Công điện 967/CĐ-TTg năm 2014 tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Thủ tướng Chính phủ điện
Số hiệu: 967/CĐ-TTg Loại văn bản: Công điện
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 20/06/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 967/CĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 06 năm 2014

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ điện:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đạt được những kết quả tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy được tăng cường; phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng; lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy từng bước được kiện toàn về tổ chức, bộ máy và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện. Qua đó, công tác phòng cháy, chữa cháy được tăng cường, tình hình cháy, nổ được kiềm chế, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn một số hạn chế, xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân. Nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy; việc tuyên truyền, giáo dục về phòng cháy, chữa cháy chưa được tiến hành thường xuyên; công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa quyết liệt, triệt để, chưa kiên quyết yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chưa kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy.

Để chủ động phòng ngừa, giảm thiểu đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ, nhất là các vụ cháy, nổ lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả một số biện pháp cấp bách, sau đây:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, các biện pháp, giải pháp thoát nạn, cứu người, biện pháp khắc phục vi phạm về phòng cháy, chữa cháy để các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân biết, tự giác thực hiện. Công khai phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của các cơ sở, cá nhân có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục phòng ngừa chung.

2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đối với những cơ sở vi phạm nghiêm trọng, gây mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy phải kiên quyết tạm đình chỉ hoặc đình chỉ hoạt động; những vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản do thiếu tinh thần trách nhiệm và những trường hợp vi phạm khác có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

3. Thành lập các đoàn liên ngành do lãnh đạo Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng đoàn tiến hành đợt tổng kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các đơn vị, cơ sở. Trong đó, tập trung vào cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, như: Các chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất lớn có nguy cơ cháy, nổ cao và các loại hình thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự... Quá trình kiểm tra cần tập trung phát hiện những sơ hở, thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy và nguyên nhân; đồng thời, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cơ sở trong việc để xảy ra các vi phạm, kiên quyết yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay tồn tại, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy. Đối với những vi phạm, tồn tại mà cơ sở không tự khắc phục được thì các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm, sau đó tiến hành phúc tra và đưa hoạt động phòng cháy, chữa cháy của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cơ sở đi vào nền nếp, thường xuyên.

Thời gian tổng kiểm tra từ nay đến ngày 30 tháng 8 năm 2014. Kết thúc đợt tổng kiểm tra, các Bộ, ngành, địa phương báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Công an) trước ngày 15 tháng 9 năm 2014.

4. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cơ sở thuộc quyền quản lý tăng cường công tác, phòng cháy, chữa cháy. Khi xảy ra cháy, nổ phải khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp, tích cực phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; sớm khắc phục hậu quả, ổn định tình hình, định hướng dư luận, không để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng chống phá. Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

5. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường nguồn lực triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1110/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2012 về việc phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Quyết định số 44/QĐ-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2012 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

6. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an xem xét, bố trí nguồn kinh phí để tăng cường đầu tư trang bị phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung giải quyết nguồn nước chữa cháy đô thị; quy hoạch phát triển hệ thống đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy, bố trí quỹ đất và ngân sách để xây dựng các đơn vị Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc các khu vực và vùng kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh xã hội hóa, hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, nhất là các địa bàn, cơ sở trọng điểm về cháy, nổ.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm túc Công điện này, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Ban Bí thư;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Trợ lý, Thư ký các PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, V.III;
- Lưu: VT, NC (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc