Chỉ thị 4136/CT-BNN-TT năm 2009 phát động phong trào thi đua áp dụng VietGap trong sản xuất rau, quả, chè
Số hiệu: 4136/CT-BNN-TT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Cao Đức Phát
Ngày ban hành: 15/12/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4136/CT-BNN-TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA ÁP DỤNG VIETGAP TRONG SẢN XUẤT RAU, QUẢ, CHÈ

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản và đang trở thành đòi hỏi cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta.

Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn đã cho thấy, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì phải áp dụng quản lý trên cơ sở phân tích mối nguy (HACCP) trong tất cả các khâu của quá trình "từ trang trại đến bàn ăn"; đối với sản xuất trồng trọt là việc áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP).

Vói định hướng trên, năm 2008 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong sản xuất rau, quả, chè an toàn; Quyết định số 84/2008/QĐ-BNN về Quy chế chứng nhận VietGAP; Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN về quản lý sản xuất và kinh doanh rau, quả và chè an toàn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn, với mục tiêu đến năm 2015 toàn bộ sản phẩm rau, quả, chè tại các vùng sản xuất tập trung được sản xuất theo VietGAP.

Thời gian qua đã có một số mô hình sản xuất rau, quả, chè được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc MetroGAP, bước đầu được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận, góp phần quảng bá và nâng cao uy tín hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, áp dụng GAP chưa trở thành phong trào sâu rộng; nhiều địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về GAP với vai trò là một phương thức sản xuất tiên tiến cần áp dụng vào thực tiễn, vì an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng và vì sự phát triển của thị trường nông sản nước ta.

Nhằm đẩy nhanh việc áp dụng VietGAP vào sản xuất, tiến tới trở thành phổ biến trong sản xuất trồng trọt nói chung, sản xuất rau, quả, chè nói riêng; định hướng và thu hút sự quan tâm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, cơ quan thông tin đại chúng đối với sản xuất theo GAP, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị Phát động phong trào thi đua áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè an toàn, cụ thể như sau:

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

a) Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, trước hết đối với rau, quả, chè;

b) Huy động được sự quan tâm từ trong nước và quốc tế để đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau, quả, chè an toàn sản xuất phù hợp VietGAP; nâng cao tỷ lệ sản phẩm rau, quả, chè được sản xuất theo VietGAP, đạt các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

c) Góp phần đảm bảo sức khỏe nhân dân, mở rộng phát triển thị trường nội địa và quốc tế, nâng cao hiệu quả và phát triển sản xuất rau, quả, chè bền vững.

1.2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến 2011:

- 100% các tỉnh, thành phố hoàn thành quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung;

- Khoảng 50% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè an toàn phù hợp với VietGAP;

- Khoảng 30% sản lượng rau, quả và chè tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP.

b) Mục tiêu đến 2013:

- Khoảng 80% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè an toàn phù hợp VietGAP.

- Khoảng 60% sản lượng rau, quả và chè tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP.

c) Mục tiêu đến 2015:

- 100% các tổ chức, cá nhân tại các vùng sản xuất an toàn tập trung đảm bảo đủ điều kiện sản xuất, sơ chế sản phẩm rau, quả, chè an toàn phù hợp VietGAP.

- 100% sản lượng rau, quả và chè tại các vùng sản xuất an toàn tập trung được chứng nhận hoặc tự đánh giá và công bố sản xuất theo VietGAP.

2. Nội dung

2.1. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền

Huy động các phương tiện thông tin, tuyên truyền của Trung ương, địa phương, phối hợp các tổ chức đoàn thể để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cụ thể như sau:

a) Cập nhật, phổ biến các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm gồm:

- Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015.

- Các văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 ban hành Quy định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn; Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN ngày 28/01/2008 ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau, quả tươi an toàn; Quyết định số 1121/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/4/2008 ban hành Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho chè búp tươi an toàn; Quyết định số 84/2008/QĐ-BNN ngày 28/72008 ban hành Quy chế chứng nhận Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho rau, quả và chè an toàn; Thông tư số 59/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2009 Hướng dẫn thực hiện một số Điều của Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn đến 2015.

b) Giới thiệu các mô hình, gương điển hình về tổ chức sản xuất, chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm rau, quả, chè sản xuất theo VietGAP; cập nhật và thông tin rộng rãi các nhà sản xuất rau, quả, chè an toàn được chứng nhận và công bố sản phẩm an toàn.

2.2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước

a) Tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về sản xuất rau, quả, chè an toàn theo VietGAP; kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung, lĩnh vực rau, quả, chè nói riêng.

b) Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về rau, quả, chè an toàn phù hợp với điều kiện Việt Nam, hội nhập quốc tế.

