Công văn 3840/TCHQ-QLRR năm 2014 ứng dụng kết quả đánh giá doanh nghiệp để thực hiện quy định về quản lý thuế
Số hiệu: 3840/TCHQ-QLRR Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Quách Đăng Hòa
Ngày ban hành: 11/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thuế, phí, lệ phí, Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3840/TCHQ-QLRR
V/v ứng dụng kết quả đánh giá DN để thực hiện các quy định về QL thuế

Hà Nội, ngày 11 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Các Cục Hải quan tỉnh, thành phố.

Thực hiện quy định của Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013, Thông tư số 175/2013/TT-BTC ngày 29/11/2013 và Quyết định số 3273/QĐ-BTC ngày 30/12/2013 của Bộ tài chính, đối với nội dung quản lý thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, Hệ thống quản lý rủi ro (RISKMAN) đã tự động đánh giá và cung cấp chức năng cập nhật thông tin, tra cứu kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế; đánh giá xếp hạng rủi ro doanh nghiệp; đánh giá điều kiện áp dụng xác định trước trị giá hải quan; đánh giá điều kiện được bảo lãnh thuế đối với hàng hóa XNK. Cụ thể, Tổng cục hải quan hướng dẫn như sau:

1. Đối với việc đánh giá tuân thủ pháp luật doanh nghiệp xuất nhập khẩu (Điều 17 Thông tư số 175/2013/TT-BTC).

- Hệ thống tự động đánh giá trên cơ sở thông tin hồ sơ doanh nghiệp và tiêu chí rủi ro, chỉ số tiêu chí rủi ro áp dụng tại thời điểm đánh giá;

- Công chức hải quan, theo phân quyền, sử dụng chức năng “Tra cứu thông tin doanh nghiệp” trên RISKMAN để tra cứu kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp (hướng dẫn sử dụng hệ thống tại Phụ lục 1 đính kèm).

2. Đối với việc đánh giá xếp hạng rủi ro doanh nghiệp (Điều 18 Thông tư 175/2013/TT-BTC)

- Công chức hải quan, theo phân quyền, sử dụng chức năng “Tra cứu thông tin doanh nghiệp” trên RISKMAN để tra cứu kết quả đánh giá xếp hạng rủi ro doanh nghiệp theo trình tự sau (hướng dẫn sử dụng hệ thống tại Phụ lục 1 đính kèm):

Bước 1: Tra cứu thông tin kết quả đánh giá xếp hạng rủi ro doanh nghiệp trên Hệ thống quản lý rủi ro.

Bước 2. In mẫu Kết quả đánh giá xếp hạng rủi ro doanh nghiệp, do Hệ thống tự động kết xuất.

Bước 3. Công chức ký, đóng dấu công chức (nếu có) lên Mẫu in.

- Trường hợp thực hiện thủ tục hải quan trên Hệ thống VNACCS, công chức tra cứu kết quả đánh giá xếp hạng doanh nghiệp trên Hệ thống VCIS theo trình tự sau (hướng dẫn tra cứu trên Hệ thống VCIS tại Phụ lục 2 đính kèm).

3. Về việc đánh giá điều kiện doanh nghiệp được áp dụng xác định trước trị giá đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (Điều 24 Thông tư 175/2013/TT-BTC).

- Hệ thống RISKMAN tự động đánh giá doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện để được chấp nhận áp dụng xác định trước trị giá đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, trừ điều kiện: người nhập khẩu thực hiện thanh toán toàn bộ hàng hóa theo hợp đồng qua ngân hàng; giao hàng một lần cho toàn bộ hàng hóa; doanh nghiệp có đơn đề nghị xác định trước trị giá, theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 128/2013/TT-BTC.

- Công chức hải quan sử dụng chức năng “Tra cứu thông tin doanh nghiệp” trên RISKMAN để tra cứu và xác định các doanh nghiệp được áp dụng xác định trước trị giá theo hướng dẫn sau (hướng dẫn sử dụng hệ thống tại Phụ lục đính kèm):

Bước 1: Tra cứu thông tin doanh nghiệp đáp ứng một số điều kiện trên RISKMAN quản lý rủi ro.

Bước 2. In mẫu Đánh giá doanh nghiệp, do RISKMAN tự động kết xuất.

Bước 3. Căn cứ hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá hải quan, công chức xác nhận hoặc không xác nhận việc đáp ứng các điều kiện về thanh toán, giao hàng và đơn đề nghị như nêu trên. Công chức đánh dấu trực tiếp trên Mẫu in.

Bước 4. Công chức ký, đóng dấu công chức lên Mẫu in và lưu cùng hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá hải quan của doanh nghiệp.

4. Đối với việc đánh giá điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 23 Thông tư số 175/2013/TT-BTC).

a) Về doanh nghiệp đề nghị được bảo lãnh thuế:

- Hệ thống RISKMAN tự động đánh giá điều kiện doanh nghiệp được bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, theo các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 21 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, trừ điều kiện: thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá tổ chức tín dụng.

- Công chức hải quan sử dụng chức năng “Tra cứu thông tin doanh nghiệp” trên RISKMAN để tra cứu và xác định các doanh nghiệp được chấp nhận bảo lãnh thuế theo hướng dẫn sau (hướng dẫn sử dụng hệ thống tại Phụ lục đính kèm):

Bước 1: Tra cứu thông tin doanh nghiệp đáp ứng một số điều kiện trên RISKMAN quản lý rủi ro.

Bước 2. In Mẫu đánh giá doanh nghiệp, do RISKMAN tự động kết xuất.

Bước 3. Căn cứ hồ sơ hải quan do doanh nghiệp xuất trình, công chức xác nhận hoặc không xác nhận việc đáp ứng điều kiện về Thư bảo lãnh; căn cứ kết quả tra cứu tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, hướng dẫn dưới đây, công chức xác nhận hoặc không xác nhận điều kiện về tổ chức tín dụng. Công chức đánh dấu trực tiếp trên Mẫu in.

Bước 4. Công chức ký, đóng dấu công chức lên Mẫu in; lưu Mẫu in vào hồ sơ hải quan của hàng hóa.

b) Về tổ chức tín dụng phát hành thư bảo lãnh thuế:

- Căn cứ kết quả thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của các tổ chức tín dụng phát hành Thư bảo lãnh, căn cứ Điểm d-2) Khoản 2 Điều 21 Thông tư số 128/2013/TT-BTC, các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức cập nhật Danh sách các tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trên RISKMAN. Công chức sử dụng chức năng cập nhật thông tin về tổ chức tín dụng (hướng dẫn sử dụng hệ thống tại Phụ lục đính kèm).

- Công chức hải quan sử dụng chức năng “Tra cứu thông tin doanh nghiệp” trên RISKMAN để tra cứu và xác định tổ chức tín dụng có thuộc danh sách các tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh hay không, theo trình tự như sau (hướng dẫn sử dụng hệ thống tại Phụ lục đính kèm):

Bước 1: Tra cứu danh sách tổ chức tín dụng không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trên RISKMAN.

Bước 2. In Mẫu kết quả tra cứu, do RISKMAN tự động kết xuất.

Bước 3: Công chức ký và đóng dấu công chức lên Mẫu in; lưu cùng hồ sơ hải quan của hàng hóa.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị báo cáo về Tổng cục Hải quan (Ban Quản lý rủi ro hải quan, Tổ Quản lý tuân thủ, điện thoại 04-39440833 máy lẻ 9627, fax: 04-39440644) để hướng dẫn xử lý.

Tổng cục hải quan thông báo để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục trưởng (để b/cáo);
- PTCT Nguyễn Công Bình (để b/c);
- Cục Thuế XNK (để p/h th/h);
- Lưu: VT, QLRR (2b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN QUẢN LÝ RỦI RO HQ




Quách Đăng Hòa

 

HƯỚNG DẪN TRA CỨU DANH SÁCH DOANH NGHIỆP TRÊN RISKMAN

I. Tra cứu tuân thủ doanh nghiệp.

1. Chọn chức năng 5.2.11: Tra cứu mức độ tuân thủ pháp luật của DN trên hệ thống Quản lý rủi ro

2. Nhập mã doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp vào chức năng Tra cứu trên hệ thống, click nút Tìm kiếm

3. Hệ thống Hiển thị danh sách doanh nghiệp cần tìm kiếm, click vào mã Doanh nghiệp cần xem.

4. Kết quả hiển thị như sau:

5. Click nút IN để in Mẫu tra cứu.

 

CỤC HẢI QUAN…..
CHI CỤC….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Kết quả tra cứu đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp

Mã doanh nghiệp: ……………….

Tên doanh nghiệp: ………………

Mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp: Loại ………………………..…………

Thời gian tra cứu ……………………………………..

