Công văn 188/TANDTC-PC năm 2020 về triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án do Tòa án nhân dân tối cao ban hành
Số hiệu: 188/TANDTC-PC Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao Người ký: Nguyễn Văn Du
Ngày ban hành: 03/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tố tụng và các phương thức giải quyết tranh chấp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/TANDTC-PC
V/v triển khai Luật; Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Hà Nội, ngày 03 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

- Tòa án nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tòa án nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 ngày 16-6-2020 có hiệu lực pháp luật từ ngày 01-01-2021 (sau đây gọi tắt là Luật). Ngày 16-11-2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành Thông tư số 04/2020/TT-TANDTC quy định chi tiết quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm; cấp và thu hồi thẻ Hòa giải viên (sau đây gọi tắt là Thông tư). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01-01-2021. Để kịp thời triển khai các quy định của Luật và Thông tư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị liên quan của Tòa án nhân dân tối cao thực hiện ngay một số công việc, cụ thể như sau:

1. Về tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hòa giải đối thoại

a) Căn cứ vào các bước đã triển khai tại Công văn số 687/TANDTC-TCCB ngày 04-11-2020 của Tòa án nhân dân tối cao, sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người có nguyện vọng được bổ nhiệm làm Hòa giải viên; lập danh sách các trường hợp bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại và các trường hợp không bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại nhưng có nguyện vọng được tập huấn, bồi dưỡng gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) trước ngày 10-12-2020.

b) Vụ Tổ chức - Cán bộ tổng hợp danh sách do Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi đến và làm văn bản chuyển Học viện Tòa án để tổ chức bồi dưỡng kỹ năng hòa giải đối thoại trước ngày 15-12-2020.

c) Học viện Tòa án tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ trước ngày 20-12-2020.

2. Về thủ tục tuyển chọn, bổ nhiệm Hòa giải viên

a) Sau khi các trường hợp được cử đi bồi dưỡng đã được cấp chứng chỉ, Tòa án nơi nhận hồ sơ lựa chọn người có đủ điều kiện và có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm (qua đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh) trước ngày 24-12-2020.

b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng tư vấn lựa chọn Hòa giải viên trước ngày 27-12-2020.

c) Hội đồng tư vấn tổ chức họp xem xét, thống nhất và ra nghị quyết lựa chọn người có đủ điều kiện làm Hòa giải viên trước ngày 30-12-2020.

d) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên sau ngày 01-01-2021 và trước ngày 03-01-2021.

3. Về thông báo công khai danh sách Hòa giải viên

Việc thực hiện thông báo công khai danh sách Hòa giải viên được thực hiện theo khoản 5 Điều 6 Thông tư.

4. Về bổ sung số lượng Hòa giải viên theo định biên

a) Sau khi bổ nhiệm Hòa giải viên theo mục 2 Công văn này; căn cứ Điều 3 của Thông tư, căn cứ vào số lượng vụ, việc thụ lý trung bình 2 năm (năm 2019 và năm 2020); Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh giao số lượng Hòa giải viên trước ngày 15-3-2021.

b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, đề xuất số lượng Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) trước ngày 31-3-2021.

c) Sau khi Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao số lượng Hòa giải viên đối với từng Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp trước ngày 10-4-2021.

d) Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thực hiện quy trình bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 6 của Thông tư ngay sau khi được giao số lượng Hòa giải viên.

5. Về chuẩn bị cơ sở vật chất để thực hiện hòa giải, đối thoại

Các Tòa án Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, chủ động sắp xếp bố trí cơ sở vật chất, thực hiện hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Đối với những Tòa án đã thực hiện thí điểm hòa giải, đối thoại tại Tòa án thì sắp xếp, bố trí phòng hòa giải, đối thoại, phòng làm việc của Hòa giải viên và các điều kiện vật chất khác để có thể thực hiện ngay hoạt động hòa giải, đối thoại khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành (ngày 01-01-2021).

Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu các Đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, các đơn vị liên quan của Tòa án nhân dân tối cao sau khi nhận được Công văn này cần khẩn trương triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh ngay cho Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như kính gửi;
- Chánh án TANDTC (để b/c);
- Các Phó Chánh án TANDTC (để biết);
- Tòa án quân sự Trung ương (để biết);
- Các Thẩm phán TANDTC (để thực hiện);
- Các đơn vị của TANDTC (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử TANDTC (để đăng tải);
- Lưu: VT VP, Vụ PC&QLKH (TANDTC).

KT. CHÁNH ÁN
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Văn Du

 

Điều 6. Quy trình bổ nhiệm
...

5. Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời, gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) để quản lý và công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao theo quy định.

Xem nội dung VB
Điều 3. Định biên số lượng Hòa giải viên

1. Số lượng Hòa giải viên được xác định trên cơ sở số lượng vụ, việc dân sự, hành chính được thụ lý của từng Tòa án và các tiêu chí sau:

a) Tòa án có số lượng thụ lý dưới 300 vụ, việc/năm có tối đa 05 Hòa giải viên.

b) Tòa án có số lượng thụ lý từ 300 đến dưới 1.000 vụ, việc/năm có tối đa 15 Hòa giải viên.

c) Đối với các Tòa án có số lượng thụ lý từ 1.000 vụ, việc/năm trở lên thì cứ tăng thêm 100 vụ, việc/năm bổ sung thêm 01 Hòa giải viên.

2. Thủ tục đề xuất số lượng Hòa giải viên

a) Sau tổng kết công tác năm, căn cứ vào số lượng vụ, việc thụ lý, Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện) có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh) giao số lượng Hòa giải viên.

b) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổng hợp nhu cầu, đề xuất số lượng Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và các Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ).

c) Sau khi Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định giao số lượng Hòa giải viên đối với từng Tòa án thuộc thẩm quyền quản lý theo phân cấp.

Xem nội dung VB
Điều 6. Quy trình bổ nhiệm

1. Thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên

Căn cứ nhu cầu và định biên số lượng Hòa giải viên đã được phê duyệt, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh thông báo tuyển chọn Hòa giải viên và đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, niêm yết tại trụ sở của Tòa án nhân dân nơi có nhu cầu trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày đăng thông báo, niêm yết.

2. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên

a) Người có đủ điều kiện theo thông báo nhu cầu tuyển chọn Hòa giải viên nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án nơi họ có nguyện vọng làm Hòa giải viên.

b) Tòa án nhân dân nơi nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ đã đầy đủ các giấy tờ theo quy định.

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tiếp nhận hồ sơ, Tòa án nơi nhận hồ sơ phải tiến hành phân loại hồ sơ. Đối với các trường hợp bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại thì lập danh sách cử đi bồi dưỡng gửi đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp báo cáo Tòa án nhân dân tối cao.

d) Vụ Tổ chức - Cán bộ Tòa án nhân dân tối cao tổng hợp danh sách do Tòa án nhân dân cấp tỉnh gửi đến và làm văn bản chuyển Học viện Tòa án để tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ theo quy định.

đ) Sau khi các trường hợp được cử đi bồi dưỡng đã được cấp chứng chỉ, Tòa án nơi nhận hồ sơ lựa chọn người có đủ điều kiện và có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, bổ nhiệm (qua đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh).

3. Tư vấn lựa chọn Hòa giải viên

a) Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng tư vấn để xem xét, lựa chọn Hòa giải viên.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh có văn bản, Hội đồng tư vấn tổ chức họp xem xét, thống nhất và ra nghị quyết lựa chọn người có đủ điều kiện làm Hòa giải viên

4. Ra quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên

a) Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng tư vấn, đơn vị tham mưu về tổ chức cán bộ Tòa án nhân dân cấp tỉnh trình Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên.

b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên. Trường hợp từ chối bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Thông báo công khai danh sách Hòa giải viên

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định bổ nhiệm, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh công bố danh sách Hòa giải viên trên Trang thông tin điện tử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và niêm yết tại trụ sở Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc; đồng thời, gửi Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Tổ chức - Cán bộ) để quản lý và công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao theo quy định.

Xem nội dung VB