Công văn số 4438/UB-TM về việc thực hiện chế độ quản lý và thu thuế đối với các đại lý trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 4438/UB-TM Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Khắc Bình
Ngày ban hành: 08/10/1989 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 4438/UB-TM
V/v thực hiện chế độ quản lý và thu thuế đối với các đại lý trên địa bàn thành phố 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 10 năm 1989

 

Căn cứ Pháp lệnh thuế công thương nghiệp ngày 3-3-1989 của Hội đồng Nhà nước, Nghị định số 53/HĐBT ngày 27-5-1989 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư hướng dẫn số 10/TC-CTN ngày 06 tháng 6 năm 1989 của Bộ Tài chánh về việc hướng dẫn thi hành pháp lệnh thuế.

Để việc thực hiện pháp lệnh thuế được thống nhất, đồng thời vận dụng phù hợp với tình hình sản xuất lưu thông các mặt hàng tươi sống phục vụ đời sống hàng ngày của nhân dân; Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn việc quản lý và thu thuế đối với các đại lý trên địa bàn thành phố như sau:

1/ Xác định đối tượng đại lý:

Theo quy định của thành phố thì chỉ có các xí nghiệp quốc doanh, đơn vị thương nghiệp xã hội chủ nghĩa từ cấp quận, huyện, thành phố trở lên (kể cả liên hiệp hợp tác xã tiêu thụ mua bán) mới được phép sử dụng tư nhân làm đại lý bán lẻ sản phẩm hàng hóa.

Các đơn vị thương nghiệp cấp phường, xã (Hợp tác xã tiêu thụ mua bán, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp) các công ty, xí nghiệp tư doanh, các phường, các tổ chức kinh doanh của ban ngành khác không được sử dụng hoặc tổ chức tư nhân làm đại lý.

Các đơn vị cơ sở được xác định là đại lý phải có đầy đủ các thủ tục quy định và chấp hành nghiêm chỉnh các chế độ quản lý sau:

- Phải có đăng ký kinh doanh do cơ quan thương nghiệp cấp

- Phải mở các sổ sách kế toán theo quy định (nhất thiết phải giữ sổ kho hàng, ghi chép đầy đủ số lượng, giá trị, chủng loại hàng hóa nhận cũng như xuất, nhật ký thu chi ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh hàng ngày).

- Có chứng từ, phiếu xuất kho nhập hàng do đơn vị thương nghiệp giao bán, hóa đơn bán hàng ghi hàng ngày (số lượng, loại hàng, trị giá)

- Tất cả các sổ sách ghi chép đều phải đăng ký cơ quan thuế nơi bán đại lý và phải đóng dấu giáp lai trước khi sử dụng.

- Nghĩa vụ nộp thuế (sẽ nêu cụ thể ở phần sau)

- Về giá cả, các đại lý phải bán theo đúng giá quy định của đơn vị thương nghiệp cấp trên giao bán (hàng bán có niêm yết giá)

- Bán đúng các chủng loại hàng đã đăng ký trên giấy phép mà công ty giao bán. Trường hợp có bán thêm hàng, đại lý phải xin phép và nộp thuế phần doanh số hàng bán thêm.

2/ Về thuế

- Thuế môn bài: Mỗi cơ sở đại lý phải nộp thuế môn bài hàng năm, mỗi năm phải nộp 1 lần vào tháng đầu năm kinh doanh, bậc thuế môn bài được phòng thuế nơi cơ sở, đại lý sẽ căn cứ vào quy mô kinh doanh và mức thu nhập bình quân hàng tháng mà quy định đúng theo các bậc thuế môn bài của pháp lệnh ngày 3-3-1989.

- Thuế doanh nghiệp: Hàng tháng các đại lý phải kê khai và nộp thuế doanh nghiệp là 4% trên tổng số tiền hoa hồng được hưởng.

- Thuế lợi tức doanh nghiệp: Căn cứ vào thu nhập kinh doanh kể cả thu nhập hàng bán thêm (nếu có) của các đại lý để xác định lợi tức chịu thuế và nộp thuế theo biểu thuế của ngành thương nghiệp ăn uống được quy định trong pháp lệnh.

Riêng các đại lý thuộc công ty rau quả thành phố chuyên mua bán buôn hàng rau quả trôi nổi, áp dụng mức thu nổi thuế theo tinh thần văn bản số 1528/UB-TM ngày 12-4-1989 cụ thể: thuế doanh nghiệp thu 2% trên doanh số bán (trạm bán buôn Cầu Muối thuộc Công ty rau quả thành phố quản lý số lượng, loại hàng, giá cả mua bán phối hợp với cơ quan thuế tính thuế và có nhiệm vụ thu, trực tiếp chuyển cho cơ quan thuế).

- Các đại lý (chủ ô) thuộc công ty thực phẩm 3 quản lý sử dụng dưới dạng đại lý “tay nghề” chuyên mua bán buôn cá, thuỷ hải sản tươi trôi nổi, áp dụng mứ thu nộp theo tinh thần văn bản số 1689/UB-TM ngày 22-4-989 của Ủy ban nhân dân thành phố, cụ thể: thuế doanh nghiệp thu 2% trên doanh số bán, do Công ty thực phẩm 3 thu hàng ngày, căn cứ vào doanh số bán của chủ ô, cuối mỗi tháng vào ngày 25, Công ty thực phẩm 3 chuyển tiền thuế doanh nghiệp thu được cho cơ quan thuế.

Đại lý ở trên địa phương nào đều phải có nhiệm vụ kê khai và nộp thuế tại Phòng thuế do cán bộ quản lý thuế trực tiếp xác định doanh thu và tính thuế của địa phương đó (trừ đại lý của công ty rau và Công ty thực phẩm 3 nói trên)

Kể từ tháng 10/1989, các đại lý không nộp thuế qua các Công ty chủ quản của mình.

3/ Để việc thực hiện chính sách thuế được công bằng, hợp lý và đúng theo chế độ quy định. Các đại lý kinh doanh cũng như cán bộ quản lý thuế cần phải nắm vững các nguyên tắc quy định như sau để thống nhất trong quá trình thực hiện:

a) Các đại lý không thực hiện đúng chức năng kinh doanh của mình (nêu ở phần I) được xem không phải là đại lý, cơ quan thuế sẽ quản lý và thu thuế theo như hộ cá thể, thu đúng thuế suất, tính chất và mặt hàng kinh doanh, theo từng loại doanh số.

b) Các đại lý, ngoài việc bán hàng đại lý còn kinh doanh các mặt hàng khác, đều phải kê khai và ghi chép vào sổ sách kế toán, phân tích rõ hàng nhận bán đại lý và hàng ngoài đại lý. Cơ quan thuế có trách nhiệm căn cứ vào doanh thu (kê khai hoặc cố định) hàng bán ngoài đại lý, để tính thêm phần thuế theo đúng pháp lệnh ngày 03-3-1989.

c) Các đại lý bán hàng quá giá quy định của công ty, ngành hàng, không có chứng từ xuất kho giao hàng của công ty, bán hàng gian, hàng giả, các hàng trốn lậu thuế nếu cơ quan thuế phát hiện sẽ tính thuế như hộ cá thể, truy thu thuế (nếu có) và kết hợp với các cơ quan có chức năng quản lý khác xử phạt, tuỳ theo mức độ sai phạm.

4/ Sở Tài chánh (Chi cục thuế) chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện, thi hành văn bản này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Khắc Bình

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.