Công văn 78/BXD-QHKT năm 2021 về triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc do Bộ Xây dựng ban hành
Số hiệu: 78/BXD-QHKT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Xây dựng Người ký: Trần Thu Hằng
Ngày ban hành: 11/01/2021 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/BXD-QHKT
V/v triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2021

 

Kính gửi: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

Trả lời Văn bản số 5326/QHKT-KHTH ngày 02/11/2020 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề nghị hướng dẫn triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau:

1. Về Quy chế quản lý kiến trúc

- Đối với các khu vực có quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị đang triển khai nhưng chưa được phê duyệt và đã được phê duyệt theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị: Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá việc thực hiện quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, nghiên cứu kế thừa những nội dung phù hợp để điều chỉnh, chuyển đổi, lập quy chế quản lý kiến trúc khu vực trên theo quy định tại Luật Kiến trúc.

- Đối tượng, phạm vi khu vực lập quy chế quản lý kiến trúc: được quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Kiến trúc năm 2019; nội dung quy chế quản lý kiến trúc thực hiện theo Điều 12, Điều 13 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc.

- Sử dụng nguồn vốn và phương pháp lập dự toán chi phí thực hiện chuyển đổi, lập Quy chế quản lý kiến trúc: Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 15 của Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, Bộ Xây dựng công bố phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã tổ chức xây dựng Thông tư về phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc, đang thực hiện lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định, dự kiến ban hành trong Quý I năm 2021.

2. Về việc lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị

- Sử dụng nguồn vốn và phương pháp lập dự toán chi phí thực hiện lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị: Thực hiện theo quy định tại Thông tư của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện Quy chế quản lý kiến trúc.

- Việc Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao đơn vị sự nghiệp trực thuộc trực tiếp thực hiện hoặc chủ trì tổ chức thực hiện lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị: Theo quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, Danh mục công trình kiến trúc có giá trị là một nội dung thành phần (phụ lục) của Quy chế quản lý kiến trúc. Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 15 Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao đơn vị thực hiện, tổ chức lập Danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn theo thẩm quyền.

Trên đây là ý kiến của Bộ Xây dựng về việc triển khai lập Quy chế quản lý kiến trúc và Danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo Luật Kiến trúc để Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội triển khai thực hiện theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- TTr Nguyễn Thanh Nghị (để b/c);
- Lưu: VT, Vụ QHKT.

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ QUY HOẠCH KIẾN TRÚC





Trần Thu Hằng

 

 

Điều 14. Quy chế quản lý kiến trúc

1. Quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Xem nội dung VB
Điều 12. Nội dung quy chế quản lý kiến trúc đô thị

Quy chế quản lý kiến trúc đô thị gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quy định chung:

a) Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế: Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế;

b) Các chỉ tiêu quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có), các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc địa phương được áp dụng;

c) Định hướng kiểm soát không gian, kiến trúc, cảnh quan của toàn đô thị;

d) Xác định các khu vực cần lập thiết kế đô thị riêng; vị trí, quy mô các công trình cần thi tuyển phương án kiến trúc;

đ) Quy định về kiến trúc công trình đảm bảo các yêu cầu về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Quy định cụ thể:

a) Quy định về kiến trúc cho từng khu vực trong đô thị theo địa giới hành chính hoặc theo chức năng, tính chất; đối với khu vực bảo tồn;

b) Quy định về kiến trúc đối với tuyến đường cụ thể, quảng trường, khu trung tâm, cửa ngõ đô thị; bố trí biển hiệu, quảng cáo, tiện ích đô thị; khu vực cần ưu tiên chỉnh trang và kế hoạch thực hiện; khu vực có yêu cầu quản lý đặc thù; khu vực nông thôn thuộc đô thị;

c) Các quy định về màu sắc, vật liệu xây dựng; yêu cầu đối với mặt đứng, mái, tầng 1 công trình;

d) Quy định về quản lý kiến trúc đối với nhà ở, công trình công cộng, công trình phục vụ tiện ích đô thị, công trình công nghiệp, công trình hạ tầng kỹ thuật;

đ) Quy định về quản lý, bảo vệ công trình kiến trúc có giá trị.

3. Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc:

a) Các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán địa phương liên quan đến bản sắc trong kiến trúc;

b) Các hình thái kiến trúc đặc trưng; kỹ thuật xây dựng và sử dụng vật liệu truyền thống của địa phương;

c) Lựa chọn phương án, định hướng kiến trúc đảm bảo bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng mới, cải tạo công trình kiến trúc.

4. Các nội dung quy định tại các điểm e, g và h khoản 3 Điều 14 của Luật Kiến trúc.

5. Mẫu hướng dẫn quy chế quản lý kiến trúc đô thị được quy định tại mục 1 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 13. Nội dung quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn

1. Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế;

b) Định hướng chung về kiến trúc, cảnh quan đối với toàn điểm dân cư nông thôn;

c) Xác định yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc tại điểm dân cư nông thôn theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định này;

d) Quy định cụ thể tại khu vực trung tâm, dọc tuyến đường liên xã, trục đường chính, đường liên thôn, cảnh quan khu vực bảo tồn; các khu vực tập trung làng xóm, các khu vực phát triển dọc tuyến đường, tuyến sông, mặt nước;

đ) Quy định đối với công trình công cộng: kiến trúc công sở, cơ sở y tế, giáo dục, công trình văn hóa, thể thao;

e) Quy định đối với công trình nhà ở: xây dựng theo các chỉ tiêu được quy định trong quy hoạch xây dựng nông thôn được phê duyệt;

g) Quy định tại các điểm đ, e, g và h khoản 3 Điều 14 của Luật Kiến trúc và điểm d khoản 1 Điều 12 của Nghị định này.

2. Quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được lập riêng theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc được tích hợp nội dung vào đồ án quy hoạch chung xây dựng xã.

2. Mẫu hướng dẫn lập quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn được quy định tại mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Xem nội dung VB
Điều 15. Biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc
...

3. Kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc:
...

b) Bộ Xây dựng công bố phương pháp xác định chi phí cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc.

Xem nội dung VB
Điều 15. Biện pháp tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc
...

3. Kinh phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc:
...

đ) Trường hợp thuê đơn vị tư vấn lập quy chế quản lý kiến trúc phải đảm bảo quy định pháp luật về đấu thầu và pháp luật liên quan.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.