 

 

Công chức tra cứu
Ký tên và đóng dấu công chức

II. Tra cứu xếp hạng rủi ro doanh nghiệp.

1. Chọn chức năng 5.2.12: Tra cứu mức độ phân hạng doanh nghiệp trên hệ thống Quản lý rủi ro

2. Nhập mã doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp vào chức năng Tra cứu trên hệ thống, click nút Tìm kiếm

3. Hệ thống Hiển thị danh sách doanh nghiệp tìm kiếm, click vào mã Doanh nghiệp cần xem.

4. Kết quả hiển thị như sau:

5. Click nút IN để in Mẫu Tra cứu.

 

CỤC HẢI QUAN…..
CHI CỤC….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Kết quả tra cứu phân hạng doanh nghiệp

Mã số DN: ………………………….

Tên DN: …………………………….

Hạng: ………………………………

Thời gian tra cứu: ……………………….

Số tờ khai Hải quan: …………………….

Ngày tờ khai Hải quan: ………………………

 

 

Công chức tra cứu
Ký tên và đóng dấu công chức

III. Tra cứu tổ chức tín dụng không đáp ứng điều kiện bảo lãnh

1. Chọn chức năng 5.1.13: Tra cứu tổ chức tín dụng không được chấp nhận thư bảo lãnh trên hệ thống Quản lý rủi ro

2. Nhập mã số thuế tổ chức tín dụng hoặc tên tổ chức tín dụng vào chức năng Tra cứu trên hệ thống

3. Nếu Hệ thống đưa ra danh sách tổ chức tín dụng, Click vào tổ chức tín dụng tương ứng, hệ thống đưa ra thông tin như sau.

CỤC HẢI QUAN (1)…..
CHI CỤC (2)….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Kết quả tra cứu tổ chức tín dụng không được chấp nhận thư bảo lãnh

Mã số thuế: …………….

Tên tổ chức: ……………

Thời gian tra cứu …………………….

Tổ chức tín dụng này thuộc danh sách các tổ chức tín dụng không được chấp nhận thư bảo lãnh

4. Click nút IN để in Mẫu Tra cứu.

 

CỤC HẢI QUAN (1)…..
CHI CỤC (2)….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Kết quả tra cứu tổ chức tín dụng không được chấp nhận thư bảo lãnh

Mã số thuế: …………….

Tên tổ chức: ……………

Thời gian tra cứu …………………….

Tổ chức tín dụng này thuộc danh sách các tổ chức tín dụng không được chấp nhận thư bảo lãnh

 

 

Công chức tra cứu
Ký tên và đóng dấu công chức

IV. Tra cứu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện xác định trước trị giá

1. Chọn chức năng 5.2.10: Tra cứu xác định trước trị giá trên hệ thống Quản lý rủi ro

2. Nhập mã doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp vào chức năng Tra cứu trên hệ thống

3. Hệ thống Hiển thị danh sách doanh nghiệp tìm kiếm, click vào mã Doanh nghiệp cần xem.

4. Kết quả hiển thị như sau:

5. Click nút IN để in Mẫu Tra cứu.

 

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Kết quả tra cứu đánh giá doanh nghiệp được xác định trước trị giá

Mã doanh nghiệp: ……………………….

Tên doanh nghiệp: ……………………

Thời gian tra cứu: …………………………..

Công văn đề nghị số: ……………………………..

Ngày …………………………………………………..

Stt

Điều kiện

Kết quả

1.

Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đánh giá

Đáp ứng

2.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không có trong danh sách đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan hải quan

Đáp ứng

3.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thương mại trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cơ quan hải quan

Đáp ứng

4.

Đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C cho toàn bộ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc hợp đồng mua bán đề nghị xác định trước trị giá

 

5.

Thực hiện giao hàng 01 lần cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán đề nghị xác định trước trị giá

 

6.

Doanh nghiệp có đơn đề nghị xác định trước trị giá hải quan và cam kết chưa từng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giống hệt với hàng hóa đó

 

 

 

Công chức xác nhận
Ký tên và đóng dấu công chức

V. Tra cứu doanh nghiệp đáp ứng điều kiện bảo lãnh thuế

1. Chọn chức năng 5.2.8: Tra cứu bảo lãnh thuế trên hệ thống Quản lý rủi ro

2. Nhập mã doanh nghiệp hoặc tên doanh nghiệp vào chức năng Tra cứu trên hệ thống

3. Click vào doanh nghiệp tương ứng, hệ thống đưa ra thông tin như sau.

 

CỤC HẢI QUAN (1)…..
CHI CỤC …(2)….
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Kết quả tra cứu đánh giá doanh nghiệp được bảo lãnh thuế

Mã doanh nghiệp: …………….

Tên doanh nghiệp: ……………

Thời gian tra cứu: …………………….

Stt

Điều kiện

Kết quả

1.

Người nộp thuế có vốn chủ sở hữu 10 tỷ đồng trở lên

Đáp ứng

2.

Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu

Đáp ứng

3.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan hải quan

Đáp ứng

4.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của cơ quan hải quan

Đáp ứng

5.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không quá hai lần bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đáp ứng

6.

Không có trong danh sách còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm đánh giá

Đáp ứng

7.

Có Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thành lập và hướng dẫn theo Luật các tổ chức tín dụng

 

8.

Tổ chức tín dụng vi phạm các quy định nhận bảo lãnh trước đó

 

 

 

4. Click nút In để in Mẫu Tra cứu.

 

CỤC HẢI QUAN
CHI CỤC …
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

 

Kết quả tra cứu đánh giá doanh nghiệp được bảo lãnh thuế

Mã doanh nghiệp: …………….

Tên doanh nghiệp: ……………

Thời gian tra cứu: …………………….

Tờ khai Hải quan số ……………………..

Ngày …………………………….

Chứng thư bảo lãnh số …………………………….

Ngày …………………………….

Tổ chức tín dụng phát hành ……………………….

Stt

Điều kiện

Kết quả

1.

Người nộp thuế có vốn chủ sở hữu 10 tỷ đồng trở lên

Đáp ứng

2.

Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu

Đáp ứng

3.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan hải quan

Đáp ứng

4.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của cơ quan hải quan

Đáp ứng

5.

Trong vòng 365 ngày tính đến ngày đánh giá không quá hai lần bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính

Đáp ứng

6.

Không có trong danh sách còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm đánh giá

Đáp ứng

7.

Có Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thành lập và hướng dẫn theo Luật các tổ chức tín dụng

 

8.

Tổ chức tín dụng vi phạm các quy định nhận bảo lãnh trước đó

 

 

 

Công chức xác nhận
Ký tên và đóng dấu công chức

 

HƯỚNG DẪN TRA CỨU XẾP HẠNG DOANH NGHIỆP TRÊN VCIS

1. Trên Mục “Tiêu chí lựa chọn”, chọn “Tiêu chí lựa chọn kiểm tra nhập khẩu” hoặc “Tiêu chí lựa chọn kiểm tra xuất khẩu” (Hình 1 và Hình 2)

Hình 1:

Hình 2:

2. Thực hiện nghiệp vụ SK01A (đối với doanh nghiệp nhập khẩu) hoặc SK02A (đối với doanh nghiệp xuất khẩu).

3. Trên màn hình SK01A hoặc SK02A, chọn Nhóm tiêu chí “001: Xếp hạng người xuất nhập khẩu” và Tổ hợp tiêu chí “0001: Xếp hạng người xuất nhập khẩu” và điền mã số doanh nghiệp cần tra cứu (Hình 3)

4. Hệ thống hiển thị kết quả tra cứu (Hình 4):

 

Điều 17. Đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh

1. Cơ quan hải quan thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh để áp dụng chính sách ưu tiên hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, biện pháp quản lý thuế và các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác trong quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của doanh nghiệp đó.

2. Việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp được thực hiện hàng ngày (vào 00 giờ) trên hệ thống thông tin nghiệp vụ, trên cơ sở hệ thống tự động tích hợp, xử lý dữ liệu từ hồ sơ doanh nghiệp và các hệ thống thông tin, dữ liệu có liên quan của ngành Hải quan theo các điều kiện tại khoản 3 Điều này để phân loại doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh theo ba (03) loại dưới đây:

a) Loại 1. Doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật hải quan, pháp luật thuế (sau đây gọi là Doanh nghiệp tuân thủ tốt);

b) Loại 2. Doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế ở mức độ trung bình (sau đây gọi là Doanh nghiệp tuân thủ trung bình);

c) Loại 3. Doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế (sau đây gọi là Doanh nghiệp không tuân thủ).

3. Điều kiện đánh giá doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế.

a) Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được đánh giá là Doanh nghiệp tuân thủ tốt phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện dưới đây:

a.1) Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa thường xuyên trong thời gian hai (02) năm tính đến ngày đánh giá.

a.2) Trong thời gian hai (02) năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá:

i) Không có vụ việc vi phạm bị khởi tố vụ án, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp không bị khởi tố bị can về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế;

ii) Không bị các cơ quan nhà nước xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế;

iii) Không bị xử lý vi phạm pháp luật về hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

iv) Không bị xử lý vi phạm pháp luật về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan hoặc các chức danh tương đương theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

v) Không bị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực kế toán, với mức phạt tiền tương ứng với mức phạt tại điểm iv khoản này;

vi) Không bị cơ quan hải quan xử lý hành chính về hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong kiểm tra, giám sát hải quan;

vii) Không bị cơ quan hải quan đánh giá không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế theo kết quả kiểm tra sau thông quan quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Thông tư này.

