Công điện 7575/CĐ-BNN-TY năm 2020 về tập trung nguồn lực và khẩn trương triển khai biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò
Số hiệu: 7575/CĐ-BNN-TY Loại văn bản: Công điện
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Nguyễn Xuân Cường
Ngày ban hành: 31/10/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7575/-BNN-TY

Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2020

 

CÔNG ĐIỆN KHẨN

VỀ VIỆC TẬP TRUNG NGUỒN LỰC VÀ KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT, PHÒNG, CHỐNG BỆNH VIÊM DA NỔI CỤC TRÊN TRÂU, BÒ

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, điện:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y, từ giữa tháng 10/2020 đến nay lần đầu tiên xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc tại 02 xã thuộc tỉnh Lạng Sơn (xã Quyết Thắng và xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng) và 01 xã thuộc tỉnh Cao Bằng (xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang) với tổng số trên 147 con bò mắc bệnh, trong đó có 11 con chết.

Bệnh Viêm da nổi cục (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) là bệnh truyền nhiễm do vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút này không gây bệnh trên người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh khoảng 10 - 20%; tỷ lệ chết khoảng 1 - 5%; triệu chứng chính của bệnh bao gồm: sốt cao (có thể trên 41°C), bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2 - 5 cm, đặc biệt là ở vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu; các biện pháp phòng, chống bệnh chính bao gồm chủ động theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện sớm các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, tiêu hủy trâu, bò mắc bệnh và tiêm phòng cho trâu, bò.

Hiện nay, trên thế giới đã có vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đã giao Cục Thú y chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I và các cơ quan liên quan đang khẩn trương tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vắc xin phòng bệnh Viêm da nổi cục; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vắc xin.

Trên cơ sở kết quả điều tra dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm nhiều gia súc của nhiều hộ chăn nuôi của tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng cho thấy, khả năng dịch bệnh Viêm da nổi cục đã xuất hiện và lây lan ở nhiều địa phương thuộc địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng; không loại trừ có khả năng dịch bệnh cũng có thể đã xuất hiện ở các địa phương khác nhưng chưa được phát hiện (do đã có tình trạng người dân bán chạy bò bị bệnh, nghi bị bệnh). Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung các nguồn lực và khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên gia súc theo đúng quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; trong đó chú trọng tổ chức ngay những biện pháp sau:

1. Đối với địa phương đã có gia súc có biểu hiện của bệnh, có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục

- Tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh Viêm da nổi cục; nuôi nhốt trâu, bò, dê, cừu tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh.

- Tổ chức tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh Viêm da nổi cục, hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh Viêm da nổi cục.

- Hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh với định mức, quy trình và điều kiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

- Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,... liên tục trong vòng 03 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh.

- Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch.

- Tổ chức rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, cừu trên địa bàn tất cả các địa phương đã phát hiện có bệnh Viêm da nổi cục; trong đó lưu ý, ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, gia súc có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn xã.

- Tổ chức kê khai số lượng gia súc, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

- Thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Cục Thú y.

2. Đối với các địa phương khác chưa có gia súc có biểu hiện của Viêm da nổi cục

- Tổ chức thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi gia súc (trâu, bò, dê, cừu) trên địa bàn.

- Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

- Chi nhập, tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, bao gồm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục theo hướng dẫn của Cục Thú y.

3. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương

- Hướng dẫn người chăn nuôi và chủ động giám sát. Trường hợp phát hiện gia súc nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục, chủ động lấy mẫu gửi đến các phòng thử nghiệm của Cục Thú y để xét nghiệm; địa phương bố trí kinh phí chi trả phí xét nghiệm theo quy định.

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và các giải pháp cụ thể về bệnh Viêm da nổi cục.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện; thông báo về Bộ Nông nghiệp và PTNT để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- UBND, Sở NN&PTNT, CCTY, CN&TY, TTDVNN các tỉnh, TP (để t/h);
- Cục TY; Cục CN; Trung tâm Khuyến nông QG (để t/h);
- Các CCTY vùng, CCKDĐV vùng, TTCĐTYTƯ (để t/h);
- Các cơ quan thông tin, truyền thông (để p/h);
- Lưu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Xuân Cường