Chỉ thị 40/CT-UB năm 1990 về tổ chức thực hiện chống tham nhũng toàn Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 40/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Vĩnh Nghiệp
Ngày ban hành: 03/10/1990 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khiếu nại, tố cáo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------

Số: 40/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 10 năm 1990

 

CHỈ THỊ

VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỐNG THAM NHŨNG TOÀN THÀNH PHỐ.

Thực hiện quyết định 240/HĐBT ngày 26/6/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng và Thông tri 80/TT-TU ngày 28/8/1990 của Ban Thường vụ Thành ủy về đấu tranh chống buôn lậu hàng ngoại và chống tham nhũng. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch triển khai toàn thành phố như sau :

I. TÌNH HÌNH

Như quyết định 240-HĐBT đã nêu : Bên cạnh sự nổ lực và cố gắng của toàn Đảng toàn dân để đạt được những tiến bộ quan trọng, thì trong đời sống xã hội, đặc biệt trong nhiều cơ quan, xí nghiệp… của Nhà nước đã xuất hiện ngày càng nhiều tệ tham nhũng dưới nhiều hình thức, gây ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng trong việc xâm phạm tài sản của Nhà nước, của tập thể, của công dân, gây nên sự bất bình trong nhân dân, sự bất công trong các tầng lớp xã hội và làm giảm lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong không ít trường hợp, hành vi tham nhũng đã gây tác hại như một tội ác hay hành vi phá hoại.

Chúng ta đã nhiều lần lên án và tiến hành nhiều biện pháp để đấu tranh và ngăn chặn, nhưng ít hiệu quả. Tệ tham nhũng dưới nhiều hình thức không những không bị ngăn chặn mà còn có chiều hướng nghiêm trọng hơn.

Quyết định 240 của Hội đồng Bộ trưởng đã chỉ rõ những nguyên nhân chủ yếu sau đây :

1- Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, xã hội còn lỏng lẻo, kỷ cương xã hội, pháp chế không nghiêm, công tác kiểm tra, thanh tra không thường xuyên và triệt để nên không ngăn chặn và phát hiện kịp thời các hành vi tiêu cực.

2- Trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế, xã hội, cơ chế quản lý cũ (quan liêu, bao cấp) đang được xóa bỏ, nhưng cơ chế quản lý mới chưa hình thành một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đặc biệt vấn đề phân phối thu nhập của người lao động giữa cơ sở này và cơ sở khác, giữa ngành này với ngành khác, giữa Trung ương với địa phương đang có sự chênh lệch quá đáng, sự bất hợp lý đã tạo nên những kẻ hở cho các phần tử thoái hóa, biến chất, do những cán bộ, công nhân viên chức Nhà nước phẩm chất xấu, chạy theo lợi ích cá nhân, cục bộ, lợi dụng xoay xở để tham ô, ăn hối lộ, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, của tập thể và của người lao động.

3- Để tình trạng tham nhũng kéo dài và nghiêm trọng trước hết là do sự chỉ đạo của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở nói chung chưa thấy hết trách nhiệm và chưa kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng trong phạm vi ngành, địa phương và cơ sở mình phụ trách. Trong nhiều trường hợp còn có biểu hiện nương nhẹ, nể nang với người phạm tội, thậm chí một số người có cương vị lãnh đạo còn đồng lõa, tiếp tay, bao che cho phần tử xấu…

Nhận định trên cũng đúng đối với tình hình thành phố chúng ta. “tình trạng lợi dụng chức quyền tham ô hối lộ, làm giàu bất chính, ăn chơi sa đọa, ức hiếp trù dập người dưới quyền, vi phạm quyền làm chủ, gây thiệt hại đến quyền lợi của quần chúng xảy ra ở rất nhiều nơi, nhất là ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh, một số ngành như nhà đất, hải quan, thuế, giao thông vận tải v.v… một số đơn vị thuộc ngành nội chính như : công an, tư pháp, tòa án…” (Nghị quyết 11 Thành ủy).

Nhiều đơn vị nặng lo chạy theo sản xuất, kinh doanh mà ít quan tâm đến việc chống tiêu cực, chống tham nhũng, không thấy tác hại nghiêm trọng của tệ tham nhũng có liên quan đến sự mất còn của thành quả cách mạng, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với chế độ chính trị của ta.

II. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI  TIẾN HÀNH ĐẤU TRANH CHỐNG THAM NHŨNG

+ Thuận lợi :

- Quyết định này là tiếp tục thực hiện “Cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội” theo Nghị quyết 04 Bộ Chính trị và cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhất là chống tham nhũng mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra. Thành ủy có Nghị quyết 11/NQ-TU ngày 18/6/1990 về củng cố một bước tổ chức Đảng.

- Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng hợp lòng dân, sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực.

- Bộ phận đảng viên cán bộ tích cực, có phẩm chất vẫn là số đông như Nghị quyết 11 của Thành ủy đánh giá : “Ở hầu hết các tổ chức cơ sở Đảng, nơi nào cũng có một số đảng viên hoặc một bộ phận đảng viên tiên phong gương mẫu, quan điểm lập trường vững vàng, ủng hộ và tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, có tinh thần đấu tranh chống tiêu cực…”.

+ Khó khăn :

- Đấu tranh chống tệ tham nhũng là một vấn đề hết sức phức tạp, vì nó diễn ra trước hết trong nội bộ đơn vị, cơ quan và ngay trong bản thân cán bộ nhân viên Nhà nước, đòi hỏi mỗi người, mỗi tổ chức phải phát huy cao tinh thần tự phê bình và phê bình cùng với sự kiểm tra giám sát chặt chẽ của quần chúng.

- Cuộc đấu tranh này diễn ra trong tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, kẻ địch và phần tử cơ hội luôn lợi dụng để xuyên tạc vu khống gây rối nội bộ ta.

- Ở thành phố, trong những tháng đầu năm 1990 tình hình kinh tế - xã hội đang gặp khó khăn nghiêm trọng. Sản xuất đình đốn, hàng ngoại tràn ngập thị trường, lưu thông trì trệ, ngân sách thâm thụt, nợ quá hạn không thanh toán kịp.

- Tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội ở thành phố có nhiều diễn biến phức tạp. Kẻ địch ở nước ngoài móc nối với bọn phản động trong nước lợi dụng những khó khăn của ta về kinh tế - xã hội và tình hình diễn biến ở Đông Âu để kích động chống chế độ, nhằm gây những biến động lớn về chính trị ở thành phố.

Do đó chúng ta vừa phải kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, vừa phải tỉnh táo đề phòng sự lợi dụng phá hoại của địch và phần tử xấu.

III. YÊU CẦU VÀ MỤC TIÊU CHỐNG THAM NHŨNG

Đấu tranh chống tham nhũng là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay, không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn là vấn đề chính trị xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa. Nếu chỉ đơn thuần lo sản xuất kinh doanh mà không quan tâm đến chống tiêu cực, chống tham nhũng là một quan điểm sai lầm, sẽ gây hậu quả nguy hại cho chế độ chính trị của chúng ta, do đó các cấp lãnh đạo cần phải thấy hết mức độ nghiêm trọng và tác hại của tệ tham nhũng để tích cực đấu tranh, đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của các ngành, các cấp, các cơ quan đơn vị và sự gáim sát của nhân dân, nhằm đạt yêu cầu :

- Làm trong sạch bộ máy Nhà nước, nâng cao trách nhiệm của cán bộ nhân viên trong quản lý và sử dụng vật tư, tiền bạc của Nhà nước.

- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế - xã hội.

- Từng bước lập lại trật tự kỷ cương pháp luật góp phần làm ổn định tình hình chính trị kinh tế - xã hội, tạo được lòng tin của quần chúng đối với sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham nhũng.

- Chống mọi hành vi lợi dụng chức trách, quyền hạn dưới mọi hình thức trá hình liên doanh, liên kết, môi giới, dịch vụ, lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý dưới danh nghĩa “đổi mới”, “năng động” ; lợi dụng việc chia tách, sát nhập, giải thể cơ quan, đơn vị; lợi dụng chủ trương ưu tiên cấp vốn, vật tư… của Nhà nước đối với công trình nghiên cứu, sản xuất đặc biệt; lợi dụng việc ký kết, buôn bán với nước ngoài, việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn vật tư, việc ký hợp đồng, đấu thầu v.v… để tham ô, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.

- Chống mọi hành vi hối lộ dưới mọi hình thức trong tất cả các khâu : tiêu thụ sản phẩm, buôn bán vật tư, tài sản cố định, chuyển đổi tiền, cho vay, cấp vốn, cấp đất, cấp nhà, cấp đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xuất nhập khẩu, ký kết hợp đồng, kiểm tra chất lượng hàng hóa, xét miễn giảm thuế, tuyển dụng lao động, xét duyệt người đi nước ngoài…

- Chống các hành vi cố ý làm sai chính sách pháp luật vì mục đích vụ lợi, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước như : kế toán, hạch toán không trung thực, gian lận sổ sách chứng từ, lập quỹ trái phép, che giấu nguồn thu, trốn lậu thuế, trốn hoặc hạ mức nộp ngân sách, rút tiền, rút hàng của Nhà nước để làm ăn phi pháp.

- Chống việc tùy tiện đặt ra chế độ, tiêu chuẩn ngoài quy định hiện hành của Nhà nước như về nhà ở, xe cộ, chi tiêu; sử dụng công quỹ lãng phí vào liên hoan, hội nghị, tiệc tùng, quà biếu…

* YÊU CẦU TRƯỚC MẮT (HẾT NĂM 1990) :

1- Hạn chế, ngăn chặn không để việc xâm phạm tài sản của Nhà nước, của nhân dân tiếp tục xảy ra.

2- Thu hồi được tài sản đã bị thất thoát.

3- Chấn chỉnh công tác quản lý và điều hành ở tất cả các ngành, các cấp và mỗi cơ sở.

4- Thực sự củng cố lòng tin trong nhân dân, trong cán bộ chiến sĩ, công nhân viên chức về kết quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

+ MỤC TIÊU TRƯỚC MẮT :

 Cần tập trung vào chống tệ tham ô, hối lộ, cố ý làm trái chính sách, pháp luật và sử dụng lãng phí tiền bạc, tài sản của Nhà nước.

Để đạt yêu cầu và mục tiêu trên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải được tiến hành thường xuyên, rộng khắp ở tất cả các tổ chức kinh tế, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng vũ trang, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội, không loại trừ cơ quan đơn vị nào, đặc biệt là cần tập trung vào một số trọng điểm và các cơ quan, đơn vị quản lý nhiều tiền, hàng, vật tư quý hiếm, ngoại tệ, sử dụng nguồn vốn lớn là những nơi đang có biểu hiện tham ô, hối lộ, lãng phí làm thất thoát lớn tài sản Nhà nước.

Ở địa bàn thành phố, trước mắt, nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết của Thành ủy, kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết khó khăn trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, tập trung chống những biểu hiện tiêu cực trong vấn đề sử dụng vốn, ngoại tệ, thu chi ngân sách, cụ thể trên các lĩnh vực Ngân hàng, Thương nghiệp, xuất nhập khẩu, công nghiệp, nhà đất, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, một số lĩnh vực có quan hệ trực tiếp đến đời sống của nhân dân (y tế, giáo dục, điện nước…). Giải quyết xử lý các vụ việc tồn tại về tham nhũng trong từng ngành, từng cấp.

IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN VÀ CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh rất gay go phức tạp, hơn nữa quy mô và tính chất tham nhũng hiện nay khác xa so với những năm về trước, do đó cần có biện pháp đấu tranh tương ứng, cần phải được chỉ đạo chặt chẽ, có phương châm, phương pháp đúng đắn, có biện pháp tổ chức thực hiện tốt mới đạt được yêu cầu đề ra.

- Phải kiên quyết, thường xuyên, liên tục và triệt để. Không nên làm qua loa hời hợt.

- Phải kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước với các đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự giám sát của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp; đấu tranh chống tham nhũng gắn với cuộc đấu tranh chống tội phạm hình sự, chống buôn lậu, làm ăn trái phép, cải tiến thủ tục hành chính, chống gây phiền hà nhân dân.

- Kết hợp biện pháp quản lý, giáo dục với biện pháp hành chánh, kinh tế, pháp luật để ngăn chặn có hiệu quả tệ tham nhũng, đồng thời phải xây dựng nề nếp quản lý mới, kịp thời biểu dương người tốt việc tốt.

- Các vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh và phải thực sự bình đẳng trước pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ. Người tự giác nhận khuyết điểm, trả lại tài sản đã chiếm đoạt thì được châm chước trong xử lý.

- Gắn việc thực hiện chống tham nhũng với nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong ngành, địa phương, đơn vị, thiết thực góp phần tháo gở, giải quyết các khó khăn tồn tại về kinh tế - xã hội, phát hiện những vấn đề gì không còn phù hợp trong các chủ trương, chánh sách, chế độ theo cơ chế quản lý cũ ; đề xuất, bổ sung những ý kiến nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý mới, tạo được tinh thần phấn khởi, đoàn kết nội bộ, đẩy mạnh sản xuất. Chú ý gắn với việc thực hiện nghị quyết về củng cố tổ chức Đảng của Thành ủy.

Cụ thể biện pháp và các bước tiến hành :

1- Trước hết, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương cơ sở phải phổ biến ý nghĩa, yêu cầu, mục tiêu nội dung chống tham nhũng đến tận người dân, cán bộ chiến sĩ, công nhân viên chức Nhà nước. Phát động sự hưởng ứng tham gia đóng góp ý kiến của quần chúng. Cách làm phải bảo đảm công khai, dân chủ, làm cho mọi người yên tâm, không sợ bị trù dập.

Nếu cần có thể gởi đơn thư hoặc phản ảnh trực tiếp đến những người mình tín nhiệm ở các cấp, các tổ chức đoàn thể trực tiếp của đơn vị.

2- Thủ trưởng từng ngành, từng cấp, từng cơ sở phải có kế hoạch chống tham nhũng. Thủ trưởng đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện và kiểm tra cấp dưới thực hiện. Cùng với cấp ủy Đảng, đoàn thể kiểm điểm lại tình hình trong đơn vị địa phương mình xem có những biểu hiện gì như đã nêu trong các mục tiêu chống tham nhũng, vạch ra biện pháp sửa chữa. Bản kiểm điểm và biện pháp sửa chữa có sự tham gia đóng góp của cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, nhân dân, phải được gởi lên cấp trên để theo dõi. Để bảo đảm tính khách quan trong việc kiểm điểm tình hình ở đơn vị, tránh được sự nể nang, sợ bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm v.v…, các tổ chức Đảng, đoàn thể có thể phản ảnh những ý kiến riêng của mình lên cấp trên.

3- Thủ trưởng cấp trên phải đánh giá các cán bộ lãnh đạo thuộc quyền quản lý trực tiếp. Phải coi trọng việc chấn chỉnh kiện toàn tổ chức, rà soát đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ quản lý các cơ sở kinh tế, kịp thời thay thế những cán bộ xét thấy không còn đủ tin cậy.

Đối với trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm đến mức không đủ điều kiện điều hành công việc nói chung, nhất là việc chống tham nhũng thì có thể tạm ngừng điều hành, cử người khác thay thế cho đến khi sự việc được xem xét kết luận.

4- Cuộc đấu tranh chống tham nhũng phải được tiến hành trong tất cả các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, không loại trừ một cơ quan đơn vị nào, không tổ chức nào đứng ngoài cuộc tức là phải làm đồng bộ với diện rộng. Nhưng về mặt chỉ đạo thì từng ngành, địa phương cần chọn trọng tâm, trọng điểm có nhiều biểu hiện tiêu cực tham nhũng để tập trung giải quyết đến nơi đến chốn.

5- Tăng cường hoạt động thanh tra kiểm tra thường xuyên và đột xuất, sớm củng cố lại bộ máy thanh tra theo pháp lệnh đã ban hành để có đủ sức làm tham mưu giúp lãnh đạo.

6- Về biện pháp xử lý :

Tất cả các ngành, các cấp, các cơ sở, các tổ chức kinh tế có trách nhiệm phát hiện sớm các hành vi tham nhũng và xử lý kịp thời. Đối với những vụ vi phạm đã phát hiện nhưng chưa đủ điều kiện hoặc chưa đến mức truy tố trước pháp luật thì phải xử lý hành chính. Khi cần thiết có thể áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác.

Đối với những vụ có dấu hiệu phạm pháp hình sự thì không được giữ lại để xử lý nội bộ mà phải xử lý theo pháp luật.

Đối với những người tự giác khai báo và bồi hoàn tài sản đã chiếm đoạt của Nhà nước, của tập thể và công dân thì có thái độ khoan hồng.

Các ngành nội chính có kế hoạch phối hợp công tác chặt chẽ trong quá trình điều tra, kết luận, truy tố và xét xử để đảm bảo cho việc xử lý các vụ việc được nhanh chóng chính xác.

Cùng với việc xử lý kỷ luật, cần coi trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Nhà nước; biểu dương người tốt việc tốt trong đấu tranh chống tệ tham nhũng; khuyến khích thích đáng bằng vật chất và bảo vệ an toàn cho những người có công phát hiện hành vi tham nhũng.

Về mặt Đảng, gắn việc xử lý với việc chấn chỉnh đội ngũ đảng viên theo nghị quyết 11 của Thành ủy.

7- Các cơ quan, báo chí, ngôn luận cần hướng dẫn dư luận đấu tranh kiên quyết, bảo vệ tài sản của Nhà nước bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân, phê phán mạnh mẽ, sâu sắc các hiện tượng tiêu cực, tuyên truyền phổ biến pháp luật, cổ vũ các nhân tố tích cực để động viên phong trào. Đồng thời cần hết sức cảnh giác với các âm mưu thủ đoạn của địch lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng đả kích chế độ và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta. Việc đưa tin cần bảo đảm chính xác, đúng người, đúng việc, giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước điều tra xét xử nhanh chóng thuận lợi.

8- Mặt trận Tổ quốc thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố và các tổ chức đoàn thể, các Hội đoàn ở thành phố vận động quần chúng tham gia hưởng ứng, kiểm tra, giám sát, phát hiện những hành vi tham nhũng nhằm đấu tranh ngăn chặn, vạch ra biện pháp sửa chữa ở đơn vị, địa phương và giúp chính quyền chỉ đạo, theo dõi, phối hợp trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

9- Để đủ sức đảm bảo thực hiện quyết định 240-HĐBT, ở thành phố lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng gồm : Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban, có các thành viên gồm thủ trưởng một số ngành trong khối nội chính : Thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát, Tư pháp, Ban Tổ chức chính quyền thành phố, đại diện Mặt trận Tổ quốc thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Thành đoàn thanh nhiên Cộng sản; do Thanh tra thành phố và Công an thành phố làm thường trực.

Những đồng chí được phân công chỉ đạo công tác này phải đặt chế độ sinh hoạt, giao ban thường xuyên để phản ảnh với Ủy ban, tổng hợp báo cáo, tổ chức lực lượng đi kiểm tra đôn đốc, theo dõi thực hiện.

Ủy ban nhân dân thành phố sẽ phân công từng thành viên trong Ủy ban theo dõi thực hiện.

Các sở ban ngành, các tổ chức kinh tế, sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận huyện cũng thành lập Ban Chỉ đạo chống tham nhũng của ngành, địa phương, đơn vị mình, thành phần tương tự như Ban Chỉ đạo thành phố.

Trong tháng 10/1990 :

Các nơi trên tập trung nhiệm vụ vào việc phổ biến tuyên truyền, giáo dục, phát động quần chúng làm quán triệt nội dung ý nghĩa yêu cầu, mục tiêu chống tham nhũng, tiến hành xong bước kiểm điểm và vạch ra hướng sửa chữa. Đánh giá nghiêm túc thực trạng tình hình trong ngành, đơn vị, địa phương mình đã có những biểu hiện tham nhũng như thế nào, (thống kê các vụ việc đã xảy ra) ở dạng nào, chọn ra trọng tâm trọng điểm, xây dựng kế hoạch cụ thể giải quyết từng bước các vụ việc đã xảy ra.

Gởi báo cáo kết quả bước này về thành phố.

Trong những tháng cuối năm 1990 :

- Giải quyết dứt điểm những vụ việc tiêu cực đã có kết luận nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đúng mức, thu hồi được tài sản thất thoát.

- Tiếp tục kiểm tra xác minh những vụ việc tồn tại, những việc đang nổi cộm, có nhiều ý kiến đóng góp và dư luận trong nhân dân, trong cơ quan đơn vị.

- Kịp thời thay thế những cán bộ đã phạm sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng hoặc không đủ chuẩn chất, không đảm đương được nhiệm vụ được giao, nhất là trong các đơn vị quản lý kinh tế.

- Rà soát lại những văn bản ban hành trong phạm vi trách nhiệm, phát hiện có những thiếu sót, sơ hở để bổ sung, sửa đổi.

CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO.

Hàng tháng (vào ngày 15) thủ trưởng các ban ngành sở và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện gởi báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố, đồng gởi Thanh tra thành phố và Công an thành phố.

Đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc các bộ ngành của trung ương thì sẽ kiểm điểm và triển khai theo hướng dẫn của các ngành trung ương, đồng thời cùng phối hợp thực hiện.

Thủ trưởng các sở ban ngành thành phố, các tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận huyện có trách nhiệm : căn cứ chỉ thị chống tham nhũng này, vạch chương trình kế hoạch chống tham nhũng cụ thể và tổ chức thực hiện nghiêm túc trong ngành, địa phương và đơn vị mình.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Vĩnh Nghiệp

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.