Công văn 15140/BTC-QLCS năm 2020 về quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử lý tài sản công
Số hiệu: 15140/BTC-QLCS Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 09/12/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài sản công, nợ công, dự trữ nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 15140/BTC-QLCS
V/v quản lý, sử dụng tiền thu được từ xử lý tài sản công

Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2020

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo quy định tại Điều 48, Điều 62, Điều 94, Điều 103, Điều 112 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, số tiền thu được từ xử lý (bán, chuyển nhượng, thanh lý...) tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả các trường hợp sắp xếp lại, xử lý nhà, đất), tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản được trang bị để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước và tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tiền thu được từ khai thác tài sản kết cấu hạ tầng do nhà nước đầu tư, quản lý và khai thác quỹ đất, mặt nước để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng phải nộp vào tài khoản tạm giữ do cơ quan quản lý tài sản công của Bộ Tài chính, cơ quan quản lý tài sản công của các bộ, cơ quan trung ương, Sở Tài chính, Phòng Tài chính - kế hoạch mở tại Kho bạc nhà nước. Định kỳ hàng quý, chú tài khoản tạm giữ có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp số tiền thu được từ xử lý, khai thác tài sản công (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan).

Căn cứ quy định nêu trên, để kịp thời thu đúng, thu đủ ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

1. Chỉ đạo rà soát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản bán, chuyển nhượng, thanh lý, giao quyền sở hữu, giao quyền sử dụng, cho thuê quyền khai thác... thu, nộp đầy đủ, đúng hạn theo quy định số tiền thu được vào tài khoản tạm giữ, thực hiện thủ tục đề nghị chủ tài khoản tạm giữ thanh toán chi phí xử lý, khai thác tài sản theo quy định. Trường hợp quá thời hạn thanh toán theo quy định mà người mua tài sản, thuê quyền khai thác, nhận chuyển nhượng quyền khai thác tài sản chưa thanh toán đủ thì cơ quan được giao nhiệm vụ bán, chuyển nhượng tài sản, cho thuê, chuyển nhượng quyền khai thác tài sản có trách nhiệm xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

2. Chỉ đạo các chủ tài khoản tạm giữ khẩn trương thực hiện việc thanh toán chi phí xử lý, khai thác tài sản theo đúng chế độ, thực hiện nộp ngân sách nhà nước các khoản thu đã đủ điều kiện theo quy định về phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước.

3. Kho bạc nhà nước các cấp chủ động cung cấp thông tin về số tiền trên tài khoản tạm giữ thuộc phạm vi quản lý cho các chủ tài khoản tạm giữ để thực hiện các nội dung nêu tại điểm 2 Công văn này.

Mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của Quý cơ quan./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Bộ Tài chính (để b/c);
- Sở TC các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- KBNN, Tổng cục Thuế, Vụ NSNN;
- KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Lưu: VT, QLCS.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

Điều 48. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản công tại cơ quan nhà nước

1. Số tiền thu được từ xử lý tài sản công được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

2. Chi phí có liên quan đến xử lý tài sản công phải được lập dự toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chi phí có liên quan đến xử lý tài sản công bao gồm:

a) Chi phí kiểm kê, đo vẽ;

b) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ, tiêu hủy;

c) Chi phí định giá và thẩm định giá tài sản;

d) Chi phí tổ chức bán đấu giá;

đ) Chi phí hợp lý khác có liên quan.

3. Trường hợp cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công để mua sắm tài sản thay thế thì được ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước.

Trường hợp cơ quan nhà nước được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép xử lý tài sản công là trụ sở làm việc và có dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc thì được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước.
...

Điều 62. Xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập

1. Hình thức xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

a) Hình thức xử lý quy định tại Điều 40 của Luật này;

b) Xử lý tài sản công trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Việc xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hình thức quy định tại Điều 40 của Luật này được thực hiện theo quy định tại các điều 41, 42, 43, 44, 45, 46 và 47 của Luật này.

Việc xử lý tài sản công trong trường hợp chuyển đổi mô hình hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại Điều 63 của Luật này.

3. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản công, sau khi trừ đi chi phí có liên quan, trả nợ vốn vay, vốn huy động (nếu có) và thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, phần còn lại đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì nộp vào ngân sách nhà nước.

Số tiền thu được từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sau khi trừ đi chi phí có liên quan, được xử lý như sau:

a) Nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có dự án đầu tư xây dựng, mua sắm, cải tạo, nâng cấp cơ sở hoạt động sự nghiệp thì được ưu tiên bố trí trong kế hoạch đầu tư công và ưu tiên bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước;

b) Bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp trong trường hợp quyền sử dụng đất có nguồn gốc nhận chuyển nhượng hoặc thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê mà số tiền đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
...

Điều 94. Quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản kết cấu hạ tầng

1. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

2. Chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản kết cấu hạ tầng phải được lập dự toán và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Chi phí có liên quan đến việc xử lý tài sản bao gồm:

a) Chi phí kiểm kê, đo vẽ;

b) Chi phí di dời, phá dỡ, hủy bỏ;

c) Chi phí định giá và thẩm định giá;

d) Chi phí tổ chức bán;

đ) Chi phí hợp lý khác có liên quan.
...

Điều 103. Xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án

1. Khi có tài sản cần xử lý, ban quản lý dự án có trách nhiệm:

a) Kiểm kê tài sản, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, báo cáo cơ quan chủ quản dự án, gửi cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này;

b) Thực hiện bảo quản tài sản trong thời gian chờ xử lý.

2. Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản theo hình thức quy định tại khoản 3 Điều này, trình cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hình thức xử lý tài sản bao gồm:

a) Giao cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng;

b) Điều chuyển;

c) Bán;

d) Thanh lý;

đ) Tiêu hủy;

e) Xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại;

g) Hình thức khác theo quy định của pháp luật.

4. Căn cứ phương án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này hoặc ban quản lý dự án tổ chức bàn giao tài sản, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy tài sản, xử lý tài sản trong trường hợp bị mất, bị hủy hoại theo quy định tại các điều 29, 42, 43, 45, 46 và 47 của Luật này.

5. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ xử lý tài sản phục vụ hoạt động của dự án trong trường hợp ban quản lý dự án được tổ chức và hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 62 của Luật này; trường hợp ban quản lý dự án được tổ chức và hoạt động theo mô hình khác được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật này.
...

Điều 112. Quản lý số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, phần còn lại được nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB




Hiện tại không có văn bản nào liên quan.