Công văn 7139/TCHQ-ĐTCBL năm 2020 kiến nghị về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam
Số hiệu: 7139/TCHQ-ĐTCBL Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Mai Xuân Thành
Ngày ban hành: 06/11/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Quốc phòng, Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7139/TCHQ-ĐTCBL
V/v kiến nghị về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2020

 

Kính gửi:

- Đ/c Nguyễn Thị Kim Ngân - UVBCT - Chủ tịch Quốc hội;
- Đ/c Đại Tướng Đỗ Bá Tỵ - Phó Chủ tịch Quốc hội;
- Đ/c Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh;
- Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Quốc hội khóa XIV;
- Ủy ban Pháp luật - Quốc hội khóa XIV;
- Ủy ban Tư pháp - Quốc hội khóa XIV.

Ngày 04/11/2020, Tổng cục Hải quan đã trực tiếp trình bày ý kiến về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại cuộc họp do Ủy ban Quốc phòng và an ninh tổ chức có sự tham gia Ủy ban Tư pháp, Ủy ban pháp luật Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật. Trên cơ sở nội dung cuộc họp, Tổng cục Hải quan xin đề xuất, kiến nghị như sau:

1. Về kiến nghị sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định nguyên tắc phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng:

Tại cuộc họp, tất cả các thành viên tham dự đã nhất trí sửa theo nội dung khoản 5 Điều 23 Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Do vậy, Tổng cục Hải quan kiến nghị nội dung này quy định như sau:

“Trên cùng một địa bàn, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.”

2. Về các kiến nghị không giao cho Bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận tải qua lại biên giới tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật:

Tại cuộc họp Ủy ban Quốc phòng và An ninh không tiếp thu ý kiến của Tổng cục Hải quan, trong dự thảo mới nhất vẫn quy định giao nhiệm vụ và quyền hạn cho Bộ đội biên phòng trong việc kiểm soát qua lại biên giới nói chung và kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng có bổ sung thêm vào cuối các khoản trên cụm từ “theo quy định của pháp luật”, cụ thể: “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật”;

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Đỗ Quang Thành có giải thích việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên phải gắn với khoản 2 Điều 15 dự thảo quy định “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” và sẽ có ý kiến tham gia với Chính phủ khi xây dựng Nghị định.

2.1. Tại khoản 5 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Dự thảo Luật mới nhất vẫn quy định nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật. Quy định này không giới hạn phạm vi, đối tượng kiểm soát xuất nhập cảnh, được hiểu là kiểm soát cả người và phương tiện xuất nhập cảnh dẫn đến quy định về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng được kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện vận tải có dấu hiệu vi phạm ở khu vực cửa khẩu (thuộc địa bàn hoạt động hải quan).

Điều này chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hải quan đã được quy định tại Luật Hải quan 2014. Theo đó, trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chủ trì kiểm tra, giám sát, kiểm soát toàn bộ phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu để thực hiện công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, chất độc, chất nổ, tài liệu phản động,.. đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng theo nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã giao tại Luật Hải quan.

2.2. Trường hợp dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với những quy định trên được thông qua sẽ dẫn đến 02 cơ quan (hải quan và biên phòng) cùng thực hiện một nhiệm vụ làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát cho 01 phương tiện xuất nhập cảnh, không phù hợp với chủ trương của Đảng, các cam kết quốc tế và các quy định pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải. Cụ thể:

a. Không phù hợp với các cam kết tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia:

- Chuẩn mực 6.1 Chương 6 Công ước Quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa thủ tục hải quan 1999 (Việt Nam là thành viên của Công ước) quy định “Mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ Hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra Hải quan”.

- Phụ lục 8 của Hiệp định giữa Chính phủ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan Và Việt Nam về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và người qua lại biên giới quy định: khi phương tiện tạm nhập vào nước chủ nhà phải nộp chứng từ tạm nhập phương tiện cho cơ quan hải quan để thực hiện thủ tục kiểm tra, giám sát phương tiện, không quy định thẩm quyền của Bộ đội Biên phòng.

Thực tiễn tất cả các nước trên thế giới thì cơ quan hải quan là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu.

b. Không phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về tạo thuận lợi thương mại và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghị quyết đã nhấn mạnh giải pháp “Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị, khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo để một tổ chức, một người có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức, một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”

c. Không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về kiểm tra, kiểm soát phương tiện xuất nhập cảnh.

- Căn cứ Điều 1, Điều 2, Điều 7, Điều 12, Điều 35, Điều 88 Luật Hải quan năm 2014 thì trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chủ trì thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trong địa bàn hoạt động hải quan cơ quan hải quan được Luật Hải quan giao chịu trách nhiệm chính, chủ trì xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, các cơ quan khác phát hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong địa bàn hoạt động hải quan thì phải báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Quy định của Luật Hải quan phù hợp với Điều ước quốc tế và thông lệ quốc tế.

d. Không tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thông quan, phiền hà cho doanh nghiệp, phát sinh thêm chi phí (vì hải quan đã làm thủ tục hải quan, thu phí, thuế thì biên phòng lại làm thủ tục, kiểm tra lại), phát sinh trường hợp cơ quan hải quan đã cho phép thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất, nhập cảnh nhưng biên phòng chưa kiểm tra thì cũng chưa được thông quan. Điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ về cải cách bộ máy và cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu (Nghị Quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ quy định việc thực hiện những giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cải thiện môi trường kinh doanh).

Thực tiễn Bộ Quốc phòng đã phải bỏ quy định về kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu khi ban hành Thông tư số 09/2016/TT-BQP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Chính phủ đã có Nghị Quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/2/2017 chỉ đạo Bộ Quốc phòng nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Điều 9 Pháp lệnh bộ đội biên phòng về thẩm quyền kiểm tra, kiểm soát phương tiện.

2.3. Để đảm bảo phù hợp với Điều ước quốc tế, thông lệ quốc tế, pháp luật hải quan; đảm bảo tính thống nhất, tính minh bạch trong quy định pháp luật (không đa nghĩa); đảm bảo sự phân công, phân nhiệm, không trùng chéo trong tổ chức và hoạt động; phù hợp định hướng cải cách bộ máy, thủ tục hành chính mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ đề ra,Tổng cục Hải quan kiến nghị sửa đổi quy định trên như sau:

- Tại khoản 5 Điều 14 dự thảo Luật quy định “Kiểm soát xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý” đề nghị sửa thành “Kiểm soát người xuất nhập cảnh tại cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và kiểm soát qua lại biên giới theo quy định của pháp luật”, vì:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019 “Kiểm soát xuất nhập cảnh là việc kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này”, khoản 6 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 “Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh là đơn vị chuyên trách làm nhiệm vụ kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài tại cửa khẩu”. Theo đó hoạt động kiểm soát xuất nhập cảnh chỉ áp dụng với “người”.

- Tại khoản 2 Điều 15 dự thảo Luật quy định “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” đề nghị sửa thành “Kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật”. Bỏ chữ cửa khẩu để tránh trùng chéo với chức, năng nhiệm vụ của cơ quan hải quan (vì theo luật hải quan 2014 khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn hoạt động hải quan) mà vẫn đảm bảo được nhiệm vụ, quyền hạn của biên phòng ở khu vực biên giới.

Trên đây là ý kiến của Tổng cục Hải quan về nội dung dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam kính trình và rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội và Quý Ủy ban để khi tổ chức, thực thi Luật này không phát sinh xung đột, vướng mắc./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Đ/c Đinh Tiến Dũng - BT (để b/c);
- Đ/c Vũ Thị Mai - TT (để b/c);
- Đ/c Nguyễn Văn Cẩn - TCT (để b/c);
- Vụ Tài chính Quốc phòng, An ninh đặc biệt;
- Lưu: VT, ĐTCBL (20b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Mai Xuân Thành

 

Điều 23. Nguyên tắc phối hợp
...

5. Trên cùng một vùng biển, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan, tổ chức, lực lượng thì cơ quan, tổ chức, lực lượng nào phát hiện trước phải xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật cho cơ quan, tổ chức, lực lượng có thẩm quyền chủ trì giải quyết. Cơ quan, tổ chức, lực lượng tiếp nhận có trách nhiệm thông báo kết quả điều tra, xử lý cho cơ quan, tổ chức, lực lượng chuyển giao biết.

Xem nội dung VB
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của Hải quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.

3. Cơ quan hải quan, công chức hải quan.

4. Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.
...

Điều 7. Địa bàn hoạt động hải quan

1. Địa bàn hoạt động hải quan bao gồm:

a) Khu vực cửa khẩu đường bộ, ga đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không dân dụng quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khu vực đang lưu giữ hàng hóa chịu sự giám sát hải quan, khu chế xuất, khu vực ưu đãi hải quan; các địa điểm làm thủ tục hải quan, kho ngoại quan, kho bảo thuế, bưu điện quốc tế, trụ sở người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan; các địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong lãnh thổ hải quan;

b) Khu vực, địa điểm khác đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải và xử lý vi phạm pháp luật về hải quan phù hợp với pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chính phủ quy định chi tiết phạm vi địa bàn hoạt động hải quan.
...

Điều 12. Nhiệm vụ của Hải quan

Hải quan Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; kiến nghị chủ trương, biện pháp quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
...

Điều 35. Trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải trong địa bàn hoạt động hải quan

1. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải.

Trường hợp theo quy định của pháp luật phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động vật, thực vật, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa, phương tiện vận tải thì cơ quan hải quan căn cứ kết quả kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành để quyết định việc thông quan.

2. Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải được lưu giữ tại cửa khẩu cho đến khi được thông quan. Trường hợp quy định của pháp luật cho phép đưa hàng hóa về địa điểm khác để tiến hành việc kiểm tra chuyên ngành hoặc chủ hàng hóa có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì địa điểm lưu giữ phải đáp ứng điều kiện về giám sát hải quan và hàng hóa đó chịu sự giám sát của cơ quan hải quan cho đến khi được thông quan.

Chủ hàng hóa chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hàng hóa tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc địa điểm lưu giữ của chủ hàng hóa cho đến khi cơ quan hải quan quyết định thông quan.

3. Thời hạn kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Cơ quan kiểm tra chuyên ngành có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả kiểm tra.

4. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu để bảo đảm thông quan nhanh chóng hàng hóa, phương tiện vận tải.
...

Điều 88. Phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới

1. Trong phạm vi địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải để chủ động phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải chưa đưa ra khỏi phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân phát hiện có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó báo ngay cho cơ quan hải quan để kiểm tra, xử lý.

Trường hợp có căn cứ xác định hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, phương tiện vận tải chở hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi, thông báo cho cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, quản lý thị trường trên địa bàn để phối hợp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật. Việc dừng, truy đuổi phương tiện vận tải nước ngoài đang đi trong vùng biển Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật biển Việt Nam.

2. Trường hợp hàng hóa, phương tiện vận tải đã đưa ra ngoài phạm vi địa bàn hoạt động hải quan mà cơ quan nhà nước hữu quan có căn cứ cho rằng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thì theo thẩm quyền, cơ quan đó thực hiện việc kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cơ quan hải quan có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan thực hiện các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

3. Đối với hàng hóa chịu sự giám sát hải quan đang vận chuyển trên các tuyến đường, cơ quan hải quan có trách nhiệm giám sát bằng các biện pháp nghiệp vụ hải quan; khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan hải quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Tại vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, cơ quan hải quan thực hiện, phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát nhằm ngăn ngừa hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm theo thẩm quyền trong vùng nội thủy, lãnh hải phù hợp với quy định của Luật biển Việt Nam.

5. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo phối hợp hoạt động của cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tại địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

6. Chính phủ quy định chi tiết biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan với cơ quan hải quan trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Xem nội dung VB
Điều 9

Bộ đội biên phòng có nhiệm vụ trực tiếp và phối hợp với các đơn vị khác của lực lượng vũ trang nhân dân, các ngành chức năng của Nhà nước đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, văn hoá phẩm độc hại, hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới trên đất liền, các hải đảo, vùng biển theo quy định của pháp luật.

Xem nội dung VB
Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...

6. Kiểm soát xuất nhập cảnh là việc kiểm tra, giám sát, kiểm chứng người và giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này.

Xem nội dung VB
Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...

6. Xuất cảnh là việc người nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

Xem nội dung VB