Công điện 23/CĐ-UBATGTQG thực hiện biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong quý IV năm 2016 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia điện
Số hiệu: | 23/CĐ-UBATGTQG | Loại văn bản: | Công điện |
Nơi ban hành: | Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia | Người ký: | Trương Hòa Bình |
Ngày ban hành: | 31/10/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giao thông, vận tải, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN AN TOÀN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 23/CĐ-UBATGTQG |
Hà Nội, ngày 31 tháng 10 năm 2016 |
CÔNG ĐIỆN
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG TRONG QUÝ IV NĂM 2016
CHỦ TỊCH ỦY BAN AN TOÀN GIAO THÔNG QUỐC GIA điện:
|
- Các Bộ: Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; |
Trong 9 tháng đầu năm 2016 tình hình trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của các bộ, ngành tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban an toàn giao thông các địa phương trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như chưa đạt mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì tai nạn giao thông; còn có sự buông lỏng quản lý nhà nước trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại một số đơn vị, địa phương; vẫn còn để xảy một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, phương tiện thủy nội địa, đường sắt gây bức xúc trong dư luận; chưa xử lý dứt điểm hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ; còn để tình trạng xe thô sơ chở hàng cồng kềnh gây chết người; tình hình ùn tắc giao thông trên một số trục giao thông chính cũng như tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều diễn biến phức tạp.
Quý IV năm 2016, với đà tăng trưởng kinh tế, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện sẽ tiếp tục tăng nhanh, tạo áp lực lớn về trật tự, an toàn giao thông. Do vậy, để đạt được mục tiêu giảm từ 5 - 10% về số vụ, số người bị thương và số người chết do tai nạn giao thông, khắc phục ngay tình trạng ùn, tắc giao thông tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như thực hiện hiệu quả Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các bộ, ngành có liên quan và Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiêm túc thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016 và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia
- Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016.
- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Năm An toàn giao thông 2017 với trọng tâm là Xây dựng văn hóa giao thông và Kế hoạch xây dựng văn hóa giao thông giai đoạn 2016 - 2020; tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2016.
- Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch.
2. Bộ Giao thông vận tải
- Tiếp tục triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và đề án thuộc Chương trình công tác năm 2016.
- Đẩy mạnh kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải gắn với siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện;
- Khẩn trương khắc phục hư hỏng do mưa lũ đối với Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Quốc gia và các tuyến giao thông quan trọng; bổ sung nhiệm vụ và ưu tiên nguồn vốn xử lý điểm đen, tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thủy nội địa, đường ngang đường sắt trong năm 2017.
- Siết chặt kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và chứng chỉ chuyên môn cho người điều khiển phương tiện; đôn đốc các địa phương hoàn thành kiểm tra sức khỏe của đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, giảm thiểu và xử lý dứt điểm hiện tượng xe quá hạn đăng kiểm, xe hết niên hạn tham gia giao thông; giảm thiểu số vụ việc uy hiếp an toàn bay có nguyên nhân từ quản lý kỹ thuật phương tiện.
- Khẩn trương xây dựng, công bố và triển khai kế hoạch vận tải phục vụ kỳ nghỉ Tết Dương lịch, Tết nguyên đán và Lễ hội Xuân 2017, đặc biệt là trên các tuyến vận tải kết nối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm du lịch và lễ hội; tăng cường năng lực và kiểm tra giám sát hoạt động quản lý, điều hành bay.
- Siết chặt kiểm tra việc chấp hành các quy định, quy tắc an toàn quản lý chất lượng dịch vụ và phương tiện trên các tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa và từ bờ ra đảo; tổ chức điều tiết giao thông, chống va, trôi đối với các công trình vượt sông trọng điểm.
3. Bộ Công an
- Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp cuối năm 2016, tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017. Trong đó tiếp tục tăng cường tuần tra lưu động, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, chở quá tải trọng và khai thác cát, sỏi trái phép.
- Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt vi phạm hành chính.
4. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các đối tượng sử dụng giấy tờ giả, biển số giả phương tiện quân sự hoạt động trái phép. Tăng cường biện pháp quản lý, sử dụng phương tiện xe ô tô quân sự. Chỉ đạo các doanh nghiệp quân đội tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho đội ngũ lái xe, nhất là các đối tượng hợp đồng lao động.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các bộ, ngành xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động về văn hóa giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017 đồng thời chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn quốc lồng ghép việc giảng dạy, phổ biến “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học trong các buổi sinh hoạt ngoại khóa năm học 2016-2017; tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học cơ sở; chú trọng giáo dục kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh trung học.
7. Bộ Y tế chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc khám sức khỏe đối với lái xe của các cơ sở khám, chữa bệnh và các Sở Y tế. Chỉ đạo Sở Y tế các địa phương tăng cường năng lực cấp cứu tai nạn cho hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; tập huấn về kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện, xã, lái xe kinh doanh vận tải và tình nguyện viên.
8. Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện quy định của Luật ngân sách về thu và sử dụng kinh phí xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
9. Các bộ, ngành, các cơ quan thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự, an toàn giao thông để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố; tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.
10. Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông bằng nhiều hình đa dạng, phong phú, trên hệ thống thông tin cơ sở xã, phường, tập trung tuyên truyền cho đối tượng thanh, thiếu niên.
- Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ; bảo đảm an toàn giao thông tại các nút giao giữa đường phụ ra đường chính, đường ngang đường bộ với đường sắt không có rào chắn; ngăn chặn hành vi xâm phạm hàng rào, công trình bảo vệ đường cao tốc.
- Tăng cường tuần tra xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông nhất là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn, tốc độ, phần đường, làn đường và mũ bảo hiểm, xe 3 bánh, xe 4 bánh gắn động cơ và mô tô, xe máy chở hàng cồng kềnh, quá khổ, quá tải trái quy định, phương tiện giao thông đường bộ hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định; siết chặt quản lý hoạt động vận tải của xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự tại địa phương.
- Chỉ đạo các đơn vị vận tải hoàn thành việc khám sức khỏe cho đội ngũ lái xe.
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn tỉnh, thành phố; lập trạm phối hợp giữa lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải để tổ chức kiểm soát tải trọng đối với những tuyến, điểm phức tạp.
- Đôn đốc các cơ sở Y tế triển khai thực hiện và báo cáo kịp thời kết quả kiểm tra nồng độ cồn đối với nạn nhân tai nạn giao thông theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Các địa phương có sân bay tăng cường chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa công an địa phương và lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi uy hiếp an toàn, an ninh hàng không.
- Tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2016 và xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ Năm An toàn giao thông 2017; Tổ chức đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và mùa Lễ hội Xuân 2017 và Lễ ra quân bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2017.
- Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống ùn tắc giao thông; tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ; chỉ đạo thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm siết chặt quản lý sử dụng vỉa hè, lòng lề đường, hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cầu vượt, xử lý điểm thắt về hạ tầng; đổi mới phương tiện và hợp lý hóa luồng, tuyến xe buýt; có phương án ứng trực sẵn sàng xử lý, khắc phục sự cố tại các điểm có nguy cơ ùn tắc cao; phối hợp tổ chức giao thông kết nối với lịch bay và điều hành cất hạ cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc giao thông; ứng dụng công nghệ thông tin thông báo lịch trình xếp dỡ tại cảng, tình hình giao thông cho lái xe để giảm thời gian chờ đợi của xe tải trên các tuyến đường ra vào các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh./.
|
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP về việc từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh Ban hành: 31/07/2008 | Cập nhật: 05/08/2008