Chỉ thị 66/CT-UB năm 1977 về cải tiến một bước lề lối làm việc và thực hiện thống nhứt chế độ thỉnh thị, báo cáo do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 66/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Lê Đình Nhơn |
Ngày ban hành: | 08/11/1977 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tổ chức bộ máy nhà nước, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 66/CT-UB |
Tp. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 11 năm 1977 |
CHỈ THỊ
VỀ CẢI TIẾN MỘT BƯỚC LỀ LỐI LÀM VIỆC VÀ THỰC HIỆN THỐNG NHỨT CHẾ ĐỘ THỈNH THỊ, BÁO CÁO
Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ IV và nghị quyết Đại hội Đại biểu của Đảng bộ Thành phố lần thứ I, vừa qua các ngành và các cấp chánh quyền trong thành phố đã đề cao ý thức tự lực tự cường, phát huy tinh thần trách nhiệm và hợp tác xã hội chủ nghĩa trong công tác, phấn đầu vươn lên khắc phục nhiều khó khăn khách quan và chủ quan nhằm cải tiến từng bước công tác quản lý nhà nước, cải tạo và xây dựng thành phố.
Qua những cuộc vận động tự phê bình và phê bình trước nhân dân, nhứt là trong cuộc vận động thực hiện 2 nghị quyết 28 và 29 của Thành ủy và các nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố, nhiều ban, ngành, sở và cơ quan chánh quyền các cấp đã có một bước chuyển bỉến về lề lối làm việc,về tác phong công tác theo hướng tăng cường đi sát dân, sát cơ sở hơn trước, nâng cao tinh thần tổ chức và kỷ luật trong việc chấp hành các chủ trương, chánh sách của Đảng và Nhà nước.
Bên cạnh những tiến bộ bước đầu trên đây, trong các cấp, các ngành còn có những mặt thiếu sót khá phổ biến trong công tác quản lý ngành và địa phương.
Chánh quyền địa phương và cơ quan quản lý ngành chưa nắm chắc, kịp thời và đầy đủ tình hình an ninh chính trị, quản lý kinh tế, văn hóa xã hội và đời sống nhân dân trong địa phương và ngành mình và cũng chưa căn cứ vào nội dung các chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy Đảng và chỉ đạo của Ủy ban cấp trên hay ngành dọc. Việc báo cáo, thỉnh thị đối với cấp trên chưa được tổ chức tốt, nên chế độ báo cáo chưa có nền nếp thống nhứt. Các báo cáo định kỳ thường làm chậm và không thường xuyên, những vấn đề quan trọng và cấp bách thường không được phản ánh nhanh và đầy đủ đến cơ quan có trách nhiệm trực tiếp giải quyết. Gặp vấn đề phải giải quyêt, nhiều cơ quan chưa phát huy đầy đủ vai trò, chức năng của mình và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa với các cơ quan bạn để nghiên cứu cách giải quyết một cách tích cực theo đúng chức trách, nên nhiều việc bị đẩy qua đẩy lại, mất thì giờ, chậm trễ công việc. Nhiều việc đưa lên cấp trên xin ý kiến giải quyết nhưng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng, chưa được suy nghĩ thấu đáo, chưa có kiến nghị về các phương án giải quyết nên cấp trên phải hỏi đi hỏi lại và phải để nhiều thì giờ tìm hiểu, nghiên cứu sự việc. Vừa qua nội dung một số hội nghị chưa được chuẩn bị đầy đủ nên mất thì giờ mà hội nghị không đề ra được những nghị quyết dứt khoát, v.v...
Những thiếu sót nói trên bộc lộ những khuyết điểm trong tổ chức công tác và lề lối làm việc, và đều xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, nên các ngành và các cấp đều có thể và cần phải cùng nhau sửa chữa một cách đồng bộ từ trên xuống dưới, thực hiện một nền nếp công tác thống nhứt.
Để khắc phục tình trạng không tốt nói trên, bắt đầu từ 15-11-1977, tất cả các sở, ban ngành của Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đều thực hiện chế độ thỉnh thị, báo cáo và một số quy định về lề lối làm việc sau đây :
1.-Thực hiện chế độ báo cáo hàng ngày, báo cáo 5 ngày, hàng tháng, quý, 6 tháng và báo cáo cuối năm, đồng thời bãi bỏ chế độ báo cáo tuần, 10 ngày, nữa tháng.
- Báo cáo ngày : hàng ngày trước 15 giờ, báo cáo về Ủy ban nhân dân Thành phố những việc quan trọng và cần giải quyết gấp liên quan đến an ninh chánh trị, trật tự xã hội, quản lý kinh tế, văn hóa và đời sống nhân dân. Báo cáo thật ngắn gọn sự kiện xảy ra, kèm theo biện pháp xử lý của cơ quan báo cáo và kiến nghị với cấp trên. Cách báo cáo : cử cán bộ đến trực tiếp báo cáo hoặc báo cáo bằng giấy do liên lạc đặc biệt mang đến Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, hoặc báo cáo bằng điện thoại (gọi về các số sau đây : 99814, 20022, 20026, 22693).