Xây dựng Sổ tay hướng dẫn chi tiết đối với từng nhóm rau ăn lá, ăn quản, ăn củ thực hiện theo VietGAP; sổ tay ghi chép theo VietGAP theo hướng gọn nhẹ, khả thi; ban hành các tiến bộ kỹ thuật, quy trình mới về sản xuất an toàn.

c) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật về VietGAP cho các đối tượng là cán bộ quản lý, khuyến nông các cấp và nhà sản xuất rau, quả, chè. Đào tạo, tập huấn, chỉ định và quản lý hoạt động của hệ thống người lấy mẫu, phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận VietGAP trên cả nước.

d) Xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, chứng nhận và tiêu thụ rau, quả, chè an toàn; đầu tư về ngân sách, nhân lực và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm.

đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong sản xuất, chứng nhận và tiêu thụ rau, quả, chè theo VietGAP. Công khai các tổ chức, cá nhân, hành vi sai phạm liên quan đến sản xuất, chứng nhận rau, quả, chè theo VietGAP.

2.3. Đẩy mạnh áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè an toàn

a) Hoàn thiện quy hoạch các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng của các vùng sản xuất rau, quả, chè an toàn tập trung đảm bảo đáp ứng yêu cầu sản xuất theo VietGAP; ưu tiên đầu tư cho những vùng sản xuất hàng hóa lớn.

b) Tổ chức lại sản xuất tại các vùng sản xuất tập trung theo mô hình trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng sản xuất theo VietGAP.

c) Tổ chức mạng lưới tiêu thụ trong nước, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ rau, quả, chè an toàn được sản xuất theo VietGAP.

d) Huy động các thành phần kinh tế từ trong và ngoài nước đầu tư mở rộng sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau, quả, chè an toàn sản xuất theo VietGAP. Trước mắt triển khai có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư đã được cấp cho sản xuất, kinh doanh rau, quả, chè an toàn của Trung ương, địa phương, như các dự án CIDA, dự án ADB, kinh phí khuyến nông và chương trình mục tiêu quốc gia …

đ) Đẩy mạnh việc nghiên cứu và áp dụng các giải pháp tổng hợp trong sản xuất rau, quả, chè an toàn như giống mới kháng sâu bệnh, thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh và các biện pháp canh tác khác.

3. Thời gian thực hiện

Từ 01 tháng 01 năm 2010 đến 31 tháng 12 năm 2015.

4. Các hình thức khen thưởng

a) Tặng cờ thi đua xuất sắc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho các địa phương, đơn vị dẫn đầu;

b) Tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc;

c) Các địa phương, đơn vị, cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xét khen thưởng.

5. Tổ chức thực hiện

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè trên phạm vi cả nước, gồm có:

- Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Phó Trưởng ban thường trực là Cục trưởng Cục Trồng trọt;

- Thành viên gồm đại diện các đơn vị liên quan thuộc Bộ, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số tỉnh, thành phố sản xuất, tiêu thụ rau, quả, chè trọng điểm.

Định kỳ 1 năm, Ban Chỉ đạo họp sơ kết và báo cáo kết quả thực hiện lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban Chỉ đạo tổ chức hội nghị sơ kết vào các năm 2011, 2013 và tổng kết phong trào thi đua vào năm 2015.

b) Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan trình Bộ trưởng thành lập Ban Chỉ đạo; tổng hợp, xem xét đề xuất các hình thức khen thưởng.

c) Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung tổ chức Lễ phát động; xây dựng trình Ban Chỉ đạo ban hành tiêu chí chấm điểm thi đua; theo dõi, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện; tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện; chuẩn bị tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua.

d) Cục Bảo vệ thực vật. Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia. Ban Quản lý dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và Phát triển chương trình khí sinh học", các đơn vị nghiên cứu, đào tạo, thông tin tuyên truyền thuộc Bộ có trách nhiệm tham gia tích cực cuộc phát động và hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công.

e) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành các cơ chế, chính sách đẩy mạnh phong trào thi đua tại địa phương; hàng năm kịp thời tổ chức sơ kết, rút kinh nghiệm, tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện, đề xuất các hình thức khen thưởng về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông;
- Vụ TCCB: các Cục: Trồng trọt, Quản lý CLNLS&TS, Chế biến TMNLS&NM, BVTV; Trung tâm KN-KN Quốc gia; BQL các dự án Nông nghiệp;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nòi Việt Nam;
- Công báo, Website Chính phủ;
- Lưu: VT, TT.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát