Công văn 495/BYT-MT năm 2020 hướng dẫn quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV
Số hiệu: | 495/BYT-MT | Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Y tế | Người ký: | Đỗ Xuân Tuyên |
Ngày ban hành: | 06/02/2020 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Môi trường, Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 495/BYT-MT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 2 năm 2020 |
Kính gửi: |
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ; |
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (sau đây gọi tắt là nCoV) đang có diễn biến phức tạp, tính đến 09h00 ngày 04/02/2020 đã có 20.627 trường hợp mắc bệnh trên thế giới (tại Việt Nam có 09 trường hợp) và có 426 trường hợp người bệnh tử vong do mắc nCoV. Để chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho nhân viên y tế và cộng đồng, Bộ Y tế đã xây dựng hướng dẫn quản lý chất thải y tế và hướng dẫn xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV (có hướng dẫn cụ thể kèm theo).
Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các nội dung sau:
1. Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan trực thuộc Chính phủ:
- Chỉ đạo phổ biến hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cơ sở y tế triển khai và bố trí nguồn lực để thực hiện.
- Đảm bảo kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ quan, đơn vị và cơ sở y tế trực thuộc để triển khai.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
2. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức phổ biến hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, cơ sở y tế để triển khai.
- Chỉ đạo các cơ sở hỏa táng, mai táng trên địa bàn thực hiện theo hướng dẫn xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV.
- Chỉ đạo Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Y tế và các Sở ngành có liên quan đảm bảo nguồn lực cho các cơ sở y tế để triển khai.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế
- Xây dựng kế hoạch, phổ biến, hướng dẫn, triển khai, đôn đốc các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc thực hiện.
- Đảm bảo kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị để thực hiện.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện.
Thông tin, phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (nếu có) đề nghị gửi về Bộ Y tế (Cục Quản lý môi trường y tế) hoặc liên hệ trực tiếp theo số điện thoại: 0913827036 (đối với hướng dẫn quản lý chất thải y tế) và 0912162589 (đối với hướng dẫn xử lý thi hài).
Trân trọng cảm ơn./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ TRONG CHĂM SÓC VÀ ĐIỀU TRỊ NGƯỜI MẮC BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (nCoV)
(kèm theo Công văn số 495/BYT-MT ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ Y tế)
1. Chất thải y tế trong chăm sóc và điều trị người nhiễm nCoV phát sinh từ các khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (tại cơ sở y tế, tại khu vực cách ly ở sân bay, cửa khẩu, nhà ga, bến tàu...) là chất thải lây nhiễm và phải được quản lý theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và các văn bản có liên quan.
2. Đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế; đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh, người nhà và người tham gia quản lý chất thải y tế.
3. Nhân viên y tế và người tham gia quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp.
II. Thực hiện quản lý chất thải y tế
1. Chất thải rắn phát sinh từ khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV được quản lý như sau:
- Chất thải phát sinh từ khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV được phân loại ngay vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có màu sắc và biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh.
- Trước khi thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, thu gom vào thùng đựng chất thải lây nhiễm. Thùng đựng chất thải lây nhiễm phải có thành cứng, có nắp đậy kín, có lắp bánh xe đẩy, bên ngoài thùng có dán dòng chữ “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA nCoV”.
- Thùng đựng chất thải lây nhiễm tại nơi lưu giữ tạm thời phải được đậy nắp kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom về khu lưu giữ tập trung trong khuôn viên của cơ sở y tế ít nhất 2 lần/ngày.
- Vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm bằng một trong các biện pháp sau:
+ Xử lý tại chỗ: Xử lý ngay trong ngày bằng lò đốt chất thải rắn y tế hoặc bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm, vi sóng hoặc các thiết bị khử khuẩn khác đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
+ Vận chuyển, xử lý tại cơ sở y tế khác trong cụm cơ sở y tế: Thùng, dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm phải được đậy nắp kín, có thành cứng chịu được va đập, có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA nCoV”; đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình vận chuyển đến nơi xử lý. Chất thải lây nhiễm phải được vận chuyển và xử lý ngay trong ngày.
+ Vận chuyển, xử lý tập trung: Thùng đựng chất thải lây nhiễm phải đáp ứng đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và có dán nhãn “CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA nCoVˮ. Chất thải lây nhiễm phải được vận chuyển và xử lý ngay trong ngày.
2. Đồ vải, quần áo thải bỏ của bệnh nhân, trang phục phòng hộ cá nhân của nhân viên y tế và người tham gia quản lý chất thải y tế, vệ sinh môi trường tại khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV phải được thu gom và xử lý như chất thải lây nhiễm nêu tại mục 1.
