Công điện 662/CĐ-TCLN-KL năm 2020 về phòng cháy, chữa cháy rừng
Số hiệu: 662/CĐ-TCLN-KL Loại văn bản: Công điện
Nơi ban hành: Tổng cục Lâm nghiệp Người ký: Nguyễn Quốc Trị
Ngày ban hành: 26/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 662/CĐ-TCLN-KL

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2020

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ VIỆC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP, ĐIỆN:

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Thành phố Đà Nẵng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng, Thủy văn Quốc gia nhiệt độ trung bình trong năm 2020 phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 1oC đến 2oC, cụ thể trong tháng 5 và tháng 6 tới có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ lên đến trên 40oC, tình trạng khô hanh kéo dài dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn.

Để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp điện Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh triển khai ngay các biện pháp sau:

1. Tham mưu cho UBND tỉnh:

- Chỉ đạo Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể với từng thành viên của Ban chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và đôn đốc phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về quản lý và bảo vệ rừng, PCCCR; luôn chủ động tốt phương châm 4 tại chỗ trong công tác chữa cháy rừng.

- Chỉ đạo các đơn vị, chủ rừng chủ động rà soát các phương án PCCCR đã xây dựng, xác định cụ thể những vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để bố trí nguồn nhân lực, vật lực sẵn sàng ngăn chặn và xử lý kịp thời các nguy cơ cháy rừng, hạn chế thấp nhất để xảy ra cháy rừng, kịp thời xử lý, không để cháy rừng lan rộng. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.

- Khi có cháy rừng xảy ra, chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy và xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi để xảy ra cháy rừng trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội và các lực lượng có liên quan) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

2. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các chủ rừng khẩn trương thực hiện:

- Duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; có phương án chữa cháy rừng cụ thể phù hợp với từng khu vực có nguy cơ xảy ra cháy rừng, kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.

- Tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, trong đó yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã (trưởng thôn, Kiểm lâm địa bàn) biết để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý đốt thực bì. Trong những ngày nắng nóng, cấp dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm) nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng lửa trong, gần rừng và đốt, xử lý thực bì trồng rừng, đốt nương làm rẫy.

- Chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ dễ cháy và có điều kiện áp dụng, tuy nhiên phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài nguyên rừng; làm mới, tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng ở các diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao.

- Chỉ đạo theo dõi thường xuyên thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm tại địa chỉ Website: http://kiemlam.org.vn để kiểm tra, phát hiện sớm điểm cháy rừng. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo ngay sau khi phát hiện cháy rừng về Cục Kiểm lâm theo quy định tại Thông tư số 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.

3. Phối hợp các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể của tỉnh tăng cường tuyên truyền, triển khai các đợt kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại các vùng trọng điểm./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng TT. Hà Công Tuấn (để báo cáo);
- UBND các tỉnh (để báo cáo và phối hợp chỉ đạo);
- Lãnh đạo TCLN (để chỉ đạo);
- Cục Kiểm lâm, Các Chi cục Kiểm lâm vùng (t/h);
- Lưu: VT, KL.

TỔNG CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Quốc Trị