- Báo cáo 5 ngày tổng hợp tình hình của ngành, của địa phưong trong 5 ngày qua, nêu lên những vấn đề quan trọng cần lưu ý trong công tác chỉ đạo. Báo cáo 5 ngày phải đến Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố trong các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và ngày cuối tháng.
- Các báo cáo tháng phải đến Ủy ban nhân dân Thành phố trước ngày 28, nêu rõ những nhận định, đánh giá đối với việc thực hiện chương trình công tác trong tháng, tập trung vào những công tác lớn, có so sánh với tháng trước, rút ra được nhân tố mới xuất hiện trong phong trào lao động sản xuất và phân phối, giải quyết đời sống cho nhân dân lao động và đề xuất những vấn đề cần giải quyết kèm theo kiến nghị về các cách giải quyết đó.
- Các báo cáo quý, 6 tháng, cuối năm là những báo cáo được nghiên cứu công phu hơn, có sơ kết, tổng kết, có số liệu phân tích so sánh và rút ra đươc những kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện những chủ trương công tác của Thành phố. Các báo cáo này cần được thảo luận tập thể trong bộ phận lãnh đạo, đảm bảo cho nội dung các báo cáo có chất lượng, có tác dụng thiết thực chỉ đạo thực tiễn, thông qua đó góp phần quán triệt đầy đủ hơn đường lối, chính sách, tư tưởng, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, chỉ ra những phương hướng cải tiến công tác và kinh nghiệm tổ chức, quản lý các mặt tư tưởng, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và công tác chuyên môn của từng ngành.
Để nâng cao chất lượng các báo cáo, từng ngành phải có cách làm việc nắm chắc được tình hình của ngành mình đến tận cơ sở và thường xuyên phải xuống cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn của cơ sở. Mặt khác, Thủ trưởng các ban, ngành, sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện cần trực tiếp chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết tình hình và kinh nghiệm công tác, không thể khoán trắng cho những người giúp việc. Các báo cáo phải do các đồng chí lãnh đạo ký khi gởi lên cấp trên, tránh tình trạng làm báo cáo lấy lệ, nội dung thì dàn đều, về hình thức thì rườm rà, nói nhiều việc nhưng không nêu bật được những vấn đề cần giải quyết để thúc đẩy thực tiễn cách mạng tiến lên.
Khi có vấn đề liên quan đến địa phương hay ngành khác thì cơ quan báo cáo có trách nhiệm trao đổi ý kiến trước với cơ quan và chánh quyền địa phương đó và báo cáo cho Ủy ban nhân dân Thành phố biết ý kiến của cơ quan hữu quan. Những việc gì ngành chủ quản có thể chủ động giải quyết được thì cần tranh thủ bàn bạc giải quyết với các cơ quan hữu quan rồi báo cáo cho Ủy ban nhân dân Thành phố biết, chứ không chờ đợi và tránh cho Thường trực Ủy ban bớt triệu tập những hội nghị không cần thiết.
2.- Nền nếp hội ý, hội báo và chế độ hội nghị :
Bên cạnh chế độ báo cáo trên đây và ngoài các cuộc hội nghị thường kỳ giữa Ủy ban nhân dân Thành phố với các ban, ngành, sở, quận, huyện, trong trường hợp cần thiết phải giải quyết những vấn đề phức tạp hoặc mới nảy sinh, chưa có chủ trương của Thành phố, Thủ trưởng các ban, ngành, sở và Thường trực Ủy ban nhân dân quận, huyện có thể thông qua Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố để đăng ký thời gian và nội dung báo cáo thỉnh thị trực tiếp với Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố. Mặt khác, tùy theo yêu cầu của công tác chỉ đạo và khi có ý kiến của Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố có nhiệm vụ tổ chức cho Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố làm việc riêng với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, Thủ trưởng ban, ngành, sở. Chỉ có Ủy ban nhân dân thành phố mới có quyền triệu tập hội nghị có thành phần Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện. Khi cần triệu tập Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, các ban, ngành, sở phải đề nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố.
Để đảm bảo chất lượng của các hội nghị cần thiết, từ nay đề án nội dung các hội nghị của ngành cấp thành phố phải được ngành chủ quản chuẩn bị chu đáo ; bản dự thảo báo cáo của Hội nghị phải gởi đến Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố và phải được Phó Chủ tịch (Ủy ban nhân dân Thành phố) phụ trách khối thông qua trước khi triệu tập hội nghị.
Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố có nhiệm vụ chuẩn bị nội dung và thời gian làm việc của Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố, đảm bảo cho các cuộc họp đạt được mục đích, yêu cầu đề ra. Hàng tuần dành thời gian thích đáng cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch đi cơ sở, kiểm tra công tác, nắm tình hình phong trào quần chúng ở cơ sở. Đối với những công tác đã có chủ trương của Ủy ban nhân dân Thành phố, trong quá trình thực hiện nếu gặp khó khăn, các ngành và địa phương liên hệ với Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố để được hướng dẫn thực hiện.
Nhận được chỉ thị này, Thủ trưởng các ban, ngành, sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện cần nghiên cứu hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các phường, xã cải tiến một bước lề lối làm việc và chế độ, nội dung báo cáo cho phù hợp với tinh thần chỉ thị này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |