Chỉ thị 31/CT-UBND năm 2011 về tăng cường biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố Hải Phòng
Số hiệu: | 31/CT-UBND | Loại văn bản: | Chỉ thị |
Nơi ban hành: | Thành phố Hải Phòng | Người ký: | Đỗ Trung Thoại |
Ngày ban hành: | 26/12/2011 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
Số: 31/CT-UBND |
Hải Phòng, ngày 26 tháng 12 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CẤP BÁCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT; KIỂM DỊCH, KIỂM SOÁT VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT, SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
Từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn cả nước dịch cúm gia cầm xảy ra tại 21 tỉnh, thành phố; bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh tai xanh ở lợn xảy ra tại 16 tỉnh, thành phố gây thiệt hại lớn cho sản xuất chăn nuôi và an sinh xã hội.
Trên địa bàn thành phố, do áp dụng đồng bộ và triệt để các biện pháp phòng chống dịch bệnh, năm 2011 không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc. Trên đàn gia cầm xảy ra một ổ dịch cúm gia cầm tại thôn 6, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, từ ngày 17/3 - 20/3/2011; tổng số gia cầm ốm, chết và tiêu hủy 887 con; dịch đã được dập tắt, không lây lan ra diện rộng.
Hiện nay thời tiết đang chuyển lạnh, cùng với sự lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm động vật gia tăng, phục vụ nhu cầu của nhân dân thành phố trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và bùng phát, gây tác hại trên địa bàn thành phố. Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm từ địa phương này sang địa phương khác vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp.
Để ngăn ngừa, khống chế các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với động vật như bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh... nhằm cung cấp thực phẩm đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận; Giám đốc các Sở, ban ngành; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; thành viên Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung sau:
1. Ủy ban nhân dân các huyện, quận, xã, phường, thị trấn kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ thú y ở địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời nếu có dịch xảy ra, nhằm giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh trên địa bàn, cụ thể:
- Đôn đốc các địa phương, cơ sở hoàn thành và quyết toán dứt điểm kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, khử trùng tiêu độc đợt 2 năm 2011.
- Kiểm soát chặt chẽ lượng gia súc, gia cầm nhập vào địa phương; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch hợp lệ theo quy định.
- Tăng cường công tác giám sát dịch chủ động trên địa bàn, giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y, vận động các tổ chức đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... và nhân dân cùng tham gia, nhằm phát hiện sớm ổ dịch khi dịch mới xuất hiện, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý triệt để, không để dịch lây lan.
- Khi có dịch xảy ra phải báo ngay Chi cục Thú y thành phố lấy mẫu xét nghiệm; đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia súc, gia cầm mắc bệnh; thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ vùng có dịch và vùng phụ cận; thành lập các chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra - vào vùng có dịch.
- Tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp cùng Sở Công thương, Công an thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện tăng cường lực lượng liên ngành (Thú y, Công an, Quản lý thị trường) tại các trạm kiểm dịch động vật cố định: Đường 5 - An Dương, Cầu Đá Bạc - Thủy Nguyên, Cầu Nghìn - Vĩnh Bảo; thường trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm ra - vào thành phố; kiên quyết xử lý, không cho vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm bệnh, nghi mắc bệnh, không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định vào địa bàn thành phố.
- Chỉ đạo Chi cục Thú y thực hiện nghiêm các quy định kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước, đồng thời tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y nơi buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tổ chức 02 đợt tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chuồng trại chăn nuôi, vùng ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao, nơi tập trung giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật...trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn; thực hiện khử trùng tiêu độc triệt để phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập, gây tác hại trên địa bàn thành phố.
3. Công an thành phố, Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường phối hợp cùng cơ quan thú y kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo qui định của pháp luật.
4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, quận tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm tích cực hưởng ứng các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo với chính quyền, thú y địa phương khi có dịch.
5. Sở Tài chính dự trù kinh phí đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tổng vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi, nơi tập trung giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn thành phố.
Yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, quận, các Sở, ban ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung trên; giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi, đôn đốc và thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.
Nơi nhận: |
KT. CHỦ TỊCH |