Chỉ thị 39/CT-UBND năm 2007 tăng cường biện pháp cấp bách để lập lại trật tự kỷ cương trong công tác quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Phú Ninh
Số hiệu: | 39/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Nguyễn Đức Hải |
Ngày ban hành: | 24/08/2007 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/CT-UBND |
Tam Kỳ, ngày 24 tháng 8 năm 2007 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH ĐỂ LẬP LẠI KỶ CƯƠNG TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG PHÒNG HỘ PHÚ NINH.
Thời gian qua, tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép tiếp tục diễn ra nghiêm trọng tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh; tình trạng chống người thi hành công vụ, coi thường kỷ cương pháp luật chưa được xử lý một cách triệt để, kịp thời.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các ngành, các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo Quyết định 245/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và kiên quyết trong việc quản lý bảo vệ rừng, xử lý nghiêm người vi phạm.
Để lập lại trật tự kỷ cương, bảo vệ tốt diện tích rừng tại khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách sau đây:
1. Tạm thời đình chỉ hoạt động của tất cả các cơ sở chế biến gỗ, cưa xẻ gỗ tại lưu vực hồ Phú Ninh trong thời gian 2 tháng kể từ ngày ban hành Chỉ thị này để tiến hành kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ sở. Thu hồi giấy phép đối với các cơ sở vi phạm và đình chỉ vô thời hạn đối với các cơ sở hoạt động trái phép, xử lý nghiêm và tịch thu toàn bộ số gỗ đưa vào cưa xẻ không có nguồn gốc hợp pháp.
+ Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh thành lập đoàn và thực hiện ngay việc kiểm tra, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở do địa phương cấp phép hoạt động cưa xẻ gỗ.
+ Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo phối hợp với 3 địa phương nói trên cùng với đoàn kiểm tra các cơ sở do tỉnh cấp phép hoạt động và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở này.
+ Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Điện lực Quảng Nam chỉ đạo ngay các đơn vị trực thuộc tạm dừng cung cấp điện đối với các hợp đồng đã ký với các cơ sở chế biến, cưa xẻ gỗ trong lưu vực rừng phòng hộ Phú Ninh (trong thời gian tỉnh tạm thời đình chỉ hoạt động của các cơ sở chế biến, cưa xẻ gỗ).
2. Tạm dừng việc cấp phép và các hoạt động liên quan đến khai thác gỗ đối với các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình trong khu vực rừng Phú Ninh kể từ ngày ban hành chỉ thị cho đến khi lập lại được trật tự, kỷ cương tại khu vực này.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, huyện Núi Thành và huyện Phú Ninh chỉ đạo tiến hành kiểm tra lại tất cả các giấy phép đã cấp thuộc quyền mình quản lý, xác định rõ số lượng gỗ đã khai thác theo giấy phép và lập biên bản cụ thể (gỗ tròn, gỗ xẻ, hộp, cây, lóng) giữa các bên làm cơ sở cho việc tiêu thụ và xử lý vi phạm sau này, đồng thời thu hồi các giấy phép này. Tổ chức giải tỏa ngay các lán trại, chuồng trại và công trình xây dựng trái phép ra khỏi rừng.
3. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo việc kiểm tra tất cả phương tiện lưu thông trong khu vực hồ Phú Ninh, chỉ cho phép hoạt động đối với các phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, trang bị đảm bảo an toàn cho người và phương tiện theo đúng quy định; nghiêm cấm việc sử dụng ghe nan làm phương tiện đi lại trong hồ, tịch thu và hủy các ghe nan phát hiện đi lại, che dấu trong lòng hồ; xử lý nghiêm đối với các phương tiện (ô tô, mô tô, xe gắn máy) tham gia vào hoạt động vận chuyển gỗ trái phép, phương tiện không có giấy phép lưu hành.
4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng phương án phối hợp các lực lượng cùng địa phương tổ chức truy quét và trực tiếp xử lý nghiêm các đối tượng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ trong khu vực rừng phòng hộ Phú Ninh theo đúng quy định của pháp luật.
+ Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh chỉ đạo và cử lực lượng thuộc ngành phối hợp tham gia cùng địa phương, các ngành chức năng trong việc tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý các vụ việc vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng tại lưu vực rừng phòng hộ hồ chứa nước Phú Ninh.
5. Ban chỉ đạo an toàn giao thông tỉnh xây dựng phương án tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khu vực lòng hồ Phú Ninh trình UBND tỉnh.
6. Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức các lực lượng trên địa bàn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên nhằm thiết lập lại trật tự, ổn định tình hình trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ Phú Ninh đồng thời chỉ đạo phối hợp với các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức đúng và ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
Chỉ thị này được quán triệt và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc đến từng chi bộ thôn, khối phố, các tổ chức chính trị xã hội và từng hộ dân thuộc các xã liên quan trong lưu vực hồ Phú Ninh.
Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, huyện Núi Thành, thành phố Tam Kỳ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công nghiệp, Thủ trưởng BCHQS tỉnh, Công an tỉnh, Điện lực Quảng Nam và Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, khẩn trương tổ chức thực hiện đồng bộ và kiên quyết các biện pháp cấp bách nêu trên.
Sở Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tình hình báo cáo thường xuyên về UBND tỉnh để theo dõi chỉ đạo, đồng thời chủ trì phối hợp với các ngành, địa phương liên quan có báo cáo sơ kết đánh giá việc triển khai thực hiện chỉ thị này và đề xuất các giải pháp lâu dài nhằm quản lý bảo vệ tốt khu vực rừng Phú Ninh, trình UBND tỉnh trong tháng 11 năm 2007./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Quyết định 245/1998/QĐ-TTg về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp Ban hành: 21/12/1998 | Cập nhật: 09/02/2012