết chậm phát triển vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu những sản phẩm sơ cấp*, cần đảm bảo cho các sản phẩm này những điều kiện thuận lợi và có thể chấp nhận được để thâm nhập thị trườg thế giới trong chừng mực có thể và nếu có thể, nghiên cứu các biện pháp nhằm ổn định và cải thiện tình hình thị trường thế giới các sản phẩm này, đặc biệt là các biện pháp nhằm ổn định giá cả ở mức bù đắp thích đáng, cho phép mở rộng thương mại thế giới, và mở rộng nhu cầu, và tạo sự tăng trưởng năng động và liên tục cho thu nhập xuất khẩu thực tế của các nước này, cho phép các nước đó ngày càng có nhiều nguồn phục vụ cho phát triển kinh tế.
5. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các bên ký kết chậm phát triển sẽ được thuận lợi hơn nhờ các biện pháp đa dạng hoá* cơ cấu kinh tế và tránh sự phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu các sản phẩm sơ cấp. Do vậy cần bảo đảm đến mức cao nhất có thể, và trong những điều kiện thuận lợi, cơ hội xâm thị tốt hơn cho các sản phẩm chế biến và chế tác mà các nước kém phát triển hơn có quyền lợi hoặc có thể quan tâm xuất khẩu.
6. Vì các bên ký kết kém phát triển hơn thiếu nghiêm trọng thu nhập ngoại tệ cũng như các nguồn thu khác, có sự liên quan chặt chẽ giữa thương mại và viện trợ phát triển. Do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa Các Bên Ký Kết và các tổ chức quốc tế cho vay nhằm đóng góp có hiệu quả nhất làm giảm nhẹ gánh nặng của các bên ký kết kém phát triển hơn để phát triển kinh tế của các nước này.
7. Cần có sự phối hợp giữa Các Bên Ký Kết, các tổ chức liên chính phủ khác và các cơ quan và các thể chế thuộc Liên hợp Quốc hoạt động trong những lĩnh vực liên quan tới phát triển thương mại và kinh tế của các nước kém phát triển hơn.
8. Các bên ký kết phát triển không chờ đợi sự đãi ngộ đối đẳng khi cam kết trong đàm phán thương mại, qua giảm bớt hay triệt tiêu thuế quan và các trở ngại khác với thương mại của các bên ký kết kém phát triển hơn.
9. Các bên ký kết sẽ cố gắng có ý thức và kiên quyết tự mình hành động cũng như hành động tập thể nhằm thực thi những nguyên tắc và mục tiêu nêu trên.
1. Các bên ký kết phát triển trong chừng mực có thể - có nghĩa là trừ khi có lý do bắt buộc ngăn cản, có thể bao gồm cả những lý do pháp lý- sẽ làm hết sức mình đẻ thực hiện các quy định sau:
a) dành ưu tiên cao cho việc giảm và triệt tiêu các trở ngại với thương mại các sản phẩm hiện nay hay có thể sau này đặc biệt được các bên ký kết kém phát triển hơn quan tâm, kể cả thuế quan hay các hạn chế khác tạo nên sự khác biệt phi lý giữa sản phẩm sơ cấp và cũng các sản phẩm đó đã chế biến;*
b) Tự kiếm chế việc đặt ra thêm hay tăng thêm thuế quan hoặc các trở ngại phi thuế với nhập khẩu các sản phẩm mà hiện nay hay có thể sau này đặc biệt được các bên ký kết kém phát triển hơn quan tâm xuất khẩu;
c) (i) Tự kiềm chế việc đặt ra các biện pháp thuế khác,
(ii) trong khi điều hành cơ chế thuế dành sự ưu tiên cao cho việc giảm hay triệt tiêu các biện pháp thu hiện hành,
có thể dẫn tới giảm bớt hay kìm hãm đáng kể sự phát triển nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm sơ cấp hay đã chế biến xuất xứ toàn bộ hay một phần từ lãnh thổ các bên ký kết kém phát triển hơn, khi các biện pháp đó được áp dụng riêng với các sản phẩm này.
2. a) Khi thấy một trong những quy định của điểm a), b) hay c) của khoản đầu tiên không đem kết quả, hoặc bên ký kết không thực thi các quy định tương ứng với khả năng hoặc bất kỳ một bên ký kết nào khác sẽ báo cho Các Bên Ký Kết biết.
b) i) Theo yêu cầu của bất kỳ bên ký kết nào quan tâm và không phụ thuộc vào các tham vấn song biên có thể đang được tiến hành, Các Bên Ký Kết sẽ tiến hành tham vấn về chủ đề nói trên với bên ký kết hữu quan và với bất kỳ bên ký kết nào quan tâm nhằm đạt tới một giải pháp thoả đáng cho tất cả các bên ký kết hữu quan, để thực hiện các mục tiêu nêu tại điều XXXVI. Trong khi tiến hành tham vấn, Các Bên sẽ xem xét những lý do được đưa ra cho trường hợp các quy định nêu tại điểm a), b) hay c) của khoản đầu tiên không đem lại kết quả,
ii) Do vì việc các bên ký kết hành động riêng lẻ để thực thi những quy định của điểm a), b) hay c) của khoản đầu tiên, trong một số trường hợp có thể sẽ dễ dàng hơn khi có một hành động tập thể tiến hành chung với các bên ký kết khác đã phát triển, khi thấy thích hợp có thể tổ chức tham vấn để đạt tới mục tiêu nói trên.
iii) Khi thấy thích hợp, tham vấn giữa Các Bên Ký Kết cũng có thể nhằm thực hiện một thoả thuận về hành động tập thể để đạt được những mục tiêu của Hiệp định này, như đã dự kiến tại khoản đầu tiên của điều XXV.
3. Các bên ký kết đã phát triển sẽ:
(a) làm hết sức mình nhằm duy trì chênh lệch thương mại ở mức thoả đáng trong những trường hợp giá bán những hàng hoá được sản xuất toàn bộ hay một phần tại lãnh thổ cuả các bên ký kết kém phát triển hơn do chính phủ trực tiếp hoặc gián tiếp định đoạt;
(b) tích cực nghiên cứu áp dụng các biện pháp* có tác dụng mở rộng khả năng tăng nhập khẩu từ các bên ký kết kém phát triển hơn và phối hợp hành động quốc tế thích hợp nhằm mục đích này.
(c) nhìn nhận một cách đặc biệt quyền lợi thương mại của các bên ký kết kém phát triển hơn khi chuẩn bị áp dụng những biện pháp khác để giải quyết những vấn đề riêng biệt được Hiệp định này này cho phép, đồng thời khai thác mọi khả năng khắc phục có tính chất xây dựng trước khi thực thi các biện pháp nói trên, nếu đấy là những biện pháp có thể làm tổn hại tới quyền lợi cơ bản của các bên ký kết kém phát triển hơn.
4. Mỗi bên ký kết kém phát triển hơn chấp nhận tiến hành các biện pháp thích hợp để thực hiện các quy định của Phần IV vì quyền lợi của các bên ký kết khác cũng kém phát triển hơn, trong chừng mực những biện pháp đó tương thích với nhu cầu hiện nay cũng như trong tương lai vì sự phát triển, khả năng tài chính và nền thương mại của mình, có tính đến diễn tiến của trao đổi thương mại trong quá khứ cũng như quyền lợi thương mại tổng thể của các bên ký kết kém phát triển hơn.
5. Khi thực thi những cam kết đã nêu tại các khoản từ 1 đến 4, mỗi bên ký kết sẽ nhanh chóng dành cho bất kỳ một hay nhiều bên ký kết nào khác có quan tâm mọi thuận lợi trong tham vấn theo các thủ tục thông thường của Hiệp định này về bất kỳ vấn đề nào hay bất kỳ khó khăn nào có thể phát sinh.
1. Các bên ký kết khi hành động tập thể sẽ phối hợp trong khuôn khố cũng như bên ngoài Hiệp định này, tuỳ hoàn cảnh thích hợp, nhằm thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu đã nêu tại Điều XXXIV.
2. Đặc biệt, Các Bên Ký Kết sẽ phải:
a) trong những trường hợp thích hợp, hành động thông qua thoả thuận quốc tế nhằm đảm bảo những điều kiện xâm thị tốt nhất có thể chấp nhận được dành cho các sản phẩm sơ cấp mang ý nghĩa đặc biệt với các bên ký kết kém phát triển hơn và nhằm xem xét những biện pháp nhằm ổn định và và cải thiện tình hình thị trường những sản phẩm này trên thế giới, kể cả các biện pháp nhằm vào ổn định giá cả xuất khẩu các sản phẩm đó ở mức công bằng và bù đắp thoả đáng.
b) cố gắng phối hợp thích đáng với Liên hợp Quốc cũng như các cơ quan và tổ chức thuộc Liên hợp Quốc, kể cả các thể chế có thể sẽ được lập ra theo khuyến nghị của Hội nghị Liên hợp Quốc về Thương mại và Phát triển trong hoạch định chính sách thương mại và chính sách phát triển;
c) phối hợp trong phân tích cả kế hoạch và chính sách phát triển của từng nước trong các bên ký kết kém phát triển hơn và xem xét mối quan hệ giữa thương mại và viện trợ, nhằm đưa ra những biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho việc phát triển các tiềm năng xuất khẩu và tạo thuận lợi cho các sản phẩm thuộc các ngành mới được mở rộng có cơ hội xâm thị và phối hợp thích đáng với các chính phủ và các tổ chức quốc tế có thẩm quyền về tài trợ cho phát triển kinh tế về mặt này để tiến hành ngiên cứu có hệ thống mối quan hệ giữa thương mại và viện trợ cho từng bên ký kết kém phát triển hơn riêng biệt nhằm xác định rõ tiềm năng xuất khẩu, triển vọng thị trường và bất kỳ hành động nào có thể được yêu cầu;
d) thường xuyên theo dõi diễn biến của thương mại quốc tế, đồng thời nắm chắc tỷ lệ tăng trưởng thương mại của các bên ký kết kém phát triển hơn và có những khuyến nghị thích hợp với hoàn cảnh với các bên ký kết;
e) phối hợp tìm kiếm những phương pháp thực tế để mở rộng thương mại nhằm phát triển kinh tế qua hài hoà và quy hoạch trên quy mô quốc tế về chính sách và quy tắc quốc gia bằng cách áp dụng các chỉ tiêu kỹ thuật và thương mại trong sản xuất, vận tải, và thương mại hoá cũng như xúc tiến xuất khẩu nhờ việc tạo nên một cơ chế cho phép đẩy mạnh phổ biến thông tin thương mại và nghiên cứu thị trường; và
f) đưa ra những thoả thuận về thể chế có thể cần thiết để đạt được những mục tiêu đã nêu tại điều XXXVI và thực thi các quy định của Hiệp định này.
Danh mục những lãnh thổ đã nêu tại
điểm (A) khoản 2 Điều khoản đầu tiên
Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
Các lãnh thổ phụ thuộc vào Vương quốc Anh và Bắc Ai-len
Ca-na-đa
Liên Bang úc và các lãnh thổ phụ thuộc vào Liên Bang úc
Tân Tây lan và các lãnh thổ phụ thuộc vào Tân Tây lan
Liên Hiệp Nam Phi kể cả Tây Nam Phi
Ai- len
ấn độ (kể từ ngày 10 tháng 4 năm 1947)
Đất mới
Nam Rhodesia
Miến điện
Xây- lan
Trong một số lãnh thổ nêu trên, có tồn tại hai hay nhiều thuế xuất ưu đãi áp dụng với một vài sản phẩm. Thông qua thoả thuận với các bên ký kết là bên cung cấp chủ yếu các sản phẩm nói trên trong số các bên được hưởng suất thuế đãi ngộ tối huệ quốc, các lãnh thổ này có thể thay thế các ưu đãi đó bằng một thuế suất ưu đãi duy nhất mà về tổng thể không kém thuận lợi hơn cho các bên cung cấp được hưởng sự đãi ngộ này so với trước khi có sự thay thế đó.
Việc chuyển một biên độ ưu đãi thuế quan tương ứng sang một khoản thuế hay khoản thu khác thay cho biên độ ưu đãi đã có trong chế độ thuế trong nước, có hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 chỉ áp dụng riêng giữa các hai hay nhiều lãnh thổ đã nêu trong phụ lục này sẽ không được coi là một sự tăng mức độ ưu đãi thuế quan.
Những thoả thuận ưu đãi nêu tại khoản 5 b) điều XIV là những thoả thuận có hiệu lực tại Vương Quốc Anh vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 theo tinh thần các hiệp định đã ký với Ca-Na-đa, úc và Niu-di-lân về thịt bò siêu đông và cấp đông, thịt cừu và dê siêu đông, thịt lợn siêu đông và cấp đông, và mỡ. Đã có dự kiến, không làm tổn hại đến bất kỳ một biện pháp nào thi hành điểm h) điều XX, là những thoả thuận này sẽ được triệt tiêu hay thay thế bằng ưu đãi thuế quan và việc đàm phán sẽ được các nước liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến những sản phẩm này tiến hành sớm nhất có thể.
Thuế (nội địa) áp dụng với việc thuê phim có hiệu lực tại Niu di lân vào ngày 10 tháng 4 năm 1947, đề thực hiện Hiệp định này sẽ được coi là một khoản thuế quan theo nội dung điều thứ nhất. Hạn chế số lượng áp dụng với những người cho thuê phim ở Niu-di-lân vào ngày 10 tháng 4 năm 1947, để áp dụng Hiệp định này, sẽ được coi hạn mức trình chiếu tại điều khoản IV.
Vùng Dominion của ấn Độ và Pa-kit-xtan không được nêu riêng biệt trong danh mục nêu trên, vì các vùng đó chưa tồn tại độc lập vào ngày 10 tháng 4 năm 1947.
Danh mục những lãnh thổ thuộc liên hiệp PHáp nêu tại điểm b) khoản 2 điều khoản đầu tiên
Pháp
Phi xích đạo thuộc Pháp (lòng chảo thoả thuận của Congo và lãnh thổ khác)
Đông phi thuộc Pháp
Ca-mê-run dưới sự bảo trợ của Pháp
Bờ biển Sô-ma-li thuộc Pháp và những lãnh thổ phụ thuộc
Những lãnh thổ thuộc Pháp tại Châu Đại Dương
Những lãnh thổ thuộc Pháp tại Công- đô-ni vùng Hebride
Đông Dương
Ma-đa-gat-ca và những lãnh thổ phụ thuộc
Ma-rốc
Ca-le-đô-ni mới và lãnh thổ phụ thuộc
Vùng Thánh Pi-e và Mi-cơ-lông
Tô-gô dưới sự bảo trợ của Pháp
Tuy-ni-di
Phụ lục C
Liên minh kinh tế Bỉ-Lúc xăm bua
Côn-gô thuộc Bỉ
Ru-an-đa-U-run-đi
Hà lan
Tân Gui-nê
Su-ri-nam
Quần đảo An-ti thuộc Hà lan
Cộng hoà In-đô-nê-xi-a
Chỉ áp dụng với nhập khẩu vào những lãnh thổ hợp thành Liên minh Quan thuế.
Danh mục những lãnh thổ nêu tại khoản 2b) điều khoản đầu tiên liên quan tới Hoa Kỳ
Hoa kỳ (lãnh thổ quan thuế)
Những lãnh thổ phụ thuộc vào Hoa kỳ
Cộng hoà Phi-lip-pin
Việc chuyển một biên độ ưu đãi thuế quan tương ứng sang một khoản thuế hay khoản thu khác thay cho biên độ ưu đãi đã có trong chế độ thuế trong nước, có hiệu lực vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 chỉ áp dụng riêng giữa các hai hay nhiều lãnh thổ đã nêu trong phụ lục này sẽ không được coi là một sự tăng mức độ ưu đãi thuế quan.
Ưu đãi chỉ có hiệu lực riêng giữa một bên là Chi-lê và một bên là
1. Ac-hen-ti-na
2. Bô-li-vi-a
3. Pê-ru
Ưu đãi chỉ có hiệu lực riêng giữa một bên là liên minh quan thuế Li-ban-Sy-ri và một bên là
1. Pa-let-xtin
2. Jóc-da-ni
Ngày cụ thể để xác định biên độ ưu đãi tối đa nêu tại khoản 4 điều khoản đầu tiên
Úc ...................................................................................... |
15 tháng 10 năm 1946 |
Ca-na-đa ............................................................................ |
1 tháng 7 năm 1939 |
Pháp ............................................................. ..................... |
1 tháng 1 năm 1939 |
Nam Ro-đê-di .................................................................... |
1 tháng 5 năm 1941 |
Liên minh quan thuế Li-băng-Sy-ri.............. ..................... |
30 tháng 10 năm 1939 |
Liên hiệp Nam phi ............................................................. |
1 tháng 7 năm 1938 |
Nam Rho-de-si-a |
1 tháng 5 năm 1941 |
Tỷ lệ phần trăm tổng lượng thương mại dùng để tính phần trăm như đã quy định tại điều XXVI
(trung bình của thời kỳ năm 1949-1953)
Nếu, trước khi Chính phủ Nhật bản gia nhập Hiệp định Chung, Hiệp định này đã được các bên ký kết có khối lượng thương mại như nêu tại cột 1 thể hiện mức phần trăm thương mại xác định tại khoản 6 điều XXVI, cột 1 sẽ có giá trị để thi hành quy định của khoản đã nêu. Nếu Hiệp định này không được chấp nhận như nêu trên trước khi Chính phủ Nhật bản gia nhập, cột II sẽ có giá trị để thi hành quy định của khoản đã nêu.
|
Cột I (bên ký kết 1/3/ 1955) |
Cột II (1/3/1955 và Nhật bản) |
Úc |
3,1 |
3,0 |
Áo |
0,9 |
0,8 |
Bỉ-Lúc xăm bua |
4,3 |
4.2 |
Miến-điện |
0,3 |
0,3 |
Bra-sil |
2,5 |
2,4 |
Canada |
6,7 |
6,5 |
Xây-lan |
0,5 |
0,5 |
Chi-lê |
0,6 |
0,6 |
Cuba |
1,1 |
1,1 |
Đan-mạch |
1,4 |
1,4 |
Hoa kỳ |
20,6 |
20,1 |
Phần-lan |
1,0 |
1,0 |
Đức (Liên bang) |
5,3 |
5,2 |
Pháp |
8,7 |
8,5 |
Hy lạp |
0,4 |
0,4 |
Ha-i-ti |
0,1 |
0,1 |
ấn độ |
2,4 |
2,4 |
In-đô-nê-si-a |
1,3 |
1,3 |
I-ta li-a |
2,9 |
2,8 |
Nicaragua |
0,l |
0,l |
Na-uy |
1,1 |
1,1 |
Niu-di-lân |
1,0 |
1,0 |
Pakistan |
0,9 |
0,8 |
Hà lan |
4,7 |
4,6 |
Pê-ru |
0,4 |
0,4 |
Cộng hoà Đô-mi-níc |
0,l |
0,l |
Rô-đê-di và Ny-a-sa-lan |
0,6 |
0,6 |
Anh (Vương Quốc) |
20,3 |
19,8 |
Thuỵ điển |
2,5 |
2,4 |
Tiệp khắc |
1,4 |
1,4 |
Thổ nhĩ kỳ |
0,6 |
0,6 |
Liên hiệp Nam phi |
1,8 |
1,8 |
Uruguay |
0,4 |
0,4 |
Nhật bản |
- |
2,3 |
|
_____ |
_____ |
|
100,0 |
100,0 |
Ghi chú: các tỷ lệ trên được tính toán có tính đến thương mại của mọi lãnh thổ mà Hiệp định chung có hiệu lực thi hành.
Ghi chú và các quy định bổ sung
Bổ sung điều khoản đầu tiên
Khoản đầu tiên
Nghĩa vụ nêu tại khoản đầu tiên điều khoản đầu tiên có tham chiếu khoản 2 và khoản 4 của điều III cũng như các nghĩa vụ nêu tại điểm 2 b) điều II có tham chiếu điều VI sẽ được coi là bộ phận của Phần II nhằm thực hiện Nghị định thư về việc tạm thời áp dụng Hiệp định chung.
Những tham chiếu tới các khoản 2 và 4 điều III, nêu trong khoản trên cũng như khoản đầu tiên của điều khoản đầu tiên, sẽ chỉ được áp dụng khi điều III đã được điều chỉnh bằng việc điều chỉnh đã dự kiến tại Nghị định thư có nội dung sửa đổi phần II và sửa đổi điều XXVI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại ký ngày 14 tháng 9 năm 1948 (10) có hiệu lực.
Bổ sung điều khoản đầu tiên Khoản 4
Thuật ngữ "biên độ ưu đãi" được hiểu là sự khác biệt tuyệt đối giữa suất thuế quan áp dụng theo đãi ngộ tối huệ quốc - MFN và thuế suất ưu đãi áp dụng với cùng một sản phẩm, mà không phải tương quan giữa hai thuế suất. Lấy ví dụ:
1) Nếu thuế suất thuộc đãi ngộ tối huệ quốc - MFN là 36% trị giá gia tăng và thuế suất theo đãi ngộ ưu đãi là 24% trị giá gia tăng, biên độ ưu đãi ở trường hợp này sẽ là 12% trị giá gia tăng chứ không phải là một phần ba của đãi ngộ tối huệ quốc.
2) Nếu thuế suất thuế quan theo đãi ngộ tối huệ quốc - MFN là 36% và thuế suất ưu đãi được ghi là hai phần ba của đãi ngộ tối huệ quốc, biên độ ưu đãi ở đây được hiểu là 12% trị giá gia tăng.
3) Nếu thuế quan theo đãi ngộ tối huệ quốc - MFN ở mức 2,00FF trên một kg và thuế ưu đãi là 1,5FF trên một kg, biên độ ưu đãi sẽ là 0.5FF trên một kg.
Các biện pháp hải quan sau đây, áp dụng đúng theo thủ tục thống nhất đã định, sẽ không được coi là trái với cam kết mức biên độ ưu đãi tối đa:
i) tái áp dụng với một sản phẩm nhập khẩu một hạng mục phân loại thuế hay một thuế suất thông thường áp dụng với sản phẩm đó, trong những trường hợp việc áp dụng mức phân loại hay thuế suất đó đã được tạm ngừng vào ngày 10 tháng 4 năm 1947;
ii) Phân loại một sản phẩm theo một dòng thuế khác với dòng thuế áp dụng cho sản phẩm đó vào ngày 10 tháng 4 năm 1947 trong trường hợp hệ thống lập pháp có quy định rõ ràng rằng sản phẩm đó có thể được phân loại theo nhiều dòng thuế.
Bổ sung Điều II
Khoản 2 a)
Việc tham chiếu tới khoản 2 điều III nêu tại khoản 2 a) điều II chỉ được áp dụng khi điều III đã được sửa đổi với sự điều chỉnh đã dự kiến trong Nghị định thư có nội dung sửa đổi Phần II và sửa đổi điều XXVI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT ký ngày 14 tháng 9 năm 1948 (11) đã có hiệu lực.
Khoản 2 b)
Xem phần ghi chú về khoản đầu tiên của điều khoản đầu tiên.
Khoản 4
Trừ khi có thoả thuận khác rõ ràng của các bên ký kết đã đàm phán các nhân nhượng thuế quan ban đầu, các quy định của khoản 4 sẽ được áp dụng có tính đến các quy định của điều 31 Hiến chương Havana.
Bổ sung Điều III
Mọi khoản thuế hay khoản thu nội địa hoặc mọi luật lệ, quy tắc hoặc quy định nêu tại khoản đầu tiên, áp dụng với sản phẩm nhập khẩu cũng như với sản phẩm nội tương tự và được đánh -với sản phẩm nhập khẩu- vào lúc và tại nơi nhập khẩu không vì thế mà không được coi là một khoản thuế hay khoản thu nội địa hoặc mọi luật lệ, quy tắc hoặc quy định nêu tại khoản đầu tiên và do vậy sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định của điều III.
