Chỉ thị 43/2006/QĐ-UBND về tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành
Số hiệu: 43/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 09/03/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN

 TỈNH QUẢNG NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2006/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 09 tháng 03 năm 2006 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001, trong thời gian qua, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả nhất định, đã hạn chế được sự gia tăng về số vụ cháy và chữa cháy. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 133 vụ cháy gây thiệt hại về tài sản khoảng 15,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do còn nhiều địa phương, đơn vị chưa quan tâm, đầu tư đúng mức cho công tác này, việc chấp hành pháp luật, ý thức về phòng cháy, chữa cháy của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, của cán bộ, công chức và một bộ phận nhân dân chưa nghiêm túc. Để thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ và Chỉ thị số 02/2006/CT-TTg ngày 23/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy, UBND tỉnh Chỉ thị:

1. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh trực tiếp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi địa bàn quản lý và thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch phòng cháy chữa cháy của địa phương, đơn vị mình theo đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ và Chỉ thị số 02/2006/CT-TTg ngày 23/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt cần tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp cụ thể sau đây:

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng cháy, chữa cháy đến từng cơ sở, địa bàn dân cư bằng nhiều hình thức, biện pháp đa dạng, cụ thể, dễ hiểu, dễ biết; có kế hoạch xây dựng, củng cố hoạt động của các đội dân phòng và các đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở, các phương án phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; tổ chức ký cam kết đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; đầu tư kinh phí để trang bị bổ sung các phương tiện chữa cháy phù hợp, đảm bảo khả năng phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở.

- Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, khu dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, vật liệu nổ công nghiệp và các cơ sở trọng điểm khác có nguy cơ cháy cao; đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Hội nghị APEC và các hoạt động của Năm du lịch Quốc gia – Quảng Nam 2006. Những thiếu sót, sơ hở về phòng cháy, chữa cháy phải tổ chức khắc phục ngay và xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát toàn diện về thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy; Nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ tại địa phương, ngành, cơ sở của mình. Có kế hoạch tập trung giải quyết dứt điểm những bất cập, tồn tại để cải thiện điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy mà lâu nay chưa giải quyết được.

- Các địa phương, ngành, cơ quan, doanh nghiệp tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy trước ngày 15/9/2006 và gửi báo cáo về UBND tỉnh (qua Công an tỉnh). Trong sơ kết phải đánh giá kết quả thực hiện từng nội dung trong Luật Phòng cháy và chữa cháy; các văn bản quy phạm pháp luật khác về phòng cháy, chữa cháy; nêu lên những việc làm được, chưa làm được, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các biện pháp khắc phục trong thời gian đến; khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy. Trong dịp kỷ niệm ngày “Toàn dân phòng cháy, chữa cháy” 04-10, các địa phương, ngành, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy sôi nổi như: Hội thi kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy, hội thi văn nghệ với chủ đề về phòng cháy, chữa cháy, hội thảo về phòng cháy, chữa cháy… Giao Công an tỉnh hướng dẫn các địa phương, ngành về nội dung sơ kết.

2. Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Công an tỉnh và các địa phương có rừng trong phạm vi trách nhiệm của mình, cần quán triệt tổ chức triển khai ngay Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm: phòng cháy là chủ đạo; phát hiện sớm, thông tin và tổ chức cứu chữa, ứng cứu kịp thời khi xảy ra cháy rừng. Thực hiện tốt việc cảnh báo, dự báo và kiểm soát lửa rừng; tăng cường vai trò và trách nhiệm của chủ rừng, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi người trong việc phòng cháy, chữa cháy rừng.

3. Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh tập trung chỉ đạo và hướng dẫn chủ đầu tư chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo nội dung của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định số 35/2003/NĐ-CP của Chính phủ trước khi thi công, mở rộng công trình và trong hoạt động sản xuất kinh doanh; yêu cầu các Ban quản lý dự án và đơn vị đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hoàn thiện các yêu cầu về giao thông, cấp nước, đảm bảo đáp ứng cho yêu cầu công tác phòng cháy, chữa cháy chung tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế mở… Đồng thời tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy tại Khu kinh tế mở, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp .

4. Sở Văn hóa – Thông tin, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và Báo Quảng Nam có kế hoạch tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác, chú trọng trong dịp tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy và “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy” 04/10 năm nay.

5. Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tổ chức tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương và cơ sở trọng điểm về phòng cháy, chữa cháy, các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế mở Chu Lai, khu dân cư và các cơ sở có nguy cơ cháy cao. Qua kiểm tra phải kiến nghị khắc phục và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Chọn một số trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để đưa ra truy tố, xét xử công khai nhằm răn đe, phòng ngừa chung.

- Tham mưu UBND tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy và các hoạt động nhân dịp kỷ niệm “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 04-10” lần thứ X năm 2006; đồng thời xây dựng đề án tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện.

Nhận được Chỉ thị này, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp triển khai thực hiện nghiêm túc. Giao Công an tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (b/cáo);
- Văn phòng Chính phủ (b/cáo);
- Bộ Công an (thay b/cáo);
- Bộ Tư pháp (báo cáo)
- TTTU, HĐND, UBND tỉnh;
- Chánh, Phó văn phòng;
- UBND các huyện, thị xã (t/hiện);
- Các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể,
các đơn vị, doanh nghiệp (t/hiện);
- Báo Quảng Nam, Đài PTTH tỉnh;
- Lưu VT, NC, KTN, TH.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Xuân Phúc