Công văn 2415/CT-BNN-BVTV năm 2013 tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm
Số hiệu: | 2415/CT-BNN-BVTV | Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Cao Đức Phát |
Ngày ban hành: | 22/07/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, Y tế - dược, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2415/CT-BNN-BVTV |
Hà Nội, ngày 22 tháng 07 năm 2013 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ SẢN XUẤT, TIÊU THỤ RAU ĐỂ ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM
Trong những năm qua, các địa phương trong cả nước đã có nhiều cố gắng, tạo được một số chuyển biến tích cực trong quản lý, phát triển sản xuất rau an toàn. Mặc dù vậy, theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, nhóm rau ăn lá như rau muống, rau ngót, cải xanh, cải thảo, cải ngọt, bắp cải, … là các loại rau được dùng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày ở nước ta vẫn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Vấn đề này đang gây bức xúc và lo ngại đối với người tiêu dùng trong nước.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do người sản xuất chưa thực hiện tốt quy định trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân về sản xuất rau an toàn còn nhiều hạn chế; Công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau an toàn còn nhiều mặt yếu kém; Công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV, đặc biệt trên rau còn bị buông lỏng ở nhiều địa phương.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên và tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn trong sản xuất rau an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
a) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện rà soát, duy trì, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường thực hiện các biện pháp sản xuất rau an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP);
b) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khuyến nông ở địa phương; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông tập huấn, hướng dẫn nông dân về quy trình sản xuất rau an toàn, quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV ở địa phương; nâng cao nhận thức, hiểu biết về các quy định của pháp luật an toàn thực phẩm, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm;
c) Chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tăng cường kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm về buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại các vùng sản xuất rau tập trung; tăng cường giám sát chất lượng rau, tập trung vào các vùng trồng rau và các loại rau có nguy cơ cao.
d) Phát triển, nhân rộng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân thông qua hợp tác xã và các hình thức phù hợp trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn;
đ) Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sản xuất, tiêu thụ rau an toàn.
e) Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất, sơ chế rau an toàn theo quy định tại Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
2. Các đơn vị thuộc Bộ:
a) Cục Trồng trọt
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến quy trình sản xuất, sơ chế rau an toàn theo hướng GAP.
- Hướng dẫn mô hình tổ chức sản xuất rau theo hướng tập trung, gắn kết doanh nghiệp với nông dân và người tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo hài hòa các lợi ích;
b) Cục Bảo vệ thực vật
- Hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp trên rau nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học; xây dựng tài liệu hướng dẫn về sử dụng thuốc an toàn hiệu quả trong sản xuất rau an toàn.
- Chỉ đạo các Chi cục BVTV tăng cường công tác quản lý buôn bán, sử dụng thuốc BVTV tại các vùng trồng rau tập trung; kịp thời xử lý vi phạm theo quy định; tăng cường giám sát chất lượng rau.
- Rà soát danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trong sản xuất rau, hướng dẫn các địa phương sử dụng an toàn, hiệu quả, phương pháp lấy mẫu kiểm tra, giám sát, xác định nguy cơ mất an toàn thực phẩm và nguyên nhân để có các giải pháp khắc phục kịp thời, quản lý tốt hệ thống phòng thí nghiệm phân tích dư lượng thuốc BVTV.
c) Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản
Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách và phát triển mô hình quản lý ATTP theo chuỗi đối với sản xuất rau, quả; ưu tiên và tăng cường phối hợp giám sát điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm nhóm rau ăn lá.
d) Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Đẩy mạnh công tác tập huấn các qui trình sản xuất rau an toàn, nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau an toàn.
đ) Hiệp hội rau quả Việt Nam
Khuyến khích, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng, phát triển bền vững vùng sản xuất rau an toàn; phát triển thị trường tiêu thụ rau an toàn và tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân và người tiêu dùng rau an toàn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ thực hiện tốt các nội dung nêu trên, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chỉ thị này để phối hợp giải quyết./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Ban hành: 09/01/2012 | Cập nhật: 11/01/2012