Chỉ thị 37/CT-UB năm 1983 về thanh lý tang tài vật do ngành công an thu giữ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 37/CT-UB Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Đình Nhơn
Ngày ban hành: 20/08/1983 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thi hành án, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 37/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 8 năm 1983

 

CHỈ THỊ

VỀ THANH LÝ TANG TÀI VẬT DO NGÀNH CÔNG AN THU GIỮ

Sau ngày thành phố giải phóng, do yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự xã hội, chúng ta đã tiến hành cuộc đấu tranh gay gắt với những phần tử phản động quấy rối bằng nhiều biện pháp giáo dục và cưỡng bức, ngoài những việc làm thường xuyên, ta đã tổ chức nhiều đợt truy quét, thu gom các đối tượng lưu manh hình sự, tệ nạn xã hội.

Công việc lớn, nhiều mà đội ngũ cán bộ ta có hạn, trình dộ không đồng đều, trách nhiệm chưa đầy đủ và ý thức chấp hành pháp luật chưa cao nên đã gây ra tình trạng ứ đọng trong khâu lập hồ sơ xét xử, người tồn đọng không được xử lý trong các trại tạm giam, trại cải tạo còn nhiều.

Cùng với việc tiến hành công tác thanh lý trại giam, trại cải tạo, Uỷ ban Nhân dân thành phố đã có nhiều cuộc họp chỉ đạo ngành Công an tổ chức thanh lý tang tài vật mà Công an đã thu giữ, với số lượng rất lớn, tồn đọng nhiều năm, hư hỏng mất mát khá phổ biến.

Giám đốc Công an thành phố đã ra chỉ thị trong ngành, tổ chức đoàn kiểm tra thanh lý, nhưng công việc tiến triển chậm, do khối lượng tang tài vật lớn, thủ tục thu giữ và sổ sách thiếu, cán bộ phụ trách thay đổi, một số tang tài vật chưa xử lý nhưng đã đưa ra phân phối sử dụng, v.v… và đặc biệt là trách nhiệm thực hiện của các đơn vị ngành Công an chưa nghiêm túc. Đoàn kiểm tra thanh lý của ngành tuy có làm việc tích cực nhưng số lượng cán bộ có hạn, vị trí trách nhiệm chưa được xác định rõ ràng nên hiệu quả công việc không cao.

Để thanh lý dứt điểm tang tài vật ứ đọng, phân phối sử dụng hợp lý, đưa việc thu giữ, quản lý, xử lý tang tài vật đi vào nề nếp, đúng quy định của Nhà nước, Uỷ ban Nhân dân thành phố giao trách nhiệm như sau :

1/ Giám đốc Công an thành phố cần chỉ đạo Trưởng Công an các quận huyện, Thủ trưởng các phòng, ban thuộc ngành Công an tiến hành ngay việc thống kê phân loại tang tài vật do quận huyện, phòng, ban thu giữ từ trước đến nay theo nội dung thông báo số 77/TB-UB ngày 9-4-1983 của Uỷ ban Nhân dân Thành phố và quy định thời gian phải hoàn thành, báo cáo về Công an thành phố để Công an thành phố tập hợp báo cáo đề nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố quyết định xử lý. Mỗi quận, huyện, phòng, ban cần phân công một số cán bộ chuyên trách giúp Thủ trưởng hoàn thành công việc đúng kỳ hạn.

Cần bổ sung thêm cán bộ cho Đoàn kiểm tra thanh lý của Công an thành phố để đủ sức kiểm tra, giúp đỡ các đơn vị, đồng thời tổng hợp báo cáo kịp thời về Ủy ban Nhân dân Thành phố.

Trong thời gian trước mắt từ nay đến trước tháng 9/1983 theo quy định của Uỷ ban Nhân dân Thành phố (thông báo số 77/TB-UB) Giám đốc Công an thành phố cần phân công một đồng chí Phó Giám đốc trực tiếp chỉ đạo và theo dõi công tác thanh lý này.

Thống kê phân loại đến đâu (từng đơn vị hoặc từng loại tang vật) cần báo cáo về Uỷ ban Nhân dân Thành phố, bàn giao ngay cho Sở Tài chánh theo quy định. Trừ những trường hợp cần thiết mà Uỷ ban Nhân dân thành phố có chỉ thị cụ thể cho Công an thành phố giao, chấm dứt tình trạng Công an (thành phố và quận huyện) đưa đang tài vật ra sử dụng dưới bất cứ hình thức nào (phân phối, cho mượn).

Đối với số tang tài vật mà theo lệnh của Uỷ ban Nhân dân quận huyện hoặc Ban Giám đốc Công an thành phố, Công an quận huyện và phòng, ban thuộc Công an thành phố đã đưa ra sử dụng trước ngày 9-4-1983 (ngày Uỷ ban Nhân dân Thành phố ra thông báo 77) phải lập rõ danh sách thống kê : loại gì, ai sử dụng, giao theo lệnh của ai, tình trạng khi giao… gởi về Công an thành phố quyết định xử lý. Người đang sử dụng có trách nhiệm quản lý, giũ gìn tốt tài sản đó. Sau ngày 9-4-1983 nếu nơi nào còn tình trạng đưa tang tài vật ra sử dụng mà không có sự chuẩn y của Uỷ ban Nhân dân Thành phố thì Thủ trưởng đơn vị quản lý và người ra lệnh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, trước hết phải thu hồi, đền bồi cho công quỹ.

2/ Giám đốc Sở Tài chánh theo chức năng quản lý có trách nhiệm cử cán bộ giúp ngành Công an tiến hành việc thống kê phân loại thu nhận, quản lý và nghiên cứu trình Uỷ ban Nhân dân thành phố phương hướng phân phối sử dụng số tài sản đó. Cùng với việc giúp ngành Công an trong công tác thanh lý, ngành Tài chánh có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, báo cáo thường xuyên với Uỷ ban Nhân dân Thành phố về tình hình, kết quả đã làm, những vấn đề tồn tại và đề xuất ý kiến về việc giải quyết những vấn đề đó.

3/ Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận huyện, với chức năng quản lý Nhà nước địa phương cần chỉ đạo Công an quận huyện chấp hành tốt các quy định trên đây, và thường xuyên kiểm tra đưa việc thu giữ, xử lý, quản lý tang tài vật vào nề nếp, đúng quy định của pháp luật.

4/ Thường trực Uỷ ban Nhân dân Thành phố phân công đồng chí Nguyễn Võ Danh, Phó Chủ tịch phụ trách phân phối lưu thông chịu trách nhiệm chỉ đạo việc này.

Thanh lý tang tài vật còn tồn đọng là việc làm thiết thực trong việc thi hành đúng pháp luật, vừa bảo vệ lợi ích chánh đáng của nhân dân, vừa bảo vệ tốt tài sản xã hội chủ nghĩa, vừa giáo dục và đấu tranh chống tiệu cực nội bộ.

Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu các đồng chí Giám đốc các ngành chức năng và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận huyện tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này, thường xuyên báo cáo tình hình về Uỷ ban Nhân dân Thành phố trong quá trình thực hiện.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Đình Nhơn

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.