a.3) Không còn nợ thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đánh giá;

a.4) Tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

b) Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được đánh giá là Doanh nghiệp tuân thủ trung bình là doanh nghiệp không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm c khoản này.

c) Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh bị đánh giá là Doanh nghiệp không tuân thủ thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

c.1) Trong thời gian hai (02) năm liên tục trở về trước tính đến ngày đánh giá:

i) Bị khởi tố vụ án đối với sai phạm trong hoạt động của doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp bị khởi tố bị can về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế;

ii) Bị các cơ quan nhà nước xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trốn thuế, gian lận thuế; hoặc về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kế toán dẫn đến trốn thuế, gian lận thuế;

iii) Bị xử lý về hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

iv) Hai (02) lần trở lên bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan hoặc các chức danh tương đương theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

v) Bị cơ quan hải quan xử lý hành chính về hành vi không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan trong kiểm tra, giám sát hải quan;

vi) Bị cơ quan hải quan đánh giá không tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế theo kết quả kiểm tra sau thông quan quy định tại điểm a khoản 4 Điều 28 Thông tư này.

c.2) Nợ thuế quá hạn quá chín mươi (90) ngày đối với hàng xuất khẩu, nhập khẩu, kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế tại thời điểm đánh giá.

4. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm:

a) Ban hành, áp dụng chỉ số đánh giá theo điều kiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa thường xuyên trong thời gian hai năm tại điểm a.1 khoản 3 Điều này phù hợp với yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế trong từng thời kỳ;

b) Áp dụng thống nhất điều kiện đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại khoản 3 Điều này;

c) Phân công nhiệm vụ cho đơn vị Hải quan các cấp trong việc thu thập, cập nhật thông tin, đảm bảo việc đánh giá tuân thủ pháp luật đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Xem nội dung VB
Điều 18. Đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh

1. Doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa được đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro, bao gồm:

a) Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên;

b) Hạng 2: Doanh nghiệp rủi ro rất thấp;

c) Hạng 3: Doanh nghiệp rủi ro thấp;

d) Hạng 4: Doanh nghiệp rủi ro trung bình;

đ) Hạng 5: Doanh nghiệp rủi ro cao;

e) Hạng 6: Doanh nghiệp rủi ro rất cao;

g) Hạng 7: Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh dưới 365 ngày.

2. Việc đánh giá, công nhận Doanh nghiệp ưu tiên được thực hiện theo theo Thông tư số 86/2013/TT-BTC ngày 17 tháng 6 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan đối với doanh nghiệp đủ điều kiện.

3. Doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh dưới 365 ngày là doanh nghiệp chưa có hoặc có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa dưới 365 ngày trở về trước tính đến ngày đánh giá.

4. Cơ quan hải quan thu thập thông tin, ứng dụng tiêu chí và hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, trừ trường hợp tại điểm a khoản 1 Điều này.

5. Kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ rủi ro của doanh nghiệp được cung cấp, làm cơ sở cho việc áp dụng chính sách ưu tiên, áp dụng chế độ, chính sách quản lý hải quan, quản lý thuế hoặc áp dụng các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và các biện pháp nghiệp vụ khác trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Việc áp dụng khoản này đối với doanh nghiệp tại điểm g khoản 1 Điều này được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan trên cơ sở phù hợp với quy mô, lĩnh vực hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp và yêu cầu quản lý hải quan, quản lý thuế trong từng thời kỳ.

6. Tổng cục Hải quan có trách nhiệm:

a) Căn cứ vào số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu có trụ sở chính và hoạt động trên từng địa bàn Cục Hải quan để xây dựng kế hoạch, lập danh sách doanh nghiệp đưa vào diện đánh giá xếp hạng phù hợp với điều kiện, khả năng của từng Cục Hải quan.

b) Tổng cục Hải quan ban hành quy trình, phân công nhiệm vụ và quy định trách nhiệm cụ thể của đơn vị Hải quan các cấp trong việc thu thập thông tin, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro đối với doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Xem nội dung VB
Điều 24. Kiểm tra việc tuân thủ chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hải quan, pháp luật thuế

