Công văn số 2447/CV-UB-KT về việc giải quyết một số vướng mắc trong công tác cổ phần hóa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 2447/CV-UB-KT Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Trần Ngọc Côn
Ngày ban hành: 26/06/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 2447/CV-UB-KT
V/v giải quyết một số vướng mắc trong công tác cổ phần hóa.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 6 năm 1999

 

Kính gởi :

- Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp TP (các Thành viên)
- Sở Ban Ngành thành phố
- UBND các quận - huyện
- Các Tổng Công ty 90 thành phố

 

Theo đề nghị của Thường trực Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố và kết quả làm việc đã thống nhất tại cuộc họp ngày 18/6/1999 của các Thành viên Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố về việc giải quyết các vướng mắc trong công tác cổ phần hoá thành phố ; Ủy ban nhân dân thành phố có ý kiến chỉ đạo như sau :

1. Về việc chuyển giao tài sản cố định là nhà xưởng - vật kiến trúc cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa :

- Chuyển giao tài sản cố định cho doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa thuộc Ủy ban nhân dân quận - huyện, cần có ý kiến thống nhất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

- Chuyển giao tài sản mà doanh nghiệp hiện đang sử dụng một tầng, một số tầng của chung cư, nhà cao tầng, nhà có nhiều hộ : công văn số 2609/CV-UB-QLĐT ngày 13/7/1998 của Ủy ban nhân dân thành phố vẫn có hiệu lực đối với việc xét chuyển giao tài sản cố định cho các doanh nghiệp Nhà nước thành phố nói chung. Trường hợp doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa, cho phép thí điểm thực hiện chuyển giao tài sản cho doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa theo nguyên trạng diện tích doanh nghiệp đang sử dụng.

2. Về việc xác định tỷ lệ còn lại của tài sản doanh nghiệp đưa vào cổ phần hóa :

2.1 - Xác định tỷ lệ % còn lại của nhà xưởng - vật kiến trúc : giao Sở Xây dựng cung cấp cho Thường trực Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố danh sách những Công ty tư vấn thiết kế xây dựng của Nhà nước, trên địa bàn, có chức năng xác định tỷ lệ % còn lại của nhà xưởng - vật kiến trúc. Trên cơ sở đó, Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố thông báo cho các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa biết, để lựa chọn ký hợp đồng tư vấn thực hiện đo vẽ hiện trạng nhà xưởng và xác định tỷ lệ còn lại.

2.2 - Xác định tỷ lệ % còn lại của máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển ; nguyên vật liệu, hàng hóa tồn kho tiếp tục đưa vào giá trị doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa :

- Khi thành lập Hội đồng kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp phải mời bổ sung các thành viên Hội đồng như sau :

+ Chuyên gia về kỹ thuật am hiểu về tài sản đang có của doanh nghiệp (từ 1 đến 2 chuyên gia).

+ Chuyên gia về giá cả đang theo dõi giá cả thị trường.

+ Chuyên gia phòng kỹ thuật nghiệp vụ của cơ quan chủ quản.

Giám đốc doanh nghiệp sử dụng bộ phận kỹ thuật công nghệ của doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong Hội đồng để xác định tỷ lệ còn lại máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển ; nguyên vật liệu, hàng hóa tồn kho.

Hội đồng kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp lập biên bản cùng ký tên và chịu trách nhiệm các kết quả đó. Đây là tài liệu được công bố hợp lệ của doanh nghiệp tự xác định giá trị thực tế doanh nghiệp, giúp cho Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố thẩm định và phê duyệt kết quả.

Hội đồng kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin tài liệu, số liệu mà mình đã làm và bảo vệ kết quả trước Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố.

3. Về việc xử lý nợ khó đòi, con nợ còn tồn tại :

- Nợ khó đòi của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa mà con nợ vẫn còn địa chỉ để đòi nhưng có đủ chứng cứ chứng minh con nợ không có khả năng trả nợ như : pháp nhân đang chuẩn bị giải thể, phá sản (nhưng chưa giải thể, phá sản, đang mất khả năng thanh toán) ; con nợ hàng năm đều có xác nhận hứa trả, nhưng đòi nhiều lần không trả, hoặc có trả với tỷ lệ rất ít ; con nợ đang bị truy nã, bị tù không còn tài sản ; con nợ đang nằm trong giai đoạn điều tra để đưa ra xét xử ; con nợ là những nông dân, ngư dân mua vật tư để sản xuất, do thiên tai, do làm ăn thua lỗ chậm trả kéo dài.

Cách xử lý như sau :

3.1 - Giao nhiệm vụ cho các cơ quan chủ quản của các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa (Giám đốc Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Hội đồng Quản trị Tổng Công ty 90) phối hợp chỉ đạo doanh nghiệp lập ngay một Tổ đi đòi nợ trong thời hạn 3 tháng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về xử lý nợ khó đòi như : hạch toán vào kết quả kinh doanh, lập dự phòng...

3.2 - Sau khi đã thực hiện mọi biện pháp trên, sau 3 tháng, mà vẫn còn tồn đọng nợ phải thu khó đòi, cho phép xử lý như sau :

a ) Các khoản nợ vẫn tồn đọng không thu hồi được, trừ vào giá trị doanh nghiệp theo tinh thần điểm 3.1.2 - tiết 3.1 - mục 3-phần thứ hai của Thông tư số 104/1998/TT-BTC ngày 18/7/1998 của Bộ Tài chính, nhưng không xóa nợ đối với các con nợ. Doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa phải lập đầy đủ hồ sơ nêu dưới đây bàn giao cho Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần mới tiếp tục đòi nợ nộp về cho ngân sách.

b ) Khi xử lý trừ vào giá trị doanh nghiệp, phải có biên bản của Hội đồng kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp ghi rõ giá trị nợ, lập bản biểu chi tiết các khoản nợ và lập đầy đủ hồ sơ như sau :

+ Phải có tên, địa chỉ, nội dung từng khoản nợ, số tiền phải thu của từng con nợ.

+ Doanh nghiệp trình bày rõ lý do, các chứng từ gốc hoặc xác nhận con nợ về số tiền còn nợ chưa trả bao gồm : hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ.

+ Giám đốc doanh nghiệp căn cứ vào các hồ sơ được lập để đề nghị đưa khoản nợ phải thu khó đòi trên ra ngoài giá trị doanh nghiệp trừ vào vốn Nhà nước, Giám đốc doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước Nhà nước và trước pháp luật. Toàn bộ kết quả này báo cáo trong hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp.

c ) Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố thẩm tra lại toàn bộ hồ sơ mà doanh nghiệp lập cho từng con nợ.

4. Về thủ tục thẩm định giá trị doanh nghiệp và thông qua đề án cổ phần hoá của doanh nghiệp :

Để rút ngắn thời gian thủ tục và trình tự xem xét thông qua đề án cổ phần hóa của một doanh nghiệp cho phép thí điểm tổ chức, kết hợp hai cuộc họp sau đây thành một cuộc do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố - kiêm Trưởng Ban Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố chủ trì :

a ) Cuộc họp do Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố thông qua giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa.

b ) Cuộc họp do Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố xét thông qua đề án cổ phần hóa của doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa.

Thành phần cuộc họp duy nhất này bao gồm :

- Hội đồng Kiểm kê tài sản tại doanh nghiệp để báo cáo giá trị doanh nghiệp và Trưởng ban Đổi mới quản lý tại doanh nghiệp (Giám đốc) báo cáo đề án cổ phần hóa.

- Các thành viên Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố và tổ nghiệp vụ (giúp việc Hội đồng), báo cáo kết quả thẩm tra giá trị doanh nghiệp.

- Các thành viên Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố. Thường trực ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố trình bày ý kiến của Thường trực Ban về giá trị doanh nghiệp và đề án.

5. Bổ sung lãnh đạo Sở Xây dựng làm thành viên Hội đồng xác định giá trị doanh nghiệp thành phố. Giao Ban Tổ chức Chính quyền thành phố xem xét chuẩn bị văn bản trình Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định.-

 

 

Nơi nhận:
- Như trên
- TT/TU, TT UBND/TP
- VPUB : CPVP, Các Tổ NCTH
- Lưu

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Côn