Công ước 106 năm 1957 về nghỉ hàng tuần trong thương mại và văn phòng
Số hiệu: 106 Loại văn bản: Điều ước quốc tế
Nơi ban hành: *** Người ký: ***
Ngày ban hành: 26/06/1957 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Lao động, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

CÔNG ƯỚC SỐ 106

CÔNG ƯỚC

 VỀ NGHỈ HÀNG TUẦN TRONG THƯƠNG MẠI VÀ VĂN PHÒNG, 1957

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động Quốc tế,

Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại Giơ-ne-vơ ngày 5 tháng 6 năm 1957, trong kỳ họp thứ bốn mươi, và

Sau khi đã quyết định chấp thuận một số đề nghị về nghỉ hàng tuần trong thương mại và văn phòng, là vấn đề thuộc điểm thứ năm trong chương trình nghị sự kỳ họp, và

Sau khi đã quyết định rằng những đề nghị đó sẽ mang hình thức một Công ước quốc tế,

Thông qua ngày 26 tháng 6 năm 1957, Công ước dưới đây gọi là Công ước về Nghỉ hàng tuần (thương mại và văn phòng), 1957.

Điều 1

Các quy định của Công ước này nếu được áp dụng bởi các cơ quan chính thức về quy định tiền lương, hoặc bởi các thỏa ước tập thể hay các phán quyết của trọng tài, hoặc bằng bất cứ cách nào khác phù hợp với thực tiễn quốc gia, xét theo những điều kiện trong nước, thì sẽ phải được thi hành theo pháp luật hoặc quy định quốc gia.

Điều 2

Công ước này áp dụng cho tất cả các công nhân viên, kể cả những người học nghề, của các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các thể chế hoặc cơ quan quản lý dưới đây, dù là công cộng hoặc tư nhân:

a). Cơ sở thương mại;

b). Các cơ sở, thể chế và cơ quan quản lý mà nhân viên chủ yếu làm công việc văn phòng, kể cả các văn phòng của những người hành nghề tự do;

c). Nếu các đương sự không làm trong những cơ sở nêu tại Điều 3, và cũng không thuộc phạm vi quy định của quốc gia hoặc những quy định khác về nghỉ hàng tuần trong công nghiệp, hầm mỏ, vận tải hoặc nông nghiệp :

i). Các đơn vị thương mại của bất cứ cơ sở sản xuất – kinh doanh nào khác;

ii). Các đơn vị của bất cứ cơ sở sản xuất – kinh doanh nào khác, trong đó nhân viên chủ yếu làm công việc văn phòng;

iii). Các cơ sở sản xuất – kinh doanh có tính chất vừa thương mại vừa công nghiệp.

Điều 3

1. Công ước này cũng áp dụng cả cho các công nhân viên của những cơ sở sản xuất – kinh doanh sau đây mà các Nước thành viên phê chuẩn Công ước sẽ chỉ rõ trong bản tuyên bố kèm theo văn bản phê chuẩn:

a). Các cơ sở, tổ chức và cơ quan quản lý cung ứng các dịch vụ tư;

b). Bưu điện và cơ quan dịch vụ viễn thông;

c). Các doanh nghiệp báo chí;

d). Các doanh nghiệp về biểu diễn và giải trí công cộng.

2. Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này có thể sau đó sẽ gửi cho Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế một bản tuyên bố chỉ rõ việc nước đó chấp nhận các nghĩa vụ quy định trong Công ước đối với các cơ sở liệt kê tại khoản trên mà chưa được ghi trong một bản tuyên bố trước.

3. Mọi Nước thành viên đã phê chuẩn Công ước này, trong các báo cáo hàng năm theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, phải chỉ rõ mình đã thực hiện hoặc dự định sẽ thực hiện ở mức độ nào các quy định của Công ước về những cơ sở được nêu tại Đoạn 1, Điều này, nhưng chưa được ghi trong bản tuyên bố theo quy định của các Đoạn 1 hoặc 2, và những tiến bộ đã đạt được nhằm từng bước áp dụng Công ước cho các cơ sở đó.

Điều 4

1. Khi cần thiết, phải có những quy định thích hợp để xác định ranh giới giữa các cơ sở thuộc phạm vi áp dụng Công ước này và các cơ sở khác.

2. Trong mọi trường hợp mà không chắc chắn rằng Công ước này có thể áp dụng cho một cơ sở, một thể chế hoặc một cơ quan quản lý nhất định nào đó, thì vấn đề sẽ được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức đại diện hữu quan, nếu có, của người sử dụng lao động và của người lao động, hoặc bằng bất kỳ cách thức nào khác phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc gia.

Điều 5

Cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan thích hợp trong mỗi nước, có thể loại ra khỏi phạm vi áp dụng của Công ước này:

a). Những cơ sở chỉ có những thành viên trong gia đình của người sử dụng lao động làm việc, chừng nào họ không phải là người làm công ăn lương hoặc không thể được coi là người làm công ăn lương;

b). Những người giữ một cương vị quản lý cao.

Điều 6

1. Trừ những trường hợp riêng nêu tại các điều tiếp theo, mọi người thuộc phạm vi áp dụng của Công ước này đều được quyền có một thời gian nghỉ hàng tuần gồm ít nhất 24 giờ liên tục trong mỗi kỳ 7 ngày.

