Công văn 519/BNN-TY năm 2014 triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm
Số hiệu: 519/BNN-TY Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Vũ Văn Tám
Ngày ban hành: 18/02/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 519/BNN-TY
V/v triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm

Hà Nội, ngày 18 tháng 02 năm 2014

 

Kính gửi:

- Các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2013 tại Trung Quốc, Hồng Kông và vùng lãnh thổ Đài Loan đã có 147 người mắc cúm A/H7N9, trong đó có 47 ca tử vong; từ đầu năm 2014 đến nay tại Trung Quốc đã ghi nhận 192 trường hợp mắc mới, trong đó có 19 ca tử vong, số ca mắc bệnh hiện đang có chiều hướng tăng nhanh. Riêng tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam đã có 03 trường hợp người nhiễm vi rút cúm A/H7N9, đồng thời Trung Quốc đã phát hiện có vi rút cúm A/H7N9 lưu hành tại một số chợ buôn bán gia cầm sống. Đặc biệt nguy hiểm là vi rút cúm A/H7N9 không gây bệnh lâm sàng trên gia cầm và hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh nên gây rất nhiều khó khăn trong công tác phát hiện, giám sát vi rút và ứng phó. Tổ chức WHO vừa thông báo 01 ca mắc bệnh cúm A/H7N9 tại Ma-lai-xi-a và đang trong tình trạng nguy kịch, bệnh nhân là khách du lịch từ Trung Quốc sang Malaysia từ ngày 03/02/2014 và phát bệnh. Ngoài ra từ cuối năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 03 trường hợp mắc cúm A(H10N8) tại tỉnh Giang Tây và đã có 02 ca tử vong, cả hai đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm; tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan đã xuất hiện vi rút cúm độc lực cao A/H5N2 gây ổ dịch lâm sàng và chết nhiều gia cầm.

Tại Việt Nam từ đầu năm 2014 đến nay, vi rút cúm A/H5N1 cũng đã được phát hiện trên đàn gia cầm của một vài hộ chăn nuôi tại một số địa phương; Bộ Y tế cũng xác nhận 02 trường hợp mắc bệnh cúm A/H5N1 đều đã tử vong tại Bình Phước, Đồng Tháp. Theo Tổ chức WHO, tại Căm-pu-chia năm 2013 đã có 26 người mắc bệnh trong đó 14 người chết do vi rút cúm A/H5N1.

Mặt khác, kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm A/H5N1 cho thấy, tại các chợ buôn bán gia cầm sống có tỷ lệ lưu hành vi rút A/H5N1 khá cao, là nguồn lây lan vi rút cúm thông qua các hoạt động mua bán gia cầm. Kết quả giám sát tại 147 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành cho thấy tỷ lệ mẫu vịt (+) với vi rút cúm A/H5N1 gần 6%, tỷ lệ chợ có phát hiện vi rút A/H5N1 trên 61%; ngoài ra, vi rút cúm A/H5N1 tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Trước diễn biến dịch nêu trên, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và các tổ chức quốc tế nhận định nguy cơ vi rút cúm A/H5N1, A/H7N9 và vi rút cúm khác xâm nhập vào trong nước là rất cao, nhất là các tỉnh khu vực biên giới và các tỉnh có liên quan tới buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Biện pháp ngăn chặn triệt để gia cầm nhập lậu và tiêu độc, khử trùng để chủ động tiêu diệt vi rút là những biện pháp ưu tiên hiện nay.

Để chủ động ngăn ngừa vi rút cúm A/H5N1, A/H7N9 và các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm khác xâm nhập, gây bệnh cho đàn gia cầm và cho người, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phát động “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” trong toàn quốc, đặc biệt tập trung vào các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh có nguy cơ cao xuất hiện các chủng vi rút cúm mới, cụ thể như sau:

1. Nội dung vệ sinh, tiêu độc, khử trùng

1.1. Khu vực cửa khẩu, khu dân cư giáp đường biên giới

- Lựa chọn, bố trí địa điểm sát trùng phương tiện qua lại khu vực biên giới (bằng biện pháp trải bạt ở mặt đường và rải rơm, cỏ khô lên trên, sau đó rắc vôi bột, phun hóa chất khử trùng; hoặc hố sát trùng) trên các tuyến đường giao thông chính qua khu vực biên giới để khử trùng bánh xe ô tô, xe gắn máy, xe đạp và giày dép của người qua lại.

- Đối với đường mòn, lối mở thường xuyên có người qua lại biên giới, xác định tuyến đường mòn trung tâm và vị trí phù hợp để tổ chức rắc vôi bột phủ kín trên một đoạn tối thiểu là 01 mét.

- Thường xuyên vệ sinh, quét dọn nơi công cộng và định kỳ tổ chức phun tiêu độc, khử trùng.

- Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng tất cả xe cộ, phương tiện đi qua cửa khẩu.

1.2. Chợ buôn bán, khu vực tập kết, thu gom gia cầm:

- Phân tách khu bán gia cầm riêng biệt tại chợ; bố trí hố khử trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại các lối ra vào khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm;

- Hàng ngày quét dọn vệ sinh và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt; tổ chức phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm và các vật dụng liên quan vào cuối mỗi buổi chợ.

- Định kỳ hàng tuần thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực chợ buôn bán, tập kết, thu gom gia cầm và khu vực xung quanh.

1.3. Phương tiện, dụng cụ chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm và thức ăn chăn nuôi: Vệ sinh sạch sẽ, thu gom rác thải, phân để chôn hoặc đốt trước và sau mỗi lần chuyên chở gia cầm, sản phẩm gia cầm, trước khi ra vào cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở giết mổ gia cầm, chợ buôn bán, điểm tập kết, thu gom gia cầm, khu vực tiêu hủy gia cầm.

1.4. Khu vực tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm: Quét dọn, thu gom phân, rác thải để xử lý chôn hoặc đốt; sau đó phun thuốc khử trùng khu vực nhốt, giữ, khu vực tiêu hủy gia cầm, sản phẩm gia cầm ngay sau khi hoàn thành việc tiêu hủy.

1.5. Cơ sở, điểm giết mổ gia cầm

- Nơi nhốt gia cầm chờ giết mổ: Tổ chức vệ sinh, thu gom rác thải để chôn hoặc đốt, sau đó phun tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực nhốt, giữ gia cầm sau khi gia cầm được đưa đi giết mổ.

- Nơi giết mổ gia cầm: Vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất và cuối ngày sản xuất, giết mổ.

- Phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở, nhà xưởng; khơi thông cống rãnh.

- Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ cơ sở, điểm giết mổ gia cầm.

1.6. Cơ sở chăn nuôi gia cầm

* Đối với các cơ sở chăn nuôi gia cầm tập trung:

- Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, hàng ngày quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh.

- Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại đường vào khu vực chăn nuôi.

- Định kỳ thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, phun khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận.

* Đối với hộ gia đình chăn nuôi gia cầm:

- Hàng ngày quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia cầm; thu gom phân rác, độn chuồng để đốt hoặc chôn.

- Định kỳ phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia cầm và vùng phụ cận.

* Cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm:

- Phát quang cây cỏ xung quanh và hàng ngày quét dọn sạch sẽ toàn bộ khu vực lò ấp, đường ra vào cơ sở ấp, thu gom vỏ trứng sau khi đã ấp nở để tiêu hủy;

- Bố trí hố sát trùng có chứa vôi bột hoặc thuốc sát trùng tại lối vào khu vực ấp nở.

- Định kỳ phun tiêu độc khử trùng toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng.

1.7. Khu vực công cộng, đường làng ngõ xóm

- Thường xuyên vệ sinh, quét dọn và thu gom rác thải để xử lý.

- Định kỳ tổ chức phun tiêu độc, khử trùng.

2. Tần suất thực hiện

2.1. Đối với các tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc và Căm-pu-chia

2.1.1. Tại các huyện, thị xã, thành phố giáp đường biên

Ngoài việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo nội dung hướng dẫn nêu trên, đồng thời định kỳ mỗi tuần 02 lần tổ chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có nguy cơ cao.

2.1.2. Tại các huyện, thị xã, thành phố tiếp giáp với các huyện đường biên

Ngoài việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo nội dung hướng dẫn nêu trên, đồng thời định kỳ mỗi tuần 01 lần tổ chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có nguy cơ cao.

2.2. Đối với các tỉnh, thành phố còn lại

Ngoài việc thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo nội dung hướng dẫn nêu trên, đồng thời định kỳ hai tuần 01 lần tổ chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các địa bàn có nguy cơ cao.

3. Cách thức tiến hành

- Những trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện các nội dung trên dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.

- Chủ các phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chịu trách nhiệm chi trả kinh phí cho đội thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng cho phương tiện của mình hoặc tự thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.

Chủ phương tiện vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép chịu toàn bộ chi phí cho việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trong quá trình xử lý gia cầm. Trong trường hợp chủ phương tiện chạy trốn, các lực lượng chức năng bắt giữ tự chi trả kinh phí hoặc báo cáo chính quyền địa phương để hỗ trợ kinh phí thực hiện.

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức các đội vệ sinh và phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, chợ buôn bán gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm, khu nhốt giữ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, kinh phí do ngân sách địa phương cấp.

- Các lực lượng chức năng khu vực cửa khẩu như: Biên phòng, y tế, thú y, hải quan, công an, quản lý thị trường tổ chức tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận tải qua cửa khẩu. Kinh phí do các đơn vị chi trả theo quy định của nhà nước.

- Loại hóa chất sát trùng, cách tiến hành như đã áp dụng trong các lần vệ sinh tiêu độc khử trùng trước đây. Các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm chuẩn bị đủ máy móc, phương tiện, hóa chất, bảo hộ lao động để thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hiệu quả và an toàn.

- Thời gian: 01 tháng, bắt đầu từ ngày 22/2/2014 đến hết 21/3/2014.

4. Tổ chức thực hiện

4.1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản chỉ đạo việc phát động và triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” tại địa phương; giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành của địa phương triển khai thực hiện.

4.2. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đề nghị các Bộ, ngành thành viên chỉ đạo các lực lượng chức năng có liên quan phối hợp với các địa phương tổ chức thực hiện tốt tháng việc vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo các nội dung được phân công, đồng thời Ban chỉ đạo quốc gia sẽ phân công các đoàn đi kiểm tra ở một số địa phương.

4.3. Đề nghị các Bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo quốc gia, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” theo đúng nội dung và thời gian nêu trên; đồng thời tổ chức kiểm tra việc thực hiện và báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, TTKNQG;
- Sở NN&PTNT, CCTY các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Cục Thú y;
- Lưu
: VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.