Chỉ thị 37/CT-UB năm 1991 về chấn chỉnh công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 37/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Nguyễn Văn Huấn |
Ngày ban hành: | 24/09/1991 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 37/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 09 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC CHẤN CHỈNH CÔNG TÁC QUẢN LÝ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Thực hiện chỉ thị 19/CT ngày 22 tháng 01 năm 1991 của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc chấn chỉnh công tác quản lý đô thị, các ngành, các cấp và nhân dân thành phố đã triển khai thực hiện và từng bước đạt được một số kết quả trong công tác quản lý đô thị.
Tuy nhiên tình hình quản lý trật tự đô thị ở thành phố đang rất xấu. Hầu hết các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng xuống cấp, bộ mặt kiến trúc đô thị không những không được đổi mới mà ngày càng xấu đi trong khi dân số ngày một tăng nhanh, một số ngành không có chức năng quản lý đô thị đã tự tiện cấp đất - cấp phép xây dựng nhà ở, cửa hàng ngay trên cả hệ thống hành lang kỹ thuật quy định làm cản trở giao thông của các loại phương tiện và người đi bộ, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, buôn bán tư nhân, cá thể chiếm dụng vỉa hè lòng đường, vệ sinh, phân rác, nước bẩn, khí thải đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống của nhân dân thành phố.
Một trong những nguyên nhân cơ bản các ngành các cấp chưa quán triệt đầy đủ các quy định pháp chế về quản lý đô thị của Trung ương và thành phố đã ban hành. Hệ thống luật pháp còn thiếu và không đồng bộ, quy hoạch đô thị chưa được hoàn chỉnh và pháp lý hoá, bộ máy quản lý ngành liên quan tới đô thị phân tán, chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình và chưa nhận thức đầy đủ vai trò quản lý đô thị về mặt kiến trúc, quy hoạch ở một thành phố lớn.
Để khắc phục tình trạng trên, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương xã hội đô thị. Uỷ ban nhân dân thành phố chỉ thị các cấp, các ngành thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1/ Quận, huyện đã thành lập đội quản lý trật tự đô thị theo quyết định 71/QĐ-UB ngày 30/3/1991 của Uỷ ban nhân dân thành phố, tiếp tục duy trì hoạt động đội quản lý trật tự đô thị này, đồng thời phối hợp với lực lượng Công an thành phố, Công an quận huyện triển khai lực lượng này cho đến khi có quyết định mới của Uỷ ban nhân dân thành phố.
- Quận, huyện chưa thành lập đội quản lý trật tự đô thị thì ngưng việc thành lập, công an quận, huyện tăng cường hoạt động, duy trì trật tự trên địa bàn.
2/ Công an thành phố theo chức năng được quy định trong pháp lệnh cảnh sát nhân dân, chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý trật tự xã hội đô thị, ngoài việc củng cố các lực lượng chuyên trách và lực lượng dân phòng hiện có, Công an thành phố chuẩn bị dự thảo các quy chế, hình thành bộ máy, tuyển dụng tập huấn lực lượng cảnh sát bán chuyên trách hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát quản lý tốt trật tự đô thị.
3/ Các Sở quản lý chuyên ngành căn cứ pháp lệnh thanh tra và nghị định 224/HĐBT ngày 30/6/1990 triển khai tổ chức hệ thống thanh tra Nhà nước và lực lượng thanh tra ngành trên địa bàn thành phố.
4/ Ban tổ chức Chánh quyền trình dự thảo quyết định bổ nhiệm kiến trúc sư trưởng thành phố và quy chế kiến trúc sư trưởng thành phố.
5/ Sở Xây dựng phối hợp với Sở Giao thông công chánh hướng dẫn quận, huyện chọn đường phố, khu phố làm trọng điểm chỉnh trang và quản lý trật tự đô thị để rút kinh nghiệm triển khai rộng khắp trong thời gian tới.
6/ Sở Tư pháp phối hợp với các Sở Giao thông công chánh, Sở Xây dựng, Sở Văn hoá thông tin, Sơ Thương nghiệp, Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh Xã hội, Sở Giáo dục và đào tạo, Công an thành phố thực hiện việc rà soát các văn bản liên quan về quản lý xã hội đô thị theo tinh thần công văn 3426/UĐ-XD ngày 8 tháng 8 năm 1991 của Uỷ ban nhân dân thành phố để biên soạn bổ sung các văn bản pháp quy còn thiếu về lĩnh vực quản lý xã hội đô thị.
Sở Tư pháp căn cứ vào nghị định 141/HĐBT trình Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành quy định địa phương về xử phạt vi phạm hành chánh, thẩm quyền và hình thức xử phạt vi cảnh của cảnh sát với xử phạt, xử lý hành chánh của Thanh tra Nhà nước thuộc các ngành.
7/ Sở Văn hoá thông tin, Sở Giáo dục – đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường nội dung tuyên truyền giáo dục về văn minh và luật lệ quản lý đô thị trường trường học và trong nhân dân.
8/ Sở tài chánh thành phố lập quỹ quản lý đô thị, có nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, tiền phạt và các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức cơ quan đoàn thể, nhân dân, tổ chức quốc tế, Kiều bào ủng hộ xây dựng và quản lý đô thị thành phố. Toàn bộ tiền phạt về trật tự an toàn xã hội đều thu vào ngân sách thành phố.
9/ Giao trách nhiệm cho đồng chí Lê Văn Năm, Uỷ viên Uỷ ban nhân dân thành phố tổng hợp các vấn đề liên quan đến việc tăng cường công tác quản lý đô thị thành phố để báo cáo trước kỳ họp hội đồng nhân dân thành phố lần thứ 9 (tháng 10 năm 1991).
Uỷ ban nhân dân thành phố yêu cầu các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thành phố quán triệt và trực tiếp chỉ đạo thực hiện tốt chỉ thị này
|
T/M UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |