Công văn 192/BNN-TY tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Số hiệu: 192/BNN-TY Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Vũ Văn Tám
Ngày ban hành: 15/01/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 192/BNN-TY
V/v tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2013

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Hiện nay tại nhiều địa phương, người chăn nuôi đang gia tăng tái đàn gia súc, gia cầm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; hơn nữa thời tiết đang rất lạnh, mưa phùn và rất bất lợi, làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh tồn tại, lây lan; vì vậy nguy cơ dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng tái phát và lây lan dịp trước và sau Tết Quí Tỵ là rất cao.

Để chủ động trong công tác và phòng chống dịch bệnh trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

1. Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các ban, ngành của địa phương chủ động xây dựng kế hoạch nhân lực, kinh phí, phương tiện, dụng cụ, hóa chất để phòng chống dịch lây lan vào địa bàn và ứng phó kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương tổ chức mua dự phòng vắc xin để chủ động tiêm phòng bao vây khi có ổ dịch xảy ra, nhằm hạn chế dịch lây lan rộng. Chủng loại vắc xin dự phòng tùy theo loại dịch bệnh đã lưu hành và theo khuyến cáo, hướng dẫn của cơ quan thú y.

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm ổ dịch và xử lý kịp thời, đặc biệt tại những khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ; quy định rõ trách nhiệm của cán bộ thú y cơ sở trong việc phát hiện và báo cáo dịch kịp thời; tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại tuyến cơ sở.

3. Tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục trong cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh, đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả, khai báo cho chính quyền địa phương hoặc nhân viên thú y khi phát hiện gia súc, gia cầm bệnh, chết bất thường.

4. Chỉ đạo tổ chức các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, dự án tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đối với những bệnh có nguy cơ cao, đặc biệt ưu tiên phòng các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng và tai xanh.

5. Chỉ đạo các cơ quan thú y địa phương tăng cường công tác kiểm dịch tại gốc đối với gia súc, gia cầm vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ; cách ly, kiểm soát chặt chẽ đối với gia súc, gia cầm đưa vào địa bàn theo qui định.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng (Bộ đội biên phòng, Hải quan, Công an, Quản lý thị trường) và chính quyền các cấp chủ động phối hợp, hỗ trợ lực lượng thú y trong việc kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm.

6. Riêng đối với bệnh cúm gia cầm, hiện nay do vi rút cúm đã lưu hành trong đàn thủy cầm, đàn chim hoang và chim di trú tại rất nhiều địa phương, đặc biệt gần đây đã xuất hiện nhiều nhánh vi rút cúm mới xâm nhập vào trong nước qua nhiều đường, vì vậy biện pháp chủ đạo vẫn phải tiếp tục tiêm phòng vắc xin, đồng thời tăng cường giám sát ổ dịch, giám sát lưu hành và biến đổi của vi rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, hiện nay Dự án sử dụng vắc xin nhằm khống chế và thanh toán bệnh cúm gia cầm thể độc lực cao giai đoạn IV (2011 - 2012) đã kết thúc. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng chống cúm gia cầm tại Việt Nam giai đoạn 2013 - 2017”, theo đó Bộ đã đề xuất Chiến lược quốc gia như sau:

- Tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, khuyến khích tiêm phòng cho đàn gà. Địa phương xác định các địa bàn có nguy cơ cao để ưu tiên tiêm phòng và áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch;

- Ngân sách địa phương đảm bảo mua vắc xin tiêm phòng dịch, người chăn nuôi chi trả công tiêm phòng. Khi có ổ dịch xảy ra thì tổ chức tiêm bao vây cho tất cả gia cầm tại xã có dịch và các xã xung quanh;

- Ngân sách trung ương đảm bảo mua vắc xin dự phòng theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiêm chống dịch, ngân sách địa phương chi trả công tiêm phòng và các hoạt động chống dịch;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) sẽ thường xuyên xác định lưu hành và biến đổi của vi rút, đánh giá hiệu lực các loại vắc xin, xác định và khuyến cáo chủng loại vắc xin phù hợp cho từng vùng, miền để địa phương tiêm phòng.

Như vậy trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương và sự tham mưu của các cơ quan thú y, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động sử dụng ngân sách địa phương để mua vắc xin cúm gia cầm tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ thành viên Ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC;
- Sở NN và PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, tp;
- Lưu VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.