Chỉ thị 36/CT-UB năm 1987 về việc giải quyết số người sống lang thang ở thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: | 36/CT-UB | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hồ Chí Minh | Người ký: | Lê Quang Chánh |
Ngày ban hành: | 03/10/1987 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36/CT-UB |
TP. Hồ Chí Minh, ngày 03 tháng 10 năm 1987 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT SỐ NGƯỜI SỐNG LANG THANG Ở THÀNH PHỐ
Những năm vừa qua, các ngành các cấp đã có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện, thu được những kết quả đáng kể trong việc giải quyết người cư ngụ bất hợp pháp theo Chỉ thị số 28/CT-UB ngày 26 tháng 6 năm 1987 của Ủy ban nhân dân thành phố.
Nhưng, do tổ chức thực hiện không thường xuyên, thiếu đồng bộ nên từ cuối năm 1986 đến nay số người sống ở vỉa hè và các nơi công cộng ngày càng đông, gây nhiều khó khăn phức tạp về an ninh và trật tự xã hội ở thành phố. Hầu hết số người này không có việc làm chánh đáng, là nguồn bổ sung tội phạm và tệ nạn xã hội.
Để tăng cường an ninh trật tự và bảo vệ mỹ quan thành phố, giải quyết cơ bản số người sống lang thang ở thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho thủ trưởng các ngành chức năng thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức thực hiện ngay những việc cấp bách dưới đây :
1) Từ tháng 10 đến tháng 12-1987 mở đợt vận động giải tỏa toàn thành phố số người sống ở vỉa hè và nơi công cộng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo việc vận động, thu gom, giải quyết số người này trên cơ sở quản lý toàn diện về trật tư xã hội tại địa phương mình. Sở Thương binh xã hội, Sở Y tế và Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân quận 1, quận 3 tổ chức thu gom tại các khu trọng điểm, trung tâm thành phố.
2) Mỗi quận, huyện phải tổ chức một trạm trung chuyển để chăm lo việc ăn, ở, phân loại giải quyết những người được thu gom. Phải làm tốt công tác vệ sinh phòng dịch tại trạm trung chuyển, không được để họ ở quá chật, quá lâu tại trạm. Các ngành Công an, Lao động, Thương binh xã hội, Y tế, Thanh niên, Quân sự địa phương phải cử cán bộ thường trực tại trạm trung chuyển để kịp thời đáp ứng yêu cầu hoạt động của trạm.
3) Thu gom đến đâu phải kịp thời phân loại, giải quyết ngay đến đó, phân công trách nhiệm tiếp nhận giải quyết số người được thu gom như sau :
a) Các ngành chức năng thành phố tiếp nhận, giải quyết số người độc thân :
Sở Thương binh xã hội thành phố : Tiếp nhận giải quyết số người nghiện xì ke, trẻ bụi đời, người tàn tật, người già, ăn xin, người cùi đã ổn định, người mắc bệnh tâm thần đã điều trị nhưng không khỏi.
Sở Y tế : Tiếp nhận giải quyết số người mắc bệnh lao, giang mai, cùi và người mắc bệnh tâm thần cần điều trị.
Lực lượng thanh niên xung phong thành phố : Tiếp nhận giải quyết số thanh niên xung phong đào ngũ, thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự, trốn nghĩa vụ lao động quốc phòng, những người đã bị các ngành sa thải không chịu về quê cũ, người trong độ tuổi lao động và có sức lao động nhưng sống lang thang.
Bộ Chỉ huy quân sự thành phố : Tiếp nhận giải quyết số quân nhân đào ngũ, quân nhân gây rối trật tự xã hội, kể cả số quân nhân đã phục viên hoặc xuất ngũ không chịu về quê cũ, quân nhân thuộc các đơn vị từ các nơi khác đào ngũ đến thành phố.
Công an thành phố : Tiếp nhận giải quyết số tù, tập trung giáo dục cải tạo và số bắt buộc lao động đã trốn trại, những người đang bị truy nã, bọn lưu manh chuyên nghiệp, những người đã được tha nhưng không chịu về nơi thường trú mà tiếp tục sống lang thang ở thành phố.
Các ngành chức năng nói trên cần tổ chức nơi tiếp nhận tại thành phố, có trách nhiệm tiếp nhận giải quyết ngay số người do các quận, huyện chuyển đến sau khi đã phân loại.
b) Ủy ban nhân dân các quận, huyện : Tiếp nhận giải quyết số hộ gia đình từ các tỉnh, thành phố khác đến sống ở vỉa hè và các nơi công cộng tại thành phố. Tổ chức đưa họ đi lao động sản xuất tại các công – nông – lâm trường. Cần có kế hoạch tổ chức cho họ ổn định sống tại đây, không để họ quay về sống lang thang tại thành phố.
Những hộ có gốc thường trú ở quận đi kinh tế mới, hồi hương gặp khó khăn trở về sống lang thang từ năm 1984 trở về trước thì quận cần sắp xếp cho họ có chỗ ở tạm, giúp đỡ việc làm và cho họ thường trú lại để ổn định cuộc sống.
4) Cùng với việc thu gom, phải kiên quyết triển khai kế hoạch bảo vệ địa bàn. Ủy ban nhân dân phường xã có trách nhiệm chính trong việc này trên cơ sở có tổ chức, phân công, phối hợp giữa các ngành, đoàn thể và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các tổ dân phố. Không để lập lại cảnh sống ở vỉa hè và các nơi công cộng ở địa phương.
5) Các báo, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình, ngành văn hóa thông tin, các quận, huyện, phường xã cần có kế hoạch liên tục tuyên truyền giáo dục, tích cực vận động những người này trở về quê cũ. Phải giải thích công khai ý nghĩa, mục đích của việc thu gom này để tạo sự đồng tình, ủng hộ trong đông đảo nhân dân thành phố. Phải kịp thời đưa tin động viên, cổ vũ những đơn vị làm tốt, phê bình nhắc nhở những đơn vị thiếu tích cực tổ chức thực hiện.
6) Công tác thu gom lần này phải đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của cấp ủy địa phương. Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các ngành chức năng thành phố cần có kế hoạc chuẩn bị chu đáo về các mặt, thực hiện từng bước vững chắc, thu gom số hộ độc thân trước, số hộ gia đình thì thu gom sau, nên chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Cần phát huy tính tích cực, chủ động của ngành, của từng quận, huyện. Tránh chủ quan, nóng vội, ỷ lại cấp trên.
Riêng quận 1 và quận 3 có nhiều người sống ở vỉa hè và các nơi công cộng, khi thu gom số độc thân phải kiên quyết không để số gia đình sống tại các công viện, khu chợ, bến xe, vỉa hè các đường phố chính. Gom xong số độc thân phải kiên quyết gom hết số gia đình còn lại.
7) Ban chỉ đạo trật tự xã hội có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp mình lập kế hoạch và triển khai thực hiện tại địa phương. Ngành công an, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phải thường xuyên nắm tình hình, kết quả thực hiện, đề xuất những vấn đề cần giải quyết và kịp thời báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp mình. Hằng tháng, các ngành, các quận, huyện tổ chức sơ kết, tiếp tục triển khai ban nhân dân thành phố và đồng gởi cho Công an thành phố. Ban chỉ đạo trật tự xã hội thành phố hai tuần họp một lần về công tác này.
Tình hình hiện nay và vị trí của thành phố đòi hỏi phải giải quyết gấp số người sống ở vỉa hè và các nơi công cộng. Đây là công tác rất quan trọng để tăng cường an ninh và trật tự xã hội tại thành phố. Yêu cầu thủ trưởng các ngành chức năng thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo nghiêm chỉnh thực hiện chỉ thị này.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |