Công văn 1247/TCHQ-GSQL phân loại mặt hàng ô tô tải tự đổ
Số hiệu: 1247/TCHQ-GSQL Loại văn bản: Công văn
Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
Ngày ban hành: 21/03/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1247/TCHQ-GSQL
V/v Phân loại mặt hàng ô tô tải tự đổ

Hà Nội, ngày 21 tháng 03 năm 2008

 

Kính gửi:

- Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn
- Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh
- Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng

 

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 1665/CV-TMT ngày 22 tháng 12 năm 2007 của Công ty Cổ phần ôtô TMT gửi Bộ Tài chính về việc giải đáp chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô tải tự đổ có tổng trọng tải tối đa trên 24 tấn nhập khẩu. Sau khi kiểm tra thực tế việc nhập khẩu mặt hàng xe ôtô tải tự đổ nhập khẩu tại Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh và Báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài chính; qua trao đổi với Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục có ý kiến như sau:

1. Việc hướng dẫn phân loại mặt hàng xe ô tô tải tự đổ, Tổng cục đã có các văn bản số 3335/TCHQ-GSQL ngày 10/6/2007 và số 6631/TCHQ-GSQL ngày 26/11/2007. Để thống nhất trong việc phân loại, Tổng cục hướng dẫn rõ thêm như sau:

a) Đối với trường hợp cụ thể 05 loại xe tải tự đổ (như báo cáo tại Công văn số 69/HQQN-NV ngày 14/1/2008 của Cục Hải quan Quảng Ninh, Công văn số 56/CHQCB-BC ngày 22/1/2008 của Cục Hải quan Cao Bằng) đã nhập khẩu tại Quảng Ninh, Lạng Sơn và Cao Bằng, loại có trọng tải tối đa trên 24 tấn và có các đặc điểm kỹ thuật sau:

- Xe tải tự đổ được gắn với thân xe tự lật, cơ cấu nâng hạ thủy lực; thùng xe được chế tạo bằng các tấm thép có độ bền, phần trước của thùng xe được kéo dài lên trên ca bin của lái xe để bảo vệ buồng lái, phần xe dốc về phía sau.

- Tỷ lệ giữa tự trọng của xe và tải trọng tối đa của hàng hóa không vượt quá 1:1,6.

- Bị hạn chế tốc độ: Tốc độ tối đa 80 km/h.

- Hạn chế phạm vi hoạt động, thiết kế chủ yếu dùng chuyên chở trên công trường, nhà máy, hầm mỏ, địa hình xấu: Số lượng lốp nhiều 10-11 cái, kích cỡ lốp lớn hơn lốp xe tải thông thường; cơ cấu hộp số có 8 số tiến hoặc 9 số tiến, 1 số lùi thích nghi với hoạt động ở địa hình xấu; 03 trục, 9-12 nhíp thích hợp với tải trọng, hoạt động ở địa hình xấu.

- Khả năng leo dốc tối đa 40-42%, thông số này xác định xe ô tô phù hợp với việc thiết kế chủ yếu dùng chuyên chở trên công trường, nhà máy, hầm mỏ, nơi có địa hình xấu, phạm vi hoạt động gần.

- Hệ thống phanh gồm có: Hệ thống phanh chính (dạng khí nén); hệ thống phanh khẩn cấp (tác dụng lên cầu sau, dạng khí nén); hệ thống phanh phụ (phanh động cơ).

Được phân loại vào nhóm 8704.10.21.10 đối với các tờ khai đăng ký trước ngày 07/2/2008 và nhóm 8704.10.22.10 đối với các tờ khai đăng ký sau ngày 07/02/2008.

b) Việc phân loại hàng hóa phải căn cứ vào hồ sơ tài liệu kỹ thuật và thực tế hàng hóa nhập khẩu; đặc điểm kỹ thuật của phương tiện cơ giới do nhà sản xuất xác định phù hợp với nhu cầu khai thác, sử dụng; Tiêu chuẩn TCVN 7271:2003 “Phương tiện giao thông đường bộ - ôtô – Phân loại theo mục đích sử dụng”. Trường hợp cơ quan Hải quan không thể xác định được thiết kế chủ yếu dùng chuyên chở trên công trường, nhà máy, hầm mỏ, địa hình xấu, thì căn cứ vào xác nhận của cơ quan, tổ chức giám định chuyên ngành để kết luận.

2. Về thuế nhập khẩu: Yêu cầu Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng kiểm tra từng hồ sơ hàng hóa nhập khẩu cụ thể để xác định mã số hàng hóa nhập khẩu và thực hiện thu thuế theo quy định pháp luật tại thời điểm nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan hướng dẫn Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Cao Bằng thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo Tổng cục để có chỉ đạo kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục HQ các tỉnh, thành phố (để thực hiện);
- Lưu: VT, GS (2b).

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Túc