1. Cơ quan hải quan xây dựng, quản lý, kết nối hệ thống thông tin dữ liệu để phục vụ kiểm tra việc tuân thủ chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hải quan, pháp luật thuế, bao gồm:

a) Thông tin cấp phép, hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu; danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành;

b) Thông tin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa;

c) Danh mục mã số hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu;

d) Danh mục mã số hàng hóa theo Biểu thuế suất thuế xuất khẩu, Biểu thuế suất thuế nhập khẩu, Biểu thuế suất thuế giá trị gia tăng, Biểu thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và các Biểu thuế và lệ phí khác áp dụng trong từng thời kỳ;

đ) Thông tin nộp thuế, bảo lãnh thuế tại kho bạc, ngân hàng và các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;

e) Thông tin quản lý việc nộp thuế, cưỡng chế thuế;

g) Thông tin khác phục vụ cho việc quản lý hải quan, quản lý thuế.

2. Việc kiểm tra các thông tin tại khoản 1 Điều này được thực hiện tự động trên hệ thống thông quan trên cơ sở kết nối với hệ thống thông tin nghiệp vụ và các hệ thống thông tin liên quan.

3. Hệ thống thông tin nghiệp vụ phân luồng và đưa ra các chỉ dẫn kiểm tra trong các trường hợp:

a) Pháp luật hải quan, pháp luật thuế quy định người khai hải quan phải xuất trình chứng từ trước khi giải phóng hàng, trước khi thông quan;

b) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro liên quan đến loại chứng từ cần phải kiểm tra;

c) Hệ thống thông tin chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, xử lý dữ liệu tự động trong một số trường hợp cụ thể.

4. Công chức làm thủ tục hải quan có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra theo chỉ dẫn của hệ thống thông tin nghiệp vụ đối với các trường hợp tại khoản 3 Điều này.

Xem nội dung VB
Điều 8. Xác định trước trị giá hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây gọi tắt là xác định trước trị giá)

1. Trường hợp, điều kiện xác định trước trị giá

a) Xác định trước phương pháp xác định trị giá tính thuế, các khoản điều chỉnh cộng, điều chỉnh trừ, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nếu tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước trị giá chưa từng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giống hệt với hàng hoá đó.

b) Xác định trước mức giá ngoài việc đáp ứng điều kiện nêu tại điểm a khoản này, tổ chức, cá nhân đề nghị xác định trước mức giá phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

b.1) Có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong thời gian tối thiểu 365 ngày tính đến ngày nộp Đơn đề nghị xác định trước trị giá. Trong vòng 365 ngày đó, tổ chức, cá nhân:

b.1.1) Không có trong danh sách đã bị xử phạt về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của cơ quan hải quan;

b.1.2) Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của cơ quan hải quan;

b.2) Đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C cho toàn bộ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc hợp đồng mua bán đề nghị xác định trước trị giá.

b.3) Thực hiện giao hàng 01 lần cho toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán đề nghị xác định trước trị giá.

2. Hồ sơ xác định trước trị giá

a) Đối với trường hợp đề nghị xác định trước phương pháp xác định trị giá tính thuế:

a.1) Đơn đề nghị xác định trước trị giá (theo mẫu số 04/XĐTTG/2013 Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này): 01 bản chính;

a.2) Hợp đồng mua bán hàng hóa do tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện giao dịch theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 205/2010/TT-BTC ngày 15/10/2010 của Bộ Tài chính: 01 bản chụp;

a.3) Tài liệu kỹ thuật, hình ảnh hoặc catalogue hàng hóa: 01 bản chụp;

a.4) Các chứng từ, tài liệu phù hợp với trường hợp đề nghị xác định trước trị giá của tổ chức cá nhân: 01 bản chụp, như:

a.4.1) Đối với hàng hóa nhập khẩu:

- Chứng từ, tài liệu chứng minh mối quan hệ đặc biệt không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch;

- Chứng từ, tài liệu có liên quan đến các khoản tiền người mua phải trả nhưng chưa tính vào giá mua ghi trên hoá đơn thương mại;

- Chứng từ, tài liệu có liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng;

- Chứng từ, tài liệu có liên quan đến các khoản điều chỉnh trừ;

- Các chứng từ tài liệu khác liên quan đến hàng hóa đề nghị xác định trước trị giá (nếu có).

a.4.2) Đối với hàng hóa xuất khẩu:

- Các chứng từ có liên quan trong trường hợp giá bán thực tế tại cửa khẩu xuất không phải là giá FOB, giá DAF;

- Các chứng từ tài liệu khác liên quan đến hàng hóa đề nghị xác định trước trị giá (nếu có).

a.5) Bảng kê các chứng từ, tài liệu: 01 bản chính.

b) Đối với trường hợp đề nghị xác định trước mức giá: Ngoài các chứng từ, tài liệu nêu tại điểm a khoản này, hồ sơ xác định trước mức giá của tổ chức, cá nhân phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng bằng phương thức L/C của toàn bộ hàng hóa thuộc hợp đồng mua bán: 01 bản chụp.

