Công văn 7926/BTP-KSTT năm 2013 nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính trọng tâm năm 2014
Số hiệu: 7926/BTP-KSTT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Lê Hồng Sơn
Ngày ban hành: 03/12/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7926/BTP-KSTT
V/v một số nhiệm vụ kiểm soát TTHC trọng tâm năm 2014

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2013

 

Kính gửi:

- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- Các cơ quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội,
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

 

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính thời gian qua, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong thời gian tới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, năm 2014, Bộ Tư pháp đề nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính cụ thể như sau:

1. Chậm nhất trong quý I/2014 hoàn thành việc sửa đổi, hoàn thiện quy định về quy trình thực hiện, quy chế phối hợp trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công bố, công khai thủ tục hành chính và tiếp nhận; xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính theo hướng gắn kết công tác kiểm soát thủ tục hành chính với công tác xây dựng, ban hành và theo dõi thi hành pháp luật theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại mục 4 Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013; quy định về mức chi cụ thể đảm bảo cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (đối với trường hợp chưa sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo quy định tại Thông tư số 167/2012/TT-BTC) làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại Bộ, ngành, địa phương.

2. Xây dựng trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng 03 cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Kế hoạch Kiểm soát thủ tục hành chính năm 2014 (bao gồm cả các nội dung: rà soát, đánh giá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý, trong đó xác định rõ thủ tục, nhóm thủ tục, thời gian thực hiện, cơ quan thực hiện rà soát, đánh giá; truyền thông hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, chi phí trong việc xây dựng, ban hành kế hoạch cho các hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm) đảm bảo chất lượng và tiến độ theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và Nghị định số 48/2013/NĐ-CP .

3. Tăng cường kiểm soát chất lượng quy định về thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua một số biện pháp sau:

a) Hướng dẫn, kiểm soát chất lượng thực hiện việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính đảm bảo tất cả dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính phải được đánh giá tác động thủ tục hành chính theo đúng quy định. Kiên quyết không tiếp nhận hồ sơ gửi thẩm định nếu dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính chưa có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính và ý kiến góp ý của cơ quan cho ý kiến quy định về thủ tục hành chính.

b) Đảm bảo sự tham gia của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính như: Sự tham gia trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập; sự tham gia trong các Hội đồng thẩm định,... Thực hiện tốt công tác tham gia ý kiến, thẩm định quy định về thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở cho việc hoàn thiện nội dung quy định về thủ tục hành chính.

4. Thực hiện tốt công tác công bố, công khai thủ tục hành chính theo đúng quy định làm cơ sở cho việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính và phòng ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, trong đó có thể lựa chọn điểm một số lĩnh vực để tổ chức thực hiện quyết liệt, triệt để, đảm bảo có hiệu quả, có tiến bộ mà người dân và doanh nghiệp có thể so sánh được về tính kịp thời, đầy đủ, chính xác, thuận tiện trong tiếp cận thông tin về thủ tục hành chính.

5. Tổ chức rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, quy định có liên quan, cụ thể:

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 03 Cơ quan hoàn thành việc thực thi các phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính đã được Chính phủ phê duyệt tại các Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ, ngành.

b) Các Bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trọng tâm năm 2013; tổ chức triển khai thực hiện việc rà soát thủ tục hành chính, quy định có liên quan năm 2014 theo kế hoạch được phê duyệt và tổ chức thực thi các phương án đơn giản hóa, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính đã được phê duyệt.

c) Lựa chọn, tổ chức rà soát để đề xuất các phương án cải cách thủ tục hành chính giữa các cơ quan hành chính nhà nước, các ngành, các cấp và trong nội bộ từng Cơ quan hành chính nhà nước.

d) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát hiện, đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cá nhân, tổ chức trong quy định và thực hiện thủ tục hành chính.

6. Tăng cường thực hiện trách nhiệm giải trình và đảm bảo quyền giám sát của cá nhân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính.

a) Tổ chức tiếp nhận và xử lý triệt để các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

- Tổ chức tốt việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức theo quy định. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính cần thường xuyên chủ động phát hiện, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của cá nhân, tổ chức (qua phản ánh trên báo chí, tại hội nghị doanh nghiệp,...) để phân loại, chuyển các đơn vị có thẩm quyền xử lý theo quy định.

- Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan xử lý dứt điểm, triệt để các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức; chỉ đạo Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp tổng hợp kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, trên cơ sở đó tổ chức làm việc trực tiếp với cơ quan hành chính nhà nước được giao xử lý phản ánh, kiến nghị trong trường hợp cơ quan này chưa xử lý hoặc xử lý không đúng quy định từ đó đề xuất với cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý nhằm đảm bảo việc xử lý đúng pháp luật, không bỏ sót trường hợp và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại mục 5 Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013.

- Chỉ đạo Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp các tỉnh chủ động nghiên cứu để đề xuất các phương án xử lý độc lập trong trường hợp các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính liên quan đến hai hay nhiều cơ quan hành chính nhà nước khác nhau và các cơ quan này không thống nhất được về phương án xử lý; những phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được các cơ quan xử lý, nhưng cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị.

- Thực hiện công khai kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính trên cổng thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương.

b) Tổ chức giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức đảm bảo minh bạch, khách quan, công bằng, liên thông, kịp thời, chính xác, không gây phiền hà.

- Đa dạng hóa hình thức tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất triển khai thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với một số thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý.

- Thực hiện công khai thông tin về kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, đặc biệt là các trường hợp chậm trễ, lý do thực hiện chậm trễ của từng trường hợp trên Trang tin điện tử của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để cá nhân, tổ chức giám sát việc thực hiện.

c) Phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai thực hiện thiết lập hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại 04 cấp chính quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

d) Lựa chọn, tổ chức đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực hoặc tại một số cơ quan, đơn vị.

7. Triển khai thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896).

a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 03 Cơ quan xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 896 giai đoạn 2013 - 2020 và Kế hoạch hàng năm tại Bộ, ngành và tổ chức triển khai thực hiện sau khi Kế hoạch được ban hành.

b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 03 Cơ quan thực hiện hệ thống hóa, rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ, cơ quan ngang Bộ và thuộc thẩm quyền giải quyết của 03 Cơ quan.

8. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là việc thực hiện thủ tục hành chính (trong đó, việc kiểm tra định kỳ phải được xác định ngay về thời gian, đơn vị được kiểm tra, nội dung kiểm tra, thành phần đoàn kiểm tra trong kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính hàng năm) để kịp thời đề xuất xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về thủ tục hành chính, các cơ quan, tổ chức không thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cũng như chậm trễ trong việc sửa đổi các quy định về thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và không hiệu quả theo chỉ đạo của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.

9. Phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính trong việc đề xuất các sáng kiến cải cách quy định hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại Bộ, ngành, địa phương.

10. Kiện toàn hệ thống cán bộ, công chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính; tăng cường năng lực và sự tham gia của cán bộ, công chức làm đầu mối trong hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị (như: hướng dẫn điền biểu mẫu đánh giá tác động; kiểm soát, xác nhận chất lượng thống kê để công bố; tham gia các đoàn kiểm tra,...); tăng cường năng lực thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính cho cán bộ, công chức của Bộ, ngành, địa phương.

11. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về tình hình và kết quả thực hiện hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính của Bộ, ngành, địa phương theo quy định.

12. Bố trí đủ và kịp thời kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính được giao.

Trên đây là một số định hướng về nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính năm 2014. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và một số định hướng trên để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, KSTT (3).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Hồng Sơn

 





Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính Ban hành: 08/06/2010 | Cập nhật: 11/06/2010