3. Đối với chất thải là chất tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, rãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu,...), phân, nước tiểu của người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV phải được xử lý triệt để bằng hóa chất khử khuẩn sau đó thu gom về hệ thống xử lý nước thải để xử lý đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế. Thực hiện ngay việc lau khử khuẩn bề mặt bệ tiêu, bệ tiểu bằng khăn tẩm hóa chất khử khuẩn sau mỗi lần đổ chất thải là phân, nước tiểu, dịch tiết cơ thể.
4. Đối với nước thải y tế: Tăng cường kiểm tra, giám sát vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế, đặc biệt lưu ý việc khử khuẩn nước thải y tế trước khi xả ra môi trường.
5. Mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm; chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV phát sinh từ các phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc các thiết bị khử khuẩn khác. Sau khi xử lý sơ bộ, chất thải được phân loại, thu gom, xử lý tiếp như chất thải lây nhiễm tại mục 1 nêu trên.
6. Thải bỏ khẩu trang sau sử dụng
- Khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV (ở tại cơ sở y tế hoặc khu vực cách ly ở sân bay, cửa khẩu, nhà ga, bến tàu…) và các cơ sở y tế đang thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV và các bệnh truyền nhiễm khác: Người sử dụng khẩu trang phải thải bỏ khẩu trang vào thùng đựng chất thải y tế lây nhiễm có nắp đậy kín trước khi ra khỏi khu vực này.
- Các khu vực khác: Thải bỏ khẩu trang đã sử dụng vào thùng đựng chất thải thông thường có nắp đậy kín. Khuyến cáo sử dụng khẩu trang 1 lần.
1. Khu vực theo dõi, cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV phải được khử khuẩn bề mặt, đặc biệt nền nhà, tay nắm cửa, giường bệnh, tủ đầu giường và bề mặt đồ dùng cá nhân của người bệnh bằng hóa chất khử khuẩn.
Những đám máu hoặc các chất thải, chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách lau khăn tẩm hóa chất khử khuẩn. Khăn lau sau sử dụng được thu gom, xử lý như chất thải lây nhiễm nêu tại mục 1, phần II nêu trên.
2. Phương tiện chuyên chở người bệnh nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV và các thùng, dụng cụ đựng chất thải lây nhiễm phải được khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn ngay sau khi sử dụng.
Lưu ý:
- Việc sử dụng hóa chất khử khuẩn để khử trùng và xử lý môi trường ổ dịch thực hiện theo Quyết định số 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV).
- Việc sử dụng hóa chất khử khuẩn để xử lý phân, nước tiểu của người bệnh thực hiện theo Quyết định số 1640/QĐ-BYT ngày 14/5/2010 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn xử lý ổ dịch tả.
(kèm theo Công văn số 495/BYT-MT ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ Y tế)
- Đảm bảo không phát tán mầm bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, hỏa táng và mai táng thi hài bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV (sau đây gọi tắt là thi hài nhiễm nCoV) và thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2009/TT-BYT ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng.
- Chuyển người bệnh cách ly khác trong buồng bệnh (nếu có) sang buồng cách ly khác trước khi thực hiện xử lý thi hài.
- Thi hài nhiễm nCoV phải được hỏa táng, chỉ mai táng trong trường hợp không thực hiện được việc hỏa táng.
- Thi hài phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.
- Chỉ nhân viên y tế có nhiệm vụ, người nhà người bệnh đã được hướng dẫn quy trình phòng ngừa và được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp được tham gia xử lý thi hài nhiễm nCoV.
- Người tham gia quá trình vận chuyển, hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV phải được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp.
- Tất cả các chất thải phát sinh trong quá trình xử lý, vận chuyển, hỏa táng hoặc mai táng thi hài nhiễm nCoV phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.
Ngay khi có bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV, cơ sở y tế cần thực hiện việc xử lý thi hài nhiễm nCoV như sau:
1. Trường hợp cửa phòng có bệnh nhân tử vong do nhiễm nCoV chưa có khay chứa dung dịch diệt khuẩn, cần đặt tấm thảm hoặc vải dày thấm đẫm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính trước cửa phòng. Người có trách nhiệm xử lý thi hài phải đặt 2 chân vào trong khay inox hoặc lên tấm vải này trước khi đi khỏi phòng.
2. Dùng bông tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính để nút kín các hốc tự nhiên của thi hài, sau đó phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính lên toàn bộ thì hài hoặc dùng vải liệm được tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính để quấn kín toàn bộ thi hài.
3. Bọc thi hài trong túi đựng thi hài. Sử dụng vật liệu chống thấm lót bên trong túi đựng thi hài và đóng kín túi. Trường hợp không có túi đựng thi hài, bọc kín thi hài bằng 02 lớp vải cot-ton dày được tẩm dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính, sau đó bọc kín thi hài bằng 01 lớp ni-lon.
