Công văn 5018/NHNN-TD năm 2015 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả hạn hán kéo dài
Số hiệu: 5018/NHNN-TD Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước Người ký: Nguyễn Văn Bình
Ngày ban hành: 03/07/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng, tiền tệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5018/NHNN-TD
V/v hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 2015

 

Kính gửi: Các tổ chức tín dụng

Từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình hạn hán gay gắt đã xuất hiện trên địa bàn một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Nắng nóng kéo dài và thời tiết khô hạn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Để hỗ trợ khắc phục hậu quả do hạn hán kéo dài, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện một số nội dung như sau:

1. Chủ động rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do hạn hán kéo dài tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, kịp thời thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vốn vay,... đồng thời tiếp tục xem xét cho vay mới giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và chỉ đạo của Thống đốc NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 27/01/2015 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015.

2. Chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn các tỉnh bị hạn hán kéo dài phối hợp với các Sở, ban, ngành, chi nhánh NHNN đánh giá, xác định mức độ thiệt hại từ nguồn vốn vay ngân hàng để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ theo quy định tại các Điều 12, Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

3. Căn cứ vào khả năng tài chính của từng tổ chức tín dụng, kịp thời có biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội cho các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhằm giúp người dân trên địa bàn sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng khẩn trương và nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thống đốc NHNN, trường hợp có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo NHNN để được xem xét, xử lý./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
-
Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
-
PTTg Vũ Văn Ninh (để b/c);
-
Bộ NN&PTNT;
-
Bộ Tài chính;
-
UBND các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắc Lắk, Đăk Nông, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nghệ An;
-
NHNN chi nhánh các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắc Lắk, Đăk Nông, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Nghệ An;
-
Lưu: VP, Vụ TDCNKT (3).

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Bình

 

Điều 12. Cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới

1. Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho tổ chức tín dụng do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; đồng thời căn cứ vào tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng.

2. Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 02 (hai) năm và các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng.

...

Điều 14. Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết

1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án vay theo mô hình liên kết.

2. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối (sau đây gọi chung là tổ chức đầu mối) ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.

3. Trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được xử lý như sau:

a) Được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời cho vay mới trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho tổ chức tín dụng;

b) Căn cứ vào đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được khoanh nợ không tính lãi tối đa 03 (ba) năm đối với tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị và khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi tổ chức tín dụng đã khoanh được ngân sách nhà nước cấp tương ứng;

c) Trường hợp đã thực hiện các biện pháp quy định tại Điểm a, b Khoản 3 Điều này mà tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị vẫn gặp khó khăn trong việc trả nợ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo cụ thể với Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xóa nợ cho khách hàng và cấp bù nguồn vốn ngân sách nhà nước cho tổ chức tín dụng theo mức độ thiệt hại cụ thể.

Điều 15. Chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

1. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc tiêu thụ sản phẩm là kết quả của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao của khách hàng.

2. Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

3. Trường hợp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được xử lý tương tự như đối với trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.

Xem nội dung VB