Công văn 9277/BTP-HCTP năm 2012 hướng dẫn thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản song ngữ
Số hiệu: 9277/BTP-HCTP Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Nguyễn Công Khanh
Ngày ban hành: 19/11/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Hành chính tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9277/BTP-HCTP
V/v hướng dẫn thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản song ngữ

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2012

 

Kính gửi: Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi

Bộ Tư pháp nhận được Công văn số 343/STP-BTTP ngày 07/11/2012 của Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi đề nghị hướng dẫn thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

1. Về thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài và giấy tờ, văn bản song ngữ

Khoản 2 Điều 83 về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, điểm c khoản 1 Thông tư 03/TT-BTP ngày 25/08/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ không còn hiệu lực mà phải áp dụng quy định tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/01/2012 sửa đổi, bổ sung Điều 5 Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/05/2007 của Chính phủ. Theo đó, thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc về Phòng Tư pháp cấp huyện.

2. Để hiểu và áp dụng một cách thống nhất khái niệm giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt, song ngữ, tiếng nước ngoài, Bộ Tư pháp tạm thời hướng dẫn như sau:

- “Giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt” là giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng Việt hoặc giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt nhưng có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài như tên riêng, tên địa danh hoặc từ khác mà không thể thay thế bằng tiếng Việt và việc xen một số từ bằng tiếng nước ngoài không làm thay đổi nội dung của giấy tờ, văn bản đó.

- “Giấy tờ, văn bản song ngữ” là giấy tờ, văn bản được thể hiện đầy đủ bằng hai ngôn ngữ, trong đó có một ngôn ngữ là tiếng Việt.

- “Giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài” là giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng nước ngoài hoặc giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài nhưng có xen một số từ tiếng Việt như tên riêng, tên địa danh hoặc từ khác mà không thể thay thế bằng tiếng nước ngoài và việc xen một số từ bằng tiếng Việt không làm thay đổi nội dung của giấy tờ, văn bản đó.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị Sở Tư pháp kịp thời phản ánh về Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính tư pháp) để giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Lê Hồng Sơn (để b/c);
- Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (để thực hiện);
- Lưu VT, Vụ HCTP.

TL.BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Công Khanh