Chỉ thị 35/2006/CT-UBND tăng cường hoạt động sở hữu công nghiệp do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: | 35/2006/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bình Dương | Người ký: | Nguyễn Hoàng Sơn |
Ngày ban hành: | 08/11/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Khoa học, công nghệ, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2006/CT-UBND |
Thủ Dầu Một, ngày 08 tháng 11 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP
Quyền sở hữu công nghiệp là quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.
Trong những năm qua, cùng với việc phát triển của nền kinh tế thị trường và xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình thông qua việc đăng ký bảo hộ quyền cho các đối tượng sở hữu công nghiệp do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Ngày 06/10/2004, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 7409/QĐ-CT phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Trong hai năm qua, đã có 120 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký tham gia Chương trình. Trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ này, với vai trò là cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp tại địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sở hữu công nghiệp cho các cán bộ quản lý và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tư vấn trong việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho khoảng 500 lượt tổ chức, cá nhân; xử lý 07 vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp…
Tuy nhiên, hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập như sự hiểu biết của các tầng lớp xã hội và các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ) về sở hữu công nghiệp còn hạn chế, công tác quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp chưa ngang tầm với một tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp khá nhanh.
Để đẩy mạnh hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà, với những cơ hội và thách thức trong quá trình mở cửa, hội nhập trong mối quan hệ thương mại quốc tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị được giao chức năng tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp tại địa phương, phối hợp với các ngành liên quan tiến hành:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu công nghiệp cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về vấn đề này;
b) Đề xuất, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định về sở hữu công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương; kiện toàn và tăng cường hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp của tỉnh.
c) Vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam và nước ngoài.
2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp cùng các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, triển khai mạnh mẽ, thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp; xây dựng quy chế phối hợp trong thực thi quyền sở hữu công nghiệp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tạo điều kiện đảm bảo để công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp trong thời gian tới có hiệu quả. Tổng hợp, báo cáo định kỳ 6 tháng, 1 năm cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3. Các cơ quan Sở Thương mại – Du lịch, Công an tỉnh, Cục Hải quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác quản lý về sở hữu công nghiệp, tổ chức thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chống xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị này được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất - kinh doanh, nhân dân biết và thực hiện./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |