Công văn 2410/BGDĐT-GDTrH năm 2014 hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2014 - 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu: | 2410/BGDĐT-GDTrH | Loại văn bản: | Công văn |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo | Người ký: | Nguyễn Vinh Hiển |
Ngày ban hành: | 13/05/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2410/BGDĐT-GDTrH |
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2014 |
Kính gửi: |
- Các sở giáo dục và đào tạo; |
Thực hiện Quy chế thi khoa học, kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 02/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) (sau đây gọi tắt là Thông tư 38), Bộ GDĐT hướng dẫn triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) và tổ chức Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) năm học 2014-2015 như sau:
I. Mục đích
1. Khuyến khích học sinh trung học NCKH; sáng tạo kỹ thuật, công nghệ và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn;
2. Góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học; đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập; phát triển năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học;
3. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và cá nhân hỗ trợ hoạt động nghiên cứu KHKT của học sinh trung học;
4. Tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu KHKT của mình; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
II. Tổ chức triển khai
Để tổ chức hoạt động NCKH của học sinh trung học và chuẩn bị tham gia Cuộc thi, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học thuộc đại học, trường đại học, thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của công tác NCKH của học sinh trung học và các quy định, hướng dẫn của Bộ GDĐT về Cuộc thi đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.
2. Trên cơ sở quy chế và các quy định, hướng dẫn về Cuộc thi năm học 2014 - 2015, sở GDĐT chỉ đạo các phòng GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác NCKH của học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh, chương trình, nội dung dạy học của cơ sở giáo dục. Trong quá trình triển khai, các đơn vị cần quan tâm tổ chức một số hoạt động sau:
a) Tổng kết, đánh giá các hoạt động NCKH của học sinh, khen thưởng học sinh và cán bộ hướng dẫn có thành tích trong công tác NCKH của học sinh (đối với các đơn vị đã tổ chức hoạt động NCKH và tham gia Cuộc thi năm học 2013-2014); phát động phong trào NCKH và tham gia Cuộc thi năm học 2014-2015;
b) Tổ chức hội thảo, tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về các quy định, hướng dẫn về Cuộc thi, công tác tổ chức triển khai hoạt động, phương pháp NCKH; tạo các điều kiện để học sinh, giáo viên tham gia NCKH và triển khai áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
c) Khai thác hiệu quả tiềm lực của đội ngũ giáo viên hiện có, đặc biệt là giáo viên có năng lực và kinh nghiệm NCKH, giáo viên đã hướng dẫn học sinh NCKH, giáo viên đã thực hiện đề tài NCKH sư phạm ứng dụng; đưa nội dung hướng dẫn học sinh NCKH vào sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn; giao nhiệm vụ cho giáo viên trao đổi. thảo luận về những vấn đề thời sự, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, ngoại khóa để định hướng, hình thành ý tưởng về dự án nghiên cứu của học sinh.
3. Phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; các viện và trung tâm khoa học công nghệ; sở khoa học và công nghệ; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật; Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh/thành phố; các nhà khoa học; cha mẹ học sinh trong việc hướng dẫn và đánh giá các dự án khoa học của học sinh; tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị cho học sinh NCKH và tham gia Cuộc thi.
4. Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn về Cuộc thi của Bộ GDĐT, các đơn vị dự thi tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh THCS và THPT ở địa phương phù hợp với điều kiện thực tế; chọn cử và tích cực chuẩn bị các dự án tham gia Cuộc thi. Trong quá trình tổ chức cuộc thi KHKT ở địa phương, cần chú ý gắn kết với các cuộc thi dành cho học sinh trung học như: thi ý tưởng sáng tạo; thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn; thi hùng biện tiếng Anh; thi thí nghiệm thực hành; thi tin học trẻ không chuyên; thi sáng tạo kỹ thuật thanh thiếu niên và nhi đồng;...
5. Hiệu trưởng phân công giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH. Giáo viên hướng dẫn học sinh NCKH được tính giảm số tiết dạy trong thời gian hướng dẫn vận dụng theo quy định tại điểm c, điểm d, khoản 2, điều 11 thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 về quy định chế độ làm việc với giáo viên phổ thông để có thời gian cho việc nghiên cứu, hướng dẫn học sinh, đi thực tế, thực hành, xây dựng báo cáo, chuẩn bị và tham dự Cuộc thi;... Đối với giáo viên có đóng góp tích cực và có học sinh đạt giải trong cuộc thi KHKT thì có thể được xem xét nâng lương trước thời hạn, được ưu tiên xét đi học tập nâng cao trình độ, được xét tặng giấy khen, bằng khen và ưu tiên khi xét tặng các danh hiệu khác.
Cán bộ giảng dạy các trường đại học, cao đẳng, viện, học viện tham gia hướng dẫn học sinh NCKH được vận dụng chế độ chính sách hiện hành đối với hướng dẫn sinh viên NCKH.
6. Có chế độ ưu tiên, khuyến khích phù hợp cho những học sinh đạt giải ở cuộc thi KHKT cấp cơ sở.
III. Tổ chức Cuộc thi năm 2014 - 2015
1. Thời gian và địa điểm tổ chức:
- Khu vực phía Bắc (dành cho các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra): Tổ chức tại Thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, từ ngày 06/3/2015 đến ngày 08/3/2015;
- Khu vực phía Nam (dành cho các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng trở vào): Tổ chức tại Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, từ ngày 13/3/2015 đến ngày 15/3/2015.
2. Đối tượng dự thi: Học sinh đang học lớp 8, 9 THCS và học sinh đang học THPT.
3. Nội dung thi: Nội dung thi là kết quả nghiên cứu của các dự án/đề tài khoa học, kỹ thuật (sau đây gọi chung là dự án) thuộc các lĩnh vực quy định trong quy chế của Cuộc thi.
Dự án có thể của 01 học sinh (gọi là dự án cá nhân) hoặc của 02 học sinh (gọi là dự án tập thể).
4. Người hướng dẫn: Mỗi dự án dự thi có 01 người hướng dẫn nghiên cứu do thủ trưởng đơn vị ra quyết định cử. Một người hướng dẫn được hướng dẫn tối đa 02 dự án NCKH của học sinh trong cùng thời gian.
5. Đơn vị dự thi: Mỗi Sở GDĐT, cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, cơ sở giáo dục trung học thuộc đại học, trường đại học có dự án dự thi là một đơn vị dự thi.
6. Đăng ký dự thi:
a) Số lượng dự án đăng ký dự thi: Mỗi đơn vị dự thi được cử không quá 06 dự án dự Cuộc thi; riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được gửi không quá 12 dự án dự thi.
b) Các đơn vị dự thi gửi bản đăng ký dự thi (theo mẫu gửi kèm) đến Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục trung học) trước ngày 15/01/2015.
c) Mỗi đơn vị đã đăng kí dự thi được cấp 01 tài khoản trên website của Cuộc thi tại địa chỉ http://giaoducphothong.edu.vn để quản lý các dự án dự thi của đơn vị mình nộp hồ sơ trên mạng. Hồ sơ dự án đăng ký dự thi bao gồm:
- Phiếu học sinh (Phiếu 1A);
- Phiếu phê duyệt dự án (Phiếu 1B);
- Phiếu người hướng dẫn/bảo trợ (Phiếu 1);
- Kế hoạch nghiên cứu (theo mẫu hướng dẫn kèm theo Phiếu 1A);
- Báo cáo kết quả nghiên cứu;
- Phiếu xác nhận của cơ quan nghiên cứu (nếu có);
- Phiếu xác nhận của nhà khoa học chuyên ngành (nếu có);
- Phiếu đánh giá rủi ro (nếu có);
- Phiếu dự án tiếp tục (nếu có);
- Phiếu tham gia của con người (nếu có);
- Phiếu cho phép thông tin (nếu có);
- Phiếu nghiên cứu động vật có xương sống (nếu có);
- Phiếu đánh giá rủi ro chất nguy hiểm (nếu có);
- Phiếu sử dụng mô người và động vật (nếu có).
Các mẫu phiếu nói trên được đăng tải trên website của Cuộc thi để tải về. Đối với mỗi dự án, học sinh cần phải điền đủ thông tin trong các phiếu tương ứng và phải được phê duyệt trước khi tiến hành thí nghiệm nghiên cứu.
Khi đăng kí dự thi trên mạng, mỗi học sinh phải nộp 01 ảnh thẻ cỡ (4x6) cm, được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.
Hạn cuối cùng nộp Hồ sơ dự thi trên mạng là ngày 15/02/2015 (sau thời hạn này hệ thống sẽ tự động khóa lại).
7. Công tác tổ chức cuộc thi
Việc tổ chức Cuộc thi năm học 2014 - 2015 được thực hiện theo Thông tư số 38. Bộ GDĐT hướng dẫn cụ thể thêm một số nội dung sau:
7.1. Ban tổ chức cuộc thi
a) Ban tổ chức Cuộc thi được thành lập theo khu vực phía Bắc và phía Nam.
b) Giao cho giám đốc sở giáo dục và đào tạo đăng cai tổ chức Cuộc thi ra quyết định thành lập ban tổ chức Cuộc thi tại mỗi khu vực.
c) Thành phần ban tổ chức Cuộc thi tại mỗi khu vực gồm:
- Trưởng ban: Giám đốc sở giáo dục và đào tạo đăng cai tổ chức Cuộc thi;
- Các phó trưởng ban: Đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan ở Bộ; Lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo đăng cai tổ chức Cuộc thi;
- Ủy viên: Lãnh đạo các đơn vị dự thi; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở giáo dục và đào tạo nơi đăng cai tổ chức Cuộc thi.
d) Nhiệm vụ của ban tổ chức Cuộc thi:
- Xây dựng kế hoạch tổ chức Cuộc thi trình Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc thi phê duyệt;
- Triển khai tổ chức Cuộc thi theo kế hoạch đã được phê duyệt.
7.2. Tiêu chí đánh giá dự án dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia
Căn cứ quy định tại Thông tư 38 và để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Cuộc thi năm học 2014-2015 đánh giá dự án dự thi căn cứ theo các tiêu chí dưới đây:
a) Dự án khoa học
- Câu hỏi nghiên cứu: 10 điểm;
- Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm;
- Tiến hành nghiên cứu (thu thập, phân tích và sử dụng dữ liệu): 20 điểm;
- Tính sáng tạo: 20 điểm;
- Trình bày (gian trưng bày và trả lời phỏng vấn): 35 điểm.
b) Dự án kĩ thuật
- Vấn đề nghiên cứu: 10 điểm;
- Kế hoạch nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm;
- Tiến hành nghiên cứu (xây dựng và thử nghiệm): 20 điểm;
- Tính sáng tạo: 20 điểm;
- Trình bày (gian trưng bày và trả lời phỏng vấn): 35 điểm.
7.3. Về quy trình chấm thi
a) Quy trình chấm thi thực hiện theo quy định tại Thông tư 38. Tại phần chấm chọn giải toàn Cuộc thi, thí sinh trình có thể trình bày dự án và trả lời câu hỏi của giám khảo bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh.
b) Đối với các dự án đoạt giải cao nhất toàn cuộc thi dự kiến trong danh sách chọn cử tham dự cuộc thi KHKT quốc tế cần phải thực hiện một bài kiểm tra trình độ tiếng Anh. Chỉ những thí sinh đạt yêu cầu về trình độ tiếng Anh mới được chọn cử đi tham dự cuộc thi KHKT quốc tế.
IV. Kinh phí
Kinh phí phục vụ công tác NCKH và tổ chức các cuộc thi trích từ các nguồn ngân sách nhà nước dành cho các hoạt động thường xuyên phục vụ dạy học của nhà trường và kinh phí tài trợ của các tổ chức, cá nhân.
Nhận được công văn này, Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ GDĐT, các cơ sở giáo dục trung học thuộc đại học, trường đại học khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần thông tin kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Trung học) để được hướng dẫn giải quyết./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 38/2012/TT-BGDĐT về Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Ban hành: 02/11/2012 | Cập nhật: 06/11/2012
Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Ban hành: 21/10/2009 | Cập nhật: 26/10/2009