4. Sau khi bọc kín thi hài, sử dụng thẻ hoặc miếng dán cảnh báo “THI HÀI NHIỄM NCOV” ở bên ngoài.
5. Sau khi chuyển thi hài đi, khử khuẩn lại toàn bộ buồng bệnh như sau:
- Thu gom các dụng cụ bẩn, đồ vải vào các thùng/túi theo quy định về trung tâm tiệt khuẩn, giặt là để xử lý. Thu gom chất thải và các vật dụng cá nhân khác của người bệnh tử vong để xử lý theo hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong chăm sóc và điều trị người nhiễm nCoV.
- Khử khuẩn các bề mặt bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính và bảo đảm đúng thời gian tiếp xúc với hóa chất khử khuẩn tối thiểu là 30 phút hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
6. Vận chuyển thi hài
6.1. Vận chuyển thi hài đến nhà tang lễ tại cơ sở y tế
- Vận chuyển thi hài bằng xe hoặc băng ca theo đường cách ly đã định trước. Bánh xe phải được khử khuẩn bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính trước khi đi ra khỏi phòng. Hạn chế vận chuyển thi hài qua nơi đông người. Nếu vận chuyển thi hài bằng thang máy thì phải hạn chế tối đa người đi cùng, chỉ những người mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân mới được đi cùng trong thang máy.
- Ngay sau khi đưa thi hài đến nhà tang lễ, cần phải tiến hành khử khuẩn xe hoặc băng ca vận chuyển thi hài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
6.2. Khâm liệm thi hài:
- Lót một tấm ni-lon lớn đủ để bao bọc thi hài dưới đáy quan tài, đặt thi hài lên tấm ni-lon đã lót dưới đáy quan tài và gói kín.
- Đóng kín quan tài. Kiểm tra và dán kín các khe hở của quan tài (nếu có).
- Khử khuẩn toàn bộ bề mặt buồng khâm liệm, các vật dụng có tiếp xúc với thi hài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
6.3. Vận chuyển quan tài tới nơi hoả táng, mai táng
- Vận chuyển quan tài bằng phương tiện riêng (xe cứu thương, xe tang lễ) tới nơi hỏa táng, mai táng.
- Người nhà của người tử vong do nhiễm nCoV không được lên phương tiện chuyển quan tài. Nhân viên lái xe và nhân viên y tế đi cùng phải mang đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân.
- Ngay sau khi vận chuyển quan tài tới nơi hỏa táng, mai táng phải khử khuẩn toàn bộ bề mặt phương tiện chở quan tài bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành.
6.4. Vận chuyển thi hài, hài cốt qua biên giới
Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới.
7. Hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV:
7.1. Hỏa táng:
- Cần tiến hành hỏa táng thi hài nhiễm nCoV trong thời gian sớm nhất.
- Sau khi hỏa táng, phải tiến hành vệ sinh khử trùng nền nhà, tường, cửa phòng tiếp nhận, các dụng cụ, trang thiết bị có liên quan bằng dung dịch khử khuẩn chứa 0,5% Clo hoạt tính hoặc sử dụng các chế phẩm diệt khuẩn tương tự đã được Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y tế cấp chứng nhận đăng ký lưu hành và để khô tự nhiên.
- Phương tiện bảo vệ cá nhân của người tham gia quá trình hỏa táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.
7.2. Mai táng:
- Chọn nơi đất cao, không bị ngập úng để đào huyệt, cần tiến hành việc mai táng thi hài trong thời gian sớm nhất.
- Trước khi đặt quan tài xuống huyệt, phải rắc hóa chất khử khuẩn chứa Clo hoạt tính hoặc phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% CIo hoạt tính hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh thành huyệt và đáy huyệt.
- Trước khi lấp đất, phải rắc hóa chất khử khuẩn chứa Clo hoạt tính hoặc phun dung dịch khử khuẩn chứa 5% Clo hoạt tính hoặc rắc một lớp vôi bột xung quanh ở xung quanh và trên mặt quan tài.
- Các dụng cụ, thiết bị dùng để mai táng như cuốc, xẻng... sau khi sử dụng phải được khử khuẩn bằng dung dịch chứa 0,5% Clo hoạt tính, để dụng cụ ngấm hóa chất khử trùng ít nhất 30 phút và để khô tự nhiên.
- Phương tiện bảo vệ cá nhân của người thực hiện việc mai táng phải được xử lý như chất thải lây nhiễm.
Quyết định 181/QĐ-BYT năm 2020 về "Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)" Ban hành: 21/01/2020 | Cập nhật: 24/01/2020
Nghị định 89/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới Ban hành: 25/06/2018 | Cập nhật: 25/06/2018
Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT quy định về quản lý chất thải y tế Ban hành: 31/12/2015 | Cập nhật: 28/01/2016
Quyết định 1640/QĐ-BYT năm 2010 ban hành hướng dẫn xử lý ổ dịch tả Ban hành: 14/05/2010 | Cập nhật: 01/07/2010
Thông tư 02/2009/TT-BYT hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng Ban hành: 26/05/2009 | Cập nhật: 09/06/2009