Chỉ thị 32/2011/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: 32/2011/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Dương Anh Điền
Ngày ban hành: 28/12/2012 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

Y BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2011/CT-UBND

Hải Phòng, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Trong thời gian qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn thành phố đã góp phần đáng kể vào việc đẩy nhanh tốc độ thi công các công trình hạ tầng, công trình trọng điểm của quốc gia và thành phố; giải quyết một phần việc làm cho người lao động nơi có khoáng sản nhưng cũng bộc lộ một số hạn chế như: công nghệ, thiết bị khai thác lạc hậu; năng lực, kinh nghiệm tổ chức khai thác không tốt, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường, cá biệt có trường hợp đã để xảy ra mất an toàn trong thi công khai thác; tình trạng tranh chấp, khai thác trái phép vẫn còn xảy ra ở một số nơi nhưng chưa được các ngành chức năng và chính quyền địa phương ngăn chặn kịp thời gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Nhằm tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường; tuân thủ quy hoạch hoạt động khoáng sản, ngăn chặn và chấn chỉnh tình trạng khai thác và sử dụng vt liệu nổ trái phép, đưa hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố theo đúng quy định của pháp luật, khắc phục các tồn tại nêu trên; Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trên địa bàn thành phố thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản phù hợp với quy hoạch đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua và Ủy ban nhân dân thành phố công bố tại Quyết định số 1411/QĐ-UBND ngày 23/8/2010; phối hợp với các Sở, ngành hướng dẫn các tổ chức đã được cấp phép hoạt động khoáng sản hoàn thành các thủ tục sau cấp phép để đảm bảo tiến độ của dự án.

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hoạt động khai thác khoáng sản; đối với những mỏ có nguy cơ mất an toàn đối với người và thiết bị, chưa thực hiện đầy đủ quy định của giấy phép khai thác khoáng sản thì yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các điều kiện quy định mới được phép tiếp tục khai thác.

Rà soát, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố ra thông báo thu hồi: Giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn, Giấy phép khai thác của các tổ chức sau một năm được cấp, không đưa mỏ vào hoạt động mà không có lý do chính đáng; yêu cầu các chủ giấy phép đã hết hạn phải cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện việc đóng cửa mỏ theo Dự án đầu tư, Báo cáo đánh giá tác động môi trường/ Bản cam kết bảo vệ môi trường, Dự án cải tạo phục hồi môi trường, Đề án đóng cửa mỏ đã được phê duyệt/xác nhận; xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình chậm trễ, không tuân thủ các quy định của Luật Khoáng sản và quy định của Giấy phép đã được cấp; xây dựng quy chế phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản.

2. Sở Công Thương:

Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan xây dựng Quy chế quy định về việc kinh doanh, sử dụng, bảo quản, vận chuyển và tiêu hủy vật liệu nổ công nghiệp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức tham gia hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chủ trì công tác kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật tại các doanh nghiệp có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

3. Sở Xây dựng:

Thực hiện tốt công tác tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong lĩnh vực quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng trên địa bàn thành phố và công tác thẩm định dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo quy định.

4. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc điều tra các vụ tai nạn lao động trong hoạt động khoáng sản xảy ra trên địa bàn; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng lao động trong hoạt động khoáng sản thực hiện khai báo, kiểm tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo về tai nạn lao động.

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm các đơn vị có hành vi vi phạm về an toàn- vệ sinh lao động trong hoạt động khoáng sản.

5. Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thố thông qua các quy định về thu phí, lệ phí đối với lĩnh vực khoáng sản; kiểm tra việc quản lý, sử dụng phí và lệ phí thu tự hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; chủ trì và phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố thông qua bảng giá thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật; bố trí kinh phí cho công tác quy hoạch, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

6. Cục Thuế nhà nước thành phố:

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hướng dẫn thu thuế chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản theo quy định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu các loại thuế, phí; xử lý nghiêm các hành vi gian lận đối với việc nộp thuế, phí trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản.

7. Bộ Chỉ huy Quân sự Hải Phòng:

Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các đơn vị đóng quân trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý theo thẩm quyền các hành vi khai thác khoáng sản vi phạm quy hoạch khu vực dành riêng cho mục đích quốc phòng- an ninh.

8. Công an thành phố:

Tăng cường công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, sử dụng vật liệu nổ và khai thác khoáng sản trái phép; chỉ đạo công an các quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra tại các khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

9. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Tăng cường chỉ đạo việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, có biện pháp mạnh để xử lý dứt điểm các khu vực xảy ra hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trái phép; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành nghĩa vụ theo quy định của các tổ chức hoạt động khoáng sản; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định đối với các tổ chức được phép cấp giấy phép hoạt động khoáng sản nhưng chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và của Giấy phép được cấp.

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện về việc để xảy ra và không kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn quản lý.

10. Các tổ chức hoạt động khoáng sản:

Chỉ được tiến hành khai thác, chế biến khoáng sản sau khi đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Luật Khoáng sản, quy định tại Giấy phép và pháp luật khác có liên quan; tuân thủ đầy đủ quy định về sử dụng lao động như ký hợp đồng lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, trang bị đầy đủ bảo hộ an toàn lao động; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và kê khai, nộp các loại thuế, phí, lệ phí theo quy định.

Khai thác, chế biến khoáng sản theo đúng thiết kế mỏ đã được phê duyệt; tích cực áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường khi mỏ hết hạn, mỏ bị thu hồi. Khuyến khích các tổ chức đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, giá trị khoáng sản.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, giải quyết.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Dương Anh Điền

 

 





Hiện tại không có văn bản nào liên quan.