Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2011 về tăng cường thực hiện giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả, ổn định thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012
Số hiệu: 31/CT-UBND Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Phan Ngọc Thọ
Ngày ban hành: 20/12/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/CT-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 12 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SẢN XUẤT KINH DOANH, BÌNH ỔN GIÁ CẢ, ỔN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG, CÂN ĐỐI CUNG CẦU HÀNG HÓA PHỤC VỤ NHU CẦU TIÊU DÙNG CỦA NHÂN DÂN TRƯỚC VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN NHÂM THÌN 2012

Thực hiện Chỉ thị số 2051/CT-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012. Để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá cả, ổn định thị trường, cân đối cung cầu hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế khẩn trương tổ chức thực hiện những nội dung công việc sau:

1. Ban Chỉ đạo 127 Thừa Thiên Huế: triển khai kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, xử lý, ngăn chặn kịp thời hành vi sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ, găm hàng, gây sốt giá nhằm thu lợi bất chính, chuẩn bị các phương án xử lý các biến động thị trường bất thường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, đảm bảo mọi mặt hàng quan trọng, thiết yếu phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; tăng cường và tập trung kiểm tra chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện an toàn phòng chống cháy nổ, điều kiện kinh doanh, phân phối các mặt hàng xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và vệ sinh an toàn thực phẩm của các mặt lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo, nâng cao chất lượng trong phối hợp công tác theo dõi nắm bắt thông tin, giám sát chặt chẽ diễn biến giá cả và cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giá và thị trường.

2. Sở Công Thương:

Tăng cường chỉ đạo sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch năm 2011. Thực hiện và đề xuất các biện pháp phù hợp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn, nguyên nhiên vật liệu, nhân lực, phân phối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đẩy mạnh sản xuất, phân phối tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Kiểm tra rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh ngành hàng thiết yếu tổ chức rà soát, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của Chính phủ và tham gia thực hiện chương trình bình ổn giá, thị trường trên địa bàn kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính trong việc xác định nhóm hàng, mặt hàng dự trữ đảm bảo mục đích bình ổn thị trường; thanh toán quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đại lý phân phối tham gia dự trữ hàng hóa bình ổn. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai thực hiện các phương án bình ổn thị trường, bán hàng bình ổn phù hợp với từng địa bàn. Vận động các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng tích cực Chương trình "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến mại, các phiên chợ bán hàng khuyến mại về nông thôn, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa; giới thiệu và cung ứng các mặt hàng sản xuất trong nước với chất lượng tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả hợp lý. Vận động các nhà phân phối, siêu thị tổ chức thường xuyên các hình thức bán hàng lưu động và đồng thời có phương án chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, xử lý kịp thời trong trường hợp xảy biến động cục bộ.

Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 127, thực hiện theo quy định về quy chế làm việc, quy chế phối hợp công tác giữa các ngành; xác định là lực lượng chủ chốt trong công tác quản lý nhà nước về thị trường thương mại, dịch vụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tăng cường theo dõi, giám sát số lượng, chất lượng hàng hóa và quá trình tham gia thực hiện các giải pháp bình ổn của các doanh nghiệp tham gia dự trữ, đảm bảo theo đúng kế hoạch được phê duyệt; phối hợp với các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền tại địa phương tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, công khai và bán đúng giá tại các điểm kinh doanh, nhất là ở các chợ trên địa bàn; phối hợp với Chi cục Thú y có kế hoạch kiểm soát, phòng chống dịch, bệnh ở gia súc, gia cầm vào địa bàn tỉnh.

3. Sở Tài chính:

Tăng cường quản lý các hoạt động thu, chi ngân sách; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý chi ngân sách; giám sát việc tuân thủ quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi tiêu của các tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và điều kiện của Tỉnh, tham mưu, thẩm định kinh phí để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường. Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động theo dõi diễn biến tình hình giá cả hàng hoá trên thị trường, tham mưu, phối hợp triển khai các giải pháp bình ổn giá cả. Phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, các lực lượng liên quan tại địa phương triển khai thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị định số 84/2011/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tập trung chỉ đạo tốt việc sản xuất, lưu thông các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau xanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Lễ Tết. Chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kịp thời phát hiện dịch, có biện pháp xử lý triệt để; tiêu trùng, khử độc, tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; duy trì và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm. Chủ động đối phó diễn biến bất thường của thời tiết, tập trung chỉ đạo sản xuất vụ Đông - Xuân, chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư và các loại giống cây trồng vật nuôi; đảm bảo diện tích gieo trồng và đúng lịch thời vụ, đảm bảo kế hoạch khai thác, nuôi trồng chế biến thuỷ hải sản.

5. Sở Y tế: phối hợp với các Ban ngành liên quan có kế hoạch kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh thuốc chữa bệnh, quản lý giá bán các loại thuốc tân dược, giá các dịch vụ y tế; kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tiếp tục các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn phát sinh dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.

6. Ngân hàng Nhà nước tỉnh: thực hiện các quy định về điều hành chính sách tín dụng của Nhà nước, áp dụng linh hoạt các chính sách hiện hành để tạo điều kiện hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất; đồng thời kiểm tra, giám sát hoạt động của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng, niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ, vàng không đúng quy định của pháp luật.

7. Cục Thuế, Cục Hải quan: tăng cường các biện pháp đảm bảo thu ngân sách, chống gian lận thuế; đồng thời đẩy nhanh quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến nghĩa vụ thuế, thủ tục thông quan nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn sản xuất xuất khẩu đảm bảo kế hoạch; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, chống gian lận thương mại trên địa bàn quản lý và khu vực kiểm soát hải quan.

8. Công an tỉnh: chỉ đạo lực lượng trong ngành, phối hợp thực hiện công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thường có nguy cơ tăng cao vào cuối năm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm làm mất ổn định thị trường; chỉ đạo công an huyện, xã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và các phòng chức năng cấp huyện trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường.

9. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế: chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với các Ban, ngành chức năng tổ chức thông tin tuyên truyền và phối hợp kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết tại các chợ, điểm mua bán, siêu thị,... trên địa bàn quản lý; đồng thời theo dõi và giám sát chặt chẽ biến động giá cả một số mặt hàng thiết yếu và một số mặt hàng nhạy cảm có khả năng tăng giá, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý vi phạm; tăng cường chế độ thông tin báo cáo, đảm bảo có sự chỉ đạo điều hành kịp thời, tuyệt đối không để xảy ra biến động bất thường cục bộ mà không kịp thời phát hiện và xử lý.

10. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Thừa Thiên Huế, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông báo chí: thực hiện nhiệm vụ chính trị về công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ về công tác điều hành, quản lý thị trường; cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường trong và ngoài nước, các giải pháp bình ổn thị trường để cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu rõ, yên tâm, tạo sự đồng thuận cao và cùng tham gia thực hiện. Đồng thời phản ánh, hạn chế các thông tin gây nhiễu, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và tâm lý tiêu dùng của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2012.

Yêu cầu Thủ trưởng các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này; hàng tuần báo cáo về Sở Công Thương và Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 127/TTH, để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh điều hành, chỉ đạo giải quyết./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