Công văn số 3708/UBND-ĐT Về lập, thẩm định và xét duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 3708/UBND-ĐT | Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Nguyễn Văn Đua |
Ngày ban hành: | 08/06/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Đất đai, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Xây dựng nhà ở, đô thị, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3708/UBND-ĐT |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 6 năm 2006 |
Kính gửi: |
- Hội đồng Thẩm định Bồi thường giải phóng mặt bằng thành phố; |
Xét đề nghị của Sở Tài chính (Công văn số 3849/STC-BVG ngày 11 tháng 5 năm 2006) về lập, thẩm định và xét duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố;
Uỷ ban nhân dân thành phố có ý kiến chỉ đạo về công tác lập, thẩm định và xét duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố được quy định như sau:
1. Về nguyên tắc bồi thường:
1.1. Mức chi phí bồi thường bằng giá trị xây dựng mới của công trình có kết cấu, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với công trình cần di dời.
- Công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương là công trình có quy mô, kết cấu và tính năng kỹ thuật giống như hiện trạng công trình cần di dời.
- Giá trị xây dựng mới là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng công trình có kết cấu, tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương và được xác định theo giá hiện hành tại thời điểm thẩm định xét duyệt phương án bồi thường.
1.2. Công trình hoặc hạng mục công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật có thể tháo rời, di chuyển, lắp đặt lại và tiếp tục sử dụng được thì khi cần di dời - tái lập chỉ tính bồi thường chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.
1.3. Công trình không còn sử dụng được thì không được bồi thường.
2. Bố cục và nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ:
2.1. Nêu các cơ sở pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, các hồ sơ liên quan đến công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời; tóm tắt quy mô hiện trạng của công trình. Nêu cụ thể về giá trị đầu tư ban đầu và giá trị đã khấu hao theo so sách của công trình phải di dời đến thời điểm thực hiện việc di dời.
2.2. Xác định tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ theo công thức sau:
Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ = (1) + (2) + (4) - (3); trong đó:
- (1) là chi phí bồi thường công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời có thể hoặc không thể tháo rời, di chuyển, lắp đặt lại theo nguyên tắc bồi thường nói trên.
- (2) là chi phí di dời tạm thời nếu có.
- (3) là giá trị vật tư, thiết bị thu hồi theo quy định.
- (4) là chi phí khảo sát và các khoản chi khác có liên quan đến việc lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành.
3. Về tổ chức thực hiện:
3.1. Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm:
- Khi tiến hành khảo sát lập Thiết kế cơ sở và dự án đầu tư phải thông báo ngay bằng văn bản cho các đơn vị quản lý chuyên ngành của các công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời về phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án và các hồ sơ liên quan để cùng chuẩn bị kế hoạch, nguồn vốn và thực hiện di dời.
- Phối hợp, hỗ trợ đơn vị quản lý chuyên ngành trong quá trình khảo sát lập hồ sơ bồi thường và tổ chức thực hiện.
- Kiểm tra xác nhận khối lượng di dời của các công trình hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi quy hoạch xây dựng dự án chính.
- Xem xét, trình cơ quan thẩm quyền xét duyệt tổng dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ do đơn vị quản lý chuyên ngành lập theo đúng quy định tại Điểm 2.2 nói trên.
- Hợp đồng và tổ chức chi trả (một lần) tiền bồi thường, hỗ trợ cho đơn vị quản lý chuyên ngành công trình phải di dời theo phương án bồi thường, hỗ trợ (không có dự phòng phí) được cơ quan thẩm quyền xét duyệt.
3.2. Đơn vị quản lý chuyên ngành của công trình hạ tầng kỹ thuật cần di dời có trách nhiệm:
- Lập phương án bồi thường, hỗ trợ di dời và tổ chức thực hiện việc di dời giải phóng mặt bằng đối với công trình theo đúng thủ tục và thời gian quy định.
- Cung cấp toàn bộ hồ sơ có liên quan cho chủ đầu tư dự án chính.
- Đầu tư xây dựng lại công trình mới theo đúng quy định về quản lý đầu tư và xây dựng.
- Chịu trách nhiệm về khối lượng công trình phải di dời.
- Được sử dụng lại toàn bộ vật tư, thiết bị thu hồi sau khi đã khấu trừ giá trị thu hồi vào dự toán bồi thường, hỗ trợ.
3.3. Trách nhiệm của các sở quản lý chuyên ngành kỹ thuật (Sở Công nghiệp, Sở Bưu chính - Viễn thông, Sở Giao thông - Công chính ... ):
- Xác định công trình hoặc hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật được bồi thường, hỗ trợ khi phải di dời; công trình hoặc hạng mục công trình chỉ được bồi thường chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt; công trình hoặc hạng mục công trình không được bồi thường, hỗ trợ khi phải di dời theo quy định.
- Xây dựng, hướng dẫn cho các đơn vị quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật về quy trình thực hiện và phương pháp lập dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định chuyên ngành.
- Xác định giá trị vật tư, thiết bị thu hồi theo quy định và khấu trừ ngay trong Hồ sơ dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ cho đơn vị có công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời.
- Phê duyệt dự toán chi phí bồi thường do chủ đầu tư dự án trình trong vòng 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
3.4. Trách nhiệm của Sở Tài chính:
- Phê duyệt Phương án bồi thường, hỗ trợ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật sau khi các sở quản lý chuyên ngành phê duyệt dự toán chi phí bồi thường, hỗ trợ theo quy định trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Tổ chức hướng dẫn các đơn vị có công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời thuộc thành phố quản lý, lập thủ tục ghi tăng, giảm tài sản cố định đối với công trình đã di dời - tái lập, báo cáo đề xuất với Bộ Tài chính hướng dẫn đối với các đơn vị có công trình hạ tầng kỹ thuật phải di dời - tái lập thuộc Trung ương quản lý./.
|
KT. CHỦ TỊCH |