Công văn 2598/BKHCN-TTra năm 2014 trả lời Tổng cục Hải quan về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu: 2598/BKHCN-TTra Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ Người ký: Trần Việt Thanh
Ngày ban hành: 22/07/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2598/BKHCN-TTra
V/v trả lời Tổng cục Hải quan về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu

Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2014

 

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

Bộ Khoa học và Công nghệ nhận được Công văn số 6011/TCHQ-GSQL đề ngày 28/5/2014 của Quý Tổng cục về việc trao đổi, đề nghị có ý kiến liên quan đến ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu. Sau khi nghiên cứu nội dung văn bản, tổng hợp ý kiến của các đơn vị liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời như sau:

1. Về nguyên tắc, hàng hóa lưu thông tại Việt Nam không phân biệt sản xuất trong nước hay nhập khẩu đều phải thực hiện ghi nhãn theo quy định của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa (Nghị định số 89/2006/NĐ-CP), ngoài ra tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, buôn bán hàng hóa còn phải thực hiện theo những quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành có liên quan. Các trường hợp không bắt buộc phải ghi nhãn cũng đã được quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

2. Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP quy định: Lưu thông hàng hóa là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa trong quá trình mua bán hàng hóa, trừ trường hợp vận chuyển hàng hóa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa từ cửa khẩu về kho lưu giữ. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có nghĩa vụ chứng minh hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 3 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP.

Tại Công văn số 3779/BKHCN-TĐC ngày 15/11/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ trả lời Công văn số 6494/TCHQ-PC ngày 01/11/2003 của Tổng cục Hải quan đã thống nhất ý kiến: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì không vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhưng tổ chức, cá nhân phải bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa ra lưu thông (với điều kiện hàng hóa phải có nhãn gốc theo quy định).

3. Liên quan đến Công văn số 341/TTra ngày 25/10/2011 của Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ: Đây là văn bản trao đổi ý kiến chuyên môn về một vụ việc cụ thể liên quan đến sản phẩm cụ thể (có mẫu sản phẩm thực phẩm chức năng được gửi kèm để lấy ý kiến). Qua xem xét sản phẩm và các thông tin trên sản phẩm cho thấy sản phẩm nhập khẩu là sản phẩm hoàn chỉnh, đã thực hiện ghi nhãn và đã có nhãn phụ bằng tiếng Việt kèm theo. Đối chiếu với quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, Thanh tra Bộ đã phân tích và xác định hành vi vi phạm về ghi nhãn đối với sản phẩm này. Do vậy, ý kiến chuyên môn tại Văn bản số 341/TTra không thể sử dụng để áp dụng cho các trường hợp khác khi xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa.

4. Về ghi xuất xứ

Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 89/2006/NĐ-CP, cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: ghi "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại" hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Mặt khác, theo quy định tại điểm 3, Mục II Thông tư số 09/2007/TT-BKHCN ngày 6/4/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 89/2006/NĐ-CP thì tên tổ chức, cá nhân và địa danh không được viết tắt.

Trên đây là ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với nội dung Quý Tổng cục đề nghị trao đổi. Một số ý kiến đề xuất của Quý Tổng cục sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi Nghị định số 89/2006/NĐ-CP .

Trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng cục TĐC;
- Lưu: VT, TTra.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Việt Thanh

 

Điều 5. Hàng hoá phải ghi nhãn
...

2. Hàng hoá không bắt buộc phải ghi nhãn:

a) Hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng;

b) Hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu (nông sản, thuỷ sản, khoáng sản), vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vôi, cát, đá, sỏi, xi măng, đất màu, vữa, hỗn hợp bê tông thương phẩm), phế liệu (trong sản xuất, kinh doanh) không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.

Xem nội dung VB
Điều 9. Ngôn ngữ trình bày nhãn hàng hoá
...

3. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Xem nội dung VB
Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...

6. "Lưu thông hàng hoá" là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hoá trong quá trình mua bán hàng hoá, trừ trường hợp vận chuyển hàng hoá của tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hoá từ cửa khẩu về kho lưu giữ.

Xem nội dung VB
Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...

6. "Lưu thông hàng hoá" là hoạt động trưng bày, vận chuyển, lưu giữ hàng hoá trong quá trình mua bán hàng hoá, trừ trường hợp vận chuyển hàng hoá của tổ chức cá nhân nhập khẩu hàng hoá từ cửa khẩu về kho lưu giữ.

Xem nội dung VB
Điều 17. Xuất xứ hàng hoá

Cách ghi xuất xứ hàng hoá được quy định như sau: ghi "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại" hoặc “xuất xứ” kèm tên nước hay vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hoá đó.

Đối với hàng hoá sản xuất tại Việt Nam để lưu thông trong nước, đã ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra hàng hoá đó thì không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá.

Xem nội dung VB
II. NỘI DUNG NHÃN HÀNG HOÁ

...

3. Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá

a) Tên tổ chức, cá nhân và địa danh không được viết tắt.

Ví dụ: Công ty Hoàng Phú, khu công nghiệp Tiên Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh thì các từ “Hoàng Phú”, “Tiên Sơn”, “Tiên Du”, “Bắc Ninh" không được viết tắt là "HP”, “TS”, “TD”, “BN".

b) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất ngay tại nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn ghi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất theo đăng ký kinh doanh.

Ví dụ: Sản xuất tại Công ty A, Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương

c) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá được sản xuất tại các địa điểm khác ngoài nơi đăng ký kinh doanh thì trên nhãn phải ghi địa chỉ của nơi sản xuất ra sản phẩm, hàng hoá đó.

Ví dụ: Mì chay của Công ty A mà sản xuất tại nhiều nơi thì ghi như sau:

Nếu sản xuất tại Nhà máy ở Hưng Yên phải ghi "sản xuất tại nhà máy X Thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên" hoặc "sản phẩm của Công ty A, sản xuất tại Thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên". Nếu sản xuất tại Nhà máy ở Bình Dương phải ghi "sản xuất tại nhà máy Y, xã An Phú, Thuận An, Bình Dương" hoặc "sản phẩm của Công ty A, sản xuất tại xã An Phú, Thuận An, Bình Dương".

Nếu ghi địa chỉ nhiều nơi sản xuất trên cùng một nhãn thì phải có chỉ dẫn hay ký hiệu trên nhãn để nhận biết nơi sản xuất hàng hoá đó.

Ví dụ: Bột giặt Hoa hồng của Công ty A ghi trên nhãn sản xuất tại nhiều nơi khác nhau như: khu công nghiệp Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội; xã An Phú, Thuận An, Bình D­ương. Nếu sản xuất tại khu công nghiệp Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội thì thể hiện trên nhãn một trong các cách sau:

- Cách 1: “Địa chỉ cơ sở sản xuất xem ở cạnh NXS

BD: Xã An Phú, Thuận An, Bình D­ương;

HN: KCN Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội.

NSX 081106 HN”.

- Cách 2: “Địa chỉ cơ sở sản xuất có đánh dấu x

Xã An Phú, Thuận An, Bình D­ương;__

KCN Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội. x ”

Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về ghi nhãn tự chọn ký hiệu để đánh dấu.

d) Hàng hoá do hai hay nhiều tổ chức, cá nhân cùng sản xuất thì ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông.

Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện các công đoạn để hoàn thiện hàng hoá trước khi đưa vào lưu thông như lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó và có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ, nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hoá trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức này cho phép.

Ví dụ 1: Công ty máy tính A ở số nhà 100 phố B Hà Nội mua linh kiện máy tính từ các nguồn khác nhau về lắp ráp tại xưởng X – Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội thành máy tính hoàn chỉnh để bán thì thể hiện như sau:

- Lắp ráp tại xưởng X - Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội, hoặc

- Sản phẩm của Công ty máy tính A ở số nhà 100 phố B Hà Nội lắp ráp tại xưởng X – Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội.

Ví dụ 2: Đường kính sản xuất tại nhà máy đường Lam Sơn Thanh hoá đóng bao 50kg, cửa hàng A ở số nhà 70 phố B Hà Nội đóng gói lại theo định lượng 1kg để bán thì ghi:

- Đóng gói tại cửa hàng A, 70 phố B Hà Nội, hoặc

- Sản xuất tại nhà máy đường Lam Sơn Thanh hoá, đóng gói tại cửa hàng A, 70 phố B Hà Nội.

Ví dụ 3: Nước mắm sản xuất tại Công ty A Nha Trang chứa trong xi téc. Doanh nghiệp D ở số nhà 80 phố B Hà Nội mua và đóng chai theo định lượng 1 lít để bán thì ghi:

- Đóng chai tại doanh nghiệp D, 80 phố B Hà Nội, hoặc

- Sản xuất tại Công ty A Nha Trang, đóng chai tại doanh nghiệp D, 80 phố B Hà Nội.

đ) Nếu cơ sở sản xuất hàng hoá là thành viên trong một tổ chức như Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn, Hiệp hội và các tổ chức khác thì có quyền ghi tên hoặc tên và địa chỉ, nhãn hiệu hàng hoá, thương hiệu và các nội dung khác của tổ chức đó trên nhãn khi được các tổ chức này cho phép, nhưng vẫn phải ghi địa chỉ nơi sản xuất hàng hoá.

Ví dụ: Quạt điện sản xuất tại nhà máy A, Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội thuộc Công ty B, Tổng công ty C thì trên nhãn có quyền ghi "Tổng công ty C, Công ty B, sản xuất tại nhà máy A, Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội”.

e) Trường hợp trên nhãn hàng hoá ghi thêm tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác nhằm quảng bá cho sản phẩm, hàng hoá của mình thì phải ghi mối liên quan giữa tổ chức, cá nhân ghi thêm với sản phẩm, hàng hoá đó.

Ví dụ: Bột giặt sản xuất tại Nhà máy A Khu công nghiệp Biên Hoà II, tỉnh Đồng Nai nhưng trên nhãn có ghi "Công ty B" hoặc “Viện hoá công nghiệp” hoặc “Hội hoá học Việt Nam”; Nhà máy A không phải đơn vị thuộc Công ty B, Viện hoá công nghiệp, Hội hoá học Việt Nam thì phải ghi: "Sản xuất cho Công ty B", “Thử nghiệm chất lượng tại Viện hoá công nghiệp”, “Hội hoá học Việt nam tư vấn kỹ thuật”.

Xem nội dung VB