Chỉ thị 40/CT-UBND năm 2017 về tăng cường công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: 40/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Nguyễn Văn Tùng
Ngày ban hành: 28/12/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 12 năm 2017

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trong thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực; việc xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đã được các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan thực hiện cơ bản bảo đm theo đúng quy định của pháp luật; các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, góp phần nâng cao công tác đấu tranh, phòng, chống vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hp pháp của cá nhân và tổ chức, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính còn một số tồn tại, hạn chế như: việc xác định hành vi vi phạm hành chính, lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến công tác thống kê, báo cáo kết quả thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn còn sai sót và chưa bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Ngoài ra, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về công tác xử lý vi phạm hành chính và cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính chưa thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; cán bộ, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế, chưa thường xuyên được bồi dưỡng nên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên và bảo đảm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là Nghị định số 81/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi là Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) và các văn bản pháp luật có liên quan; Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Đối với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố:

a) Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng và các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính tới các tổ chức và nhân dân biết, thực hiện.

b) Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan có trách nhiệm xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của ngành, địa phương mình và gửi về Sở Tư pháp trước ngày 10/02 hàng năm để theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của địa phương gửi Ủy ban nhân dân quận, huyện trước ngày 05/7 (đối với báo cáo 06 tháng); trước ngày 05/01 của năm liền kề năm báo cáo (đối với báo cáo hàng năm).

d) Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ca ngành, địa phương mình gửi Sở Tư pháp trước ngày 10/7 (đối với báo cáo 06 tháng); trước ngày 10/01 của năm liền kề năm báo cáo (đối với báo cáo hàng năm), để Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

đ) Các cơ quan, đơn vị trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm:

- Gửi Sở Tư pháp các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có áp dụng hình thức “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”; phải gia hạn thời hạn ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính để kiểm tra, đánh giá.

- Sau 05 ngày, kể từ ngày thi hành xong Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; gửi Sở Tư pháp kết quả thi hành để Sở Tư pháp tổng hợp, theo dõi quá trình thực hiện. Đồng thời phối hợp, cung cấp hồ sơ, tài liệu theo đề nghị của Sở Tư pháp (nếu có).

e) Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm:

- Tại phần Nơi nhận các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có ghi: “Sở Tư pháp”, để tổng hợp, theo dõi quá trình thực hiện.

2. Đối với STư pháp:

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức sơ kết việc thực hiện Quyết định số 2979/2015/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng; trên cơ sở kết quả việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định của pháp luật có liên quan, căn cứ quy định tại Nghị định số 97/2017/NĐ-CP , tham mưu, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng; thời hạn thực hiện: Hoàn thành trong năm 2018.

b) Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan tổ chức phổ biến, quán triệt tập huấn chuyên sâu các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 81/2013/NĐ-CP , Nghị định số 97/2017/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan tới cán bộ, công chức làm công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Hải Phòng; bảo đảm ban hành trước ngày 30/01 hàng năm.

d) Tổng hợp, dự thảo Báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 15/7 (đối với báo cáo 06 tháng); trước ngày 15/01 của năm liền kề năm báo cáo (đối với báo cáo hàng năm) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp theo quy định.

đ) Kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, cụ thể đối với các trường hợp sau đây:

- Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố có áp dụng hình thức “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”; phải gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1, Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

- Hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các sở, ban, ngành, các cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng thực hiện cần xin ý kiến hướng dẫn.

- Trong quá trình thanh tra, kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính phát hiện những hồ sơ có sai sót về nội dung, thể thức văn bản.

e) Theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao của các cơ quan, đơn vị và địa phương.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp, Văn phòng CP;
- TTTU, TT HĐND TP;
- CT, các PCT UBND thành phố;
- UBNMTTQVN thành phố;
- Đoàn ĐBQH tại HP;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các quận, huyện;
- Báo HP, Đài PT&HT HP;
- Cổng thông tin điện tử TP;
- CVC, PCVP;
- Các Phòng CV;
- CV: TP;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Tùng