Công văn 4962/BNV-ĐT năm 2017 về bồi dưỡng cán bộ công chức xã năm 2018 thực hiện Quyết định 1600/QĐ-TTg
Số hiệu: 4962/BNV-ĐT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nội vụ Người ký: Triệu Văn Cường
Ngày ban hành: 14/09/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4962/BNV-ĐT
V/v bồi dưỡng CBCC xã năm 2018 thực hiện QĐ số 1600/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; căn cứ Điều 5, Điều 6 Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020,

Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí một khoản kinh phí thích hợp từ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ từ ngân sách trung ương (ít nhất bằng số kinh phí đã bố trí năm 2015) và chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2018 thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Lập kế hoạch và triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã

Sở Nội vụ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2018; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của địa phương và của các cơ quan Trung ương để tổ chức các khóa bồi dưỡng cho cán bộ, công chức xã của địa phương theo các bộ tài liệu đã được ban hành, bảo đảm chất lượng, phù hợp với khả năng các nguồn kinh phí của địa phương và của Trung ương phân bổ năm 2018.

Đối tượng bồi dưỡng: Ưu tiên mở các lớp bồi dưỡng cho đối tượng trúng cử lần đầu; cán bộ, công chức xã ở các địa bàn khó khăn, còn thiếu và yếu về kiến thức, kỹ năng công tác, chuyên môn nghiệp vụ.

Chương trình bồi dưỡng: Căn cứ điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương, có thể tổ chức thành cụm để bồi dưỡng theo các chương trình đã ban hành. Biên soạn tài liệu và tổ chức lớp bồi dưỡng theo các chương trình đã được phê duyệt.

Thời gian bồi dưỡng: Bố trí thời gian bồi dưỡng cho phù hợp đối với mỗi lớp tùy theo đối tượng và điều kiện của từng địa phương. Đối với các lớp dài ngày, cần bồi dưỡng thành từng đợt, mỗi đợt không quá 05 ngày làm việc để cán bộ, công chức xã bảo đảm tốt công việc ở xã đã được phân công.

2. Kinh phí bồi dưỡng cán bộ, công chức xã

Việc quản lý, sử dụng kinh phí bồi dưỡng cán bộ, công chức xã thực hiện theo Thông tư số 139/2010/TT-BTC ngày 21/9/2010 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và theo quy định của pháp luật.

Các địa phương chủ động huy động thêm nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn khác để hỗ trợ bồi dưỡng cán bộ, công chức xã đạt mục tiêu tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Báo cáo kế hoạch và kết quả bồi dưỡng cán bộ, công chức xã

Sau khi Kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2018 của địa phương được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Sở Nội vụ gửi một bản về Bộ Nội vụ trước ngày 30/4/2018 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương.

Trước ngày 31/12/2018, Sở Nội vụ gửi báo cáo kết quả công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức xã năm 2018 về Bộ Nội vụ để tổng hợp.

Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, bố trí đủ kinh phí để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 và Quyết định số 12/2017/QĐ-TTg ngày 22/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Nội vụ để thống nhất giải pháp tháo gỡ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- TT. Triệu Văn Cường;
- Sở Nội vụ các tỉnh, tp trực thuộc TW;
- Lưu: VT, Vụ ĐT (8b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Triệu Văn Cường

 

 

Điều 5. Định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương

1. Định mức phân bổ vốn cho các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

a) Căn cứ vào tổng mức vốn ngân sách trung ương của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cấp có thẩm quyền giao; trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chủ trì nội dung thành phần Chương trình và các cơ quan liên quan, căn cứ báo cáo của các địa phương, dựa trên các tiêu chí phân bổ được quy định tại Điều 4 của Quy định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ, xác định định mức và xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp.

b) Căn cứ các nhiệm vụ được quy định tại khoản 5 Điều 3 của Quy định này, các bộ, ngành trung ương và địa phương đề xuất phương án phân bổ cụ thể vốn thực hiện các nhiệm vụ được giao gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Định mức phân bổ vốn tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Căn cứ kế hoạch vốn được hỗ trợ từ ngân sách trung ương được cấp có thẩm quyền thông báo và điều kiện thực tế của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phương án phân bổ vốn để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, cụ thể như sau:

a) Đối với kế hoạch vốn đầu tư phát triển hỗ trợ từ ngân sách trung ương được giao:

- Căn cứ vào mục tiêu phấn đấu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và điều kiện thực tế, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ cho các xã đảm bảo tổng mức vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các xã trong cả giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng các nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ được quy định tại khoản 3 Điều 3 của Quy định này.

- Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015, ưu tiên bố trí một phần từ ngân sách trung ương được giao để thực hiện một số nội dung hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đối với các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo bố trí đủ vốn đầu tư phát triển cho các xã thuộc đối tượng được hỗ trợ bổ sung theo Nghị quyết số 350/NQ-UBTVQH14 ngày 06 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

b) Đối với kế hoạch vốn sự nghiệp hỗ trợ từ ngân sách trung ương: Căn cứ vào hướng dẫn thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng phương án phân bổ kinh phí hỗ trợ cụ thể cho các cấp (tỉnh, huyện, xã), các ngành để triển khai hiệu quả nguồn vốn được giao và hoàn thành các mục tiêu, theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Bố trí vốn để triển khai, thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện đối với các nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị (quy mô liên xã, liên huyện); đào tạo nghề cho lao động nông thôn (bao gồm đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp); đổi mới tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn; xử lý, cải thiện môi trường nông thôn; phát triển giáo dục nông thôn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế - xã hội chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã; nâng cao năng lực cho cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp; truyền thông về xây dựng nông thôn mới....

- Bố trí kinh phí hoạt động của cơ quan chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp ở địa phương.

- Phần vốn sự nghiệp còn lại, phân bổ trực tiếp cho các xã để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở cấp xã, trong đó bao gồm kinh phí duy tu, bảo dưỡng, vận hành các công trình đầu tư sau khi đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng trên địa bàn xã.

Điều 6. Quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

1. Quy định chung:

a) Tổng vốn đối ứng từ nguồn vốn ngân sách địa phương của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giai đoạn 2016 - 2020 phải bảo đảm mức quy định của Quốc hội tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 phê duyệt Chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.

b) Các địa phương phải bố trí đủ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 theo quy định cụ thể tại khoản 2 Điều này để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt:

- Đối với các địa phương không bố trí đủ vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình theo tỷ lệ quy định trong hai năm liên tiếp sẽ không được xét thi đua khen thưởng trong thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.

- Đối với các địa phương trong năm kế hoạch không bố trí đủ vốn từ ngân sách địa phương theo quy định thì ngân sách trung ương trong năm kế hoạch liền kề sẽ tạm không phân bổ tương ứng với mức thiếu hụt của ngân sách địa phương và chỉ được cấp hoàn đủ khi địa phương bố trí bổ sung phần thiếu hụt tương ứng.

- Các địa phương đảm bảo đúng hoặc bố trí vượt mức vốn từ ngân sách địa phương so với quy định về tỷ lệ đối ứng của trung ương sẽ được xem xét, cộng điểm thưởng trong thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020.

Hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc bố trí vốn đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

c) Ngân sách địa phương ưu tiên bổ sung cho các xã khó khăn, các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020, các xã thuộc phạm vi, đối tượng hỗ trợ của các Đề án xây dựng nông thôn mới ở các vùng đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt; các huyện điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2016 - 2020.

2. Quy định cụ thể:

a) Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách (trừ tỉnh Quảng Ngãi): 100% nguồn vốn thực hiện Chương trình bố trí từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác trên địa bàn.

b) Đối với các tỉnh, thành phố nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Ngãi:

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 70% trở lên: Tùy thuộc vào điều kiện thực tế và khả năng cân đối ngân sách hàng năm, ưu tiên bố trí thêm vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 50 đến dưới 70%: Hàng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu bằng tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ đối ứng tối thiểu: 1:1).

- Các địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương dưới 50% và tỉnh Quảng Ngãi: Hàng năm, ngân sách địa phương đối ứng tối thiểu gấp 1,5 lần tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (tỷ lệ đối ứng tối thiểu: 1:1,5).

c) Danh sách các địa phương tự cân đối được ngân sách và tỷ lệ hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các địa phương được căn cứ trên cơ sở dự toán thu, chi ngân sách năm 2014 của từng địa phương.

Xem nội dung VB