Khoản 1
Việc áp dụng khoản đầu tiên vào thuế nội địa được các chính phủ hay chính quyền địa phương của các lãnh thổ một bên ký kết áp dụng được điều chỉnh bởi các quy định của khoản cuối cùng điều XXIV. Thuật ngữ "các biện pháp hợp lý trong quyền hạn của mình" không được hiểu, ví dụ, là buộc các bên ký kết lẩn tránh nền lập pháp quốc gia đang cho phép các chính quyền địa phương quyền được đánh những khoản thuế nội địa xét về hình thức thì trái với lời văn điều khoản đó mà về nội dung trong thực tế lại không trái với tinh thần điều khoản đó, nếu sự lẩn tránh đó sẽ dẫn đến những khó khăn tài chính nặng nề cho chính phủ và chính quyền địa phương liên quan. Với những khoản thuế do các chính phủ và chính quyền địa phương thu trái với điều III cả về câu chữ và tinh thần, thuật ngữ "các biện pháp hợp lý trong quyền hạn của mình" cho phép một bên ký kết triệt tiêu từng bước các khoản thuế này trong thời kỳ chuyển đổi, nếu triệt tiêu ngay có thể gây ra những khó khăn về hành chính và tài chính.
Khoản 2
Một khoản thuế thoả mãn các quy định tại câu đầu tiên khoản 2 chỉ coi là không tương thích với câu thứ hai trong trường hợp có sự cạnh tranh giữa một bên là sản phẩm và bên kia là một sản phẩm cạnh tranh trực tiếp hay một sản phẩm có thể trực tiếp thay thế nhưng lại không phải chịu một khoản thuế tương tự.
Khoản 5
Một quy tắc tương thích với các quy định của câu đầu tiên của khoản 5 sẽ không được coi là trái với các quy định tại câu thứ hai nếu nước áp dụng quy tắc đó có sản xuất với số lượng đáng kể mọi sản phẩm và các sản phẩm đó đều phải chịu khoản thuế đó. Không thể viện dẫn rằng trong khi phân định những phần tỷ lệ hay số lượng xác định cho mỗi sản phẩm chịu sự điều chỉnh của quy tắc, người ta đã duy trì một tương quan thoả đáng giữa sản phẩm nhập khẩu và các sản phẩm nội địa, để bảo vệ rằng một quy tắc đã đáp ứng các quy định tại câu thứ hai.
Bổ sung điều V
Khoản 5
Liên quan tới chi phí vận tải, nguyên tắc nêu tại khoản 5 áp dụng với những sản phẩm tương tự được vận chuyển cùng một lịch trình và trong những điều kiện như nhau.
Bổ sung điều VI
Khoản 1
1. Việc các doanh nghiệp thông đồng bán phá giá (có nghĩa là nhà nhập khẩu bán hàng với giá hàng tương ứng với giá ghi trên hoá đơn xuất khẩu của nhà xuất khẩu có liên kết với nhà nhập khẩu, và giá xuất khẩu đó vẫn thấp hơn giá thực tế tại nước xuất khẩu) là một hình thức bán phá giá; với loại hình này, biên độ phá giá có thể được tính toán dựa trên giá bán lại sản phẩm tại nước nhập khẩu.
2. Thừa nhận rằng trong trường hợp nhập khẩu từ một nước mà thương mại hoàn toàn mang tính chất độc quyền hay hầu như độc quyền hoặc toàn bộ giá trong nước do Nhà nước định đoạt, việc xác định tính so sánh của giá cả nhằm mục đích nêu tại khoản đầu tiên có thể có những khó khăn đặc biệt và trong những trường hợp đó, các bên ký kết là bên nhập khẩu có thể thấy cần tính đến khả năng rằng việc so sánh chúnh xác với giá cả trong nước của nước đó không phải lúc nào cũng thích đáng.
Khoản 2 và 3
1. Lý do là trong thực tế hải quan thường xảy ra việc một bên ký kết có thể đòi hỏi có sự đảm bảo hợp lý (bảo lãnh hay đặt cọc bằng tiền để thanh toán thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng trong khi chờ kết quả điều tra cuối cùng theo thực tế, khi nghi ngờ có bán phá giá hay trợ cấp.
2. Việc thực hành đa tệ trong một số trường hợp có thể dẫn đến trợ cấp cho xuất khẩu và có thể là đối tượng đánh thuế đối kháng theo các điều khoản tại khoản 3, hay tạo nên một hình thức bán phá giá thông qua chỉ phá giá một phần đồng tiền của một nước, và có thể là đối tượng đều chỉnh của các biện pháp nêu tại khoản 2. Thuật ngữ "thực hàmh đa tệ" nhằm vào những thực hành được chính phủ áp dụng hay chấp nhận cho áp dụng.
Khoản 6 b)
Mọi sự khiển trách các quy định tại khoản 6 b) sẽ chỉ được xem xét theo của bên ký kết có đề nghị đánh thuế chống bán phá giá hay thuế đối kháng.
Bổ sung điều VII
Khoản 1
Thuật ngữ "những khoản thuế khác" sẽ không được coi là bao gồm cả những khoản thuế nội địa hay thuế tương ứng thu vào thời điểm nhập khẩu hay liên quan tới nhập khẩu.
Khoản 2
1. Sẽ được coi là đáp ứng yêu cầu của điều VII khi kết luận rằng "giá trị thực" có thể thể hiện bằng giá ghi trên hoá đơn, có bổ sung mọi yếu tố tương ứng chính đáng không tính trên giá ghi hoá đơn và thực sự tạo nên những kết cấu của "giá trị thực", cũng như mọi khoản chiết khấu không bình thường tính theo giá thông thường cạnh tranh.
2. Một bên ký kết tuân thủ đúng điểm 2 b) điều VII khi hiểu thuật ngữ "theo tiến trình thương mại thông thường trong điều kiện cạnh tranh đầy đủ" như là ngoại trừ mọi giao dịch trong đó người mua và người bán không độc lập với nhau và giá cả không phải là điều kiện duy nhất.
3. Quy tắc "những điều kiện cạnh tranh đầy đủ" cho phép một bên ký kết không xem xét giá bán trong đó gồm có những chiết khấu đặc biệt chỉ dành cho các đại diện toàn quyền.
4. Nội dung cáđiểm a) và b) cho phép các bên ký kết xác định trị giá thuế quan một cách thống nhất hoặc 1) trên cơ sở giá của một nhà xuất khẩu riêng biệt của hàng nhập khẩu, hoặc 2) trên cơ sở mức giá chung của các sản phẩm tương tự.
Bổ sung Điều VIII
1. Trong khi điều VIII không bao trùm việc sử dụng đa tỷ giá hối đoái theo đúng nghĩa của nó, khoản 1 và khoản 4 lên án việc sử dụng phí và thu đánh vào tỷ giá như là một công cụ để sử dụng đa tỷ giá. Tuy nhiên nếu một bên ký kết sử dụng phí đa tỷ giá để thăng bằng cán cân thanh toán và đã được Quỹ tiền tệ quốc tế chấp nhận, các quy định tại khoản 9(a) của Điều XV vẫn bảo vệ trọn vẹn cho sự vận dụng của bên ký kết đó.
2. Sẽ được coi là phù hợp các quy định của khoản 1 nếu khi hàng được nhập khẩu từ lãnh thổ của một bên ký kết vào lãnh thổ của một bên ký kết khác, việc yêu cầu xuất trình cấp chứng nhận xuất xứ chỉ được đặt ra ở mức thật sự cần thiết.
Bổ sung điều XI, XII, XIII, XIV và XVIII
Trong các Điều XI, XII, XIII, XIV và XVIII, các thuật ngữ "hạn chế nhập khẩu" hay "hạn chế xuất khẩu" cũng nhằm vào các hạn chế được thi hành thông qua các hoạt động của thương mại nhà nước.
Bổ sung điều XI
Khoản 2 c)
Thuật ngữ " nhập khẩu dưới bất cứ hình thức nào "phải được hiểu là áp dụng với những sản phẩm như nhau, còn đang ở giai đoạn chế biến ít, dễ hư hỏng, trực tiếp cạnh tranh với những sản phẩm tươi sống và nếu các sản phẩm đó được tự do nhập khẩu, có xu hướng làm cho các hạn chế được áp dụng với sản phẩm tươi sống mất hiệu lực trong thực tế.
Khoản 2 điểm cuối cùng
Thuật ngữ "nhân tố đặc biệt" bao gồm sự biến động năng xuất liên quan tới sản phẩm nội và ngoại, nhưng không phải sự biến động nhân tạo liên quan tới những phương tiện khác mà hiệp định không chi phối.
