Công ước 177 năm 1996 về việc làm tại nhà
Số hiệu: | 177 | Loại văn bản: | Điều ước quốc tế |
Nơi ban hành: | *** | Người ký: | *** |
Ngày ban hành: | 20/06/1996 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Ngoại giao, điều ước quốc tế, Lao động, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CÔNG ƯỚC SỐ 177
CÔNG ƯỚC
VỀ VIỆC LÀM TẠI NHÀ, 1996
Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế
Sau khi được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 4 tháng 6 năm 1996 tại kỳ họp thứ tám mươi ba, và
Sau khi nhắc lại nhiều Công ước và Khuyến nghị đã đề ra các tiêu chuẩn áp dụng chung cho các điều kiện lao động được áp dụng cho những người lao động tại nhà, và
Sau khi ghi nhận rằng những điều kiện đặc thù của việc làm tại nhà đặt ra yêu cầu phải áp dụng tốt hơn những Công ước và Khuyến nghị đó cho những lao động tại nhà và bổ sung thêm những tiêu chuẩn được ban hành căn cứ vào những đặc thù của việc làm tại nhà, và
Sau khi đã quyết định chấp thuận một số đề nghị về việc làm tại nhà thuộc điểm thứ tư của chương trình nghị sự của kỳ họp, và
Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị này sẽ mang hình thức của một Công ước quốc tế,
Thông qua ngày hôm nay, ngày 20 tháng 6 năm 1996, Công ước dưới đây gọi là Công ước về Việc làm tại nhà, 1996:
Điều 1
Trong Công ước này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
a) “việc làm tại nhà” có nghĩa là việc làm do một người được gọi là lao động tại nhà thực hiện,
i) ở ngay tại nhà mình hoặc hay một địa điểm khác do người đó lựa chọn nhưng không phải là nơi làm việc của chủ sử dụng lao động:
ii) có nhận tiền công;
iii) mang lại kết quả bằng sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bất luận ai là người cung cấp trang thiết bị, nguyên vật liệu hoặc các đầu vào khác đã sử dụng;
trừ khi người đó có một mức độ tự chủ và độc lập về kinh tế cần thiết để được coi là một người lao động độc lập theo luật pháp và quy chế quốc gia hay quyết định của toà án.
b) “những người làm công ăn lương” không phải là người lao động tại nhà theo ý nghĩa của Công ước này nếu chỉ đơn thuần là họ thỉnh thoảng có đem việc về nhà làm chứ không phải làm việc ở nơi làm việc thường lệ.
c) “người sử dụng lao động” là một người, tự nhiên nhân hay pháp nhân, trực tiếp hay thông qua người trung gian, dù luật pháp có quy định về người trung gian hay không, giao việc về nhà làm với mục đích kinh doanh.
Điều 2
Công ước này áp dụng cho tất cả người làm việc tại nhà theo ý nghĩa của Điều 1.
Điều 3
Mỗi Nước thành viên đã phê chuẩn Công ước này sẽ thông qua, thực hiện và định kỳ rà soát lại chính sách quốc gia về việc làm tại nhà nhằm cải thiện tình hình của người lao động tại nhà có tham khảo ý kiến của các tổ chức mang tính đại diện nhất của người lao động và sử dụng lao động và với các tổ chức liên quan đến người lao động tại nhà và những tổ chức của người sử dụng lao động làm việc tại nhà, nơi có những tổ chức đó.
Điều 4
1. Chính sách quốc gia về việc làm tại nhà sẽ khuyến trợ, ở mức cao nhất, sự bình đẳng trong đối xử giữa lao động tại nhà và những người làm công ăn lương khác có tính đến các đặc thù của việc làm tại nhà và, ở nơi thích hợp, các điều kiện có thể áp dụng cho những công việc cùng loại hoặc tương tự ở xí nghiệp.
2. Bình đẳng về đối xử sẽ được khuyến trợ, đặc biệt đối với:
a) quyền của những người lao động tại nhà được thành lập hoặc gia nhập các tổ chức do họ tự lựa chọn và tham gia vào các hoạt động của tổ chức đó;
b) bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp;
c) bảo vệ trong lĩnh vực an toàn và vệ sinh lao động;
d) trả công;
e) bảo vệ về mặt an sinh xã hội theo luật định;
f) tiếp cận đào tạo, học nghề;
g) tuổi tối thiểu được phép thuê mướn hoặc làm việc;
h) bảo vệ thai sản.
Điều 5
Chính sách quốc gia về việc làm tại nhà sẽ được thực hiện theo luật pháp và quy định, thoả ước tập thể, các quyết định của trọng tài hoặc bất kỳ cách thức nào phù hợp với thông lệ quốc gia.
Điều 6
Cần tiến hành các biện pháp thích hợp để đưa việc làm tại nhà vào trong các số liệu thông kê lao động tuỳ theo mức độ có thể.
Điều 7
Luật pháp và quy định quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động tại nơi làm việc sẽ áp dụng cho việc làm tại nhà có tính đến những đặc thù của công việc đó và sẽ xây dựng các điều kiện, theo đó một số loại công việc và việc sử dụng một số chất nhất định có thể bị cấm trong việc làm tại nhà vì lý do an toàn và sức khoẻ.
Điều 8
Nơi nào mà việc sử dụng cơ quan trung gian môi giới trong công việc tại nhà được cho phép thì trách nhiệm của người sử dụng lao động và người môi giới sẽ được luật pháp và quy chế quốc gia hoặc các quyết định của quy định theo thông lệ quốc gia.
Điều 9
1. Một hệ thống thanh tra phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc gia sẽ đảm bảo việc tuân thủ luật pháp và quy định áp dụng cho việc làm tại nhà.
2. Các biện pháp phòng chống thích đáng, bao gồm các chế tài khi thích hợp, đối với các hành vi vi phạm luật pháp và quy định đó, sẽ được quy định và áp dụng hữu hiệu.
Điều 10
Công ước này không ảnh hưởng đến những quy định có lợi hơn đang áp dụng cho lao động tại nhà theo các Công ước lao động quốc tế khác.
Điều 11
Việc phê chuẩn chính thức Công ước này sẽ được thông báo cho Tổng giám đốc ILO để đăng ký.
Điều 12
1. Công ước này sẽ chỉ có tính chất ràng buộc đối với những Nước thành viên ILO nào mà việc phê chuẩn của họ đã được đăng ký với Tổng giám đốc.
2. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày phê chuẩn của 2 Nước thành viên được đăng ký với Tổng giám đốc.
3. Từ đó trở đi, Công ước này sẽ có hiệu lực đối với bất kỳ Nước thành viên nào sau 12 tháng kể từ ngày việc phê chuẩn của nước đó đã được đăng ký.
Điều 13
1. Nước thành viên nào đã phê chuẩn Công ước này có thể bãi ước sau thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực bằng một văn bản gửi đến Tổng giám đốc ILO để đăng ký. Việc bãi ước này sẽ có hiệu lực sau 1 năm kể từ ngày văn bản bãi ước được đăng ký.
2. Nước thành viên đã phê chuẩn Công ước này và trong vòng một năm sau thời hạn 10 năm nói ở đoạn trên mà không thực hiện quyền bãi ước quy định tại Điều này sẽ bị ràng buộc thêm một thời hạn 10 năm nữa và chỉ sau đó mới có thể bãi ước Công ước này tại thời điểm hết hạn của từng giai đoạn 10 năm theo các điều kiện quy định tại Điều này.
Điều 14
1. Tổng giám đốc ILO sẽ thông báo tới tất cả các Nước thành viên ILO về việc đăng ký của tất cả các trường hợp phê chuẩn và bãi ước được các Nước thành viên của Tổ chức gửi tới.
2. Khi thông báo với các Nước thành viên của Tổ chức về việc đăng ký của trường hợp phê chuẩn thứ hai, Tổng giám đốc ILO sẽ lưu ý các Nước thành viên của Tổ chức về ngày mà Công ước bắt đầu có hiệu lực.
Điều 15
Tổng giám đốc ILO sẽ gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc, theo Điều 102 của Hiến chương Liên hợp quốc, tất cả các chi tiết của các trường hợp phê chuẩn và bãi ước mà Tổng giám đốc đã nhận được theo các quy định của các điều trên đây.
Điều 16
Vào các thời điểm thấy cần thiết, Hội đồng quản trị ILO sẽ trình Hội nghị toàn thể một báo cáo về hoạt động của Công ước này và sẽ xem xét có cần thiết đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị vấn đề sửa đổi toàn bộ hoặc một phần Công ước này không.
Điều 17
1. Nếu Hội nghị thông qua một Công ước mới sửa đổi toàn bộ hoặc một phần Công ước này nếu Công ước mới này không quy định khác, thì:
a) việc phê chuẩn của một Nước thành viên đối với Công ước mới sửa đổi sẽ mặc nhiên bãi ước lập tức Công ước này, bất kể đã có những quy định của Điều 13 trên đây, nếu và khi Công ước mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực;
b) kể từ ngày Công ước mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, Công ước này sẽ ngừng không để ngỏ để các Nước thành viên phê chuẩn nữa.
2. Trong mọi trường hợp, Công ước này sẽ vẫn duy trì hiệu lực về hình thức và nội dung hiện có đối với các Nước thành viên đã phê chuẩn nhưng chưa phê chuẩn Công ước sửa đổi.
Điều 18
Các bản tiếng Anh và tiếng Pháp của Công ước này có giá trị như nhau.