Công văn 91/UBDT-CSDT năm 2021 về trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về rà soát các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số do Ủy ban Dân tộc ban hành
Số hiệu: 91/UBDT-CSDT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc Người ký: Đỗ Văn Chiến
Ngày ban hành: 22/01/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Chính sách xã hội, Dân tộc, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/UBDT-CSDT
V/v trả lời kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái.

Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản số 427/BDN ngày 18/12/2020 của Ban Dân nguyện về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Yên Bái trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV: “Cử tri kiến nghị cần chỉ đạo rà soát các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số để có một bộ cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp trên các lĩnh vực đồng thời thống nhất một cơ quan đầu mối để quản lý, triển khai các chính sách đó và tiết giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện”. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:

Trong những năm qua Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm đặc biệt, đã ban hành khá đầy đủ hệ thống chính sách dân tộc, bao phủ toàn diện các lĩnh vực nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh... Tuy nhiên, do công tác dân tộc liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, nhiều chính sách thực hiện trên cùng địa bàn nhưng riêng lẻ, phân tán, mỗi chương trình, đề án thuộc các Bộ, ngành có cơ chế quản lý khác nhau nên rất khó lồng ghép. Trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc chưa có cơ chế khuyến khích đối với các địa phương, người dân chưa thực sự được tham gia sâu trong quá trình tham vấn, xây dựng, giám sát chương trình, chính sách; Công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá chính sách nhiều nơi chưa được chú trọng đúng mức...

Nhằm giảm tình trạng nhiều đầu mối xây dựng quản lý, theo dõi chính sách đầu tư ở vùng dân tộc thiểu số; nguồn lực phân tán, giàn trải, chưa phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan, thực hiện Nghị quyết 74/2018/QH14 của Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Khóa XIV. Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, địa phương tham mưu cho Chính phủ triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 88/2019/QH14 Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tập trung vào các nội dung: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Ngày 14/7/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1014/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo, do vậy đã thu hẹp đầu mối và sẽ phân cấp mạnh để địa phương chủ động, giảm bớt các thủ tục hành chính như kiến nghị của cử tri.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Tờ trình số: 1728/TTr-UBDT ngày 10/12/2020 trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện từ năm 2021. Như vậy, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 sẽ đáp ứng được nguyện vọng của cử tri tỉnh Yên Bái và cử tri cả nước.

Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái để Ủy ban Dân tộc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện, QH (để b.c);
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT;
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, CSDT (3).

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Đỗ Văn Chiến