Chỉ thị 3837/CT-BNN-TCLN năm 2012 tăng cường quản lý gây nuôi, mua bán, sử dụng động vật hoang dã
Số hiệu: | 3837/CT-BNN-TCLN | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Người ký: | Hà Công Tuấn |
Ngày ban hành: | 07/11/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3837/CT-BNN-TCLN |
Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2012 |
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ GÂY NUÔI, MUA BÁN, SỬ DỤNG ĐỘNG VẬT HOANG DÃ
Thời gian gần đây, một số trại nuôi động vật hoang dã hung dữ đã để chúng thoát ra ngoài nơi kiểm soát, đe dọa tới tính mạng con người, làm xáo trộn sinh hoạt của cộng đồng, tác động xấu tới môi trường và làm tăng nguy cơ dịch bệnh; việc quản lý, giám sát trại nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã còn thiếu thường xuyên, chặt chẽ, hành vi mua bán sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
Để phòng ngừa có hiệu quả những rủi ro trong hoạt động nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã, đặc biệt là đối với những loài hung dữ và thực thi pháp luật về bảo tồn các loài hoang dã, nghiêm túc, có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị.
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) trên địa bàn; tập trung thực hiện các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý các trại nuôi, hoạt động mua bán, sử dụng động vật hoang dã như sau:
a) Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật trong việc quản lý và gây nuôi động vật hoang dã; nâng cao nhận thức về nguy cơ và biện pháp đảm bảo an toàn trong việc nuôi các loài động vật hung dữ;
b) Tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, chỉ những trại nuôi đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định mới được tiếp tục hoạt động;
c) Quy hoạch các trại nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, từng bước di dời các trại nuôi có khả năng gây ảnh hưởng tới môi trường ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai;
d) Ban hành quy định cụ thể về điều kiện gây nuôi các loài động vật hoang dã, phòng ngừa rủi ro phù hợp với thực tế địa phương và các quy định của pháp luật; chủ động ứng phó kịp thời với tình trạng động vật thoát khỏi môi trường có kiểm soát;
e) Thường xuyên tổ chức kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu các loài động vật hoang dã và sản phẩm, dẫn xuất trái pháp luật và các quy định của CITES.
2. Giao Cục Thú y, Cục chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản và Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện các biện pháp sau:
a) Cục Thú y nghiên cứu ban hành các quy định và hướng dẫn kiểm soát về thú y, an toàn dịch bệnh đối với động vật hoang dã gây nuôi;
b) Cục Chăn nuôi nghiên cứu ban hành các quy định về tiêu chuẩn chuồng trại và điều kiện nuôi một số loài động vật, nhất là đối với động vật hung dữ được gây nuôi phổ biến vì mục đích thương mại;
c) Tổng cục Thủy sản tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc kiểm soát hoạt động gây nuôi, khai thác loài thủy sinh thuộc các Phụ lục CITES;
d) Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và Tổng cục thủy sản rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định của Nhà nước về quản lý động vật hoang dã. Tổ chức việc kiểm tra, hướng dẫn địa phương có cơ sở gây nuôi chấp hành pháp luật; tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện chỉ thị này với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |