Công văn 2572/BTP-BTTP năm 2019 thực hiện Luật Quy hoạch liên quan đến hoạt động công chứng
Số hiệu: 2572/BTP-BTTP Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tư pháp Người ký: Phan Chí Hiếu
Ngày ban hành: 10/07/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2572/BTP-BTTP
V/v thực hiện Luật Quy hoạch liên quan đến hoạt động công chứng

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 2019

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Vừa qua, Bộ Tư pháp nhận được Công văn của một số Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, Luật công chứng (vướng mắc về xác định hiệu lực của Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng, Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, trình tự, thủ tục thành lập Văn phòng công chứng trong điều kiện không còn quy hoạch và một số vướng mắc khác). Về vấn đề này, Bộ Tư pháp trả lời chung như sau:

1. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Điều 2 của Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng, theo đó, bãi bỏ các quy định có liên quan đến quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản trình Chính phủ ban hành Danh mục các quy hoạch hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, trong đó có Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

2. Điều 22, 23 Luật Công chứng quy định về điều kiện, thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng. Điểm d, khoản 1 Điều 70 quy định về việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng để lựa chọn hồ sơ cấp phép thành lập Văn phòng công chứng nhằm bảo đảm sự minh bạch, tránh khiếu kiện trong việc cho phép thành lập Văn phòng công chứng; bảo đảm thành lập Văn phòng công chứng uy tín, chất lượng vì hoạt động công chứng là dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, việc công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch liên quan chặt chẽ đến quyền, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, trật tự an toàn xã hội. Do vậy, việc thành lập Văn phòng công chứng phải tuân theo các tiêu chí do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và các quy định tại Luật công chứng.

Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có liên quan đến quy hoạch giao Bộ Tư pháp xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng chính sách này để trình Chính phủ xem xét, ban hành bảo đảm Nhà nước có chính sách phát triển nghề công chứng một cách phù hợp, tránh tùy tiện, tràn lan, kém chất lượng.

3. Về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, Luật công chứng, ngày 12/02/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 449/BTP-BTTP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đã hướng dẫn một số nội dung cơ bản về việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tư pháp về vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, Luật công chứng, kính gửi Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp nghiên cứu.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Vụ PLDSKT;
- Cục Kiểm tra VBQPPL;
- Cổng thông tin Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, Cục BTTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phan Chí Hiếu

 

Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng

1. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau:

“1. Việc thành lập tổ chức hành nghề công chứng phải tuân theo quy định của Luật này.”.

2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 24 như sau:

“1. Khi thay đổi một trong các nội dung quy định tại khoản 3 Điều 23 của Luật này, Văn phòng công chứng phải đăng ký nội dung thay đổi tại Sở Tư pháp nơi Văn phòng công chứng đã đăng ký hoạt động.”.

3. Sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 2 Điều 69 như sau:

“b) Xây dựng, trình Chính phủ ban hành chính sách phát triển nghề công chứng;

c) Chủ trì, phối hợp với bộ, ngành hướng dẫn, quản lý hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng;”.

4. Bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 70.

Xem nội dung VB
Điều 59. Quy định chuyển tiếp

1. Các quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực được thực hiện như sau:
...
d) Các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đã được quyết định hoặc phê duyệt hết hiệu lực chậm nhất là ngày 31 tháng 12 năm 2018.

Xem nội dung VB
Điều 22. Văn phòng công chứng

1. Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đối với loại hình công ty hợp danh.

Văn phòng công chứng phải có từ hai công chứng viên hợp danh trở lên. Văn phòng công chứng không có thành viên góp vốn.

2. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng công chứng là Trưởng Văn phòng. Trưởng Văn phòng công chứng phải là công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và đã hành nghề công chứng từ 02 năm trở lên.

3. Tên gọi của Văn phòng công chứng phải bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng do các công chứng viên hợp danh thỏa thuận, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề công chứng khác, không được vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Văn phòng công chứng phải có trụ sở đáp ứng các điều kiện do Chính phủ quy định.

Văn phòng công chứng có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.

5. Văn phòng công chứng sử dụng con dấu không có hình quốc huy. Văn phòng công chứng được khắc và sử dụng con dấu sau khi có quyết định cho phép thành lập. Thủ tục, hồ sơ xin khắc dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng công chứng được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.

Điều 23. Thành lập và đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng

1. Các công chứng viên thành lập Văn phòng công chứng phải có hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng gồm đơn đề nghị thành lập và đề án thành lập Văn phòng công chứng, trong đó nêu rõ sự cần thiết thành lập, dự kiến về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện; bản sao quyết định bổ nhiệm công chứng viên tham gia thành lập Văn phòng công chứng.

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định cho phép thành lập, Văn phòng công chứng phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đã ra quyết định cho phép thành lập.

Nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng bao gồm tên gọi của Văn phòng công chứng, họ tên Trưởng Văn phòng công chứng, địa chỉ trụ sở của Văn phòng công chứng, danh sách công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng và danh sách công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng của Văn phòng công chứng (nếu có).

4. Hồ sơ đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng gồm đơn đăng ký hoạt động, giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng công chứng phù hợp với nội dung đã nêu trong đề án thành lập và hồ sơ đăng ký hành nghề của các công chứng viên hợp danh, công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng (nếu có).

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký hoạt động, Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Văn phòng công chứng được hoạt động công chứng kể từ ngày Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động.

Xem nội dung VB
Điều 70. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương và có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
...
d) Ban hành tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng; quyết định cho phép thành lập, thay đổi và thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng công chứng, cho phép chuyển nhượng, hợp nhất, sáp nhập Văn phòng công chứng;

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.