Chỉ thị 34/2005/CT-UBND thực hiện các biện pháp xử lý nợ đọng thuế và chống thất thu Ngân sách Nhà nước do tỉnh Bình Dương ban hành
Số hiệu: 34/2005/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: ***
Ngày ban hành: 15/07/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Thuế, phí, lệ phí, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2005/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 15 tháng 07 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Ngày 15/4/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/2005/CT-TTg về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế và chống thất thu Ngân sách Nhà nước. Nhằm tăng cường công tác xử lý nợ đọng và chống thất thu thuế, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp dân doanh và thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao; đồng thời tổ chức khai thác tốt các khoản thu từ lĩnh vực đất đai, phấn đấu thu vượt dự toán năm 2005, tạo nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị tổ chức triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1- Các ngành Công nghiệp, Thương mại Du lịch, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tài nguyên-Môi trường và các sở, ngành có liên quan khác thực hiện phối hợp với cơ quan thuế trao đổi, cung cấp thông tin để thu đầy đủ các khoản nợ đọng, các khoản thu phát sinh tại các doanh nghiệp và cá nhân vào Ngân sách Nhà nước.

2- Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng thành lập doanh nghiệp để buôn bán hoá đơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản Nhà nước, các tổ chức và cá nhân. Đối với các trường hợp giải thể, sáp nhập, cổ phần hoá, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp… Sở Kế hoạch và Đầu tư phải yêu cầu doanh nghiệp có xác nhận của cơ quan thuế về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Ngân sách Nhà nước trước khi tiến hành các thủ tục theo chức năng, thẩm quyền của mình.

3- UBND các huyện, thị, sở Tài chính, sở Tài nguyên-Môi trường, sở Xây dựng và các cơ quan có liên quan đẩy mạnh việc lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đai, thực hiện nhanh các thủ tục giao đất, cho thuê đất; hợp thức hoá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất mà các tổ chức, cá nhân thực tế đang sử dụng để có cơ sở quản lý các loại thuế và các khoản phải thu liên quan đến đất đai.

Thực hiện việc giao đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá quyền thuê đất nhằm chống thất thu từ lĩnh vực đất đai; đồng thời tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương.

4- Cơ quan Tài chính, cơ quan Thuế và UBND cấp huyện, thị quản lý toàn bộ các khoản thu phát sinh ở xã, phường, thị trấn; phối hợp đẩy nhanh việc ủy nhiệm thu các hộ kinh doanh công thương nghiệp (ngoài quốc doanh) nộp thuế khoán ổn định cho UBND xã, phường và thị trấn.

Sở Tài chính, Cục Thuế phối hợp nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, theo hướng khuyến khích chính quyền xã, phường, thị trấn trong phát triển kinh tế-xã hội và gắn quản lý chi Ngân sách nhà nước với quản lý thu Ngân sách Nhà nước trên địa bàn.

5- UBND các cấp và các cơ quan có chức năng như Công an, Kiểm sát, Toà án, Thi hành án, Ngân hàng, các tổ chức tín dụng… phối hợp với cơ quan Thuế để cưỡng chế thu nợ thuế, điều tra để đưa ra truy tố, xét xử kịp thời các vụ án có liên quan đến lĩnh vực thuế.

6- Cục Thống kê cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin có liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định tại Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê cho cơ quan thuế để theo dõi quản lý thu thuế đúng quy định.

- Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương phối hợp với cơ quan thuế các cấp để đẩy mạnh việc tuyên truyền các chính sách thuế; biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, phê phán mạnh mẽ các đối tượng có hành vi gian lận thuế. Tổ chức đưa tin trên báo, đài danh sách các đối tượng có số thuế nợ đọng lớn, chây ỳ.

7- Ngành Thuế chủ động triển khai thực hiện tốt một số biện pháp nhằm góp phần giảm số thuế nợ đọng và chống thất thu Ngân sách Nhà nước, cụ thể :

- Tiếp tục triển khai tập huấn, phổ biến cho toàn thể cán bộ công chức Thuế về Chương trình cải cách hành chính và hiện đại hoá hệ thống thuế đến năm 2010. Xây dựng cơ quan thuế các cấp theo hướng tiên tiến, hiện đại, chuyên nghiệp và chuyên sâu nhằm phục vụ thuận lợi cho đối tượng nộp thuế, nâng cao năng lực quản lý và kiểm soát có hiệu quả các hành vi gian lận thuế.

- Chủ động phối hợp, thống nhất kế hoạch và yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị trao đổi, cung cấp thông tin và tăng cường quản lý thu để thu đầy đủ các khoản nợ đọng, các khoản thu phát sinh vào Ngân sách nhà nước. Tập trung hoàn thiện hệ thống dữ liệu về đối tượng nộp thuế; triển khai thực hiện tốt các quy chế trao đổi, cung cấp thông tin và phối hợp quản lý thu giữa Cục Thuế và các sở, ngành liên quan.

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt các biện pháp tổ chức quản lý thu thuế tại các văn bản chỉ đạo của Tổng Cục Thuế, đẩy mạnh công tác chống thất thu thuế, khai thác tốt các nguồn thu trên địa bàn nhằm tăng thu cho ngân sách, phấn đấu đạt được các mục tiêu cụ thể về quản lý thuế năm 2005 của toàn ngành Thuế, góp phần hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2005. Trước mắt, Cục Thuế chỉ đạo các Phòng và Chi Cục Thuế các huyện, thị tổ chức khảo sát tình hình hoạt động xây dựng cơ bản, san lắp mặt bằng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư, trong các doanh nghiệp và hoạt động xây dựng cơ bản trong dân trên địa bàn toàn tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra chống thất thu thuế đối với hoạt động xây dựng cơ bản trên địa bàn để thu nộp kịp thời các khoản thuế vào Ngân sách Nhà nước.

- Tổ chức thực hiện thu đúng, thu đủ và kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào ngân sách theo qui định của pháp luật. Định kỳ tổ chức đánh giá, phân tích tình hình nợ đọng thuế, triển khai các biện pháp thu nợ thuế có hiệu quả. Thu kịp thời số thuế phát sinh, giảm dần số nợ đọng như mục tiêu đề ra, xử lý kiên quyết các tổ chức, cá nhân có khả năng nộp thuế nhưng cố tình chây ỳ chiếm dụng tiền thuế.

Nghiên cứu, áp dụng các biện pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu ngân sách phù hợp với đặc điểm của địa phương.

- Rà soát các cơ sở kinh doanh có sử dụng máy tính tiền khi thực hiện thanh toán với khách hàng và hướng dẫn các đơn vị đăng ký sử dụng hoá đơn bán lẻ tự in cho các máy tính tiền.

- Tăng cường tuyên truyền và cung cấp dịch vụ hỗ trợ để giúp các tổ chức và cá nhân nộp thuế hiểu biết chính sách thuế; giảm thiểu tình trạng đối tượng nộp thuế phạm Luật Thuế do thiếu hiểu biết về chính sách thuế; góp phần nâng cao tính tự giác, tính tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong việc tự tính thuế, tự kê khai và nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước. Cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin có liên quan về thuế cho các cơ quan thông tin, báo chí tại địa phương ( chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, các trường hợp trốn lậu và nợ đọng thuế lớn cần phải đưa lên báo đài… )

8- Các tổ chức, cá nhân nộp thuế trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh các Luật, Pháp lệnh Thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành trong việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế và các quyết định về thuế của cơ quan thuế.

Yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị, Thủ trưởng các sở, ngành liên quan của tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị này, quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết./.

 

 

Nơi nhận :
TTTU, TT.HĐND
- CT, PCT
- Lưu

TM/ ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH