Chỉ thị 38/CT-UB phương hướng sản xuất và một số biện pháp khuyến khích sản xuất tiểu công nghiệp - thủ công nghiệp tại thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 38/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Văn Triết
Ngày ban hành: 24/09/1984 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 38/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 9 năm 1984

 

CHỈ THỊ

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG SẢN XUẤT VÀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP KHUYẾN KHÍCH SẢN XUẤT TCN-TCN TẠI HÀNH PHỐ

Trong những năm qua, công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển sản xuất TCN-TCN tại thành phố đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, tạo thêm ngày càng nhiều sản phẩm cho xã hội, đưa một bộ phận lao động tiểu, thủ công nghiệp vào con đường làm ăn tập thể và có mối quan hệ với Nhà nước.

Tuy nhiên trong quá trình phát triển, ngành tiểu, thủ công nghiệp cũng bộc lộ một số mặt yếu, nhất là về tổ chức và quản lý, do đó nhiều cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp còn phát triển tự phát, chưa theo đúng phương hướng và quy hoạch. Nhiều hiện tượng cực phát sinh và phát triển, chậm được khắc phục. Tình hình trên đã gây nhiều khó khăn cho việc đẩy mạnh sản xuất TCN-TCN một cách hợp lý, hạn chế tốc độ và hiệu quả của khu vực sản xuất này.

Nguyên nhân của những mặt yếu nói trên là do các cấp, các ngành chưa quán triệt đầy đủ đường lối của Đảng về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của TCN-TCN, về sự gắn bó giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất, về 5 thành phần kinh tế, về sự thống nhất giữa 3 lợi ích; mặt khác các chính sách của nhà nước chậm được bổ sung và cải tiến một cách đồng bộ và chưa được vận dụng thật phù hợp vào hoàn cảnh cụ thể của địa phương như Chỉ thị số 231/CT ngày 16/6/1984 của Hội đồng Bộ trưởng đã nhận định.

Để đẩy mạnh sản xuất TCN-TCN của thành phố phát triển đúng hướng và vững chắc, cần phải xác định phương huớng sản xuất và vận dụng một số chính sách, biện pháp khuyến khích sản xuất TCN-TCN được đề ra tại Quyết định số 133/CT ngày 09/5/1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cho thích hợp với đặc điểm tình hình sản xuất TCN-TCN của thành phố.

Trong khi chờ các cơ quan Trung ương hướng dẫn tiếp việc thi hành Quyết định số 133/CT và ban hành các chính sách cụ thể để thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, trên cơ sở bàn bạc nhất trí giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chỉ thị về phương hướng và một số biện pháp khuyến khích sản xuất TCN-TCN để thực hiện thống nhất trong toàn thành phố như sau :

I. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG SẢN XUẤT :

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 5 của Đảng đã xác định “TCN-TCN nước ta có tiềm năng to lớn, là một bộ phận quan trọng của công nghiệp hàng tiêu dùng, đã và đang được tổ chức lại thành một bộ phận quan trọng của kinh tế xã hội chủ nghĩa, có vị trí quan trọng lâu dài trong nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là trong chặng đường đầu tiên này”.

Với vị trí đó, sản xuất TCN-TCN của thành phố phát triển theo huớng: phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng tiêu dùng và dịch vụ, đồng thời tham gia đáp ứng một phần nhu cầu về tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ thông dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp ; phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng xuất khẩu, tạo ra những mũi nhọn quyết định để phát huy tối đa năng lực sản xuất hiện có, khuyến khích kinh tế gia đình và phát huy các ngành nghề truyền thống của thành phố.

Phương hướng đó phải nhằm đạt được mục tiêu : Bảo đảm cho sản xuất TCN-TCN thành phố có tốc độ tăng bình quân hàng năm tử 10%-15% về giá trị tổng sản lượng, phấn đấu đưa tỉ trọng giá trị sản lượng hàng xuất khẩu đến năm 1985 chiếm từ 15%-20% giá trị tổng sản lượng và tiếp tục tăng trong các năm sau, khu vực kinh tế tập thể phấn đấu tạo ra 50% giá trị tổng sản lượng TCN-TCN trong năm 1984 và tăng lên 60% trong năm 1985; thực hiện tốt các chỉ tiêu sản phẩm chủ yếu và giao nộp cho Nhà nước từ 80%-100% giá trị sản lượng hàng hóa.

II- VỀ CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Về cải tạo và tăng cường củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đối với TCN-TCN, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ ra văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Chỉ thị số 231/CT ngày 16/6/1984 của Hội đồng Bộ trưởng.

Trước mắt cần tập trung các mục tiêu sau đây :

1. Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động hợp tác hóa tăng lên từ 60%-65% tổng số lao động tiểu thủ công nghiệp trong năm 1984 và 70% trong năm 1985.

2. Ra sức cũng cố các hợp tác xã hiện có, nâng dần lên thành hợp tác xã cấp cao, phấn đấu năm 1985 đưa từ 20%-30% lên hợp tác xã cấp cao. Trước mắt tập trung sức khắc phục các mặt còn yếu sau đây :

 - Chế độ sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất.

- Tổ chức và quản lý hợp tác xã về các mặt: công tác kế hoạch, công tác tài chính, công tác quản lý kỹ thuật, chất lượng sản phẩm giao bán sản phẩm cho Nhà nước, phân phối, thu thập, cải thiện đời sống…

3. Tích cực củng cố các tổ hợp tác sản xuất hiện có, chuyển các tổ đủ điều kiện lên hợp tác xã, trước mắt là các ngành đã có quy hoạch; dệt, hồ nhuộm, xe đạp và phụ tùng, nhựa, cao su, thủy tinh, mỹ phẩm, da giày, giấy dụng cụ gia đình…

4. Tổ chức lại và quản lý các vựa thu mua vật tư nguyên liệu phế thải phục vụ cho sản xuất TCN-TCN.

5. Tăng cường quản lý sản xuất tư nhân cá thể, nắm chắc năng lực sản xuất, xây dựng đề án cải tạo cụ thể theo các hình thức thích hợp.

6. Phấn đấu mỗi năm sắp xếp cho khoảng 2 vạn đến 2,5 vạn lao động chưa có việc làm vào các ngành nghề TCN-TCN.

III- VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ :

1. Đẩy mạnh công tác quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm theo phương hướng tận dụng tối đa công suất máy móc hiện có, tự trang, tự chế máy chuyên dùng, phục hồi thiết bị máy móc cũ, cơ giới hoá một số khâu trong các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, tiến tới thực hiện một số mô hình “tiểu công nghiệp hiện đại”, “thủ công nghiệp tinh xảo”.

2. Coi trọng việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật nhằm mở rộng và cải tiến mặt hàng, sản xuất nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguyên vật liệu, nâng cao chất lượng, tăng năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm. Tổ chức thực hiện tốt việc đăng ký nhãn hiệu và chất lượng, chống tệ làm ăn gian dối, nghiêm trị tội làm hàng giả để đảm bảo cho sản phẩm TCN-TCN thành phố ngày càng bền đẹp, có giá trị sử dụng cao, đáp ứng được yêu cầu của nhân dân trong nước và giữ được tín nhiệm với khách hàng nước ngoài.

3.Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tích cực xây dựng lực lượng chính trị trong khu vực TCN-TCN nhất là xây dựng Đảng và Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến hết năm 1984, các hợp tác xã đều có chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Cuối năm 1985 các hợp tác xã đều có đảng viên làm nòng cốt, xây dựng dược một số chi bộ, tổ Đảng hoặc tổ trung kiên.

4. Thắt chặt mối quan hệ giữa công nghiệp và TCN-TCN theo đúng chủ trương của Trung ương và thành phố về quy hoạch, tổ chức sắp xếp lại sản xuất thành ngành kinh tế kỹ thuật theo hướng chuyên môn hoá, hợp tác hoá nhằm tăng cường sự liên kết và phân công sản xuất giữa các thành phần kinh tế để đạt được hiệu quả kinh tế và xã hội.

5. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ quản lý cấp cơ sở (Phó Chủ tịch phụ trách TCN-TCN, cán bộ TCN-TCN phường xã), cán bộ chủ chốt của hợp tác xã, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán trưởng, trưởng ban kiểm soát, bí thư thanh niên, hội trưởng hội lao động hợp tác…

6. Tích cực củng cố hệ thống liên hiệp xã, cải tiến quản lý, phát huy hơn nữa tính năng động, sáng tạo của các cơ sở kinh tế tập thể, nâng cao hơn nữa quyền chủ động sản xuất kinh doanh trên cơ sở thực hiện sự thống nhất giữa 3 lợi ích.

IV- MỘT SỐ CHẾ ĐỘ CỤ THỂ ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG TTCN :

1. Về lương thực :

Sở Lương thực thực hiện việc bán gạo cho những người lao động TCN-TCN với giá chỉ đạo bán lẻ của thành phố theo chế độ sau :

a) Tiêu chuẩn lương thực cơ bản của người thợ tiểu thủ công làm hàng xuất khẩu và xã viên hợp tác xã được mua ổn định cho bản thân là 13kg/tháng và người ăn theo mỗi người được mua 9kg/tháng.

 Đối với đối tượng trên, nếu giao nộp toàn bộ sản phẩm cho Nhà nước (100%) thì được mua thêm phần gạo chênh lệch theo định lượng lương thực áp dụng cho công nhân viên quốc doanh cùng ngành nghề; nếu giao nộp dưới tỷ lệ 100% sản lượng sản phẩm thì lượng lương thực chênh lệch được mua thêm tương ứng với tỷ lệ giao nộp sản phẩm. Hợp đồng sẽ được quyết toán hàng năm cùng với doanh thu để tính lượng gạo chênh lệch được mua thêm.

b) Những đơn vị sản xuất TCN-TCN tập thể và tư nhân cá thể không thuộc đối tượng nói ở mục a) nhưng có quan hệ kinh tế với Nhà nước (trừ trường hợp có hợp đồng theo giá thỏa thuận) thì được mua lượng gạo (theo định mức lương thực 13kg/tháng) tương ứng với tỷ lệ % sản phẩm giao nộp theo hợp đồng kinh tế với các cơ quan Nhà nước và các đơn vị kinh tế xã hội chủ nghĩa.

c) Sở Lương thực và Liên hiệp xã TCN-TCN thành phố sẽ quy định cụ thể về chế độ bán gạo với thủ tục đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua mà không sơ hở, phát sinh tiêu cực trong khâu thực hiện.

2. Về nhu yếu phẩm cơ bản :

Sở Thương nghiệp bán đủ định lượng bằng hiện vật và ổn định các mặt hàng : vải, thịt, chất đốt, xà bông cho thợ thủ công làm hàng xuất khẩu và cho xã viên các hợp tác xã theo giá chỉ đạo bán lẻ của Nhà nước.

Đối với một số mặt hàng nếu không đủ bán bằng hiện vật thì được bù giá, bảo đảm cho người thợ thủ công có thể mua ở thị trường địa phương như thông tư số 801/VGNN-KHCS ngày 16/12/1983 của Ủy ban vật giá Nhà nước đã quy định.

Về dụng cụ bảo hộ lao động, thợ thủ công làm hàng xuất khẩu và xã viên hợp tác xã đựơc mua theo chế độ hiện hành khi được Hội đồng bảo hộ lao động thành phố xét duyệt.

3. Về tiền công :

Tiền công của người thợ tiểu thủ công được tính đầy đủ theo các chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương…như công nhân viên chức Nhà nước cùng ngành nghề để định giá gia công hoặc giá thu mua sản phẩm TCN-TCN. Tùy theo tình hình giá cả từng thời kỳ mà tiền công được điều chỉnh cho thích hợp.

Đối với thợ thủ công làm hàng xuất khẩu và xã viên các hợp tác xã nếu chưa được mua các mặt hàng nhu yếu phẩm hoặc bù giá như đã nói ở mục 2 thì tiền công bình quân hàng tháng được tính tăng thêm tương ứng với các khoản chênh lệch giá.

4. Về tài chính- thuế:

+ Về thuế : đối với các cơ sở khai báo quyết toán được lỗ lãi hàng tháng thì thuế lợi tức được tính thu hàng tháng.

Đối với các cơ sở khai báo được quyết toán quý thì thuế lợi tức hàng tháng được tạm tính và thu sát với kết quả kinh doanh, đầu quý sau phải khai báo quyết toán lỗ lãi để cơ quan thuế tính thu chính thức.

Việc tính thuế cần bàn bạc dân chủ giữa cán bộ thuế và cơ sở sản xuất như quyết định số 133/CT đã quy định.

Khi tính thuế lợi tức, cơ sở được xét trừ đầy đủ các khoản kinh phí hợp lệ đã quy định như :

- Chi phí nguyên vật liệu

- Khấu hao tài sản cố định (có gởi ngân hàng).

- Bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại.

- Y tế phí, bảo hiểm xã hội.

- Chi phí quản lý.

- Chi phí tiếp tân, quảng cáo, điện nước.

- Chi phí tiêu thụ (vận chuyển, đóng gói, hoa hồng thuế doanh nghiệp…)

Cơ quan thuế thực hiện đầy đủ các điều khoản giảm thuế theo chế độ trong các trường hợp như sau :

- Cơ sở là hợp tác xã cấp cao và vừa.

- Các cơ sở có quan hệ kinh tế với Nhà nước (trừ hợp đồng theo giá thỏa thuận).

- Phần đang đầu tư thêm trang thiết bị để mở rộng sản xuất.

- Sử dụng phế liệu, phế phẩm của bản thân cơ sở để sản xuất sản phẩm phụ hoặc sử dụng phế liệu do sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của cơ sở.

- Sử dụng nguyên vật liệu tại địa phương thay thế cho nguyên vật liệu nhập.

- Cơ sở có xã viên là thương binh (tùy theo số lượng mà xét mức giảm).

- Cơ sở gặp khó khăn đặc biệt.

5. Về tín dụng ngân hàng :

Các cơ sở sản xuất TCN-TCN có mở tài khoản tại ngân hàng, được ngân hàng cho vay vốn và rút tiền mặt nếu cơ sở thực hiện đầy đủ các yêu cầu sau đây:

- Tài khoản hoạt động đều đặn.

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với tài chính Nhà nước.

- Có hợp đồng gia công hoặc bán sản phẩm cho Nhà nước

- Có kế hoạch vay vốn và kế hoạch tiền mặt được ngân hàng chấp thuận.

Ngân hàng cần nắm sát tình hình cơ sở sản xuất TCN-TCN để phục vụ kịp thời, có hiệu quả, đồng thời góp phần thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh, đúng hướng, đúng chế độ, chính sách Nhà nước.

Các chính sách và biện pháp trên mới chỉ là bước đầu còn mang tính chất bao cấp Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Liên hiệp xã thành phố cùng các cơ quan có liên quan dự thảo các chính sách một cách tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố để xin ý kiến Trung ương cho thực hiện.

V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

Căn cứ Chỉ thị này, các sở, ban, ngành có liên quan cần nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện (nếu cần quy định cụ thể). Trong quá trình thực hiện nếu có gì cần bổ sung hoặc sửa đổi phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết.

Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Công nghiệp cùng Liên hiệp xã tiểu thủ công nghiệp thành phố theo dõi việc thi hành Chỉ thị này.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Triết

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.