Công văn 974/BKHĐT-KTĐN năm 2021 về tiếp nhận các nguồn tài chính quốc tế để thực hiện đầu tư cho hạng mục an sinh xã hội, phát triển kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Số hiệu: 974/BKHĐT-KTĐN Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Nguyễn Văn Đoàn
Ngày ban hành: 24/02/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Chính sách xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 974/BKHĐT-KTĐN
V/v tiếp nhận các nguồn tài chính quốc tế để thực hiện đầu tư cho các hạng mục an sinh xã hội, phát triển kinh tế

Hà Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2021

 

Kính gửi: Công ty cổ phần từ thiện Trí Tâm Việt Nam
(trụ sở tại số 5, ngõ 30 Phố Nguyễn Trung Trực, Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được Phiếu chuyển số 188/PC-VPCP ngày 02/02/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc xem xét, xử lý văn bản số 21/TTVN ngày 21/01/2022 của Quý Công ty đề xuất được tiếp nhận các nguồn an sinh xã hội từ quốc tế. Liên quan tới vấn đề nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến như sau:

1. Công ty Cổ phần từ thiện Trí Tâm Việt Nam đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đu tư thành phố Hà Nội, Mã số thuế số 0106337282. Theo quy định hiện hành, các tổ chức thành lập hợp pháp tại Việt Nam có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận được coi là bên tiếp nhận viện trợ và doanh nghiệp xã hội được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đp chi phí quản lý, chi phí hoạt động ca doanh nghiệp; (khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14; khoản 3 Điều 2 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam). Đồng thời, khoản tài trợ tiếp nhận theo Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ phải là khoản viện trợ không hoàn lại vì mục đích nhân đạo, phát triển, không vì mục đích lợi nhuận (khoản 3 Điều 1 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020). Do đó, đề nghị Quý Công ty căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để xác định loại hình doanh nghiệp, quan hệ hợp tác giữa Quý Công ty và đối tác là quan hệ hợp tác kinh tế hay viện trợ không hoàn lại, phi lợi nhuận.

2. Trường hợp Quý Công ty không phải là doanh nghiệp xã hội và Quý Công ty thực hiện kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, đề nghị Quý Công ty thực hiện theo các quy định của pháp luật Việt Nam về đầu tư và doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo ý kiến để Quý Công ty được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (để b/c);
- Thứ trưởng Trần Quốc Phương (để b/c);
- VPCP (Vụ QHQT, Vụ KTTH);
- Các Bộ: CA, TC, LĐTBXH;
- UBND thành phố Hà Nội;
- Lưu: VT, KTĐN.H.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Đoàn

 

Điều 10. Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội
...

2. Ngoài quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật này, doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

c) Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này trong suốt quá trình hoạt động;

d) Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

đ) Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Xem nội dung VB
Điều 2. Đối tượng áp dụng
...

3. Bên tiếp nhận viện trợ trong Nghị định này là các cơ quan, tổ chức Việt Nam được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của khoản viện trợ tiếp nhận:

a) Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động;

b) Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập hợp pháp theo các quy định của pháp luật Việt Nam về hội, tổ chức khoa học và công nghệ, quỹ xã hội, quỹ từ thiện;

c) Doanh nghiệp xã hội tiếp nhận viện trợ để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường;

d) Các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xem nội dung VB
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho các cơ quan, tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam nhằm mục đích phát triển kinh tế xã hội, hỗ trợ nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận, thương mại.

2. Các trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này:

a) Các khoản viện trợ không hoàn lại của các cơ quan, tổ chức nước ngoài mà việc tiếp nhận phải được ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế và các khoản viện trợ không hoàn lại trong các thỏa thuận về vốn ODA phải được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Các khoản quà biếu, quà tặng cho cơ quan, tổ chức không vì mục đích hỗ trợ nhân đạo, từ thiện;

c) Các khoản tài trợ theo các hình thức thỏa thuận hợp tác, hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyển giao công nghệ có phát sinh lợi nhuận để phân chia;

d) Các cá nhân tiếp nhận tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học thực hiện theo Luật Khoa học Công nghệ số 29/2013/QH13;

đ) Viện trợ quốc tế khẩn cấp của Chính phủ, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, cá nhân nước ngoài để cứu trợ được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 03 tháng kể từ khi xảy ra thiên tai và viện trợ quốc tế khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai được phê duyệt và thực hiện trong thời gian 09 tháng kể từ khi thiên tai xảy ra.

Xem nội dung VB