2. Chừng nào có thể, cho phép nghỉ hàng tuần cùng một lúc tất cả những người hữu quan của cùng một cơ sở.

3. Chừng nào có thể, thời gian nghỉ hàng tuần sẽ trùng với một ngày nào đó trong tuần mà được công nhận là ngày nghỉ theo truyền thống hoặc tập quán của đất nước đó hoặc của vùng đó.

4. Các truyền thống và tập quán những tôn giáo thiểu số sẽ được tôn trọng, trong mọi chừng mực có thể thực hiện được.

Điều 7

1. Khi do tính chất công việc, do tính chất các dịch vụ của cơ sở sản xuất – kinh doanh, do tầm quan trọng của số dân phải phục vụ hoặc so số lượng những người làm việc, không cho phép áp dụng các quy định của Điều 6, thì cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan thích hợp của mỗi nước có thể có những biện pháp để tùy nghi quy định những chế độ riêng về nghỉ hàng tuần cho những loại người theo luật định/ được quy định hoặc những loại cơ sở nhất định thuộc phạm vi áp dụng của Công ước này, xét theo mọi lý do về xã hội và kinh tế thích đáng.

2. Những người thuộc phạm vi áp dụng các chế độ riêng đó sẽ có quyền được nghỉ một thời hạn tổng cộng ít nhất tương đương với thời gian quy định ở Điều 6, trong mỗi kỳ 7 ngày.

3. Tuy nhiên, các quy định của Điều 6 sẽ áp dụng cho nhân viên làm việc ở các chi nhánh của một cơ sở thuộc diện áp dụng các chế độ riêng, khi nếu là tự quản, các chi nhánh đó sẽ thuộc phạm vi áp dụng các quy định của điều trên.

4. Mọi biện pháp dùng để thi hành các quy định tại các Đoạn 1, 2 và 3, Điều này, phải có sự tham gia ý kiến của các tổ chức đại diện hữu quan, nếu có, của người sử dụng lao động và của người lao động.

Điều 8

1. Trong mỗi Nước thành viên, việc miễn thi hành tạm thời, toàn bộ hoặc từng phần các quy định tại các Điều 6 và 7 (bao gồm cả những sự tạm ngừng hoặc giảm bớt thời gian nghỉ) có thể được cho phép bởi cơ quan có thẩm quyền, hoặc theo bất cứ cách nào khác được chấp nhận bởi cơ quan có thẩm quyền và phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc gia:

a). Trong trường hợp tai nạn đã xảy ra hoặc sắp xảy ra, và trong trường hợp bất khả kháng, hoặc phải tiến hành các công việc khẩn cấp đối với các cơ sở và thiết bị, nhưng chỉ trong phạm vi cần thiết để tránh gây cản trở quan trọng cho hoạt động bình thường của cơ sở;

b). Trong trường hợp gia tăng công việc đột xuất do những hoàn cảnh riêng, trong chừng mực mà thông thường không thể trông chờ người sử dụng lao động sử dụng các biện pháp khác;

c). Nhằm ngăn ngừa để khỏi tổn thất các hàng hóa dễ hư hỏng;

2. Các tổ chức đại diện hữu quan, nếu có, của người sử dụng lao động và của người lao động sẽ được tham khảo ý kiến khi phải xác định các trường hợp trong đó có thể cho phép tạm thời miễn thi hành các quy định tại các Khoản b) và c) của Đoạn trên.

3. Khi áp dụng việc cho tạm thời miễn thi hành theo những quy định tại Điều này, các đương sự phải được nghỉ bù mà thời gian tổng cộng ít nhất bằng thời gian tối thiểu quy định tại Điều 6.

Điều 9

Trong chừng mực và tiền lương được pháp luật hoặc quy định quốc gia quy định hoặc tùy thuộc sự điều tiết của các cơ quan hành chính thì không được giảm bớt thu nhập nào những người thuộc diện áp dụng Công ước này do việc thi hành các biện pháp theo Công ước.

Điều 10

1. Phải có những biện pháp thích hợp để bảo đảm việc thi hành những thể lệ hoặc quy định về nghỉ hàng tuần, bằng việc thanh tra thích đáng hoặc bằng những cách khác.

2. Nếu thích hợp với cách thức thi hành các quy định của Công ước này, phải có những biện pháp cần thiết về chế tài, để bảo đảm áp dụng các quy định đó.

Điều 11

Mọi Nước thành viên phê chuẩn Công ước này trong các báo cáo hàng năm theo Điều 22 của Điều lệ Tổ chức Lao động quốc tế, phải cho biết:

a). Danh sách những loại người và những loại cơ sở trong diện áp dụng các chế độ riêng về nghỉ hàng tuần quy định tại Điều 7;

b). Những chỉ dẫn về các hoàn cảnh có thể cho phép miễn thi hành tạm thời theo quy định của Điều 8.

Điều 12

Không một quy định nào của Công ước này có thể ảnh hưởng đến một đạo luật, một phán quyết, một tập quán hoặc một sự thỏa thuận bảo đảm cho người lao động hữu quan những điều kiện thuận lợi hơn so với các điều kiện quy định trong Công ước.

Điều 13

Việc áp dụng các quy định của Công ước này có thể bị tạm hoãn trong mỗi nước, theo lệnh của chính phủ, trong trường hợp có chiến tranh hoặc có những trường hợp khẩn trương gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.