3. Thủ tục xác định trước trị giá

a) Đối với tổ chức, cá nhân:

a.1) Điền đủ các thông tin vào Đơn đề nghị xác định trước trị giá (theo mẫu số 04/XĐTTG/2013 Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này);

a.2) Nộp đủ hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá theo quy định tại khoản 2 Điều này đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi dự kiến làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đề nghị xác định trước trị giá, trong thời hạn ít nhất 90 ngày trước khi xuất khẩu, nhập khẩu lô hàng;

a.3) Cung cấp bổ sung hồ sơ, tham gia đối thoại nhằm làm rõ nội dung đề nghị xác định trước trị giá cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoặc Tổng cục Hải quan khi có yêu cầu;

a.4) Thông báo bằng văn bản cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có bất kỳ thay đổi nào liên quan đến hàng hóa đề nghị xác định trước trị giá đã nộp cho cơ quan hải quan, trong đó nêu rõ nội dung, lý do, ngày, tháng, năm có sự thay đổi.

a.5) Đề nghị Tổng cục Hải quan gia hạn áp dụng văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá trong trường hợp hết thời hạn có hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá, nhưng không có thay đổi về thông tin, tài liệu và quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá.

b) Đối với cơ quan hải quan:

Trên cơ sở quy định của pháp luật, cơ sở dữ liệu về trị giá của cơ quan hải quan và hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá của tổ chức, cá nhân, cơ quan hải quan thực hiện như sau:

b.1) Cục Hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra hồ sơ và xử lý:

b.1.1) Trường hợp không đủ điều kiện xác định trước trị giá quy định tại khoản 1 Điều này hoặc hợp đồng mua bán hàng hóa do tổ chức, cá nhân không trực tiếp thực hiện giao dịch: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản từ chối xác định trước trị giá gửi tổ chức, cá nhân;

b.1.2) Trường hợp đủ điều kiện xác định trước trị giá quy định tại khoản 1 điều này, hợp đồng mua bán hàng hóa do tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện giao dịch nhưng hồ sơ không đủ hoặc Đơn đề nghị không điền đủ thông tin theo mẫu: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn đề nghị, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân bổ sung các thông tin, chứng từ, tài liệu;

b.1.3) Trường hợp đủ điều kiện xác định trước trị giá quy định tại khoản 1 điều này, hợp đồng mua bán hàng hóa do tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện giao dịch đủ hồ sơ và Đơn đề nghị điền đủ thông tin theo mẫu: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét, giải quyết và gửi kèm toàn bộ hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá của tổ chức, cá nhân. Văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan phải nêu rõ ý kiến đề xuất, cơ sở đề xuất.

Hồ sơ và kết quả xử lý được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về trị giá của cơ quan hải quan.

b.2) Tổng cục Hải quan kiểm tra hồ sơ, văn bản đề nghị của Cục Hải quan tỉnh, thành phố và thực hiện:

b.2.1) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá (theo mẫu số 05/TB-XĐTTG/2013 Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này) trong thời hạn 25 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ do Cục Hải quan tỉnh, thành phố gửi (đối với trường hợp thông thường) hoặc 90 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ (đối với trường hợp phức tạp cần xác minh, làm rõ). Văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá được gửi cho tổ chức, cá nhân và Cục Hải quan tỉnh, thành phố, đồng thời cập nhật vào cơ sở dữ liệu của cơ quan hải quan và công khai trên trang điện tử của Tổng cục Hải quan.

b.2.2) Trong quá trình xử lý hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá, nếu cần làm rõ thông tin, chứng từ trong hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá, Tổng cục Hải quan yêu cầu tổ chức, cá nhân tham gia đối thoại. Trường hợp không đủ cơ sở, thông tin, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ từ Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan có văn bản thông báo hoặc đề nghị tổ chức, cá nhân bổ sung thông tin, tài liệu.

Thời hạn xử lý hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá được tính từ ngày Tổng cục Hải quan nhận đủ thông tin, tài liệu do tổ chức, cá nhân cung cấp bổ sung.

b.2.3) Đối với trường hợp cần xác minh làm rõ tại cơ quan thẩm quyền nước ngoài thì thời hạn xác minh làm rõ thực hiện theo thỏa thuận đã ký với nước ngoài. Thời hạn xử lý hồ sơ xác định trước trị giá được tính từ ngày Tổng cục Hải quan nhận được kết quả xác minh.

4. Hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá

a) Văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá không có hiệu lực áp dụng trong trường hợp hàng hóa hoặc hồ sơ thực tế xuất khẩu, nhập khẩu khác với hàng hóa hoặc hồ sơ đề nghị xác định trước trị giá; hoặc hồ sơ xác định trước trị giá có thay đổi.

b) Văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá có hiệu lực như sau:

b.1) Trường hợp xác định trước phương pháp xác định trị giá tính thuế: Văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá có hiệu lực đối với giao dịch được xác định trước trị giá nhưng tối đa không quá 03 năm kể từ ngày Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký ban hành.

b.2) Trường hợp xác định trước mức giá: Văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá có hiệu lực trực tiếp đối với lô hàng được xác định trước mức giá.

c) Trường hợp hết thời hạn có hiệu lực của văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá, nếu không có thay đổi về thông tin, tài liệu và căn cứ ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xem xét gia hạn áp dụng văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.

d) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản sửa đổi, thay thế văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá (theo mẫu số 06/TT-XĐTTG/2013 Phụ lục III ban hành kèm Thông tư này) trong trường hợp phát hiện văn bản thông báo kết quả xác định trước chưa phù hợp. Văn bản sửa đổi, thay thế văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá có hiệu lực áp dụng kể từ ngày ban hành.

đ) Văn bản thông báo xác định trước trị giá chấm dứt hiệu lực trong trường hợp quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá có thay đổi. Thời điểm chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành thông báo kết quả xác định trước trị giá thay đổi có hiệu lực thi hành.

e) Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành văn bản hủy bỏ văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá trong trường hợp phát hiện hồ sơ xác định trước trị giá do tổ chức, cá nhân cung cấp không chính xác, không trung thực.

5. Văn bản thông báo kết quả xác định trước trị giá là cơ sở để khai báo Tờ khai trị giá tính thuế và được nộp cùng với hồ sơ hải quan (01 bản chụp) khi làm thủ tục hải quan.

6. Trường hợp không đồng ý với nội dung xác định trước trị giá của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, tổ chức, cá nhân có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính để được xem xét, giải quyết.

Xem nội dung VB
Điều 23. Kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai hải quan

1. Thông tin trên tờ khai hải quan phải được kiểm tra trên hệ thống thông tin nghiệp vụ để đánh giá các điều kiện được chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan.

2. Việc kiểm tra điều kiện đăng ký tờ khai hải quan bao gồm:

a) Xác định tính đầy đủ, hợp lệ của các thông tin trên tờ khai hải quan;

b) Phát hiện các sai sót, nhầm lẫn trong khai hải quan;

c) Xác định sự phù hợp của các thông tin về chính sách quản lý, chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên tờ khai hải quan;

d) Đánh giá điều kiện thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh của người khai hải quan theo các quy định của pháp luật.

3. Cơ quan hải quan ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ để tự động kiểm tra, quyết định chấp nhận đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.

Xem nội dung VB
Điều 21. Bảo lãnh số tiền thuế phải nộp
...

2. Cơ quan hải quan chấp nhận áp dụng bảo lãnh nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

a) Điều kiện người nộp thuế được áp dụng bảo lãnh:

a.1) Người nộp thuế có vốn chủ sở hữu 10 tỷ đồng trở lên (theo báo cáo tài chính của năm trước liền kề năm đăng ký tờ khai hải quan), có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tối thiểu 365 ngày tính đến ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Trong thời gian 365 ngày trở về trước, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan cho lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được cơ quan hải quan xác định là:

a.1.1) Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới của cơ quan hải quan;

a.1.2) Không có trong danh sách đã bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận thuế của cơ quan hải quan;

a.1.3) Không quá hai lần bị xử lý về các hành vi vi phạm khác về hải quan (bao gồm cả hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu) với mức phạt tiền vượt thẩm quyền của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

a.2) Không có trong danh sách còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;

b) Có Thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng ghi rõ số tiền thuế thực hiện bảo lãnh, thời hạn bảo lãnh, cam kết với cơ quan hải quan liên quan về việc bảo đảm khả năng thực hiện và chịu trách nhiệm nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp thay cho người nộp thuế khi hết thời hạn bảo lãnh nhưng người nộp thuế chưa nộp thuế;

Xem nội dung VB