Bổ sung điều XII
Các Bên Ký Kết sẽ áp dụng mọi biện pháp hữu ích để đảm bảo rằng các cuộc tham vấn tiến hành theo quy định của điều khoản này được đảm bảo bí mật.
Khoản 3 c) i)
Các bên ký kết đang áp dụng những hạn chế có nghĩa vụ cố gắng tránh gây ra tổn hại nặng cho xuất khẩu một sản phẩm sơ cấp mà nền kinh tế cuả một bên ký kết phụ thuộc nhiều.
Khoản 4 b)
Thoả thuận rằng ngày đó sẽ nằm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày những điều chỉnh của điều khoản này nêu trong Nghị định thư có nội dung điều chỉnh khoản mở đầu và các Phần II và III của Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu Các Bên Ký Kết cho rằng trong những điều kiện vào thời điểm dự kiến không thích hợp với áp dụng các quy định của điều khoản này, Các Bên có thể định ra một ngày trong tương lai sau đó; tuy nhiên ngày mới xác định này phải nằm trong vòng 30 ngày kể từ cuối thời hạn mà nghiã vụ nêu tại mục 2, 3, 4 điều VIII Điều lệ Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) quy định được áp dụng cho các bên ký kết là Thành viên của Quỹ có tổng khối lượng thương mại của họ chiếm ít nhất là một nửa tổng khối lượng thương mại của các bên ký kết.
Khoản 4 c)
Được thoả thuận là đọan 4 a) không đặt ra thêm chỉ thức nào cho việc định ra hay duy trì các hạn chế số lượng nhằm bảo hộ thăng bằng cán cân thanh toán. ở đây chỉ đảm bảo rằng khi mọi nhân tố bên ngoài như là những thay đổi trong điều kiện, điều khoản trao đổi thương mại hạn chế số lượng, thuế quan quá cao và trợ cấp là những nhân tố có thể góp phần làm mất thăng bằng cán cân thanh toán của bên ký kết đang áp dụng hạn chế được tính toán đến một cách đầy đủ.
Bổ sung điều XIII
Khoản 2 d)
Các bên đã không chấo nhận sự xem xét mang tính chất thương mại như là một chỉ tiêu phân bổ hạn nghạch, bởi vì không phải lúc nào các chính phủ cũng có thể dựa vào những đánh giá này. Mặc khác, trong những trường hợp có thể vận dụng cách làm này, một bên ký kết có thể vận dụng tiêu thức này khi cần đạt đến một thỏa thuận, phù hợp với quy tắc chung nêu tại câu đầu tiên khoản 2.
Khoản 4
Xem bị chú về các "nhân tố đặc biệt", liên quan tới tiểu khoản cuối cùng khoản 2 điều I.
Bổ sung Điều khoản XIV
Khoản đầu tiên
Các quy định của khoản này sẽ không được hiểu như là ngăn cản Các Bên Ký Kết, trong quá trình tham vấn dự kiến tại khoản 4 của điều XII và tại khoản 2 điều XVIII, tính toán đầy đủ đến tính chất, các tác động và lý do của mọi sự phân biệt trong hạn chế nhập khẩu.
Khoản 2
Một trong các trường hợp đã tính đến tại điều 2 là trường hợp một bên ký kết có nguồn tín dụng, sau một hoạt động thương mại thông thường, nhưng sẽ không thể sử dụng được nếu không vận dụng biện pháp phân biệt đối xử.
Bổ sung điều khoản XV
Khoản 4
Các thuật ngữ "(có thể) trái với" trước hết có ý nghĩa rằng các biện pháp kiểm soát ngoại hối sẽ có thể trái với lời văn của một điều khoản trong Hiệp định này nếu không đi chệch quá nhiều với tinh thần của Hiệp định sẽ không bị coi là vi phạm Hiệp định này. Như vậy, một bên ký kết chiểu theo nội dung một trong những biện pháp kiếm soát ngoại hối được áp dụng đúng theo Điều lệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF) quy định hàng xuất khẩu được thanh toán bằng nội tệ hoặc bằng đồng tiền của một trong những đồng tiền của một Nhà nước thành viên của Quỹ sẽ không vì thế bị coi gây trở ngại với việc thực hiện các quy định của điều XI và điều XIII. Ta có thể lấy ví dụ trường hợp một bên ký kết ghi trong giấy phép nhập khẩu hàng hoá được phép nhập từ nước nào, không hề nhằm vào phân biệt đối xử trong việc cấp phép nhập khẩu mà nhằm thực hiện các biện pháp được phép tiến hành trong quản lý ngoại hối.
Bổ sung Điều khoản XVI
Việc miễn cho một sản phẩm xuất khẩu những khoản thuế đánh vào sản phẩm tương tự được tiêu dùng nội địa hay việc hoàn trả các khoản thuế nhưng không vượt quá mức thuế phải hay đã nộp sẽ không bị coi là một khoản trơ cấp
điểm B
1. Không một quy định nào của điểm B ngăn cản một bên ký kết áp dụng đa tỷ giá phù hợp với Điều lệ của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế.
2. Để áp dụng điểm B, thuật ngữ "sản phẩm sơ cấp" được hiểu là bao gồm nông sản, lâm sản, sản phẩm nghề cá và mọi khoáng sản, dù đó là một sản phẩm dưới dạng tự nhiên hay đã qua chế biến mà thương mại quốc tế đòi hỏi phải giao dịch với số lượng lớn.
Khoản 3
1. Việc một bên ký kết trước đây không xuất khẩu một sản phẩm được đề cập đến ở khoản này không làm mất quyền của bên ký kết đó có được một phần trong thương mại sản phẩm này.
2. Một hệ thống nhằm vào hoặc ổn định giá cả một sản phẩm sơ cấp trong nước, hoặc ổn định thu nhập của các nhà sản xuất trong nước sản phẩm đó, độc lập với giá cả xuất khẩu- việc đó có lúc dẫn đến việc một sản phẩm được xuất khẩu với giá thấp hơn so với giá có thể so sánh thực hành với người mua trên thị trường nội địa, sản phẩm tương tự sẽ không được coi là một hình thức trợ cấp xuất khẩu theo nghĩa của khoản 3, nếu Các Bên Ký Kết xác định được:
Không phụ thuộc vào sự xác định của Các Bên Ký Kết về vấn đề này, các biện pháp phát sinh trong thực hiện một hệ thống như vậy sẽ được xét theo quy định của khoản 3 khi nguồn tài trợ được nhà sản xuất sản phẩm đó đóng góp một phần hay toàn bộ, ngoài sự đóng góp của các nhà sản xuất các sản phẩm đó.
a) rằng hệ thống đó cũng dẫn đến hay được lập ra theo cách để đạt tới sản phẩm này được bán xuất khẩu với giá cao hơn giá thực hành với người mua trên thị trường nội địa, sản phẩm tương tự;
b) và rằng hệ thống đó khi được vận dụng thực tế với sản xuất, hay vì bất kỳ một lý do nào khác, được áp dụng hay lập ra theo cách không phải là để khuyến khích xuất khẩu một cách không chính đáng hay không dẫn đến sự tổn hại nghiêm trọng nào với quyền lợi của các bên ký kết khác.
Khoản 4
Đối tượng của khoản 4 là làm cho các bên ký kết cố gắng đạt được một thoả thuận chậm nhất là cuối năm 1957 để đến ngày 1 tháng 1 năm 1958 loại bỏ mọi khoản trợ cấp vẫn còn tồn tại hoặc nếu không đạt được một thoả thuận như vậy cũng đạt được một thoả thuận về việc tiếp tục duy trì hiện trạng cho tới một ngày gần nhất trong tương lai, với hy vọng đạt được một thoả thuận như vậy.
Bổ sung Điều khoản XVII
Khoản đầu tiên
Hoạt động của các văn phòng giao dịch thương mại, hoạt động mua bán được các bên ký kết thành lập chịu sự điều chỉnh của các quy định nêu tại các tiểu khoản a) và b).
Hoạt động của các văn phòng giao dịch thương mại được các bên ký kết thành lập, không hoạt động mua bán, nhưng có định ra những quy tắc áp dụng với thương mại tư nhân, chịu sự điều chỉnh của các quy định thích hợp của Điều khoản này.
Các quy định của Điều khoản này không ngăn cản một doanh nghiệp Nhà nước bán một sản phẩm với gíá khác nhau trên những thị trường khác nhau, với điều kiện thực hành như vậy chỉ dựa vào những lý do thương mại, để đáp ững tương quan cung-cầu trên thị trường xuất khẩu.
Khoản 1a)
Những biện pháp được chính phủ áp dụng nhằm đảm bảo tôn trọng những chỉ tiêu chất lượng và năng xuất nhất định trong hoạt động thương mại, hoặc còn vì những đặc quyền trong khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia, nhưng không cho phép chính phủ kiểm soát các hoạt động thương mại của doanh nghiệp đó sẽ không được coi là "độc quyền hay đặc quyền thương mại".
Khoản 1b)
Một bên ký kết được hưởng một "khoản vay đặc biệt?" có quyền được sử dụng khoản tiền vay này theo "đánh giá thương mại" khi mua sắm sản phẩm từ nước ngoài.
Khoản 2)
Các thuật ngữ "sản phẩm" và "hàng hoá" chỉ áp dụng với sản phẩm theo nghĩa của các thuật ngữ này trong thực hành thương mại và không được hiểu là áp dụng với việc mua hay đặt cung cấp dịch vụ.
Khoản 3)
Các cuộc đàm phán được các bên ký kết chấp nhận tiến hành, phù hợp với nội dung khoản này, có thể là đàm phán về giảm thuế và các khoản thu khác với nhập khẩu và xuất khẩu hay về việc ký kết một thoả thuận nào khác thoả đáng với các bên và phù hợp với các quy định của Hiệp định này. (xem khoản 4 của điều II và phần ghi chú liên quan tới khoản này).
Khoản 4 b)
Thuật ngữ "nâng giá nhập khẩu" tại khoản này chỉ phần kết cấu trong giá tại cảng xếp hàng được cơ quan độc quyền nhập khẩu nâng lên trong xác lập giá căn cứ cho nhu cầu về sản phẩm liên quan (ngoại trừ các khoản thuế trong nước thuộc nội dung điều III, giá thành vận tải và phân phối cũng như các chi phí khác gắn với việc bán, mua hay chế biến thêm và một biên độ lãi hợp lý).
Bổ sung điều khoản XVIII
Các Bên Ký Kết và các bên ký kết liên quan sẽ tuân thủ việc đảm bảo bí mật cao nhất với mọi vấn đề đặt ra theo tại Điều khoản này.
1. Khi Các Bên Ký Kết xem xét việc nền kinh tế của một bên ký kết "chỉ có thể đảm bảo một mức sống thấp", Các Bên sẽ xem xét đến vị trí thông thường của nền kinh tế đó chứ không ra xác định trên cơ sở những hoàn cảnh ngoại lệ chẳng hạn như những hoàn cảnh là kết quả của những điều kiện đặc biệt thuận lợi cho việc xuất khẩu một sản phẩm hay nhiều sản phẩm chính xuất khẩu của nền kinh tế này.
2. Câu "trong thời kỳ đầu phát triển" không chỉ hàm ý áp dụng với các bên ký kết mới chỉ vừa bắt đầu thời kỳ phát triển kinh tế mà cũng áp dụng với các bên ký kết có nền kinh tế đang trên một tiến trình công nghiệp hoá để khắc phục sự phụ thuộc thái quá vào sản xuất sản phẩm sơ chế.
Khoản 2, 3, 7, 13 và 22)
Khái niệm tạo lập một ngành sản xuất xác định nói đến ở đây không chỉ nhằm vào việc lập nên một ngành sản xuất mới mà cả tạo lập một ngành sản xuất trong khuôn khổ một ngành sản xuất đang tồn tại, và phát triển thêm một bước đáng kể một ngành đang tồn tại nhưng hiện chỉ thoả mãn được nhu cầu trong nước ở mức thấp. Khái niệm cũng nhằm vào việc xây dựng lại một ngành sản xuất đã bị huỷ hoại hay tổn thất đáng kể do những hành động thù địch hay thiên tai.
Khoản 7 b)
Mọi sự sửa đổi hay rút bỏ, theo khoản 7b), được một bên ký kết không phải là bên ký kết đòi hỏi áp dụng, như nêu tại khoản 7a) phải bắt đầu trong vòng 6 tháng kể từ ngày bên ký kết đòi hỏi thực thi biện pháp của mình, sự điều chỉnh hay rút bỏ đó sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày Các Bên Ký Kết nhận được thông báo về việc đó.
Khoản 11
Câu thứ hai của khoản 11 sẽ không được hiểu là buộc một bên ký kết phải giảm bớt hay loại bỏ các hạn chế nếu việc giảm bớt hay loại bỏ lại minh chứng cho một tình huống cần tăng cường hay lập ra, tuỳ từng trường hợp, các hạn chế theo khoản 9 của điều XVIII.
Khoản 12 b)
Ngày nêu tại khoản 12 b) sẽ là ngày được Các Bên Ký Kết định ra phù hợp với các quy định của khoản 4 b) điều XII của Hiệp định này.
Khoản 13 và 14
Thừa nhận rằng trước khi đưa ra một biện pháp và thông báo biện pháp đó cho Các Bên Ký Kết, theo đúng quy định của khoản 14, một bên ký kết có thể cần có thời gian nhất định để xác định hiện trạng của ngành sản xuất liên quan, dưới cách nhìn cạnh tranh.
Đạon 15 và 16
Thoả thuận rằng Các Bên Ký Kết sẽ mời một bên ký kết có đề nghị áp dụng biện pháp theo mục C cùng tham vấn phù hợp với các quy định tại khoản 16, khi bên ký kết có nền thương mại chịu ảnh hưởng đáng kể của biện pháp nói đến ở đây có yêu cầu.
Khoản 16,18, 19 và 22
1. Thoả thuận rằng Các Bên Ký Kết có thể chấp nhận một biện pháp đã dự kiến với bảo lưu theo các điều kiện hay các giới hạn đã được Các Bên chỉ ra, Nếu biện pháp được áp dụng không tuân thủ những dự kiến được chấp nhận, sẽ được coi là biện pháp không được Các Bên Ký Kết cho phép trong khuôn khổ hoàn cảnh dẫn tới chấp nhận biện pháp đó. Nếu Các Bên Ký Kết đã chấp nhận một biện pháp trong một thời gian xác định, nhưng bên ký kết liên quan thấy rằng cần duy trì biện pháp đó thêm một thời gian để thực hiện mục tiêu đã đề ra ban đầu, bên ký kết đó có thể đề nghị Các Bên Ký Kết kéo dài thời gian, phù hợp với các quy định và thủ tục tại khoản C và D, tuỳ từng trường hợp.
2. Thông thường Các Bên Ký Kết sẽ tự kiềm chế khi góp ý trước yêu cầu cho phép áp dụng một biện pháp có khả năng dẫn tới tổn hại nghiêm trọng đến xuất khẩu một sản phẩm mà nền kinh tế của một bên ký kết đang phụ thuộc nhiều.
Khoản 18 và 22
Sử dụng khoản "và quyền lợi của các bên ký kết khác đã được bảo vệ đúng mức " nhằm tạo ra một quyền hành động đủ để xem xét xem trong mỗi trường hợp phương pháp nào thích hợp nhất để bảo vệ các quyền lợi này. Ví dụ phương pháp thích hợp nhất đó có thể mang hình thức bên ký kết đã vận dụng các quy định của mục C hay mục D dành cho một nhân nhượng bổ sung trong thời kỳ các biện pháp trái với các quy định của Hiệp định này có hiệu lực, hoặc bất kỳ bên ký kết nào khác nêu tại khoản 18 sẽ tạm ngừng một nhân nhượng đáng kể tương ứng với tổn hại do việc áp dụng biện pháp đã nêu trên gây ra. Bên ký kết đó sẽ có quyền bảo hộ những quyền lợi của mình bằng cách tạm thời ngừng áp dụng một nhân nhượng; tuy nhiên, chỉ thực thi quyền này khi, trong trường hợp một biện pháp được một bên ký kết áp dụng trong khuồn khổ điểm a) khoản 4 được Các Bên Ký Kết xác định có mức bù đắp không thoả đáng.
Khoản 19
Các quy định của khoản 19 được áp dụng trong trường hợp một ngành sản xuất vẫn tiếp tục tồn tại quá một "thời hạn hợp lý" đã nêu trong bị chú liên quan tới khoản 13 và 14; các quy định này không được hiểu là tước bỏ quyền của một bên ký kết đang trong diện nêu tại điểm a) khoản 4 điều XVIII quyên được vận dụng các quy định khác của mục C, kể cả các quy định của khoản 17, nói về một ngành sản xuất mới được thành lập, cho dù ngành này đã được hưởng sự bảo hộ phụ trợ nhờ sự hạn chế nhập khẩu nhằm bảo vệ cán cân thanh toán.
Khoản 21
Mọi biện pháp được áp dụng theo tinh thần của khoản 21 sẽ được rút bỏ ngay lập tức nếu các biện pháp đã được áp dụng theo các quy định của khoản 17 cũng đã được rút bỏ hoặc Các Bên Ký Kết đã đồng tình với biện pháp đã dự kiến sau thời hạn 90 ngày đã nêu tại khoản 17.
Điều XX
điểm h)
Ngoại lệ nêu tại điểm này được mở rộng ra mọi sản phẩm cơ sở phù hợp với các nguyên tắc đã được Hội đồng kinh tế và xã hội thông qua trong nghị quyết số 30 (IV) ngày 28 tháng 3 năm 1947.
Bổ sung điều XXIV
Khoản 9
Thoả thuận rằng, căn cứ vào các quy định của điều khoản đẩu tiên, khi một sản phẩm đã được nhập khẩu vào lãnh thổ của một liên minh quan thuế hay khu vực mậu dịch tự do với thuế suất ưu đãi được tái xuất khẩu vào lãnh thổ một thành viên khác của liên minh hay khu vực đó, thành viên này phải thu thêm một khoản thuế bằng mức chênh lệch giữa thuế đã thu và thuế suất cao nhất lẽ ra phải đánh vào sản phẩm khi sản phẩm được nhập khẩu trực tiếp vào lãnh thổ của mình.
Khoản 11
Khi các hiệp định thương mại chính thức được ký kết giữa ấn độ và Pa-ki-xơ-tan, các biện pháp có thể được các nước này áp dụng nhằm thực hiện các hiệp định này có thể trái với một số điều khoản thuộc Hiệp định này nhưng không được trái với mục tiêu của Hiệp định.
Bổ sung Điều khoản XXVIII
Các Bên Ký Kết và bất kỳ bên ký kết nào liên quan phải có những quy định cần thiết để đảm bảo bí mật cao nhất trong quá trình đàm phán và tham vấn, nhằm tránh để những thông tin liên quan tới điều chỉnh thuế quan dự kiến cho thời kỳ sắp tới bị tiết lộ khi chưa chín muồi. Các Bên Ký Kết sẽ phải được thông tin ngay về mọi sửa đổi có thể được một bên ký kết thực hiện với biểu thuế của mình, là kết quả của việc thực hiện theo các quy định của Điều khoản này.
Khoản 1
1. Nếu Các Bên Ký Kết định một thời kỳ khác không phải là thời kỳ 3 năm, bất kỳ bên ký kết nào có thể vận dụng các quy định của khoản đầu của hay khoản 3 điêù khoản XXVIII kể từ ngày tiếp theo ngày cuối cùng cuả thời kỳ khác nói trên, và trừ khi Các Bên Ký Kết lại không định một thời kỳ khác, mọi thời kỳ tiếp theo của một thời kỳ khác được định ra như nêu ở đây sẽ là thời kỳ 3 năm.
2. Quy định nói rằng ngày 1 tháng 1 năm 1958 và kể từ những ngày khác được xác định phù hợp với khoản đầu tiên một bên ký kết "có thể sửa đổi hay rút bỏ một nhân nhượng" phải được hiểu là vào ngày này và kể từ ngày đầu tiên tiếp theo ngày cuối cùng của mỗi thời kỳ nghĩa vụ pháp lý được điều II áp đặt với bên ký kết đó sẽ được sửa đổi; quy định này không có nghĩa là các sửa đổi với biểu thuế suất nhất thiết phải có hiệu lực kể từ ngày này. Nếu việc áp dụng các điều chỉnh thuế suất, kết quả của các cuộc đàm phán tiến hành theo điều XXVIII, được lùi lại, sự đền bù cũng có thể được chậm thực thi.
3. Dài nhất là sáu tháng và ngắn nhất là ba tháng trước ngày 1 tháng 1 năm 1958 hoặc trước ngày kết thúc một thời kỳ tiếp theo kể từ ngày đó, bên ký kết có đề nghị điều chỉnh hoặc rút bỏ một nhân nhượng thuộc Biểu tương ứng sẽ phải thông báo ý định cho Các Bên Ký Kết biết. Khi đó Các Bên Ký Kết sẽ xác định bên ký kết hay các bên ký kết nào sẽ tham gia đàm phán hay tham vấn như nêu tại khoản đầu tiên. bất kỳ bên ký kết nào đã được xác định như trên sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán đó hoặc tham vấn với bên ký kết có yêu cầu để đạt tới một thoả thuận trước khi kết thúc thời kỳ đó. Mọi sự gia hạn sau này của thời kỳ củng cố các Biểu nhằm vào các Biểu đã được các cuộc đàm phán điều chỉnh, phù hợp với khoản đầu tiên, khoản 2 và 3 của điều XXVIII. Nếu Các Bên Ký Kết có quy định các cuôc đàm phán được tiến hành trong sáu tháng trước ngày 1 tháng 1 năm 1958 hoặc trước bất cứ ngày nào được định ra theo Điều đầu tiên, tại quy định đó Các Bên sẽ phải dự kiến giải quyết thoả đáng các cuộc đàm phán nêu tại khoản này.
4. Các quy định dự kiến việc không chỉ các bên ký kết đã đàm phán ban đầu về một nhân nhượng mà cả bất kỳ bên ký kết nào liên quan như là nhà cung cấp chính là nhằm đảm bảo cho một bên ký kết sau này có thể nắm giữ được một thị phần trong thương mại một sản phẩm đã là đối tượng đàm phán nhân nhượng lớn hơn thị phần của bên ký kết đã tham gia đàm phán ban đầu, có thể thực sự bảo vệ quyền lợi của mình theo Hiệp định chung. Ngược lại, vấn đề không phải là mở rộng đàm phán theo cách để tạo ra những khó khăn không cần thiết cho đàm phán và đạt tới những thoả thuận như nêu tại điều XXVIII. cũng không phải để làm phức tạp thêm trong tương lai khi áp dụng điêù khoản này với những nhân nhượng đạt được tại các cuộc đàm phán được tổ chức phù hợp với điều khoản đó. Do vậy, Các Bên Ký Kết chỉ thừa nhận quyền lợi của một bên ký kết như là bên ký kết chính nếu bên đó nắm giữ một thị phần, trên thị trường của bên ký kết có yêu cầu- trong một thời kỳ hợp lý trước khi diễn ra đàm phán, lớn hơn thị phần của một bên ký kết đã tham gia đàm phán ban đầu, hoặc lẽ ra đã có thị phần lớn hơn nếu không bị bên ký kết có yêu cầu áp dụng những hạn chế số lượng một cách phân biệt đối sử. Do vậy, sẽ không thích đáng nếu Các Bên Ký Kết thừa nhận quá một bên ký kết, hoặc giả khi có hai bên ký kết có vị trí hầu như ngang bằng nhau, thì không quá hai bên ký kết là nhà cung cấp chính.
5. Không phụ thuộc vào định nghĩa quyền lợi nhà cung cấp chính nêu tại bị chú 4 liên quan tới khoản đầu tiên, Các Bên Ký Kết có thể xác định như là một ngoại lệ rằng một bên ký kết có quyền lợi như là nhà cung cấp chính nếu nhân nhượng đó tác động đến hoạt động thương mại chiếm một phần quan trọng trong xuất khẩu của bên ký kết đó.
6. Các quy định về việc bất kỳ bên ký kết nào có quyền lợi như là nhà cung cấp chính tham gia đàm phán và việc bất kỳ bên ký kết nào có quyền lợi đáng kể với nhân nhượng mà bên ký kết đòi hỏi đề nghị điều chỉnh hay rút bỏ tham gia tham vấn sẽ không được dẫn đến bắt buộc bên ký kết đòi hỏi phải chấp nhận một sự đền bù lớn hơn và phải chịu sự trả đũa nghiêm khắc hơn là việc rút bỏ hay điều chỉnh đã đưa ra, căn cứ vào điều kiện thương mại vào thời điểm sự rút bỏ hay sửa đổi đó được đưa ra và có tính đến các hạn chế số lượng mang tính phân biệt đối sử được bên ký kết có yêu cầu áp dụng.
7. Thuật ngữ "quyền lợi đáng kể" không có định nghĩa chính xác; do vậy, thuật nghữ có thể gây khó khăn cho Các Bên Ký Kết. Tuy nhiên cần hiểu thuật ngữ này như là chỉ nói đến các bên ký kết đang nắm giữ hoặc lẽ ra sẽ có thể nắm giữ, nếu không có các hạn chế số lượng mang tính chất phân biệt đối xử làm tổn hại đến xuất khẩu của các bên ký kết đó, một thị phần đáng kể trên thị trường của bên ký kết đưa ra đề nghị sửa đổi hay rút bỏ nhân nhượng.
Khoản 4
1. Mọi đề nghị được tham dự đàm phán phải kèm theo mọi số liệu và thông số cần thiết. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nộp đề nghị, Các Bên Ký Kết sẽ có quyết định về việc này.
2. Thừa nhận rằng, nếu ta cho phép một số bên ký kết có mức phụ thuộc cao vào một số lượng tương đối ít các sản phẩm cơ sở và trông đợi rất nhiều vào vai trò của thuế quan để đa dạng hoá nền kinh tế và tạo nguồn thu tài chính,chỉ đàm phán bình thường nhằm sửa đổi hay rút bỏ nhân nhượng theo quy định của khoản đầu tiên, điều XXVIII, ta có thể qua đó kích thích họ tiến hành sửa đổi hay rút bỏ, xét về lâu dài lại vô tác dụng. Để tránh tình trạng đó và căn cứ vào khoản 4 điều XXVIII, Các Bên Ký Kết sẽ cho phép các bên ký kết nói trên tham gia đàm phán, trừ khi họ cho rằng đàm phán như vậy sẽ dẫn tới tăng mức thuế quan hoặc góp phần là tăng mức thuế quan một cách đáng kể và sẽ dẫn tới đảo lộn sự ổn định của các danh mục thuộc phụ lục của Hiệp định này và làm đảo lộn thương mại quốc tế một cách không cần thiết.
3. Dự kiến rằng các cuộc đàm phán được phép tiến hành phù hợp với khoản 4 nhằm sửa đổi hay rút bỏ một dòng thuế hay một nhóm rất hạn chế những dòng thuế có thể tiến hành thành công trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, thừa nhận rằng thời hạn 60 ngày sẽ không đủ cho đàm phán về sửa đổi hay rút bỏ một số lượng nhiều dòng thuế hơn; trong trường hợp này, Các Bên Ký Kết sẽ có nghĩa vụ xác định một thời hạn dài hơn.
4. Sự xác định thuộc trách nhiệm của Các Bên Ký Kết đã dự kiến tại khoản 4 d) điều XXVIII sẽ phải được kết luận trong vòng 30 ngày tiếp theo ngày vấn đề được đặt ra, trừ khi bên ký kết đòi hỏi chấp nhận một thời hạn dài hơn.
5. Thoả thuận rằng khi đi đến xác định như đã nêu, phù hợp với khoản 4 d) điều XXVIII, nếu bên ký kết có yêu cầu vẫn chưa làm hết những gì hợp lý và có thể làm được để đưa ra một sự bù đắp thoả đáng, Các Bên Ký Kết sẽ tính đúng mức đến tình huống đặc biệt của một bên ký kết đã cam kết mức thuế trần rất thấp với chiếm một tỷ trọng lớn trong thuế quan của mình và do vậy bên ký kết đó không có điều kiện rộng rãi như các bên ký kết khác để đưa ra một đề nghị về đền bù.
Bổ sung Điều khoản XXVIII (b)
Khoản 3
Thoả thuận rằng việc đề cập đến nhu cầu về tài chính trước hết nhằm nói tới khía cạnh tài chính của thuế quan và riêng về thuế quan có tác dụng đảm bảo nguồn thu thuế, đánh vào nhập khẩu các sản phẩm có thể được những sản phẩm khác có mức thuế quan rất thấp hay không phải chịu thuế quan thay thế.
Bổ sung Điều khoản XXIV
Khoản đầu tiên
Lời văn của khoản đầu tiên không chiểu đến các chương VII và VIII của Hiến chương Havana, do vì các chương này chỉ quy định những nét chung liên quan tới tổ chức, vai trò và thủ tục của Tổ chức Thương mại Quốc tế.
Bổ sung Phần IV
Các thuật ngữ "bên ký kết phát triển" và "bên ký kết kém phát triển hơn" được sử dụng trong Phần IV nhằm chỉ các nước phát triển và các nước kém /chậm phát triển là thành viên của hiệp định Chung về Thuế quan va Thương mại-GATT.
Bổ sung Điều XXXVI
Khoản 1
Điều khoản này dựa trên các mục tiêu đã được nêu lên tại Điêu khoản đầu tiên với những sửa đổi tại điểm A) của khoản đầu tiên Nghị định thư sửa đổi Phần 1 và các Điều XXIX và XXX kể từ khi Nghị định Thư này có hiệu lực.12
Khoản 4
Thuật ngữ "sản phẩm sơ cấp" bao trùm nông sản; xem khoản 2 của bị chú giải thích về điểm B điều khoản XVI.
Khoản 5
Một chương trình đa dạng hoá thông thường bao gồm sự đẩy mạnh các hoạt đông chế biến các sản phẩm sơ cấp và phát triển các ngành thuộc khu vực chế tác, có cân nhắc đến vị trí của bên ký kết đó và viễn cảnh sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm khác nhau trên thế giới.
Khoản 8
Thoả thuận rằng thuật ngữ "không chờ đợi sự tương hỗ" có nghĩa rằng, phù hợp với các mục tiêu nêu tại điêù khoản này, không trông đợi ở một bên ký kết kém phát triển hơn có sự đóng góp không tương thích với các nhu cầu của sự phát triển, của nền tài chính và thương mại của mình trong tiến trình đàm phán thương mại, có tính đến sự tiến triển của thương mại của bên ký kết đó trong thời gian qua.
Khoản này được áp dụng trong trường hợp các biện pháp được áp dụng căn cứ vào điểm A điều XVIII, điều XXVIII, điều XVIII B (sau này trở thành điều XXIX khi sự điều chỉnh thuộc điểm A khoản đầu tiên của Nghị định thư sửa đôỉ phần I và các điều khoản XXIX và XXX 13), điều XXXIII, hoặc theo bất kỳ thủ tục nào được lập ra phù hợp với Điều khoản này.
Bổ sung Điều khoản XXXII
Khoản đầu tiên, điểm a)
Khoản này sẽ áp dụng trong đàm phán nhằm giảm hay triệt tiêu thuế quan hoặc các quy tắc hạn chế thương mại khác theo tinh thần, Điều XXVIII, Điều XVIII B (sau này trở thành Điều XXIX khi sự điều chỉnh thuộc điểm A khoản đầu tiên của Nghị định thư sửa đôỉ Phần I và các Điều XXIX và XXX 13), Điều XXXIII, và trong mối liên hệ với mọi hành động khác có thể được một bên ký kết áp dụng nhằm thực thi việc giảm hay triệt tiêu như vậy.
Khoản 3 b)
Các biện pháp khác nói đến tại khoản này có thể bao gồm các quy định cụ thể nhằm thúc đẩy sự sửa đổi cơ cấu nội bộ, khích lệ tiêu thụ những sản phẩm riêng biệt, hoặc kiến lập những biện pháp xúc tiến thương mại.
[1] - Bên ký kết chỉ một bên ký kết Hiệp định GATT có liên quan.
- Các bên ký kết chỉ (1)một số bên ký kết có liên quan; (2) tất cả các bên ký kết.
- Các Bên Ký Kết: (theo quy định của Điều XXV) chỉ tất cả các bên ký kết Hiệp định, mang tính chất hành động tập thể
- Dấu (*) dẫn chiếu tới chú giải, hoặc có bổ sung ở phần cuối Hiệp định